Bài viết được tư vấn chuyên môn bởi Bác sĩ chuyên khoa I Trần Thị Ánh Hiền - Bác sĩ Gây mê Giảm đau - Khoa Gây mê phẫu thuật - Bệnh viện Đa khoa Quốc tế Vinmec Central Park
Nội soi tiêu hóa là một thủ thuật khảo sát trực tiếp niêm mạc của đường tiêu hóa (thực quản, dạ dày, tá tràng, đại trực tràng) bằng cách đưa ống nội soi mềm vào đường tiêu hóa để phát hiện tổn thương để có hướng điều trị cần thiết.
1. Có những kỹ thuật nội soi tiêu hóa nào?
Nội soi tiêu hóa thường gặp nhất là nội soi dạ dày (đưa ống soi mềm vào qua đường miệng) và nội soi đại trực tràng (đưa ống soi mềm vào qua đường hậu môn).
Hiện nay, kỹ thuật nội soi tiêu hóa bao gồm 2 phương pháp sau:
- Nội soi tiêu hóa thường: Bệnh nhân được nội soi sau khi gây tê tại chỗ nên có thể sẽ cảm thấy đau, buồn nôn và khó chịu, kích thích trong khi nội soi. Do vậy 1 số người đã từ chối thực hiện, bỏ lỡ cơ hội phát hiện, điều trị bệnh ở giai đoạn sớm.
Nội soi tiêu hóa gây mê: Bệnh nhân được nội soi sau khi đã ngủ với thuốc an thần.
2. Ưu điểm của phương pháp nội soi gây mê
- Giúp làm mất cảm giác đau - buồn nôn - khó chịu - sự lo lắng của người bệnh trong lúc nội soi so với phương pháp nội soi thường.
- An toàn: Bác sĩ gây mê sẽ tính liều lượng thuốc an thần tiêm vào tĩnh mạch phù hợp với từng người bệnh. Quá trình nội soi sẽ diễn ra giống như một giấc ngủ ngắn khoảng 15 – 30 phút. Sau khi nội soi xong, người bệnh dần tỉnh lại sau khoảng 5- 10 phút. Thời gian gây mê ngắn, lượng thuốc gây mê ít nên không ảnh hưởng đến sức khỏe.
- Chính xác: Phương pháp nội soi không đau cho hình ảnh rõ nét và chính xác hơn do người bệnh nằm yên trong quá trình nội soi, áp dụng được nhiều kỹ thuật cần độ chính xác cao như:
- Cắt polyp, tiêm cầm máu
- Thắt tĩnh mạch thực quản trong bệnh lý xuất huyết tiêu hóa
- Sinh thiết làm giải phẫu bệnh chẩn đoán ung thư tiêu hóa và chẩn đoán vi khuẩn Helicobacter Pylori (HP)
- Thực hiện nhanh chóng: rút ngắn thời gian so với phương pháp nội soi thường
3. Có nên thực hiện nội soi dạ dày và nội soi đại tràng cùng lúc không?
- Có thể tiến hành nội soi dạ dày và đại tràng cùng lúc để tránh phải gây mê 2 lần. Nội soi dạ dày và nội soi đại tràng cùng lúc không làm tăng thêm biến chứng, tuy nhiên thời gian gây mê sẽ kéo dài hơn khoảng 10 - 20 phút (so với nội soi đơn lẻ dạ dày hoặc đại tràng), nhưng tổng thời gian gây mê ngắn hơn khi soi đơn lẻ.
- Ngoài ra, khi nội soi dạ dày và đại tràng cùng lúc bệnh nhân được hưởng chính sách ưu đãi giá của bệnh viện
4. Các nguy cơ có thể xảy ra khi nội soi tiêu hoá gây mê?
Nội soi tiêu hoá gây mê là 1 thủ thuật an toàn. Tuy nhiên các biến chứng có thể xảy ra với tỉ lệ rất thấp, bao gồm:
- Hít sặc thức ăn hay dịch dạ dày vào phổi: người bệnh cần nhịn ăn uống đủ thời gian theo khuyến cáo để hạn chế tối đa nguy cơ này.
- Dị ứng thuốc: hiếm khi xảy ra, bệnh nhân cần thông báo cho Bs gây mê tiền sử dị ứng thuốc và các thuốc bệnh nhân đang dùng
- Biến chứng hô hấp: rối loạn nhịp thở, giảm thông khí. Cần cung cấp oxy đủ và theo dõi tình trạng hô hấp của bệnh nhân trong khi soi.
- Biến chứng tim mạch: nhịp tim chậm tỷ lệ < 5%. Nhịp tim nhanh hoặc ngoại tâm thu ít khi nặng ảnh hưởng tới huyết động, phần lớn tự hết.
5. Bệnh nhân cần chuẩn bị gì trước khi nội soi tiêu hoá gây mê
- Bệnh nhân sẽ được khám tiền mê trước khi thực hiện thủ thuật
- Nội soi dạ dày có gây mê: bệnh nhân cần nhịn ăn ít nhất 6 tiếng và nhịn uống nước trong ít nhất 2 tiếng trước khi nội soi, không sử dụng thức uống có màu (cà phê, nước dâu,....).
- Nội soi đại tràng có gây mê: bệnh nhân cần làm sạch ruột trước khi tiến hành thủ thuật.
- Trường hợp có bệnh lý kèm theo (tim mạch, hô hấp,...) cần tiến hành một số xét nghiệm cần thiết để đánh giá trước khi nội soi.
Để đặt lịch khám tại viện, Quý khách vui lòng bấm số HOTLINE hoặc đặt lịch trực tiếp TẠI ĐÂY. Tải và đặt lịch khám tự động trên ứng dụng MyVinmec để quản lý, theo dõi lịch và đặt hẹn mọi lúc mọi nơi ngay trên ứng dụng.