Những thay đổi tích cực khi cholesterol giảm

Bài viết được tư vấn chuyên môn bởi Bác sĩ chuyên khoa I Trần Quốc Vĩnh - Bác sĩ Cấp cứu - Khoa Hồi sức - Cấp cứu - Bệnh viện Đa khoa Quốc tế Vinmec Nha Trang.

Nồng độ cholesterol cao trong máu là yếu tố nguy cơ làm gia tăng khả năng mắc các bệnh lý tim mạch và gây nên nhiều mối nguy hại cho sức khỏe. Vậy khi nồng độ cholesterol giảm và được duy trì ở mức hợp lý sẽ có ích lợi gì?

1. Vai trò cholesterol

Cholesterol là một loại chất béo được tạo ra trong cơ thể con người. Có nhiều loại tế bào khác nhau có thể tạo ra cholesterol, nhưng các tế bào gan vẫn là nguồn sản xuất chính, chiếm khoảng 1⁄4 tổng lượng cholesterol của cơ thể. Và để có thể hoạt động bình thường, cơ thể con người cần tới sự có mặt của cholesterol.

Trong cơ thể, cholesterol đảm đương ba nhiệm vụ chính:

  • Hỗ trợ quá trình sản xuất nội tiết tố sinh dục
  • Nguyên liệu cho quá trình sản xuất các mô tế bào
  • Hỗ trợ quá trình bài tiết mật trong gan

Cholesterol có 2 loại chính: LDL - Cholesterol “xấu” và HDL- Cholesterol “tốt’.

  • Cholesterol được vận chuyển trong máu nhờ các tiểu phần gọi là lipoprotein. Khi cholesterol được vận chuyển bởi các tiểu phần có tỉ trọng thấp, ta có loại cholesterol “xấu” .
  • Còn khi cholesterol được vận chuyển bởi các tiểu phần có tỉ trọng cao, ta sẽ có loại cholesterol “tốt”

Nồng độ LDL cholesterol cao làm gia tăng nguy cơ xảy ra các bệnh lý tim mạch, còn nồng độ HDL cholesterol cao góp phần ngăn ngừa các bệnh lý tim mạch.

Các yếu tố khác góp phần làm giảm nguy cơ mắc các bệnh lý tim mạch bao gồm không hút thuốc lá, ăn thức ăn lành mạnh, ăn ít muối, thường xuyên hoạt động thể chất, duy trì cân nặng và chỉ số vòng eo hợp lý, kiểm soát việc sử dụng đồ uống có cồn. Giữ chỉ số huyết áp bình thường (bao gồm cả việc dùng thuốc nếu bị tăng huyết áp) cũng giữ vai trò quan trọng.


Cholesterol có 2 loại chính: LDL - Cholesterol “xấu” và HDL- Cholesterol “tốt’
Cholesterol có 2 loại chính: LDL - Cholesterol “xấu” và HDL- Cholesterol “tốt’

2. Yếu tố nào ảnh hưởng tới nồng độ cholesterol trong máu?

Nồng độ cholesterol trong máu có thể thay đổi tùy thuộc vào chế độ ăn, tuy nhiên dù thực hiện cùng một chế độ ăn nhưng mỗi người sẽ có một nồng độ cholesterol khác nhau. Thông thường, nếu trong chế độ ăn có ít chất béo thì nồng độ cholesterol thường giảm xuống.

Ở nhiều người nồng độ cholesterol tăng cao do một số tình trạng nhất định, chẳng hạn như suy tuyến giáp, béo phì, lạm dụng rượu, một số rối loạn gan thận hiếm gặp và do di truyền.

3. Nguyên nhân và yếu tố nguy cơ gây ra nồng độ cholesterol cao


Ăn quá nhiều đồ ăn có thành phần giàu cholesterol, chất béo bão hòa, chất béo dạng trans làm tăng nguy cơ bị cholesterol cao
Ăn quá nhiều đồ ăn có thành phần giàu cholesterol, chất béo bão hòa, chất béo dạng trans làm tăng nguy cơ bị cholesterol cao

Ăn quá nhiều đồ ăn có thành phần giàu cholesterol, chất béo bão hòa, chất béo dạng trans làm tăng nguy cơ bị cholesterol cao. Một số yếu tố về lối sống cũng làm nồng độ cholesterol cao như lười vận động và hút thuốc lá.

Di truyền cũng đóng một vai trò nhất định. Nếu cha mẹ bị cholesterol cao thì con cái cũng sẽ dễ bị như vậy. Một số rối loạn di truyền mang tính gia đình cũng gây ảnh hưởng tới nồng độ cholesterol.

Một số vấn đề sức khỏe khác, như đái tháo đường hay thiểu năng giáp trạng cũng có thể làm tăng nguy cơ bị cholesterol cao cùng các biến chứng liên quan.

Như vậy những trường hợp sau đây sẽ đối mặt với nguy cơ lớn hơn bị nồng độ cholesterol cao:

  • Thừa cân hoặc béo phì.
  • Chế độ ăn không lành mạnh.
  • Không luyện tập thể dục thường xuyên.
  • Hút thuốc lá.
  • Tiền sử gia đình mắc cholesterol cao.
  • Đái tháo đường, bệnh thận, hoặc thiểu năng giáp trạng.

3.1 Nồng độ cholesterol trong máu ở giới hạn bao nhiêu là tốt?

Bình thường nồng độ cholesterol trong máu nên được giữ ở mức như sau:

  • Cholesterol tổng số: từ 5,0 mmol/L trở xuống
  • LDL cholesterol: từ 3,0 mmol/L trở xuống
  • HDL cholesterol: từ 1,2 mmol/L trở lên
  • Tỉ số Cholesterol tổng số/HDL cholesterol: từ 4,5 trở xuống.

