Bài viết được tư vấn chuyên môn bởi Bác sĩ nội trú Lê Thanh Tuấn - Bác sĩ Ngoại tiêu hóa - Khoa Ngoại tổng hợp - Bệnh viện Đa khoa Quốc tế Vinmec Nha Trang.
Kháng sinh dự phòng trong phẫu thuật thường được chỉ định sử dụng trong một số loại phẫu thuật nhằm mục đích hạn chế tối đa nhiễm trùng vết mổ. Phác đồ kháng sinh dự phòng được thực hiện dựa trên nhiều căn cứ khác nhau như tình trạng bệnh nhân, loại kháng sinh.
1. Kháng sinh dự phòng là gì?
Kháng sinh dự phòng là đợt kháng sinh sử dụng trước khi thực hiện phẫu thuật nhằm mục đích hạn chế tối đa nhiễm khuẩn xảy ra tại vị trí phẫu thuật. Kháng sinh dự phòng được chỉ định trong các trường hợp có nguy cơ nhiễm khuẩn cao tùy thuộc vào từng loại phẫu thuật cũng như tình trạng cụ thể của bệnh nhân.
Phác đồ kháng sinh dự phòng được lên trước khi thực hiện phẫu thuật, căn cứ vào những đặc điểm sau:
- Vi khuẩn: Các tác nhân có khả năng gây nhiễm khuẩn, độ nhạy của vi khuẩn đối với kháng sinh, nguy cơ vi khuẩn kháng, tỷ lệ hiện hành của nhiễm khuẩn C. difficile tại bệnh viện.
- Kháng sinh: Phổ tác dụng của thuốc, độ nhạy cảm của vi khuẩn với kháng sinh, dược động học (khả năng thấm tổ chức, thời gian bán thải) và giá thành của thuốc.
- Bệnh nhân: Tiền sử dị ứng kháng sinh, chức năng của thận trong trường hợp sử dụng nhiều kháng sinh.
Tuy nhiên một phác đồ kháng sinh dự phòng cho dù có hiệu quả đến đâu vẫn không thay thế được kỹ thuật ngoại khoa tốt cũng như chăm sóc hậu phẫu chu đáo.
2. Những nguyên tắc sử dụng kháng sinh dự phòng bạn nên biết
2.1 Phân loại phẫu thuật sử dụng kháng sinh dự phòng
Phẫu thuật được xếp thành bốn loại bao gồm phẫu thuật sạch, phẫu thuật sạch - nhiễm, phẫu thuật nhiễm và phẫu thuật bẩn.
Nếu phẫu thuật sạch là loại phẫu thuật mà đường mổ không đi qua khu vực viêm nhiễm, không liên hệ đến đường hô hấp, hệ tiêu hóa, tiết niệu và sinh dục thì phẫu thuật sạch nhiễm là loại phẫu thuật mà đường mổ đi qua các con đường kể trên dưới sự kiểm soát và không có viêm nhiễm bất thường. Hai loại phẫu thuật này sẽ được chỉ định sử dụng kháng sinh dự phòng sau khi mổ xong.
Phẫu thuật nhiễm là loại phẫu thuật mà đường mổ đi qua khu vực viêm nhiễm, xoa bóp tim sau khi mở lồng ngực hoặc phẫu thuật điều trị thủng ống tiêu hóa. Phẫu thuật bẩn là loại phẫu thuật mà đường mổ đi qua vết thương có mô hoại tử, nhiễm trùng do thủng tạng rỗng, vi trùng gây nhiễm hậu phẫu... Hai loại phẫu thuật này kháng sinh không sử dụng với mục đích dự phòng nữa mà chúng có vai trò hỗ trợ điều trị.
2.2 Tiêu chí chọn kháng sinh trong phẫu thuật
Lựa chọn kháng sinh dự phòng có nhiều tiêu chí khác nhau, các tiêu chí chính bao gồm:
- Kháng sinh có tác dụng với các chủng vi khuẩn chính gây ra nhiễm trùng tại vết mổ.
- Kháng sinh có ít tác dụng độc hại nhất
- Kháng sinh không được tương tác với thuốc gây mê
- Sử dụng kháng sinh có chi phí hợp lý
2.3 Các cách sử dụng kháng sinh trong phẫu thuật
Có bốn con đường để sử dụng kháng sinh dự phòng trong phẫu thuật:
- Truyền tĩnh mạch: Phương pháp này thường được bác sĩ chỉ định sử dụng vì nó có tác dụng nhanh chóng, giúp nồng độ thuốc trong máu và mô tế bào đạt tiêu chuẩn nhanh nhất.
- Tiêm bắp: Mặc dù có thể sử dụng được nhưng thời gian hấp thu thuốc chậm hơn và tính ổn định không cao.
- Đường uống: Chỉ sử dụng trong trường hợp phẫu thuật trực tràng hoặc đại tràng.
- Dùng trực tiếp: Tùy từng loại phẫu thuật bác sĩ sẽ có chỉ định thích hợp, ví dụ trong phẫu thuật thay khớp, kháng sinh sẽ được tẩm vào trong chất xi măng.
