Nước kiềm là nước gì? Có lợi cho sức khỏe không?

Nước kiềm đang được nhiều người lựa chọn vì tin rằng đây là loại nước tốt cho cơ thể, thậm chí giúp phòng ngừa các bệnh nguy hiểm. Vậy nước uống kiềm là gì và nó có lợi cho sức khỏe không?

1. Nước kiềm là gì?

Nước có tính kiềm (hay nước kiềm) được xác định dựa trên độ pH của nước. Chỉ số pH đo nồng độ của các ion hydro trong dung dịch và đánh giá xem nó có tính axit hay tính kiềm. Một dung dịch có tính axit nếu có nồng độ các ion hydro cao. Một dung dịch có tính kiềm (bazơ) khi có nồng độ ion hydro thấp. Theo đó, nếu độ pH > 7 thì dung dịch có tính kiềm. Chỉ số pH càng lớn hơn 7 thì tính kiềm càng mạnh. Ngược lại, độ pH < 7 thì dung dịch có tính axit. Nếu pH = 7 được xem là nước trung tính. Độ pH của nước tinh khiết được lọc qua công nghệ RO nằm ở phạm vi từ 6,5 - 7.

Nước kiềm được xử lý bằng một thiết bị tạo ion, làm tăng độ pH thông qua quá trình điện phân. Các nhà sản xuất máy lọc nước đã tạo nước kiềm bằng cách sử dụng thiết bị có quá trình điện phân để tách thành phần có tính axit và tính kiềm từ nguồn nước đầu vào. Sau đó, thiết bị loại bỏ một số phân tử nước hoặc thêm electron vào để kiểm soát chỉ số pH của nước như mong muốn.

2. Nước kiềm có tốt không?

2.1 Lợi ích

Theo quảng cáo của các nhà sản xuất máy lọc nước, nước kiềm giúp làm chậm quá trình lão hóa, bảo vệ đường ruột, tăng sức đề kháng, ổn định huyết áp và giảm cân. Một số nhãn hàng còn tuyên bố nước kiềm giúp tăng cường hệ thống miễn dịch, hydrat hóa tốt hơn, có đặc tính giải độc và phòng chống ung thư. Những thông tin quảng cáo này khiến nhiều người dùng tin rằng uống nước ion kiềm giúp bảo vệ sức khỏe. Tuy nhiên, chưa thực sự có các nghiên cứu chuyên sâu và phổ quát về công dụng của loại nước này.

Theo các chuyên gia, nước ion kiềm đóng chai có tác động tích cực đến cơ thể nhưng không phải là thuốc. Do đó, loại nước này không thể chữa bệnh mà chỉ giúp ngăn ngừa và hỗ trợ điều trị một số tình trạng sức khỏe nhất định.

Theo PGS.TS.BS Nguyễn Thị Lâm – Nguyên Phó viện trưởng Viện Dinh Dưỡng Quốc gia, nước ion kiềm được tạo ra dựa trên quan điểm mỗi người cần uống nước kiềm tốt cho sức khỏe để duy trì độ pH máu là 7.4. Loại nước này còn chứa một thành phần quan trọng là chất điện giải, tốt cho cơ thể. Ngoài ra, theo kết quả nghiên cứu của Hiệp hội ion kiềm Nhật Bản, việc duy trì uống nước ion kiềm hằng ngày với độ pH 9.5 có thể cải thiện các triệu chứng như tiêu chảy mạn tính, táo bón, dư thừa axit dạ dày,...

Theo Viện trưởng Viện Nước Nhật Bản - tiến sĩ Hayashi Hidemitsu, nước uống kiềm có khả năng hỗ trợ cải thiện bệnh phổi, gout, đái tháo đường, tăng huyết áp và nhiều bệnh lý khác do quá trình lão hóa và oxy hóa trong cơ thể gây ra. Nghiên cứu của các giáo sư trường đại học Kyushu - Nhật Bản cho kết quả hydro trong nước kiềm hoạt động như một chất chống oxy hóa, giúp bảo vệ cơ thể.


Nước kiềm có tác động tích cực đến cơ thể nhưng không phải là thuốc
Nước kiềm có tác động tích cực đến cơ thể nhưng không phải là thuốc

2.2 Rủi ro

Hiện vẫn thiếu các nghiên cứu để khẳng định về lợi ích của nước kiềm hay việc sử dụng nước kiềm như một liệu pháp giúp điều trị các vấn đề sức khỏe. Các nghiên cứu mới chỉ thực hiện trên khoảng 100 người hoặc thí nghiệm trên chuột, chưa thể khẳng định về ứng dụng mang tính phổ quát.

Bên cạnh đó, chất lượng của máy lọc tạo nước kiềm phụ thuộc nhiều vào chất lượng của nguồn nước cấp. Nếu sử dụng nước máy cho máy tạo kiềm, nó không thể lọc được các chất gây ô nhiễm như chì, thủy ngân, thuốc trừ sâu,... Như vậy, nước kiềm chỉ có tiêu chuẩn duy nhất về tính kiềm, vẫn có thể chứa các chất gây hại cho cơ thể.

Uống nước kiềm còn tồn tại rủi ro về việc phá vỡ mức độ pH bình thường của cơ thể, có thể gây ra những ảnh hưởng tiêu cực đối với sức khỏe. Ở một số trường hợp xấu, chế độ ăn uống kiềm có thể gây chứng nhiễm kiềm chuyển hóa - độ pH trong máu tăng lên trên mức bình thường, gây ra các triệu chứng như buồn nôn, nôn ói, co giật cơ, run tay, ngứa ran ở mặt, bàn tay hoặc bàn chân.

Mặc dù có một vài lợi ích nhưng nước kiềm vẫn chưa được chứng minh là hoàn toàn có lợi cho sức khỏe và chưa có khuyến nghị chính thức về việc sử dụng nó hằng ngày.

Nguồn tham khảo: mayoclinic.org

Chia sẻ
Câu chuyện khách hàng Thông tin sức khỏe Sống khỏe