Thủy đậu là bệnh truyền nhiễm lành tính. Tuy nhiên, nếu không điều trị đúng cách thì người bệnh có thể bị biến chứng nghiêm trọng. Trong đó cần đặc biệt lưu ý khi các nốt thủy đậu chuyển sang màu trắng đục.
1. Tìm hiểu về bệnh thủy đậu
Thủy đậu là bệnh truyền nhiễm, lây lan rất dễ từ người này sang người khác thông qua các con đường như tiếp xúc thông thường về da, chạm vào dịch mụn hay đường hô hấp, dùng chung dụng cụ cá nhân.
Bệnh thủy đậu do virus Varicella zoster gây ra. Bất kỳ ai cũng có thể mắc phải căn bệnh này, đặc biệt là đối tượng trẻ em. Thời điểm bùng phát dịch thủy đậu là vào những ngày xuân giao với mùa hè. Khi mới mắc thì người bệnh chỉ thấy xuất hiện những nốt ban đỏ, sau đó nốt thủy đậu sẽ lớn dần, bên trong chứa nhiều nước dịch trong suốt và rất dễ vỡ. Nếu được chăm sóc và điều trị tốt thì bệnh thủy đậu sẽ khỏi trong khoảng 10 - 12 ngày. Tuy nhiên, một số trường hợp có thể bị biến chứng của thủy đậu, lúc này nốt thủy đậu chuyển sang màu trắng đục - đây cũng chính là dấu hiệu cảnh báo thủy đậu bội nhiễm.
2. Nốt thủy đậu chuyển sang màu trắng đục có phải bị nhiễm trùng?
Việc nhận biết “nốt thủy đậu như thế nào?” rất quan trọng với người bệnh thủy đậu. Dấu hiệu cơ bản nhất để giúp người bệnh nhận biết bội nhiễm là nốt thủy đậu chuyển sang màu trắng đục. Lúc này, thời gian mắc bệnh sẽ kéo dài hơn bình thường. Người bệnh cũng cần 1 chế độ chăm sóc, nghỉ ngơi tốt hơn để giúp bệnh mau lành và ngăn ngừa ảnh hưởng đến sức khỏe.
Nguy hiểm hơn, khi nốt thủy đậu chuyển sang màu trắng đục, khô đi và lành lại thì chúng sẽ để lại sẹo lõm (sẹo rỗ). Nếu không may mụn xuất hiện trên khuôn mặt thì sẽ gây mất thẩm mỹ rất nhiều.
Ngoài ra, nốt thủy đậu chuyển sang màu trắng đục, tức tình trạng thủy đậu bội nhiễm sẽ làm ảnh hưởng nhiều đến sức khỏe của người bệnh. Nếu là người suy dinh dưỡng nặng thì thủy đậu bội nhiễm có thể dẫn tới tình trạng loét da, thậm chí là hoại tử. Một số trường hợp thủy đậu bội nhiễm còn dẫn tới viêm phổi, viêm tai, viêm thận hoặc viêm thanh quản.
Đối với phụ nữ mang thai trong 3 tháng đầu thai kỳ hoặc gần khi sinh mà bị thủy đậu bội nhiễm thì sẽ ảnh hưởng tới sự phát triển của thai nhi. Do đó, đối tượng này cần đặc biệt lưu ý khi thấy nốt thủy đậu chuyển sang màu trắng đục.
3. Điều trị thủy đậu bội nhiễm như thế nào?
Nếu bạn bị thủy đậu mà thấy nốt thủy đậu chuyển sang màu trắng đục thì cần bôi thuốc sát khuẩn methylene 1% lên ngay. Khi thoa thuốc cần lưu ý nhẹ tay, tránh để mụn nước vỡ và lan ra khu vực xung quanh. Trường hợp nốt thủy đậu chuyển sang màu trắng đục và gây ngứa thì cũng không được gãi vì có thể làm tình trạng viêm nặng nề hơn.
Trong thời gian bị thủy đậu bội nhiễm thì cần vệ sinh cơ thể hàng ngày thật sạch sẽ. Có thể tham khảo thêm ý kiến của bác sĩ về việc dùng thuốc giảm ngứa. Trường hợp thủy đậu bội nhiễm gây sốt cao, mệt mỏi thì cần đến bệnh viện để được bác sĩ chuyên khoa thăm khám và kê đơn.
Để đặt lịch khám tại viện, Quý khách vui lòng bấm số HOTLINE hoặc đặt lịch trực tiếp TẠI ĐÂY. Tải và đặt lịch khám tự động trên ứng dụng MyVinmec để quản lý, theo dõi lịch và đặt hẹn mọi lúc mọi nơi ngay trên ứng dụng.