Pap smear, sinh thiết, CT, MRI trong chẩn đoán ung thư cổ tử cung

Bài viết được tham vấn chuyên môn cùng Bác sĩ chuyên khoa I Phạm Thị Yến - Bác sĩ Chuyên khoa sản - Khoa Sản phụ khoa - Bệnh viện Đa khoa Quốc tế Vinmec Hải Phòng.

Ung thư cổ tử cung là một loại ung thư xảy ra trong các tế bào của cổ tử cung. Nguyên nhân chính gây ra bệnh này là virus papilloma ở người (HPV), đây là bệnh lây truyền qua đường tình dục. Bạn có thể làm giảm nguy cơ phát triển ung thư cổ tử cung bằng cách khám sàng lọc và tiêm vắc-xin chống nhiễm trùng HPV.

1. Ung thư cổ tử cung là gì?

Ung thư cổ tử cung (tên tiếng Anh là Cervical cancer) xảy ra khi các tế bào cổ tử cung bị thay đổi hoặc đột biến. Ung thư cổ tử cung có thể ảnh hưởng đến các mô sâu bên trong cổ tử cung và có thể lan sang các bộ phận khác của cơ thể (di căn), thường là phổi, gan, bàng quang, âm đạo và trực tràng.

Hầu hết các trường hợp ung thư cổ tử cung là do nhiễm papillomavirus ở người (HPV), đây là loại virus có thể phòng ngừa được bằng vắc-xin.

Ung thư cổ tử cung thường phát triển chậm, vì vậy, người bệnh có thời gian để phát hiện và điều trị trước khi nó gây ra các vấn đề nghiêm trọng hơn.

Phụ nữ từ 35 đến 44 tuổi là độ tuổi phổ biến có thể mắc bệnh này. Tuy nhiên, hơn 15% trường hợp mới mắc là ở phụ nữ trên 65 tuổi, đặc biệt là những người thường không đi khám sức khỏe định kỳ.


HPV được biết đến là nguyên nhân hàng đầu gây ung thư cổ tử cung
HPV được biết đến là nguyên nhân hàng đầu gây ung thư cổ tử cung

2. Triệu chứng, nguyên nhân và yếu tố nguy cơ của ung thư cổ tử cung

2.1. Triệu chứng

Ung thư cổ tử cung giai đoạn đầu thường không có dấu hiệu hoặc triệu chứng. Các dấu hiệu và triệu chứng của ung thư cổ tử cung ở giai đoạn tiến triển hơn bao gồm:

  • Chảy máu âm đạo sau khi giao hợp, giữa kỳ kinh hoặc sau khi mãn kinh
  • Dịch tiết âm đạo bất thường, có mùi hôi hoặc âm đạo chảy máu
  • Đau vùng chậu hoặc đau khi giao hợp

2.2. Nguyên nhân

Ung thư cổ tử cung bắt đầu khi các tế bào khỏe mạnh trong cổ tử cung phát triển những thay đổi (đột biến) trong ADN của chúng. ADN của một tế bào chứa các hướng dẫn cho tế bào biết phải làm gì.

Các tế bào khỏe mạnh phát triển và nhân lên với tốc độ nhất định, cuối cùng sẽ chết theo thời gian đã được định sẵn. Tuy nhiên, khi đột biến xảy ra, các tế bào phát triển và nhân lên vượt khỏi tầm kiểm soát của cơ thể và chúng không chết. Các tế bào bất thường này tích lũy tạo thành một khối (khối u). Các tế bào ung thư xâm lấn các mô gần đó và có thể tách ra từ khối u để di căn ở những nơi khác trong cơ thể.


Các tế bào ung thư cổ tử cung có thể di căn đến các bộ phận khác
Các tế bào ung thư cổ tử cung có thể di căn đến các bộ phận khác

Hiện nay, các nhà nghiên cứu vẫn chưa rõ nguyên nhân gây ung thư cổ tử cung, nhưng chắc chắn rằng HPV đóng vai trò nhất định trong bệnh ung thư cổ tử cung. HPV rất phổ biến và hầu hết những người nhiễm virus không bao giờ bị ung thư. Điều này có nghĩa là các yếu tố khác, chẳng hạn như môi trường hoặc lựa chọn lối sống cũng xác định liệu bạn có bị ung thư cổ tử cung hay không.

2.3. Yếu tố nguy cơ

Các yếu tố nguy cơ ung thư cổ tử cung bao gồm:

  • Nhiều bạn tình: Số lượng bạn tình càng nhiều và số lượng bạn tình cũng có nhiều bạn tình càng khác sẽ làm tăng nguy bạn bị nhiễm virus càng cao.
  • Hoạt động tình dục sớm: Quan hệ tình dục khi còn nhỏ làm tăng nguy cơ mắc bệnh HPV.
  • Nhiễm trùng bệnh lây truyền qua đường tình dục khác (STIs). Mắc các bệnh STI khác chẳng hạn như chlamydia, lậu, giang mai và HIV/AIDS sẽ làm tăng nguy cơ mắc HPV.
  • Hệ thống miễn dịch suy giảm: Bạn có thể có nhiều khả năng phát triển ung thư cổ tử cung nếu hệ thống miễn dịch bị suy yếu do mắc các bệnh lý và bạn bị nhiễm virus.
  • Hút thuốc lá: Hút thuốc lá có liên quan đến ung thư tế bào vảy ở cổ tử cung.

