Panfor sr 1000 là thuốc gì?

Panfor sr 1000 được chỉ định sử dụng để hỗ trợ và điều trị cho những bệnh nhân mắc tiểu đường loại 2 không phụ thuộc insulin. Trước và trong quá trình sử dụng thuốc, người bệnh cần tuân thủ chặt chẽ theo những khuyến cáo về liều lượng mà bác sĩ đã hướng dẫn nhằm đạt được hiệu quả tối ưu.

1. Panfor sr 1000 là thuốc gì?

Panfor sr 1000 là thuốc được sử dụng nhằm giúp hỗ trợ hoặc điều trị cho bệnh tiểu đường loại 2 ở người lớn, có thể sử dụng riêng lẻ hay phối hợp với insulin hoặc các thuốc điều trị tiểu đường dạng uống khác. Ngoài ra, Panfor sr 1000 cũng được sử dụng nhằm hỗ trợ cho chế độ tập thể dục và ăn kiêng để kiểm soát lượng đường huyết cho bệnh nhân tiểu đường.

Thuốc Panfor sr 1000 được bào chế dưới dạng viên nén phóng thích chậm, sản xuất bởi Công ty Inventia Healthcare Ltd. Thuốc có hình bầu dục, màu trắng – trắng ngà với 2 mặt bằng và một mặt khắc vạch. Thuốc Panfor sr- 1000 được đóng gói theo quy cách 5 vỉ x 10 viên. Trong mỗi viên nén Panfor sr-1000 có chứa các thành phần sau đây:

  • Thành phần chính: Hoạt chất metformin hydrochloride tương ứng với 1000mg
  • Các tá dược khác vừa đủ một viên: Carboxymethylcellulose sodium (KDA 8 M 30), hypromellose (K 100M), macrogol (PEG 6000), methacrylic acid copolymer dispersion Drug L 30 D, magnesium stearate và povidone K 90.

2. Chỉ định và công dụng của thuốc Panfor sr 1000

2.1. Chỉ định sử dụng thuốc Panfor sr 1000

Thuốc Panfor sr-1000 thường được bác sĩ chỉ định sử dụng cho các trường hợp dưới đây:

  • Hỗ trợ điều trị cho những người mắc bệnh tiểu đường loại 2 không phụ thuộc vào insulin khi đã thay đổi lối sống hoặc thực hiện chế độ ăn kiêng và luyện tập tích cực nhưng vẫn không kiểm soát tốt được chỉ số đường huyết.
  • Điều trị đơn lẻ hoặc phối hợp cùng một số loại thuốc điều trị tiểu đường khác nhằm giúp kiểm soát hiệu quả mức đường huyết.

2.2. Công dụng của thuốc Panfor sr 1000

Dược lực học

Hoạt chất metformin hydrochloride có tác dụng kháng tăng đường huyết, cải thiện mức độ dung nạp glucose ở những người mắc tiểu đường loại 2 không lệ thuộc insulin. Ngoài ra, hoạt chất này còn có khả năng làm giảm nồng độ glucose trong máu cả sau khi ăn và nồng độ cơ bản. Khác với nhóm sulfonylurea, metformin hydrochloride có cơ chế tác động cụ thể như sau:

  • Ức chế tân tạo glucose kết hợp ly giải glycogen giúp làm giảm sản xuất lượng glucose ở gan.
  • Tăng nhạy cảm insulin từ đó giúp tăng tiếp nhận glucose ngoại biên ở cơ.
  • Làm chậm quá trình hấp thu glucose ở trong ruột.

Ngoài ra, metformin hydrochloride cũng không gây hạ đường huyết ở cả bệnh nhân tiểu đường và người khoẻ mạnh, đồng thời không có tác dụng tăng insulin máu. Khi điều trị bằng metformin hydrochloride, quá trình bài tiết insulin vẫn diễn ra bình thường, tuy nhiên lượng insulin huyết tương tương ứng trong ngày và insulin lúc đói có thể giảm.

Dược động học

  • Hấp thu

Sau khi uống, nồng độ đỉnh trong máu của thuốc Panfor sr-1000 thường là 7 giờ, trung bình từ 4 – 8 giờ. Đối với liều lặp lại dạng phóng thích chậm, hoạt chất metformin hydrochloride không tích lũy trong huyết tương. Khi dùng chung với thức ăn, thời gian hấp thu của metformin hydrochloride có xu hướng tăng gần 50%, tuy nhiên không ảnh hưởng đến chỉ số Tmax và Cmax.

  • Phân bố

Metformin hydrochloride hầu như không liên kết với protein huyết tương. Nồng độ ổn định trong huyết tương của metformin ở liều điều trị thông thường là sau 24 - 48 giờ, đạt giá trị < 1μg / ml.

