Bài viết được tham vấn chuyên môn cùng Thạc sĩ, Bác sĩ Trương Thành Tâm - Bác sĩ Nhi khoa - Khoa Nhi - Sơ sinh - Bệnh viện Đa khoa Quốc tế Vinmec Đà Nẵng.
Viêm tiểu phế quản cấp thường gặp ở trẻ em dưới 2 tuổi, đặc biệt là các trẻ rất nhỏ còn đang bú mẹ. Bệnh có nhiều mức độ khác nhau, có thể chỉ nhẹ thoáng qua, trẻ sẽ khỏi sau một vài ngày hoặc có thể rất nặng, gây suy hô hấp, tử vong.
1. Bệnh viêm tiểu phế quản cấp ở trẻ em là gì?
Viêm tiểu phế quản cấp là tình trạng viêm nhiễm cấp tính các phế quản có đường kính nhỏ hơn 2mm, hay còn gọi là tiểu phế quản. Bệnh thường xảy ra ở trẻ em dưới 2 tuổi, đặc biệt là trẻ còn đang bú mẹ (3-6 tháng). Các triệu chứng đặc trưng của trẻ bị viêm tiểu phế quản cấp là ho, thở nhanh, khò khè.
Nguyên nhân gây bệnh viêm tiểu phế quản cấp ở trẻ là các loại virus như virus hợp bào hô hấp (30-50% các trường hợp), virus cúm và á cúm (25%), adenovirus (10%). Các tác nhân gây bệnh tấn công vào lớp biểu mô niêm mạc phế quản gây viêm, phù nề, tăng tiết dịch, tăng độ nhày, đặc biệt tại các tiểu phế quản. Nếu vùng phế quản bị tổn thương nặng có thể gây co thắt, tắc nghẽn ở các tiểu phế quản gây xẹp phổi, ứ khí phế nang.
Viêm tiểu phế quản cấp ở trẻ thường xảy ra vào mùa đông khi thời tiết ẩm ướt, bệnh có nhiều mức độ, có thể nhẹ thoáng qua nhưng cũng có thể rất nặng, gây suy hô hấp dẫn đến tử vong. Viêm tiểu phế quản cấp nặng thường xảy ra ở những trẻ có yếu tố nguy cơ như:
- Trẻ sinh non dưới 36 tuần, cân nặng khi sinh <2500g, suy hô hấp sơ sinh
- Trẻ dưới 3 tháng tuổi
- Trẻ có các bệnh lý như bệnh tim bẩm sinh, bệnh phổi bẩm sinh (xơ nang phổi, loạn sản phế quản phổi,...).
- Bệnh lý thần kinh, thần kinh cơ
- Trẻ bị suy giảm miễn dịch, suy dinh dưỡng nặng
2. Chẩn đoán bệnh viêm tiểu phế quản cấp ở trẻ
Bác sĩ chẩn đoán xác định bệnh viêm tiểu phế quản cấp dựa vào:
- Hỏi bệnh sử: Trẻ sốt nhẹ, nghẹt mũi, chảy nước mũi, khò khè, ho, bú ít những ngày đầu. Sau đó tăng khò khè, kích thích, quấy khóc, bú kém ở những ngày tiếp theo. Môi trường trẻ sống có người hút thuốc lá hoặc trong nhà có trẻ đang mắc bệnh. Trẻ có các yếu tố nguy cơ của viêm tiểu phế quản nặng.
Khi khám lâm sàng, trẻ có các dấu hiệu:
- Trẻ thở khò khè, kéo dài thì thở ra, phập phồng cánh mũi, dấu hiệu co lõm ngực, thở rên, tím tái.
- Ran phổi: Khi nghe phổi có ran ngáy, ran rít hoặc có thể không nghe ran do phổi bị tắc nghẽn hoàn toàn.
- Ngưng thở 15-20 giây: Thường gặp ở trẻ sơ sinh, trẻ sinh non hoặc trẻ dưới 2 tháng tuổi.
