Bài viết được viết bởi Dược sĩ Hoàng Trà Linh - Bệnh viện Đa khoa Quốc tế Vinmec Đà Nẵng.
Paracetamol (acetaminophen) là thuốc hạ sốt giảm đau được sử dụng để điều trị các triệu chứng như sốt hay đau đầu, đau cơ, đau khớp, đau lưng, đau răng, cảm lạnh...
1.Paracetamol khi nào có chỉ định đường tĩnh mạch?
Với đặc điểm hấp thu tốt vào cơ thể qua nhiều đường đưa thuốc, hiện nay Paracetamol có nhiều loại chế phẩm với hàm lượng và dạng bào chế khác nhau:
- Dạng viên nén Paracetamol 500mg, viên sủi Paracetamol 500mg
- Bột pha uống 80mg, 150mg, 250mg, siro hỗn dịch uống Paracetamol 160 mg/5 mL
- Viên đặt hậu môn Paracetamol 80mg, 150mg, 250mg
- Dung dịch tiêm truyền tĩnh mạch Paracetamol 1g/100ml
Hiệu quả của thuốc qua các đường dùng thuốc không xâm nhập như đường uống, đường đặt hậu môn tương đối cao do vậy thuốc dạng viên nén hay bột pha uống được ưu tiên sử dụng. Đường tĩnh mạch chỉ nên được dùng điều trị ngắn hạn hạ sốt hoặc giảm các cơn đau từ nhẹ đến trung bình (chấn thương, sau phẫu thuật...) trong các trường hợp sau:
- Các cơn đau cấp tính hoặc sốt cao cần thuốc có tác dụng nhanh ngay sau khi sử dụng.
- Người bệnh không thể sử dụng thuốc dưới các dạng bào chế khác: Người bệnh hôn mê, nôn ói nhiều không thể dùng dạng uống hay người bệnh tiêu chảy, viêm loét trực tràng hậu môn không thể dùng dạng đặt.
2.Paracetamol dùng đường tĩnh mạch có an toàn? Các tác dụng phụ có thể gặp là gì?
So với các đường dùng thuốc không xâm nhập khác, khi dùng Paracetamol đường tĩnh mạch thuốc được đưa trực tiếp vào máu của người bệnh do đó khởi phát tác dụng nhanh và hiệu quả tốt hơn. Tuy nhiên vì đây là đường đưa thuốc có xâm nhập vào tuần hoàn cơ thể do vậy cũng có những nguy cơ khi thực hiện thuốc:
- Liên quan đến kỹ thuật tiêm truyền: phồng vị trí tiêm, tắc mạch, kích ứng đường truyền, nhiễm khuẩn...
- Liên quan đến thuốc: Nguy cơ của các phản ứng không mong muốn (trong đó có cả phản ứng dị ứng, sốc phản vệ với thuốc) có thể xuất hiện sớm ngay trong và sau khi truyền.
Do đó không nên tự ý sử dụng Paracetamol đường tĩnh mạch tại nhà, Paracetamol đường tĩnh mạch cần được chỉ định bởi bác sĩ và thực hiện tại các cơ sở y tế.
Paracetamol tương đối an toàn khi sử dụng đúng liều khuyến cáo. Sử dụng thuốc quá liều có thể gây độc tính trên gan, thận. Ngoài ra vẫn ghi nhận các phản ứng hiếm gặp như: quá mẫn, ban đỏ hay phù mạch. Nếu gặp các triệu chứng trên, nên ngừng thuốc và thông báo với bác sĩ.
3.Lưu ý để dùng paracetamol đường tĩnh mạch an toàn?
- Paracetamol đường tĩnh mạch được truyền tĩnh mạch trực tiếp, thời gian truyền tối thiểu 15 phút
- Cần lưu ý đến liều dùng tối đa của paracetamol, đặc biệt khi sử dụng đồng thời nhiều dạng bào chế khác nhau hoặc nhiều thuốc có cùng thành phần Paracetamol. Ở người lớn liều tối đa 1g/liều mỗi 4 – 6 giờ và 4g/ngày, ở trẻ em liều được tính theo tuổi và cân nặng của trẻ
- Paracetamol đường tĩnh mạch cần được thực hiện tại các cơ sở y tế. Trong và sau khi truyền, người bệnh cần được theo dõi sát các phản ứng bất lợi có thể xảy ra
- Chỉ dùng đường tĩnh mạch khi thật cần thiết, chuyển sang các dạng bào chế đường uống ngay khi có thể
Để đặt lịch khám tại viện, Quý khách vui lòng bấm số HOTLINE hoặc đặt lịch trực tiếp TẠI ĐÂY. Tải và đặt lịch khám tự động trên ứng dụng MyVinmec để quản lý, theo dõi lịch và đặt hẹn mọi lúc mọi nơi ngay trên ứng dụng.
Bài viết tham khảo nguồn:
- Dược thư quốc gia 2015: Chuyên luận Paracetamol
- Paracetamol 10mg/ml Solution for Infusion, eMC
- What is the evidence supporting the use of intravenous paracetamol? Clinical Pharmacist, Vol. 3, p118 | URI: 11072095