Bài viết được tư vấn chuyên môn bởi Thạc sĩ, Bác sĩ Ngô Thị Oanh - Bác sĩ Nhi - Khoa Nhi - Sơ sinh - Bệnh viện Đa khoa Quốc tế Vinmec Hạ Long.
Nôn trớ sau ăn, ợ hơi là hiện tượng thường gặp ở trẻ em, nhất là trẻ sơ sinh nhưng đa số sẽ tự khỏi sau khi bé 1 tuổi. Nếu tình trạng này diễn tiến lâu hơn, kèm theo những triệu chứng, biến chứng khác thì cha mẹ cần lưu ý đề phòng trào ngược dạ dày thực quản.
1. Tại sao trẻ nhỏ dễ bị trào ngược dạ dày thực quản?
Theo các chuyên gia sức khỏe, đến 2/3 trẻ nhỏ bị hiện tượng nôn trớ sau ăn, ợ hơi trong những tháng đầu đời, hầu hết sẽ tự khỏi ở thời điểm 1 tuổi. Chỉ một số ít trẻ sẽ tiếp tục diễn tiến lâu hơn và xuất hiện kèm các biến chứng nặng nề. Có nhiều nguyên nhân khiến trẻ nhỏ dễ bị trào ngược dạ dày thực quản nhưng chủ yếu do dạ dày và các bộ phận khác chưa phát triển hoàn chỉnh, hoạt động ổn định.
Bình thường, khi trẻ bú, sữa sẽ đi qua miệng, xuống thực quản, qua tâm vị rồi vào đến dạ dày. Tại tâm vị có cơ vòng thực quản dưới có vai trò như van một chiều có tác dụng ngăn dòng trào ngược từ dạ dày vào thực quản. Ở trẻ sơ sinh, các cơ van tâm vị còn yếu và xốp. Nếu tư thế bú của trẻ không đúng sẽ làm cho không khí trong dạ dày dâng lên cùng với một ít sữa, qua tâm vị rồi trào ngược lên thực quản và ra ngoài. Giữa dạ dày và ruột cũng có một van có chức năng tương tự gọi là môn vị. Cơ tâm vị ở trẻ rất yếu nhưng cơ môn vị lại rất phát triển, do đó, ở trẻ nhỏ, thức ăn rất dễ ứ đọng lâu trong dạ dày, càng tạo điều kiện thuận lợi để trào ngược dạ dày thực quản ở trẻ sơ sinh xuất hiện.
Một yếu tố khác cũng khá phổ biến đó là ở trẻ sơ sinh, dạ dày nằm ngang, góc giữa dạ dày và thực quản là góc tù nên trẻ cũng dễ bị trào ngược hơn. Ngoài ra, nếu trong quá trình bú, trẻ có nuốt hơi và sau đó được đặt nằm ngang hoặc nghiêng bên phải, trẻ cũng dễ bị trớ sữa. Có thể thấy, nôn trớ sau ăn, ợ hơi rất phổ biến, nhất là trong những tháng đầu của trẻ. Tuy nhiên, bên cạnh nôn trớ, trào ngược sinh lý, có những trường hợp trẻ nhỏ bị trào ngược dạ dày thực quản bệnh lý hoặc do các nguyên nhân khác như: viêm ruột, nhiễm trùng, dị ứng đạm sữa bò,...
2. Nhận biết nôn trớ, trào ngược sinh lý và bệnh lý
Nếu hiện tượng trẻ sơ sinh bị nôn trớ sau ăn, sau ợ hơi xảy ra trong thời gian ngắn, tần suất ít và không gây ra triệu chứng gì thì được gọi là trào ngược sinh lý.
Còn trào ngược dạ dày thực quản bệnh lý có tần suất xảy ra thường xuyên hơn, kéo dài hơn và có thể gây ra những triệu chứng lâm sàng với nhiều mức độ khác nhau.
Nếu trẻ dưới 6 tháng tuổi, một ngày bị trớ sữa vài lần nhưng vẫn chơi đùa, lên cân tốt, bú đều đặn, không khò khè tái đi tái lại... thì nhiều khả năng chỉ là trào ngược sinh lý. Tình trạng nôn trớ này sẽ thoái lui dần theo thời gian.
Nếu trẻ vẫn thường ọc sữa sau 1 tuổi hoặc trẻ chậm lên cân, biếng ăn, gầy gò, sợ ăn, hay bị khò khè kéo dài, đáp ứng kém với điều trị, viêm phổi tái phát nhiều lần... thì nhiều khả năng đây là trào ngược bệnh lý. Khi đó, cha mẹ cần đưa trẻ đi khám để được chẩn đoán và điều trị kịp thời.
