Bài viết được tư vấn chuyên môn bởi Bác sĩ Trần Quốc Tuấn - Trưởng đơn nguyên hồi sức - ICU - Khoa Hồi sức cấp cứu - Bệnh viện Đa khoa Quốc tế Vinmec Phú Quốc
Nồng độ Fibrinogen huyết tương là một trong những xét nghiệm đông máu cơ bản có ý nghĩa quan trọng trong chẩn đoán cũng như theo dõi, tiên lượng một số bệnh lý ở cơ thể người.
1. Fibrinogen huyết tương là gì?
Fibrinogen là một glỵcoprotein có trọng lượng phân tử 340.000, được gan tổng hợp và có thời gian bán hủy là 4 - 5 ngày. Đo nồng độ fibrinogen huyết tương như một protein mang tính kháng nguyên. Phương pháp miễn dịch đánh giá nồng độ protein, tuy nhiên phương pháp này không cho biết các thông tin về hoạt độ sinh học của fibrinogen. Kỹ thuật hữu ích này được sử dụng để làm sáng tỏ một tình trạng loạn fibrinogen máu.
Đo nồng độ fibrinogen bằng phương pháp của Clauss: Đây là kĩ thuật thường được dùng nhất. Cho thừa thrombin vào plasma của bệnh nhân và đo thời gian đông máu của plasma này sau khi hoà loãng plasma thành các tỉ lệ được xác định chính xác. Thời gian đông máu, cầm máu được tính ra giây tỉ lệ với nồng độ fibrinogen và hàm lượng của fibrinogen có thể được tính ra mg/dL, nhờ một đường cong chuẩn.
Fibrinogen tham gia vào nhiều quá trình trong cơ thể như:
- Tham gia vào phản ứng viêm mà trong phản ứng này có mối liên quan chặt chẽ giữa nồng độ fibrinogen huyết tương với tốc độ lắng hồng cầu và nồng độ của protein phản ứng C (CRP).
- Tham gia vào quá trình đông máu: Thrombin kích thích sự hình thành fibrin từ fibrinogen. Fibrin monomer này khi được yếu tố XIII (yểu tố làm ổn định fibrin) tham gia thêm sẽ hình thành một cục đông fibrin ổn định tại vị trí tổn thương ngăn ngừa chảy máu, mất máu do tổn thương mạch nhờ cục máu đông.
- Trong bệnh lý gan, nồng độ fibrinogen thường thấy bị hạ thấp ở bệnh nhân xơ gan mất bù và trong viêm gan nặng (cấp hay mạn tính). Tình trạng giảm nồng độ fibrinogen này phản ánh mức độ nặng của bệnh lý gan và một nồng độ fibrinogen < 150 mg/dL thường dự báo một tiên lượng xấu.
2. Nồng độ Fibrinogen huyết tương có ý nghĩa gì?
Đánh giá mức độ của hội chứng viêm. Trong các bệnh nhiễm khuẩn, ung thư, các bệnh tự miễn, nồng độ fibrinogen huyết tương giúp đánh giá mức độ của hội chứng viêm (kết hợp với tốc độ lắng hồng cầu và protein phản ứng C [CRP]).
Đánh giá mức độ nặng của bệnh lý gan. Trong bệnh lý của gan mật, định lượng nồng độ fibrinogen huyết tương giúp đánh giá mức độ nặng của bệnh lý gan (kết hợp với định lượng antithrombin III, thời gian Quick, nồng độ albumin và cholesterol).
Đánh giá đông cầm máu để chỉ định phẫu thuật. Trước khi tiến hành đại phẫu thuật, định lượng fibrinogen là một phần của bilan trước mổ (kết hợp với xét nghiệm đánh giá thời gian chảy máu, thời gian cephalin, thời gian Quick và đếm số lượng tiểu cầu) đánh giá xem bệnh nhân có đủ điều kiện để phẫu thuật không.
Chẩn đoán đông máu rải rác. Trong trường hợp nghi ngờ bị đông máu rải rác trong lòng mạch (DIC), sẽ thấy giảm nồng độ fibrinogen huyết tương và số lượng tiểu cầu đi kèm với tăng nồng độ các sản phẩm thoái giáng của fibrin
Trong hội chứng chảy máu, xác định nồng độ fibrinogen giúp phát hiện các chứng giảm hay loạn fibrinogen máu. Ở bệnh nhân bị huyết khối nhất là huyết khối động mạch, định lượng fibrinogen là xét nghiệm có giá trị giúp tìm kiếm bệnh căn gây huyết khối.
Để thăm dò rối loạn đông máu khi bệnh nhân có hội chứng chảy máu bởi vì fibrinogen là một cơ chất tham gia phản ứng của cả quá trình xét nghiệm đông máu.
Phát hiện sự tăng nồng độ fibrinogen huyết tương khi có nguy cơ bệnh lý mạch ví dụ như nhồi máu cơ tim cấp, đột quỵ, hoặc như là kết quả của một phản ứng cấp tính.
Phát hiện những bất thường bẩm sinh hoặc mắc phải của fibrinogen. Theo dõi liệu pháp điều trị tiêu huyết khối: liệu pháp tiêu fibrin.
>>Xem thêm: Vai trò của huyết tương trong cơ thể - Bài viết được viết bởi Bác sĩ chuyên khoa II Lê Thị Na - Khoa Xét nghiệm - Bệnh viện Đa khoa Quốc tế Vinmec Times City
3. Một số yếu tố góp phần làm thay đổi kết quả xét nghiệm fibrinogen
Vỡ hồng cầu của mẫu bệnh phẩm hay truyền máu. Kết quả xét nghiệm định lượng nồng độ fibrinogen huyết tương có thể bị biến đổi khi xảy ra tình trạng vỡ hồng cầu của mẫu bệnh phẩm hay nếu bệnh nhân được truyền máu trong vòng một tháng trước khi xét nghiệm.
Một số thuốc ảnh hưởng. Một số thuốc có thể làm tăng nồng độ fibrinogen huyết tương như: thuốc ngừa thai dạng uống. Một số thuốc có thể làm giảm nồng độ fibrinogen huyết tương: Atenolol, thuốc giảm cholesterol máu, corticosteroid, thuốc nội tiết như estrogen, progestin, fluorouracil, thuốc tiêu huyết khối, ticlopidin, acid valproic.
Để đặt lịch khám tại viện, Quý khách vui lòng bấm số HOTLINE hoặc đặt lịch trực tiếp TẠI ĐÂY. Tải và đặt lịch khám tự động trên ứng dụng MyVinmec để quản lý, theo dõi lịch và đặt hẹn mọi lúc mọi nơi ngay trên ứng dụng.