- Phân biệt viêm tiểu phế quản cấp với các bệnh lý khác như viêm phổi, suyễn, dị vật ngoài đường thở, ho gà, suy tim, trào ngược dạ dày thực quản,...
Các kỹ thuật cận lâm sàng có thể được sử dụng để chẩn đoán và xác định mức độ bệnh là:
- Xét nghiệm tổng phân tích tế bào máu, CRP
- Chụp X-quang tim phổi thẳng
- Khí máu động mạch
- Xét nghiệm tìm tác nhân gây bệnh: test nhanh PCR tìm virus hợp bào hô hấp, Adenovirus từ mẫu bệnh phẩm hầu họng
Trẻ bị viêm tiểu phế quản cấp ở mức độ nặng khi có một trong các yếu tố:
- Tím tái
- Rên rỉ
- Bỏ bú: Lượng sữa trẻ tiêu thụ giảm hơn một nửa so với bình thường
- Kích thích, bứt rứt, li bì, rối loạn tri giác
- Thở nhanh >70 lần/ phút
- SpO2 <95% với khí trời
- Trẻ thở không đều, có cơn ngừng thở
- Trẻ có các dấu hiệu cơ hô hấp phụ như co kéo liên sườn, co lõm hõm ức, co lõm ngực nặng, phập phồng cánh mũi
3. Phác đồ điều trị viêm tiểu phế quản cấp ở trẻ
3.1. Nguyên tắc điều trị viêm tiểu phế quản cấp ở trẻ
Tập trung điều trị triệu chứng, cung cấp đủ nước, oxy, chất điện giải cho trẻ. Sử dụng kháng sinh khi trẻ có bội nhiễm vi khuẩn. Kết hợp điều trị các bệnh lý phối hợp.
3.2. Điều trị cụ thể
3.2.1. Điều trị ngoại trú:
Nếu bệnh ở mức độ nhẹ, sau khi thăm khám, bác sĩ sẽ kê đơn thuốc, hướng dẫn cha mẹ cách chăm sóc trẻ tại nhà:
- Cho trẻ uống thuốc hạ sốt Paracetamol khi trẻ có sốt, liều dùng 10-15mg/kg, hai lần uống thuốc cách nhau 4-6 giờ.
- Sử dụng thuốc giảm ho an toàn, thường là các thuốc ho thảo dược, dạng siro phù hợp với trẻ, không dùng thuốc giảm ho dextromethorphan, thuốc kháng histamin, thuốc co mạch, long đờm, á phiện,...Không dùng thường quy các thuốc giãn phế quản, corticoid, không chỉ định kháng sinh.
- Vệ sinh mũi thường xuyên bằng nước muối sinh lý để giúp trẻ thông thoáng đường thở.
- Cho trẻ ăn, bú bình thường, chia sữa, thức ăn thành nhiều bữa nhỏ, cho trẻ uống nhiều nước.
- Tái khám sau 1-2 ngày, tuy nhiên nếu có các dấu hiệu bệnh nặng, cha mẹ phải đưa trẻ đến khám ngay.
3.2.2. Điều trị nội trú
Khi trẻ bị viêm tiểu phế quản cấp nặng, trẻ cần nhập viện để điều trị. Điều trị cho trẻ bao gồm:
3.2.2.1. Điều trị hỗ trợ
Hỗ trợ hô hấp:
- Cho trẻ nằm đầu cao, hút đờm thường xuyên để giúp trẻ thông thoáng đường thở.
- Chỉ định thở oxy, thở máy không xâm lấn, thở máy xâm lấn, CPAP theo từng trường hợp.
- Sử dụng thuốc giãn phế quản: Salbutamol khí dung 1-2 lần cách nhau 20 phút, liều lượng 0.15mg/kg/lần, tối thiểu 2.5mg/lần, tối đa 5mg/lần. Đánh giá đáp ứng của trẻ sau 1 giờ, nếu đáp ứng dùng tiếp thuốc sau 4-6 giờ, nếu không đáp ứng thì ngưng thuốc.
