Bài viết được tư vấn chuyên môn bởi ThS.BS Đỗ Thị Hoàng Hà - Bác sĩ Hóa sinh, Khoa Xét nghiệm - Bệnh viện đa khoa Quốc tế Vinmec Hải Phòng
Nitrat có nguồn gốc từ các chất chuyển hóa có trong các chất dinh dưỡng, là một sản phẩm phụ của nitơ khi thải qua đường nước tiểu. Tuy nhiên, nitrat trong nước tiểu sẽ nhanh chóng chuyển thành nitrit nếu có sự xuất hiện của vi khuẩn Gram âm, ví dụ như Klebsiella và E.coli khi nước tiểu tồn tại đủ lâu trong bàng quang và lượng nitrat đủ để vi khuẩn chuyển hóa nitrat thành nitrit. Có thể nói, sự xuất hiện của nitrit chính là một dấu hiệu của sự nhiễm khuẩn của đường tiết niệu.
1. Nitrit là gì?
Nitrit có cấu tạo tinh thể giống như muối ăn thông thường, và được sử dụng để làm chất bảo quản các sản phẩm được chế biến từ thịt như thịt xông khói, xúc xích, lạp xưởng. Chất bảo quản Nitrit và Nitrat thường xuất hiện bao bì của các sản phẩm với mã số quen thuộc là E249 và E251.
Ưu điểm lớn nhất của chất bảo quản Nitrit chính là có thể ức chế sự phát triển của các vi khuẩn có trong thịt. Ngoài ra khi Nitrit được kết hợp với myoglobin trong thịt tươi (đây là một loại sắc tố thường được sử dụng để tạo nên màu sắc cho thịt) sẽ tạo thành một hợp chất mới là nitrosomyoglobin, giữ cho thịt có màu sắc bắt mắt hơn khi chế biến ở nhiệt độ cao, và làm tăng hương vị của thịt.
Mặc dù Nitrit có ưu điểm bảo quản thịt rất tốt nhưng nếu sử dụng vượt quá hàm lượng Nitrit cho phép trong thời gian dài có thể gây ảnh hưởng nghiêm trọng đến sức khỏe, là một trong những nguyên nhân dẫn đến nhiều căn bệnh nguy hiểm như ung thư gan, ung thư trực tràng, ung thư tuyến tụy, dạ dày. Nitrit có thể oxy hóa hemoglobin trong hồng cầu thành methemoglobin không có khả năng vận chuyển oxy và CO2, khi ngộ độc nitrit chức năng hô hấp của cơ thể cũng vì thế giảm sút, gây cảm giác khó thở, ngột ngạt, nặng hơn nữa có thể gây choáng váng và ngất khi cơ thể đang hoạt động.
2. Vì sao nitrit xuất hiện trong nước tiểu?
Nguyên nhân chính khiến cho Nitrit xuất hiện trong nước tiểu chính là do bệnh nhân bị nhiễm trùng đường tiểu, và có thể xảy ra tại bất kỳ vị trí cơ quan nào của đường tiết niệu, thường do các vi khuẩn Gram âm gây ra. Tuy nhiên, nhiễm trùng niệu thường gây ra ảnh hưởng lớn nhất tại các cơ quan trong đường tiết niệu dưới như niệu đạo và bàng quang, với các triệu chứng như:
- Đi tiểu thường xuyên, tiểu buốt, tiểu dắt
- Tăng áp suất tại vùng chậu
- Xuất hiện máu trong nước tiểu, đi tiểu buốt
- Cảm giác nóng rát khi đi tiểu
- Bệnh nhân bị đau bụng dưới
- Nước tiểu đục hoặc sẫm màu
- Nước tiểu có mùi khó chịu
Nếu không được điều trị kịp thời, nhiễm trùng niệu có thể lan lên các vị trí phía trên của đường tiết niệu như thận và niệu quản, với những triệu chứng điển hình như:
- Đau mạn sườn hoặc đau lưng
- Bệnh nhân sốt cao, ớn lạnh
- Có cảm giác buồn nôn, hoặc nôn
Bệnh nhân cần phải nhập viện để được thăm khám và điều trị chuyên sâu nếu bị nhiễm trùng thận, vì đây là tình trạng rất nghiêm trọng.
3. Khi nào nên xét nghiệm Nitrit trong nước tiểu?
Xét nghiệm xác định nitrit có thể được yêu cầu thực hiện khi mang thai, trước khi tiến hành phẫu thuật hoặc khi phải cần đặt ống thông tiểu.
Ngoài ra, bác sĩ sẽ yêu cầu bệnh nhân lấy mẫu nước tiểu nhằm kiểm tra hàm lượng nitrit nếu như có bất kỳ dấu hiệu nghi ngờ nào liên quan đến nhiễm trùng tiểu. Thông thường, các xét nghiệm nitrit trong nước tiểu sẽ được chỉ định trong những tình huống sau đây:
- Phụ nữ đang mang thai
- Bệnh nhân thực hiện kiểm tra sức khỏe tổng quan
- Theo dõi nhanh tình trạng bệnh lý của thận
- Trước khi thực hiện phẫu thuật
- Sàng lọc chính xác bệnh tiểu đường
- Trong quá trình bệnh nhân nhập viện, hoặc khi cần phải đặt ống thông tiểu.
