Đôi khi, chúng ta nhận thấy làn da đột ngột xuất hiện những nốt mụn trứng cá trong một thời gian ngắn ngay trước và trong kỳ kinh nguyệt. Điều này là do sự thay đổi nội tiết tố trong cơ thể đã làm ảnh hưởng đến các tuyến bã nhờn, khiến chúng hoạt động quá mức và sản sinh ra nhiều dầu thừa, gây tắc nghẽn lỗ chân lông, dẫn đến hình thành mụn nội tiết.
1. Nổi mụn do nội tiết tố là gì?
Mụn nội tiết thường liên quan đến sự biến động của hormone trong cơ thể con người. Tình trạng mụn trứng cá do nội tiết tố có thể ảnh hưởng đến mọi lựa tuổi, đặc biệt là tuổi dậy thì. Nó xảy ra phổ biến nhất ở nữ giới và một số yếu tố góp phần dẫn đến mụn nội tiết thường bao gồm kinh nguyệt và mãn kinh. Người ta ước tính rằng có tới 50% phụ nữ ở độ tuổi từ 20 – 29 bị mụn trứng cá, trong đó có khoáng 25% phụ nữ từ 40 – 49 tuổi.
Thực tế có nhiều ý kiến trái chiều khi đề cập đến mụn do nội tiết tố. Mặc dù các chuyên gia cho biết nội tiết tố không phải là nguyên nhân chính gây ra mụn trứng cá ở người trưởng thành, tuy nhiên sự rối loạn nội tiết tố có thể góp phần gây ra tình trạng này ở những người lớn có bệnh lý tiềm ẩn.
Đối với một số trường hợp nhất định, người trưởng thành bị mụn trứng cá có thể không có bất kỳ vấn đề nào về hormone. Điều này khiến cho việc chẩn đoán và điều trị mụn trở nên khó khắn hơn.
2. Các đặc điểm của nổi mụn do nội tiết tố
Ở tuổi dậy thì, mụn nội tiết tố thường xuất hiện ở vùng da chữ T trên khuôn mặt, bao gồm trán, mũi và cằm.
Ở độ tuổi trưởng thành, da mọc mụn trứng cá liên quan đến nội tiết tố có xu hướng hình thành ở khu vực dưới của khuôn mặt, bao gồm dưới má và xung quanh đường viền quai hàm.
Nhìn chung, mụn nội tiết xuất hiện với nhiều dạng khác nhau, chẳng hạn như mụn đầu đen, mụn đầu trắng, mụn bọc hoặc mụn nang. Các nang mụn được hình thành sâu bên dưới da và không có đầu trên bề mặt da. Những vết sưng mụn này thường cảm thấy mềm khi bạn chạm vào.
Mụn trứng cá do nội tiết có thể được gây ra bởi những yếu tố sau:
- Kỳ kinh nguyệt
- Thời kỳ mãn kinh
- Hội chứng buồng trứng đa nang
- Tăng nồng độ androgen
Cụ thể, những rối loạn nội tiết tố này có thể làm trầm trọng thêm các vấn đề về mụn bằng cách gia tăng:
- Sản xuất bã nhờn (dầu) trong lỗ chân lông
- Viêm da tổng thể
- Tắc nghẽn các tế bào da trong nang lông
- Sản xuất các loại vi khuẩn gây mụn, chẳng hạn như Propionibacterium acnes.
3. Mụn trứng cá và thời kỳ mãn kinh
Nhiều chị em phụ nữ bắt đầu trải qua thời kỳ mãn kinh ở độ tuổi 40 và 50. Điều này khiến cho các hormone sinh dục trong cơ thể bị suy giảm tự nhiên và dẫn đến việc kết thúc kinh nguyệt.
Một số phụ nữ cho biết họ gặp phải các vấn đề về da khi bước vào thời kỳ mãn kinh, bao gồm khô da, phát ban, tăng độ nhạy cảm của da, thậm chí nổi mụn trứng cá.
Da mọc mụn trong thời kỳ mãn kinh có thể là do sự rối loạn nội tiết tố. Khi bắt đầu thời kỳ mãn kinh, cơ thể người phụ nữ trải qua những thay đổi sau sắc. Các hormone estrogen và progesterone được sản xuất với số lượng ngày càng khan hiếm và có thể dẫn đến những triệu chứng như bốc hoả, chu kỳ kinh nguyệt không đều hoặc các vấn đề về da.
