Nội soi dạ dày là một phương pháp chẩn đoán, điều trị bệnh lý về đường tiêu hoá an toàn và hiệu quả. Mỗi phương pháp nội soi dạ dày sẽ có những đặc điểm riêng biệt và được áp dụng tùy vào tình trạng sức khỏe cụ thể của bệnh nhân. Bài viết này sẽ giúp người bệnh hiểu rõ hơn về các phương pháp nội soi dạ dày, ưu điểm và nhược điểm của từng phương pháp.
Bài viết này được viết dưới sự hướng dẫn chuyên môn của các bác sĩ thuộc khoa Tiêu hoá - Gan Mật - Bệnh viện Đa khoa Quốc tế Vinmec.
1. Nội soi dạ dày là gì?
Nội soi dạ dày là một thủ tục y khoa, trong đó sử dụng một ống soi mềm để kiểm tra bên trong dạ dày, thực quản, tá tràng và hành tá tràng. Quá trình này không chỉ cho phép bác sĩ quan sát mà còn có thể thực hiện các thủ thuật như lấy dị vật, cắt bỏ polyp, cầm máu, hoặc điều trị các bệnh lý như giãn tĩnh mạch phình vị, giãn tĩnh mạch thực quản, nong những phần bị teo hay bị hẹp,...
Thủ thuật nội soi được đánh giá là an toàn. Tuy nhiên, một số biến chứng vẫn có thể xảy ra, bao gồm trầy xước niêm mạc, nhiễm trùng, chảy máu hoặc thủng - rách. Những biến chứng này thường hiếm gặp và chủ yếu xảy ra do bệnh nhân không phối hợp hoặc do các vấn đề tiềm ẩn từ trước. Các thủ thuật chẩn đoán bằng nội soi hiếm khi dẫn đến biến chứng nghiêm trọng.
2. Khi nào cần nội soi dạ dày?
Nội soi dạ dày thường được bác sĩ yêu cầu thực hiện khi người bệnh có các dấu hiệu nghi ngờ mắc phải bệnh lý tiêu hóa như đau vùng thượng vị, khó nuốt, ợ hơi, ợ chua, tiêu hóa kém, chán ăn, buồn nôn hoặc phân có màu đen.
Quy trình này cũng được thực hiện khi cần lấy mẫu sinh thiết để chẩn đoán hoặc can thiệp điều trị loại bỏ polyp, dị vật hoặc điều trị giãn thực quản,... Bên cạnh đó, nội soi dạ dày còn được dùng để theo dõi hiệu quả điều trị các bệnh lý ở thực quản, dạ dày và tá tràng.
Những người có nguy cơ cao mắc bệnh tiêu hóa như những người thừa cân, béo phì, người hút thuốc, người có bệnh viêm loét dạ dày mãn tính hoặc có tiền sử ung thư đường tiêu hóa trong gia đình cũng cần được xem xét làm nội soi dạ dày. Người không có triệu chứng hoặc không thuộc nhóm nguy cơ cao cũng có thể chủ động đăng ký nội soi để sàng lọc và phát hiện sớm các vấn đề tiêu hóa.
Mặc dù là thủ tục an toàn, nhưng nội soi dạ dày không được khuyến khích cho những trường hợp như người bị thủng dạ dày hoặc các cơ quan tiêu hóa khác, người bị bỏng acid, người mắc bệnh tim nghiêm trọng, suy hô hấp hoặc có túi phình lớn trên động mạch chủ, túi thừa Zenker, người mới ăn no và một số trường hợp khác.
3. Nội soi dạ dày bao gồm những phương pháp nào?
Hiện nay, có hai phương pháp chính để thực hiện nội soi, đó là qua đường miệng và qua đường mũi. Bệnh nhân có thể lựa chọn giữa gây mê (nội soi không đau) hoặc không gây mê tùy thuộc vào tình trạng sức khỏe và sự thoải mái cá nhân. Mỗi phương pháp đều có ưu, nhược điểm riêng và phù hợp với từng trường hợp cụ thể.
3.1 Nội soi dạ dày qua đường miệng
Nội soi dạ dày qua đường miệng là một phương pháp truyền thống và được sử dụng rộng rãi trong y tế.
Trong thủ tục này, bác sĩ sẽ sử dụng một ống soi mềm đưa vào qua miệng của người bệnh, qua vòm họng, tiếp tục xuống thực quản và dạ dày.Tuy nhiên, phương pháp này cũng có những ưu điểm và nhược điểm như sau:
- Ưu điểm: Đây là phương pháp dễ thực hiện với độ chính xác cao, đặc biệt khi bệnh nhân hợp tác tốt trong suốt quá trình thực hiện thủ thuật. Bên cạnh đó, kỹ thuật này có chi phí thấp hơn so với các phương pháp khác.
- Nhược điểm: Nội soi dạ dày qua đường miệng thường sử dụng một ống soi mềm có đường kính lớn. Khi ống này được đưa qua đường miệng, ống có thể kích thích các khu vực nhạy cảm như lưỡi gà, vòm khẩu cái và đáy lưỡi. Điều này thường gây ra các phản ứng như buồn nôn và khó chịu cho bệnh nhân, đặc biệt là trong các trường hợp bệnh nhân có phản xạ nôn mạnh. Một số trường hợp do buồn nôn và nôn nhiều có thể khiến bệnh nhân sợ hãi khi nội soi, đau rát và sây sát họng sau khi nội soi.