4. Tiến hành xét nghiệm Nitrit trong nước tiểu
Để tiến hành lấy mẫu bệnh phẩm, bệnh nhân sẽ được các điều dưỡng cung cấp một chiếc cốc nhựa vô trùng, đồng thời được hướng dẫn để lấy mẫu đúng cách.
Xét nghiệm nước tiểu là một cách tốt nhất để kiểm tra sự hiện diện của chất Nitrit trong cơ thể, và hàm lượng protein, các tế bào bạch cầu có trong nước tiểu. Ngoài ra, còn giúp các bác sĩ xác định được độ axit và độ pH trong nước tiểu.
Tuy nhiên cũng cần lưu ý rằng sự có mặt của một số tuyp vi khuẩn không làm xuất hiện nitrite trong nước tiểu. Do đó một kết quả xét nghiệm Nitrite âm tính không được phép sử dụng để loại trừ một nhiễm khuẩn tiết niệu, nhất là khi người bệnh có triệu chứng. Quá trình chuyển hóa nitrat thành nitrit đòi hỏi thời gian vi khuẩn tiếp xúc với nước tiểu >3.5 giờ, do đó mẫu nước tiểu xét nghiệm nên được lấy mẫu đầu tiên vào buổi sáng. Ngoài ra cũng cần lưu ý nếu chế độ ăn của người bệnh thiếu rau xanh dẫn đến lượng nitrat có trong nước tiểu quá thấp hoặc lượng vi khuẩn trong nước tiểu quá nhiều cũng sẽ dẫn đến kết quả Nitrit âm tính.
Nếu như kết quả xét nghiệm nước tiểu cho thấy những dấu hiệu của bệnh nhiễm trùng liên quan đến Nitrit hoặc bạch cầu thì bệnh nhân sẽ được bác sĩ chẩn đoán giai đoạn bệnh và kê đơn thuốc điều trị hợp lý. Trong một số trường hợp, xét nghiệm này cũng được yêu cầu để xác định loại vi khuẩn đã gây ra nhiễm trùng, giúp kê đơn thuốc kháng sinh chính xác nhất.
5. Điều trị
Sử dụng kháng sinh chính là lựa chọn đầu tiên của các bác sĩ chuyên khoa khi phát hiện có sự xuất hiện của Nitrit trong nước tiểu của người bệnh. Tuy nhiên, các bác sĩ còn phải xem xét thêm về tiền sử bệnh án của người bệnh trước khi thực hiện kê đơn thuốc.
Đối với những bệnh nhân là phụ nữ đang mang thai thì có thể sử dụng phương pháp điều trị đặc biệt hoặc các loại kháng sinh thay thế khác, không gây nguy hiểm trong thai kỳ.
Những bệnh nhân bị nhiễm trùng tiểu nên uống nhiều nước trong ngày để làm loãng nước tiểu, đồng thời góp phần loại bỏ các vi khuẩn có hại trong đường tiết niệu. Nếu như nhiễm trùng đã lan đến thận thì bệnh nhân cần phải nhập viện để điều trị, tiêm kháng sinh hoặc truyền dịch.
6. Biến chứng
Bệnh nhân không được điều trị nhiễm trùng niệu tại vị trí đường tiết niệu dưới có thể để lại rất ít biến chứng. Tuy nhiên, nếu như để nhiễm trùng niệu lan đến thận thì có thể gây ra các biến chứng nguy hiểm như:
- Bệnh thận mạn tính
- Để lại sẹo ở thận
- Tăng huyết áp, cơ thể mệt mỏi
- Nhiễm trùng huyết
- Suy thận
Đặc biệt là những phụ nữ đang mang thai nếu xuất hiện các dấu hiệu của bệnh nhiễm trùng đường tiểu do Nitrit gây ra hãy đến thăm khám bác sĩ kịp thời để không gây ra ảnh hưởng nghiêm trọng đến thai kỳ như trẻ sinh nhẹ cân hoặc chuyển dạ sinh non.
Như vậy, Nitrit xuất hiện trong nước tiểu vì nguyên nhân chính là nhiễm trùng đường tiết niệu. Nếu được phát hiện sớm, bệnh nhân chỉ cần điều trị bằng các thuốc kháng sinh thông thường. Nhưng nếu không được chẩn đoán và điều trị kịp thời, bệnh nhiễm trùng tiểu có thể lan đến thận và gây ra nhiều biến chứng nguy hiểm.
Nếu xuất hiện các triệu chứng của bệnh nhiễm trùng đường tiểu hoặc nhiễm trùng thận, bạn nên đến các cơ sở y tế uy tín để được thăm khám, chẩn đoán và điều trị bệnh kịp thời.
Để đặt lịch khám tại viện, Quý khách vui lòng bấm số HOTLINE hoặc đặt lịch trực tiếp TẠI ĐÂY. Tải và đặt lịch khám tự động trên ứng dụng MyVinmec để quản lý, theo dõi lịch và đặt hẹn mọi lúc mọi nơi ngay trên ứng dụng.