  • Chuyển hoá và thải trừ

Metformin hydrochloride không chuyển hoá qua gan, được thải trừ nguyên vẹn qua đường nước tiểu (không qua mật). Nhìn chung, độ thanh thải của thuốc qua thận cao hơn xấp xỉ 3,5 lần so với độ thanh thải creatinin, điều này chứng tỏ đường đào thải chính của metformin là bài tiết qua ống. Khoảng 90% thuốc sau khi dùng liều uống sẽ được hấp thu và đào thải qua thận trong vòng 24 giờ đầu, thời gian bán thải của thuốc trong huyết tương thường diễn ra trong khoảng 17,6 giờ.

3. Liều dùng và cách sử dụng thuốc Panfor sr 1000

3.1. Liều lượng sử dụng thuốc Panfor sr 1000

Tùy thuộc vào tác dụng và mức độ dung nạp của thuốc đối với từng bệnh nhân mà bác sĩ có thể xác định được liều dùng phù hợp. Bệnh nhân mắc tiểu đường loại 2 không nên dùng quá 2000mg metformin/ ngày.

Liều dành cho người lớn

  • Liều khởi đầu thông thường của thuốc Panfor sr-1000 là 500mg/ lần/ ngày, uống trong bữa ăn tối.
  • Tăng liều trong khoảng thêm 500mg/ tuần và dùng liều tối đa là 2000mg/ lần/ ngày.
  • Nếu liều 2000mg/ lần/ ngày không mang lại hiệu quả kiểm soát đường huyết, người bệnh có thể thử uống liều 1000mg x 2 lần/ ngày.
  • Trong trường hợp đang sử dụng thuốc điều trị tiểu đường khác và muốn chuyển sang dùng thuốc Panfor sr-1000, người bệnh cần ngừng dùng thuốc đó và chỉ sử dụng Panfor với liều lượng được khuyến cáo ở trên.

Liều dành cho bệnh nhân phối hợp điều trị với insulin

Liều khởi đầu metformin hydrochloride là 500mg / lần / ngày sau khi điều chỉnh liều insulin sao cho phù hợp dựa trên kết quả đo chỉ số đường huyết của người bệnh.

Liều dành cho bệnh nhân cao tuổi

Điều chỉnh liều metformin hydrochloride cho người cao tuổi dựa trên chức năng thận, bởi đối tượng này thường có nguy cơ cao bị suy giảm chức năng thận. Ngoài ra, người cao tuổi bị tiểu đường loại 2 cũng cần được đánh giá chức năng thận thường xuyên để xác định liều thuốc phù hợp. Tránh sử dụng đến liều metformin tối đa.

Liều dành cho trẻ em

Trẻ em dưới 17 tuổi không nên sử dụng thuốc Panfor sr-1000.

3.2. Cách sử dụng thuốc Panfor sr 1000

Người mắc bệnh đái tháo đường loại 2 nên dùng thuốc Panfor sr-1000 với nước lọc/ nước trắng trong bữa ăn. Khi uống, chú ý nuốt cả viên thuốc, tránh nhai, nghiền hoặc bẻ thuốc. Ngoài ra, người bệnh không nên uống thuốc cùng bia, rượu và các chất kích thích khác vì những thức uống này có thể làm giảm tác dụng của metformin. Bên cạnh việc sử dụng thuốc, bệnh nhân cũng cần duy trì một chế độ tập luyện đều đặn và ăn uống khoa học để nâng cao hiệu quả điều trị.

4. Cách xử trí khi uống quá liều hoặc bỏ quên liều thuốc Panfor sr 1000

Khi uống metformin lên đến liều 85g, người bệnh sẽ có nguy cơ cao bị nhiễm toan acid lactic. Đây là một trường hợp khẩn cấp, có thể dẫn đến tử vong nếu không xử trí kịp thời. Hiện nay, phương pháp hữu hiệu nhất để loại bỏ metformin và lactate là thẩm tách máu.

Đối với trường hợp quên liều thuốc, người dùng tránh uống gấp đôi liều cho mục đích bù liều đã lỡ. Thay vào đó, bệnh nhân chỉ cần dùng liều kế tiếp theo đúng lịch trình mà bác sĩ khuyến cáo.

5. Chống chỉ định sử dụng thuốc Panfor sr 1000

Dưới đây là danh sách những đối tượng không nên sử dụng thuốc Panfor sr-1000 khi chưa có chỉ định của bác sĩ, bao gồm:

  • Bệnh nhân bị nghiện rượu.
  • Người bị suy gan/ thận và mắc biến chứng do tiểu đường gây ra.
  • Người gặp triệu chứng nhiễm toan ceton và acid lactic nặng.
  • Người có triệu chứng tiền hôn mê và hôn mê do tiểu đường.
  • Bệnh nhân vừa trải qua phẫu thuật sau chấn thương nghiêm trọng hoặc đang bị nhiễm trùng.
  • Người mắc bệnh mạch vành, tắc nghẽn phổi mạn tính, bệnh mạch ngoại biên, suy tim.
  • Phụ nữ dự định mang thai, đang có thai/ cho con bú.
  • Người bị giảm glucose huyết.
  • Bệnh nhân tiêm chất cản quang có chứa iod.
  • Người bị hoại thư, suy dinh dưỡng hoặc trẻ em dưới 10 tuổi.
  • Người mẫn cảm với metformin hoặc dị ứng với các thành phần khác trong thuốc.