3.2 Nội soi qua đường mũi
Nội soi thực quản - dạ dày - tá tràng qua đường mũi là một phương pháp chẩn đoán mà trong đó, ống soi được đưa vào qua đường mũi, tiếp tục qua thực quản và đi sâu xuống dạ dày, hành tá tràng và tá tràng. Phương pháp này cho phép bác sĩ quan sát trực tiếp và chi tiết các cấu trúc bên trong để phát hiện các bệnh lý có thể xảy ra tại các khu vực này. Nội soi dạ dày qua đường mũi cũng có những ưu và nhược điểm.
- Ưu điểm: Kỹ thuật này dễ thực hiện và độ chính xác cao. Ống soi được sử dụng có đường kính nhỏ, khoảng 5,9mm, đi qua đường mũi giúp tránh chạm vào lưỡi gà và vùng hầu họng, từ đó giảm thiểu cảm giác buồn nôn và khó chịu cho người bệnh.
- Nhược điểm: Những người bị hẹp khe mũi hoặc có các bệnh lý vùng mũi khác sẽ không thể thực hiện phương pháp này vì không đủ không gian để đưa ống soi qua. Bên cạnh đó, chi phí cao hơn so với nội soi qua đường miệng. Trong trường hợp phát hiện ra các bệnh lý cần can thiệp như lấy dị vật, cắt polyp, cầm máu, thắt tĩnh mạch thực quản, tiêm xơ, nong hẹp,..., ống soi qua đường mũi không đủ đường kính để thực hiện các thủ thuật này. Khi đó, bệnh nhân cần chuyển sang sử dụng phương pháp nội soi qua đường miệng để can thiệp một cách hiệu quả.
3.3 Nội soi có gây mê - không đau
Nội soi dạ dày khi sử dụng phương pháp gây mê là lựa chọn thích hợp cho những bệnh nhân cảm thấy lo lắng hoặc mong muốn giảm bớt cảm giác đau trong quá trình thủ thuật. Trong trường hợp này, bác sĩ sẽ áp dụng gây mê để bệnh nhân không cảm nhận được đau đớn hoặc khó chịu.
Thủ thuật nội soi dạ dày gây mê bao gồm việc đưa ống soi vào qua đường miệng, đi qua thực quản và tiếp tục xuống dạ dày, sau đó là hành tá tràng và tá tràng. Phương pháp này không chỉ giúp chẩn đoán các bệnh lý liên quan đến các bộ phận này mà còn có thể được sử dụng để thực hiện các thủ thuật điều trị (nếu cần thiết).
- Ưu điểm: Vì được gây mê nên bệnh nhân sẽ không có cảm giác khó chịu và buồn nôn trong quá trình thủ thuật. Bệnh nhân sẽ không phải trải qua cảm giác sợ hãi hay ám ảnh sau khi thực hiện nội soi, đồng thời loại bỏ các phản ứng nguy hiểm như giật hoặc giãy giụa. Thời gian gây mê rất ngắn và lượng thuốc mê được sử dụng ít, giúp bệnh nhân hồi tỉnh nhanh chóng, chỉ trong khoảng 2 đến 3 phút sau khi kết thúc thủ thuật, ít ảnh hưởng đến sức khoẻ bệnh nhân. Hơn nữa, vì bệnh nhân được gây mê trong suốt quá trình nội soi, các bác sĩ có thể dễ dàng thực hiện các thủ thuật can thiệp khác như lấy dị vật, cắt polyp, cầm máu ổ loét… một cách thuận lợi và an toàn hơn.
- Nhược điểm: Nội soi có gây mê thường đòi hỏi chi phí cao hơn so với nội soi thông thường do cần sử dụng thuốc mê. Bên cạnh đó thủ thuật này cần phải trải qua một số xét nghiệm trước khi gây mê bao gồm cả điện tim đồ để đảm bảo an toàn cho bệnh nhân trong suốt quá trình thực hiện. Sau khi thực hiện nội soi có gây mê, bệnh nhân có thể cảm thấy mệt mỏi và buồn ngủ, cần phải kiểm tra thuốc và theo dõi tác dụng phụ của thuốc mê.
Nội soi dạ dày là một kỹ thuật y tế ngày càng phổ biến và được nhiều cơ sở y tế áp dụng. Để đảm bảo quá trình thực hiện diễn ra suôn sẻ, giảm thiểu sự khó chịu cho bệnh nhân, và chẩn đoán chính xác các bệnh lý, việc lựa chọn một địa chỉ y tế uy tín để thực hiện nội soi là điều hết sức quan trọng. Do đó, trước khi quyết định thực hiện nội soi, người bệnh nên cân nhắc và tìm hiểu kỹ lưỡng để chọn được địa chỉ thăm khám phù hợp với nhu cầu và điều kiện sức khỏe của mình.
Để đặt lịch khám tại viện, Quý khách vui lòng bấm số HOTLINE hoặc đặt lịch trực tiếp TẠI ĐÂY. Tải và đặt lịch khám tự động trên ứng dụng MyVinmec để quản lý, theo dõi lịch và đặt hẹn mọi lúc mọi nơi ngay trên ứng dụng.