Nội soi bàng quang bằng ống cứng và mềm: Những điều cần biết

Bài viết được tham vấn chuyên môn bởi bác sĩ khoa Ngoại tổng hợp và Gây mê, Bệnh viện Đa khoa Quốc tế Vinmec Hải Phòng.

Nội soi bàng quang là thủ thuật sử dụng máy nội soi để quan sát, chẩn đoán và điều trị các bệnh lý trong bàng quang. Kỹ thuật này có thể sử dụng ống nội soi cứng hoặc mềm để nội soi bàng quang.

1. Nội soi bàng quang là gì?

Nội soi bàng quang là phương pháp chẩn đoán hình ảnh được áp dụng khá phổ biến hiện nay, giúp bác sĩ khảo sát đường tiểu dưới (gồm niệu đạobàng quang) thông qua máy nội soi chuyên dụng. Bác sĩ có thể nhìn trực tiếp vào ống nội soi hoặc qua màn hình máy tính hiển thị hình ảnh soi được. Đôi khi, nếu bác sĩ phát hiện có vấn đề bất thường trong bàng quang, họ có thể thực hiện điều trị ngay khi đang làm thủ thuật này.

Nội soi bàng quang được chỉ định thực hiện cho những bệnh nhân nghi ngờ có vấn đề về bàng quang như bị đau khi đi tiểu, có máu trong nước tiểu, nhiễm trùng đường tiểu tái phát nhiều lần, bàng quang bị kích thích (gây mắc tiểu đột ngột và không nhịn được) hoặc không kiểm soát được hoạt động tiểu tiện. Một số bất thường ở niêm mạc bàng quang chỉ có thể thấy qua nội soi bàng quang

Ống kính nội soi là đường ống nhỏ, được đưa vào bàng quang qua ngã niệu đạo (đường dẫn nước tiểu từ bàng quang ra ngoài). Có 2 loại ống nội soi là ống nội soi mềm và ống nội soi cứng. Cả 2 loại ống nội soi đều có những kênh thao tác phụ, giúp đưa những thiết bị nhỏ khác vào trong quá trình thao tác. Cụ thể, bác sĩ có thể lấy một mẫu mô sinh thiết từ niêm mạc bàng quang bằng cách sử dụng dụng cụ gắp được đưa vào từ một kênh thao tác phụ.


Nội soi bàng quang là phương pháp chẩn đoán hình ảnh được áp dụng khá phổ biến hiện nay
Nội soi bàng quang là phương pháp chẩn đoán hình ảnh được áp dụng khá phổ biến hiện nay

2. Ưu điểm của nội soi bàng quang bằng ống cứng và mềm

Ống nội soi mềm

Là một ống nhỏ, mềm, gồm những bó sợi quang học có độ dày tương tự một chiếc bút chì, đầu ống mềm có thể uốn cong, giúp quan sát diện rộng. Ống mềm thường được sử dụng vì có đặc điểm mềm, dễ di chuyển, linh hoạt theo đường cong của niệu đạo. Nội soi bàng quang bằng ống mềm cho phép bác sĩ có thể quan sát được toàn bộ mặt trong của bàng quang. Phương pháp này giúp bệnh nhân thoải mái, ít đau đớn, không hạn chế tư thế soi, có thể đưa ống soi vào trong những tình huống khó như cổ bàng quang cao, tiền liệt tuyến có thuỳ giữa lớn;

Ống nội soi cứng

Là ống nhỏ, cứng và thẳng, cấu tạo bên trong của gồm nhiều thấu kính (rod-lens), cho hình ảnh khảo sát cải thiện rõ nét hơn so với ống soi mềm (cấu tạo bên trong gồm các sợi thuỷ tinh - fiber optic). Nội soi bàng quang bằng ống cứng lại cho phép bác sĩ có thể đưa những dụng cụ đa dạng qua các kênh thao tác phụ với lòng kênh rộng, có nhiều kênh, phục vụ cho các mục đích khác nhau như chẩn đoán và điều trị bệnh tại bàng quang.

Đồng thời, nội soi bàng quang bằng ống cứng cũng dễ dàng kiểm soát và định hướng khi soi khảo sát. Người soi bàng quang có thể cầm máy bằng một tay, tay kia thao tác các chức năng khác mà không cần người khác phụ giúp.

3. Nhược điểm của nội soi bàng quang bằng ống cứng và mềm


Mỗi loại dụng cụ ống nội soi cứng và mềm đều có những ưu, nhược điểm riêng
Mỗi loại dụng cụ ống nội soi cứng và mềm đều có những ưu, nhược điểm riêng

  • Ống nội soi mềm: Khó điều trị được toàn bộ các vấn đề bất thường ở bàng quang như ống cứng vì khó đưa các dụng cụ can thiệp vào bàng quang qua các kênh thao tác;
  • Ống nội soi cứng: Khó quan sát toàn bộ bàng quang như ống mềm vì thiếu sự linh hoạt, mềm dẻo của ống mềm. Đồng thời, nội soi bằng ống cứng cũng gây đau đớn, khó chịu hơn cho bệnh nhân so với ống mềm nên thường được gây mê toàn thân hoặc gây tê tủy sống (thuốc tê được tiêm vào tủy sống, ức chế toàn bộ cảm giác từ vùng thắt lưng trở xuống) trước khi thực hiện thủ thuật.

Mỗi loại dụng cụ ống nội soi cứng và mềm đều có những ưu, nhược điểm riêng. Vì vậy, tùy tình trạng bệnh và từng bệnh nhân cụ thể, bác sĩ sẽ có lựa chọn dụng cụ nội soi bàng quang phù hợp.

Để đặt lịch khám tại viện, Quý khách vui lòng bấm số HOTLINE hoặc đặt lịch trực tiếp TẠI ĐÂY. Tải và đặt lịch khám tự động trên ứng dụng MyVinmec để quản lý, theo dõi lịch và đặt hẹn mọi lúc mọi nơi ngay trên ứng dụng.

Chia sẻ
Câu chuyện khách hàng Thông tin sức khỏe Sống khỏe