Quan hệ tình dục sớm sẽ tăng nguy cơ mắc ung thư cổ tử cung
Quan hệ tình dục sớm sẽ tăng nguy cơ mắc ung thư cổ tử cung
  • Tiếp xúc với thuốc phòng ngừa sẩy thai: Nếu mẹ bạn dùng một loại thuốc được gọi là diethylstilbestrol (DES) trong khi mang thai vào những năm 1950 thì bạn có thể tăng nguy cơ mắc một loại ung thư cổ tử cung gọi là ung thư biểu mô tuyến tế bào sáng (Clear cell adenocarcinoma).

3. Các xét nghiệm và kỹ thuật chẩn đoán ung thư cổ tử cung

Để chẩn đoán ung thư cổ tử cung, bác sĩ có thể thực hiện:

  • Pap smear: Kỹ thuật này được thực hiện bằng cách cạo các tế bào từ cổ tử cung. Các tế bào này sau đó sẽ được gửi đến phòng thí nghiệm để phân tích và phát hiện các dấu hiệu bất thường.
  • Soi cổ tử cung: Kỹ thuật này sử dụng kính hiển vi công suất thấp (low-powered microscope) để bác sĩ xem cổ tử cung và xác định vị trí bất thường và khu vực lấy sinh thiết. Tuy nhiên, sinh thiết có thể được thực hiện mà không cần soi cổ tử cung.
  • Sinh thiết: Bác sĩ sẽ lấy mẫu các mô ở khu vực có nghi ngờ bệnh lý.

Nếu xác định người bệnh đã mắc ung thư, bác sĩ sẽ đánh giá mức độ cục bộ của ung thư nhằm xác định xem phẫu thuật cắt bỏ có phải là một lựa chọn phù hợp hay không. Các chẩn đoán kỹ thuật hình ảnh thường hữu ích để xác định xem ung thư đã lan rộng chưa. Các kỹ thuật hình ảnh sau đây có thể được thực hiện:

  • Chụp CT toàn thân: Quy trình này kết hợp thiết bị chụp X-quang đặc biệt và máy vi tính để tạo ra nhiều hình ảnh bên trong cơ thể. Ví dụ, chụp CT ngực thường được sử dụng để tìm hiểu xem ung thư có di căn đến phổi hay không.
  • Chụp MRI cơ thể: Kỹ thuật hình ảnh này sử dụng từ trường mạnh, xung tần số vô tuyến và máy vi tính để tạo ra hình ảnh chi tiết của cơ thể.
  • X-quang ngực: Kỹ thuật này tạo ra hình ảnh X-quang của phổi.
  • Chụp PET: Kỹ thuật hình ảnh y học hạt nhân này sử dụng một lượng nhỏ chất phóng xạ để giúp xác định phạm vi của ung thư cổ tử cung. Quét PET có thể được đặt chồng lên chụp CT hoặc MRI để tạo ra các khung nhìn đặc biệt và giúp việc chẩn đoán rõ ràng hoặc chính xác hơn.

Pap smear cho phép chẩn đoán ung thư cổ tử cung
Pap smear cho phép chẩn đoán ung thư cổ tử cung

Do sinh thiết không cho thấy bệnh ung thư đã di căn hay chưa, do đó, bác sĩ có thể chỉ định cho người bệnh thực hiện thêm các xét nghiệm để xem liệu nó có lan rộng hay không, bao gồm:

  • X-quang ngực để kiểm tra phổi
  • Xét nghiệm máu để xem liệu nó có lây lan đến gan hay không
  • Chụp thận tĩnh mạch (IVP) hoặc CT scan để kiểm tra đường tiết niệu; nội soi bàng quang có thể kiểm tra bàng quang và niệu đạo
  • Soi cổ tử cung để nhìn trực tiếp vào âm đạo và đánh giá
  • Kỹ thuật proctosigmoidoscopy và chụp hình quang tuyến (Barium Enema) dùng để kiểm tra trực tràng
  • CT, MRI hoặc PET chụp các hạch bạch huyết

Bác sĩ sử dụng các kỹ thuật chẩn đoán này để xác định giai đoạn của ung thư và được phân loại tùy theo mức độ tổn thương, mức độ sâu của tổn thương và mức độ lan rộng của chúng. Ung thư cổ tử cung từ giai đoạn 0 (ít nghiêm trọng nhất) đến giai đoạn IV (bệnh di căn, nặng nhất).

Để đặt lịch khám tại viện, Quý khách vui lòng bấm số HOTLINE hoặc đặt lịch trực tiếp TẠI ĐÂY. Tải và đặt lịch khám tự động trên ứng dụng MyVinmec để quản lý, theo dõi lịch và đặt hẹn mọi lúc mọi nơi ngay trên ứng dụng.

Nguồn tham khảo: webmd.com, radiologyinfo.org, mayoclinic.org

Chia sẻ
Câu chuyện khách hàng Thông tin sức khỏe Sống khỏe