6. Một số tác dụng phụ khi sử dụng thuốc Panfor sr 1000

Thuốc Panfor sr-1000 có thể gây ra các tác dụng phụ từ phổ biến cho đến hiếm gặp, tuỳ thuộc vào cơ địa của mỗi bệnh nhân. Cụ thể:

  • Tác dụng phụ phổ biến nhất: Đau bụng, tiêu chảy, buồn nôn, nôn mửa, mất cảm giác thèm ăn, miệng có vị kim loại.
  • Tác dụng hiếm gặp: Nhiễm acid lactic, giảm hấp thu vitamin B12, giảm nồng độ huyết thanh, thiếu máu hồng cầu khổng lồ, rối loạn vị giác, rối loạn tiêu hoá, viêm gan, chức năng gan bất thường, nổi mề đay, phát ban, mẩn ngứa.

Khi gặp phải một trong bất kỳ tác dụng phụ nào được liệt kê ở trên, người bệnh cần ngưng sử dụng thuốc và báo ngay cho bác sĩ để có phương hướng xử lý kịp thời trước khi dẫn đến các rủi ro nguy hiểm cho sức khỏe.

7. Panfor sr 1000 tương tác với những loại thuốc nào?

Dưới đây là danh sách những loại thuốc có thể xảy ra phản ứng tương tác với Panfor sr-1000, bao gồm:

  • Thuốc Cationic (Digoxin, Amilorid, Procainamide, Morphin, Quinine, Ranitidin,...) gây tương tác với metformin do tính chất cạnh tranh nhau qua hệ thống chung ở ống thận.
  • Thuốc Furosemid khi dùng chung với Panfor có thể làm tăng nồng độ tối đa của hoạt chất metformin trong huyết tương và máu.
  • Acarbose và một số chất gôm dẫn đến giảm hấp thu metformin hydrochloride của cơ thể.
  • Uống Panfor cùng rượu dẫn đến nguy cơ mắc nhiễm toan acid lactic.
  • Cimetidin khi phối hợp cùng metformin dẫn đến tăng nồng độ đỉnh của thuốc trong máu và huyết tương.
  • Thuốc Nifedipin dùng chung với panfor dẫn đến tăng hấp thu và bài tiết metformin qua đường nước tiểu.
  • Một số thuốc làm tăng đường huyết như corticosteroid hoặc thiazid có thể gây mất kiểm soát đường huyết nếu dùng phối hợp với thuốc Panfor sr-1000.

8. Một số lưu ý khi sử dụng và bảo quản thuốc Panfor sr 1000

8.1. Một số điều cần lưu ý khi dùng thuốc Panfor sr 1000

Trước và trong quá trình sử dụng thuốc Panfor sr-1000, người bệnh cần lưu ý một số điều sau đây:

  • Không sử dụng thuốc cho phụ nữ dự định mang thai, đang mang thai hoặc cho con bú vì thuốc có thể làm tăng nguy cơ tích luỹ metformin và ảnh hưởng đến thai nhi trong bụng mẹ cũng như trẻ sơ sinh bú sữa mẹ.
  • Cẩn trọng khi sử dụng thuốc đối với bệnh nhân có tính chất công việc cần tập trung cao như điều khiển phương tiện giao thông hoặc máy móc do thuốc có tác dụng hạ glucose máu.
  • Việc sử dụng thuốc Panfor chỉ được xem là liệu pháp hỗ trợ, do đó bệnh nhân bị tiểu đường loại 2 cần phải kết hợp với việc điều tiết chế độ ăn uống sao cho hợp lý mới đạt được hiệu quả điều trị cao.
  • Người cao tuổi có nguy cơ suy giảm chức năng thận cần kiểm tra creatinin huyết thanh trước khi bắt đầu sử dụng thuốc.
  • Hoạt chất metformin được bài tiết qua thận là chủ yếu, do đó nguy cơ tích luỹ cũng như nhiễm toan lactic sẽ tăng lên tuỳ thuộc vào mức độ suy giảm chức năng của thận.

8.2. Cách bảo quản thuốc Panfor sr 1000

Thuốc Panfor sr-1000 nên được bảo quản ở vị trí cao ráo, khô thoáng, với nhiệt độ lý tưởng là dưới 30 độ C, tránh tiếp xúc trực tiếp với ánh sáng của mặt trời. Ngoài ra, thuốc cũng cần được cất ở nơi có độ ẩm phù hợp, tránh để ở phòng tắm hoặc các vị trí dễ gây ẩm mốc hoặc tạo điều kiện cho vi khuẩn xâm nhập.

Để đặt lịch khám tại viện, Quý khách vui lòng bấm số HOTLINE hoặc đặt lịch trực tiếp TẠI ĐÂY. Tải và đặt lịch khám tự động trên ứng dụng MyVinmec để quản lý, theo dõi lịch và đặt hẹn mọi lúc mọi nơi ngay trên ứng dụng.

Chia sẻ
Câu chuyện khách hàng Thông tin sức khỏe Sống khỏe