Nồng độ LDL cholesterol trong máu càng cao thì càng làm gia tăng nguy cơ xấu đối với sức khỏe. Nếu xét nghiệm máu chỉ kiểm tra nồng độ cholesterol tổng số thì có thể dẫn tới hiểu nhầm, bởi nồng độ cholesterol tổng số cao có thể do nồng độ HDL cholesterol cao, và điều này trên thực tế là có lợi cho sức khỏe.

Nồng độ LDL cholesterol, HDL cholesterol cần phải được xét chung với các yếu tố nguy cơ bệnh lý khác để có cái nhìn tổng quát và đầy đủ. Như trong bệnh lý tim mạch đã được xác định, đột quỵ hoặc thiếu máu não thoáng qua, xơ vữa động mạch cảnh hoặc động mạch vành, tiểu đường có vi đạm niệu, suy thận giai đoạn III hoặc nặng hơn.. thì mức LDL cần đạt được phải nhỏ hơn 1.8 mmol/L, hoặc trong trường hợp có hội chứng vành cấp thì mức LDL cần đạt được tốt nhất đến 1.3 mmol/L.

3.2 Nếu nồng độ cholesterol giảm sẽ mang lại những lợi ích gì?

Nếu là người có nguy cơ cao mắc các bệnh lý tim mạch hoặc đã mắc bệnh tim mạch, việc hạ thấp nồng độ LDL cholesterol trong máu sẽ giúp làm giảm nguy cơ xảy ra các biến cố tim mạch trong tương lai.

3.3 Làm thế nào để hạ thấp nồng độ cholesterol trong máu?

Thay đổi từ một chế độ ăn không lành mạnh sang chế độ ăn lành mạnh có thể làm giảm nồng độ LDL cholesterol. Tuy nhiên, chỉ thay đổi duy nhất chế độ ăn hiếm khi làm giảm được nồng độ LDL cholesterol đủ đến mức từ có yếu tố nguy cơ cao bệnh lý tim mạch xuống thành có yếu tố nguy cơ thấp. Để làm giảm nồng độ cholesterol một cách hiệu quả cần kết hợp giữa thay đổi chế độ ăn và thay đổi lối sống.

Các thức ăn tốt nên ăn là:

  • Các nguồn protein tốt từ thịt nạc (thịt gà, cá,...)
  • Thức ăn chứa nhiều chất xơ như: hoa quả, rau xanh, và ngũ cốc nguyên hạt
  • Các thức ăn được chế biến bằng phương pháp nướng, hấp, luộc,... thay vì chiên xào

Các thức ăn nên hạn chế ăn là:

  • Thịt đỏ, nội tạng động vật, các thực phẩm từ sữa chứa nhiều chất béo
  • Các thực phẩm chế biến chứa bơ ca cao, dầu cọ, dầu dừa
  • Các đồ ăn nhanh, thực phẩm chiên rán như: khoai tây chiên, hành vòng, gà rán,...
  • Các thực phẩm chứa nhiều cholesterol, chất béo bão hòa, chất béo dạng trans

Thực hiện và duy trì lối sống lành mạnh:

  • Hạn chế tiêu thụ đồ uống có cồn
  • Không hút thuốc lá
  • Duy trì cân nặng hợp lý
  • Thường xuyên luyện tập thể dục thể thao

Việc thực hành lối sống lành mạnh là vô cùng quan trọng ngay cả khi các yếu tố nguy cơ chỉ nằm ở mức thấp. Lối sống lành mạnh ở đây bao gồm ăn uống đủ chất, cân bằng, lành mạnh, luyện tập thể dục thể thao thường xuyên, không hút thuốc lá, và kiểm soát sử dụng đồ uống có cồn ở mức vừa phải. Những điều này sẽ giúp giữ các yếu tố nguy cơ bệnh lý tim mạch ở mức thấp nhất có thể.

Hiện nay Bệnh viện Đa khoa Quốc tế Vinmec hiện đang triển khai các gói dịch vụ Sàng lọc tim mạch, trong đó có xét nghiệm các chỉ số Cholesterol trong máu cho phép đánh giá chính xác nồng độ cholesterol, từ đó giúp bạn điều chỉnh chế độ ăn uống, sinh hoạt, làm việc cho phù hợp và có thể được chỉ định điều trị nếu cần thiết.

Bác sĩ Trần Quốc Vĩnh có hơn 6 năm làm việc (bắt đầu từ năm 2011) trong lĩnh vực Cấp cứu, bác sĩ từng công tác tại khoa Cấp Cứu Bệnh viện Đa khoa Tỉnh Khánh Hòa, Tham gia khám, điều trị Nội khoa cho nhiều phòng khám trong khu vực Nha Trang trước khi là bác sĩ khoa hồi sức cấp cứu Bệnh viện Đa khoa Quốc tế Vinmec Nha Trang như hiện nay.

Để đặt lịch khám tại viện, Quý khách vui lòng bấm số HOTLINE hoặc đặt lịch trực tiếp TẠI ĐÂY. Tải và đặt lịch khám tự động trên ứng dụng MyVinmec để quản lý, theo dõi lịch và đặt hẹn mọi lúc mọi nơi ngay trên ứng dụng.

Bài viết tham khảo nguồn: patient.info

Chia sẻ
Câu chuyện khách hàng Thông tin sức khỏe Sống khỏe