Là lĩnh vực trọng điểm của hệ thống Y tế Vinmec, Khoa Nhi luôn mang lại sự hài lòng cho Quý khách hàng và được các chuyên gia trong ngành đánh giá cao với:
- Quy tụ đội ngũ y bác sĩ về Nhi khoa: gồm các chuyên gia có trình độ chuyên môn cao (giáo sư, phó giáo sư, tiến sĩ, thạc sĩ), giàu kinh nghiệm, từng công tác tại các bệnh viện lớn như Bạch Mai, 108.. Các bác sĩ đều được đào tạo bài bản, chuyên nghiệp, có tâm - tầm, am hiểu tâm lý trẻ. Bên cạnh các bác sĩ chuyên khoa Nhi trong nước, khoa Nhi còn có sự tham gia của các chuyên gia nước ngoài (Nhật Bản, Singapore, Úc, Mỹ) luôn tiên phong áp dụng những phác đồ điều trị mới nhất và hiệu quả nhất.
- Dịch vụ toàn diện: Trong lĩnh vực Nhi khoa, Vinmec cung cấp chuỗi các dịch vụ khám - chữa bệnh liên hoàn từ Sơ sinh đến Nhi và Vaccine,... theo tiêu chuẩn Quốc tế để cùng bố mẹ chăm sóc sức khỏe bé từ khi lọt lòng đến tuổi trưởng thành
- Kỹ thuật chuyên sâu: Vinmec đã triển khai thành công nhiều kỹ thuật chuyên sâu giúp việc điều trị các căn bệnh khó trong Nhi khoa hiệu quả hơn: phẫu thuật thần kinh - sọ, ghép tế bào gốc tạo máu trong điều trị ung thư.
- Chăm sóc chuyên nghiệp: Ngoài việc thấu hiểu tâm lý trẻ, Vinmec còn đặc biệt quan tâm đến không gian vui chơi của các bé, giúp các bé vui chơi thoải mái và làm quen với môi trường của bệnh viện, hợp tác điều trị, nâng cao hiệu quả khám chữa bệnh.
Để đặt lịch khám tại viện, Quý khách vui lòng bấm số HOTLINE hoặc đặt lịch trực tiếp TẠI ĐÂY. Tải và đặt lịch khám tự động trên ứng dụng MyVinmec để quản lý, theo dõi lịch và đặt hẹn mọi lúc mọi nơi ngay trên ứng dụng.
3. Cách chăm sóc trẻ bị nôn trớ sau ăn, ợ hơi
Cha mẹ nên hiểu tình trạng trào ngược, nôn trớ sinh lý chỉ là tình trạng nhất thời trong giai đoạn đầu đời của trẻ, sẽ tự khỏi. Việc chăm sóc trẻ bị ho và nôn trớ đúng cách sẽ làm giảm triệu chứng, mang lại sự dễ chịu cho trẻ, đồng thời cũng làm cho cha mẹ yên lòng hơn.
Với trẻ bú sữa mẹ
Nên cho trẻ bú ở bầu vú bên trái trước, khi lượng sữa trong dạ dày của bé còn ít, có thể nằm nghiêng phải. Sau đó, chuyển bé sang bú bầu bên phải khi dạ dày bé đã nhiều sữa, nằm nghiêng trái. Như vậy, sữa sẽ dễ dàng xuống dạ dày mà hạn chế gây trào ngược dạ dày thực quản.
Với trẻ bú sữa bình
Không để bình sữa nằm nghiêng, đảm bảo đầu núm vú bình luôn đầy sữa. Khi bú xong, bế cao đầu trẻ trong 15-20 phút, vỗ lưng giúp bé ợ hơi, sau đó đặt nằm nghiêng bên trái và kê gối hơi cao. Không nên để trẻ bú nằm ngay sẽ dễ bị sặc, trớ sữa, cũng không nên tâng bé lên xuống sau khi bú.
Ngoài ra, khi cho bú, không nên để bé quấy khóc vì sẽ khiến bé nuốt nhiều hơi, gây căng dạ dày và dễ nôn trớ. Thời gian tối thiểu giữa hai lần bú là 2 giờ, tối đa là 4-5 giờ.
Không ép trẻ ăn, uống quá nhiều, chia thức ăn ra nhiều bữa nhỏ trong ngày để vừa đảm bảo đủ số lượng thức ăn cần thiết vừa không gây đầy bụng, khó chịu.
Nếu tình trạng nôn trớ sau ăn, ợ hơi của trẻ nặng, không được cải thiện khi đã điều chỉnh chế độ ăn và tư thế bú thì cha mẹ có thể tham khảo sử dụng thuốc điều trị. Chỉ dùng thuốc khi có ý kiến của nhân viên y tế.
Như vậy, nôn trớ sau ăn, ợ hơi ở trẻ sơ sinh, trẻ dưới 1 tuổi là tình trạng khá bình thường, cha mẹ áp dụng những cách trên để hạn chế tình trạng này. Ngoài ra, cũng nên lưu ý theo dõi triệu chứng phòng ngừa trào ngược dạ dày thực quản bệnh lý ở trẻ em.