Các tế bào da cũng dẫn mất khả năng lưu giữ độ ẩm và cần nhiều thời gian hơn để tự thay mới cũng như chữa lành những tổn thương. Da trở nên mỏng manh hơn và kém đàn hồi hơn trước, tạo điều kiện cho những nốt mụn trứng cá xuất hiện.
Thậm chí, ngay cả khi bạn sử dụng các liệu pháp thay thế hormone (HRT) trong thời kỳ mãn kinh, bạn vẫn có thể gặp phải mụn trứng cá. Điều này là do một số HRT sử dụng dòng hormone progestin để thay thế cho estrogen và progesterone mà cơ thể bạn đã bị mất đi. Việc đưa loại hormone này vào cơ thể có thể khiến cho da mọc mụn.
Trong hầu hết các trường hợp, thuốc kê đơn có thể làm hết mụn trứng cá trong thời kỳ mãn kinh, Một số người cũng có thể loại bỏ mụn thành công nhờ vào các phương pháp điều trị tự nhiên. Tốt nhất, bạn nên tham khảo ý kiến của bác sĩ về những lựa chọn điều trị phù hợp dành cho mình.
4. Mụn trứng cá khi mang thai
Mang thai là một thời điểm khác làm cho nội tiết tố trong cơ thể bạn bị dao động và khiến nồng độ hormone androgen tăng cao, dẫn đến tình trạng mụn trứng cá.
Theo nghiên cứu cho thấy, có hơn một nửa số phụ nữ mang thai bị mắc các vấn đề về mụn trứng cá. Những người vốn đã dễ bị nổi mụn chính là đối tượng có nguy cơ cao nhất gặp phải vấn đề này trong thai kỳ.
Trong ba tháng đầu thai kỳ, nồng độ hormone trong cơ thể người phụ nữ sẽ ở mức cao nhất. Nhiều người tin rằng, nếu phụ nữ mang thai không gặp phải bất kỳ đợt bùng phát mụn nào trong ba tháng đầu tiên thì khả năng cao họ cũng khó bị nổi mụn trong suốt thời gian còn lại của thai kỳ. Tuy nhiên trên thực tế, da mọc mụn trứng cá khi mang thai có thể bùng phát lần đầu tiên ở bất kỳ giai đoạn nào của thai kỳ, kể cả sau sinh.
5. Các phương pháp điều trị truyền thống cho mụn nội tiết
Dưới đây là những phương pháp điều trị phổ biến nhất dành cho tình trạng mụn nội tiết, bao gồm:
- Uống thuốc tránh thai
Thuốc tránh thai đường uống có thể được chỉ định cho các tình trạng mụn trứng cá do rối loạn nội tiết tố. Những loại thuốc này thường chứa ethinylestradiol cùng với một trong số các chất sau đây:
- Drospirenone
- Norethindrone
- Norgestimate
Khi kết hợp với nhau, những chất này sẽ nhắm mục tiêu vào các hormone có thể gây ra mụn trứng cá. Biện pháp sử dụng thuốc tránh thai đường uống đặc biệt hữu ích trong thời kỳ nồng độ hormone tăng cao, chẳng hạn như rụng trứng.
Tuy nhiên, thuốc tránh thai đường uống không nên sử dụng cho những người có tiền sử bị ung thư vú, cao huyết áp hoặc đông máu. Ngoài ra, khi uống thuốc tránh thai để điều trị mụn nội tiết, bạn nên tránh hút thuốc lá.
Thuốc kháng androgen
Loại thuốc này hoạt động bằng cách làm giảm nồng độ hormone androgen trong cơ thể bạn. Một loại thuốc có tên là spironolactone (Aldactone) cũng có tác dụng kháng androgen, mặc dù nó thường được sử dụng chủ yếu để điều trị tình trạng cao huyết áp. Việc sử dụng thuốc spironolactone có thể ngăn cơ thể sản xuất ra nhiều hormone androgen hơn và giúp mức hormone trở nên ổn định hơn.
Retinoids
Nếu tình trạng mụn nội tiết ở mức độ nhẹ, bạn có thể sử dụng retinoids tại chỗ. Sở dĩ, retinoids có nguồn gốc từ vitamin A, được điều chế dưới các dạng như kem, gel và lotion chứa retinoid không kê đơn.
Nếu bạn muốn sử dụng retinoid để điều trị mụn trứng cá do rối loạn nội tiết tố, điều quan trọng là phải bôi kem chống nắng hàng ngày vì nó có thể làm tăng nguy cơ khiến da bị cháy nắng và làm tình trạng mụn trở nên trầm trọng hơn.