2.4 Thời điểm sử dụng kháng sinh trong phẫu thuật
Nên dùng kháng sinh dự phòng trong vòng 1 tiếng trước khi phẫu thuật, tính toán thời điểm sao cho nồng độ kháng sinh trong huyết thanh và mô đạt mức diệt khuẩn cao nhất ngay trước khi rạch da.
Bổ sung thêm liều lượng kháng sinh dự phòng nếu thời gian phẫu thuật kéo dài trên ba tiếng đồng hồ và bệnh nhân mất nhiều máu trong quá trình thực hiện.
Sau đây là thời gian và liều lượng sử dụng một số loại kháng sinh dự phòng:
Tên kháng sinh | Liều lượng | Thời gian |
Cefazolin |
< 120 kg: 2 g ≥ 120 kg: 3 g |
4 giờ/ lần, đối với phẫu thuật tim là 2h/ lần |
Cefotetan |
< 120 kg: 2 g ≥ 120 kg: 3 g |
Mỗi 6 giờ |
Clindamycin | 600 mg | Mỗi 6 giờ |
Ciprofloxacin | 400 mg | Mỗi 8 giờ |
Gentamycin | 5 mg/kg | Không |
Metronidazol | 500 mg | Mỗi 12 giờ |
Vancomycin |
< 70 kg: 1 g 71 - 99 kg: 1,25 g > 100 kg: 1,5 g |
Mỗi 12 giờ |
3. Phác đồ kháng sinh dự phòng trong một số phẫu thuật cụ thể:
Các phẫu thuật, thủ thuật tiết niệu
Các loại phẫu thuật – thủ thuật | Khuyến cáo dự phòng | Kháng sinh thay thế nếu dị ứng Penicillin |
Phẫu thuật qua niệu đạo, tán sỏi | Cefazolin | Gentamycin |
Sinh thiết tuyến tiền liệt qua trực tràng | Cefazolin | Ciprofloxacin hoặc gentamycin |
Phẫu thuật cắt thận, cắt bỏ tuyến tiền liệt | Cefazolin | Clindamycin |
Phẫu thuật tim
Các loại phẫu thuật – thủ thuật | Khuyến cáo dự phòng | Kháng sinh thay thế nếu dị ứng Penicillin |
Mở xương ức đường giữa, ghép tim, đặt các dụng cụ hỗ trợ thất | Cefazolin | Vancomycin |
Đặt dụng cụ hỗ trợ thất ngực hở | Cefazolin và vancomycin đến khi đóng ngực | Vancomycin và ciprofloxacin đến khi đóng ngực |
Phẫu thuật mạch máu
Các loại phẫu thuật – thủ thuật | Khuyến cáo dự phòng | Kháng sinh thay thế nếu dị ứng Penicillin |
Thủ thuật mạch chi trên và chi dưới | Cefazolin | Clindamycin hoặc vancomycin |
Thủ thuật liên quan động mạch chủ bụng hoặc rạch da vùng bẹn | Cefotetan | Vancomycin và gentamycin |
Phẫu thuật lồng ngực
Các loại phẫu thuật – thủ thuật | Khuyến cáo dự phòng | Kháng sinh thay thế nếu dị ứng Penicillin |
Cắt thùy phổi, cắt phổi, mở ngực, nội soi lồng ngực hỗ trợ video | Cefazolin | Clindamycin |
Các phẫu thuật thực quản | Cefotetan | Clindamycin |
Phẫu thuật thần kinh
Các loại phẫu thuật – thủ thuật | Khuyến cáo dự phòng | Kháng sinh thay thế nếu dị ứng Penicillin |
Mở hộp sọ, đặt dẫn lưu dịch não tủy, cấy bơm dưới mạc tủy, mở cung sau đốt sống | Cefazolin | Clindamycin |
Gắn đốt sống | Cefazolin | Clindamycin hoặc vancomycin |
Các thủ thuật qua xương bướm | Ceftriaxone | Moxifloxacin 400mg trong 60 phút |
Phẫu thuật chỉnh hình
Các loại phẫu thuật – thủ thuật | Khuyến cáo dự phòng | Kháng sinh thay thế nếu dị ứng Penicillin |
Mở cung sau đốt sống | Cefazolin | Clindamycin |
Thay khớp toàn bộ | Cefazolin | Vancomycin |
Cố định bên trong, nắn xương gãy bên ngoài | Cefazolin | Clindamycin hoặc vancomycin |
Cắt cụt chi dưới | Cefotetan | Clindamycin và gentamycin |
Phẫu thuật sản khoa
Các loại phẫu thuật – thủ thuật | Khuyến cáo dự phòng | Kháng sinh thay thế nếu dị ứng Penicillin |
Mổ đẻ Cesarean | Cefazolin | Clindamycin và gentamycin |
Cắt tử cung (đường âm đạo hoặc bụng) | Cefazolin hoặc cefotetan | Clindamycin và gentamycin |
Phẫu thuật ung thư | Cefotetan | Clindamycin và gentamycin |
Để đặt lịch khám tại viện, Quý khách vui lòng bấm số HOTLINE hoặc đặt lịch trực tiếp TẠI ĐÂY. Tải và đặt lịch khám tự động trên ứng dụng MyVinmec để quản lý, theo dõi lịch và đặt hẹn mọi lúc mọi nơi ngay trên ứng dụng.