- Sử dụng nước muối ưu tường 3% cho những bệnh nhân khò khè lần đầu, không đáp ứng với thuốc giãn phế quản.
Cung cấp đủ dinh dưỡng, nước, điện giải:
- Chia sữa, thức ăn trẻ thành nhiều bữa nhỏ, giảm số lượng sữa mỗi lần bú nhưng tăng số lần bú để đảm bảo dinh dưỡng cho trẻ. Cần cho trẻ bú cần thận nếu trẻ thở nhanh >60 lần/phút vì nguy cơ hít sặc cao. Nếu trẻ bú, ăn quá ít, không đủ năng lượng để đáp ứng nhu cầu, bác sĩ có thể chỉ định đặt ống thông dạ dày, gavage sữa chậm hoặc dinh dưỡng tĩnh mạch một phần.
- Nuôi ăn qua sonde dạ dày được chỉ định trong các trường hợp: trẻ nôn ói liên tục sau khi ăn; thở nhanh 70-80 lần/phút; khi trẻ ăn/bú SpO2 giảm dưới 90% dù có được thở oxy; kém phối hợp các động tác mút-nuốt-hô hấp, tăng rõ rệt công hô hấp khi ăn uống, bú.
- Nuôi ăn bằng đường truyền tĩnh mạch khi trẻ mất nước, suy hô hấp nặng hoặc khi nuôi ăn bằng đường tiêu hóa không đủ (<80ml/kg/ngày).
3.2.2.2. Điều trị biến chứng
Sử dụng kháng sinh khi trẻ có các dấu hiệu nhiễm trùng như: sốt cao đột ngột, kéo dài, các triệu chứng lâm sàng diễn biến xấu nhanh trong 24-48 giờ, kết quả xét nghiệm công thức máu có bạch cầu tăng, bạch cầu đa nhân chiếm ưu thế, CRP >20mg/l, hình ảnh X-quang có thâm nhiễm đông đặc phổi, cấy đờm (+), cấy máu (+). Lựa chọn kháng sinh sử dụng ban đầu như trong điều trị viêm phổi do vi khuẩn. Thời gian điều trị kháng sinh từ 7-10 ngày.
3.2.2.3. Theo dõi trong thời gian điều trị
Trẻ cần được theo dõi chặt chẽ trong thời gian điều trị, các dấu hiệu sinh niệu như thân nhiệt, mạch, nhịp thở, tím tái, SpO2 được theo dõi 1-2 giờ/lần trong 6 giờ đầu. Nếu tình trạng trẻ có cải thiện, theo dõi 4-6 giờ/lần. Theo dõi để phát hiện sớm biến chứng suy hô hấp và dấu hiệu bội nhiễm.
3. Phòng ngừa viêm tiểu phế quản cấp ở trẻ
Để hạn chế nguy cơ viêm tiểu phế quản cấp ở trẻ, nên giữ môi trường sống xung quanh trẻ thoáng mát, sạch sẽ. Nếu trong gia đình có người hút thuốc nên khuyên bỏ thuốc hoặc hút thuốc cách xa nơi trẻ sinh hoạt. Không cho trẻ đến gần hoặc tiếp xúc trực tiếp với người đang mắc bệnh đường hô hấp.
Cần vệ sinh tay trước khi chăm sóc trẻ. Cung cấp cho trẻ chế độ dinh dưỡng đầy đủ, bú sữa mẹ trong 6 tháng đầu. Đưa trẻ đi tiêm chủng vắc-xin theo lịch.
Để đặt lịch khám tại viện, Quý khách vui lòng bấm số HOTLINE hoặc đặt lịch trực tiếp TẠI ĐÂY. Tải và đặt lịch khám tự động trên ứng dụng MyVinmec để quản lý, theo dõi lịch và đặt hẹn mọi lúc mọi nơi ngay trên ứng dụng.
Video đề xuất:
Dấu hiệu, cách chăm sóc trẻ em viêm đường hô hấp trên tại nhà