6. Các biện pháp tự nhiên giúp điều trị mụn nội tiết
Trong một số trường hợp, các phương pháp điều trị bằng tự nhiên có thể được áp dụng để loại bỏ mụn nội tiết ở mức độ nhẹ. Những biện pháp điều trị tự nhiên thường ít gây ra các tác dụng phụ tuy nhiên đạt được hiệu quả kém hơn so với việc sử dụng thuốc kê đơn.
Dưới đây là một số biện pháp tự nhiên mà bạn có thể áp dụng để điều trị cho tình trạng mụn nội tiết:
- Trà xanh: Được biết đến rộng rãi với tác dụng giảm viêm tuyệt vời trong cơ thể. Bên cạnh việc thực hiện chế độ chăm sóc da, bạn có thể uống thêm một vài cốc trà xanh vào mỗi ngày. Ngoài ra, bạn cũng nên lựa chọn loại sữa tắm, sữa rửa mặt hay các gel bôi có chứa ít nhất 2% chiết xuất trà xanh nhằm đẩy lùi được các nốt mụn trứng cá xấu xí trên da.
- Axit alpha hydroxy (AHA): Đây là một loại axit thực vật, có nguồn gốc chủ yếu từ trái cây họ cam quýt. AHA có tác dụng loại bỏ các tế bào da chết làm tắc nghẽn lỗ chân lông - nguyên nhân gây mụn trứng cá. Ngoài ra, nó cũng góp phần làm giảm thiểu sự hình thành của sẹo mụn. Hiện nay, AHA được bổ sung vào các loại mặt nạ hoặc các kem bôi. Tuy nhiên, khi sử dụng các sản phẩm có AHA, bạn nên thoa kem chống nắng đầy đủ khi ra ngoài trời vì chúng có thể làm tăng độ nhạy cảm của da với ánh nắng.
7. Bị mụn nội tiết nên ăn gì và kiêng gì?
Thực tế, chế độ ăn uống cũng giữ một vai trò quan trọng trong việc điều trị mụn nội tiết. Một số loại thực phẩm, nhất là thực phẩm chống viêm, có thể giúp ngăn ngừa hiệu quả mụn trứng cá. Các thực phẩm có nguồn gốc từ thực vật có chứa nhiều chất chống oxy hóa mang lại tác dụng giảm viêm và giúp da trở nên sáng hơn.
Khi bị mụn trứng cá do rối loạn nội tiết tố, bạn nên cân nhắc hạn chế tiêu thụ những thực phẩm sau đây:
- Đường
- Thịt đỏ
- Các sản phẩm từ sữa
- Carbs tinh chế, ví dụ như mì ống hoặc bánh mì trắng
8. Làm thế nào để kiểm soát nội tiết tố và mụn trứng cá?
Nếu bạn đang mang thai hoặc có kế hoạch mang thai, bạn nên tránh sử dụng tất cả các loại thuốc trị mụn và tham khảo ý kiến bác sĩ về lựa chọn thay thế khác. Điều này là do một số loại thuốc trị mụn có chứa các hóa chất gây nguy hiểm cho thai nhi.
Một số biện pháp mà bạn có thể áp dụng nhằm kiểm soát tốt nội tiết tố cũng như tình trạng mụn trứng cá của mình, bao gồm:
- Chăm sóc bản thân: Một chế độ ăn uống cân bằng và lối sống lành mạnh sẽ giúp bạn giữ được một thân hình cân đối và kiểm soát cơ thể tốt hơn. Đặc biệt, việc ăn nhiều thực phẩm giàu phytoestestrogen, chẳng hạn như đậu nành, cũng có thể giúp bạn cân bằng được mức hormone của mình.
- Chăm sóc da: Bạn nên duy trì thói quen chăm sóc da thường xuyên, kết hợp với việc sử dụng các sản phẩm được đặc chế riêng cho da dễ bị mụn và bổ sung thêm bất kỳ loại thuốc nào theo hướng dẫn của bác sĩ.
- Kiểm soát sự căng thẳng: Căng thẳng là một trong những tác nhân kích hoạt tuyến bã nhờn hoạt động quá mức và khiến cho tình trạng mụn trở nên tồi tệ hơn.
Để đặt lịch khám tại viện, Quý khách vui lòng bấm số HOTLINE hoặc đặt lịch trực tiếp TẠI ĐÂY. Tải và đặt lịch khám tự động trên ứng dụng MyVinmec để quản lý, theo dõi lịch và đặt hẹn mọi lúc mọi nơi ngay trên ứng dụng.
Nguồn tham khảo: healthline.com, int.eucerin.com