Những nguyên nhân nào khiến chỉ số ggt tăng cao?

Chỉ số GGT thường được dùng để kiểm tra tình trạng tổn thương của gan và mật. Nếu chỉ số này tăng cao, điều đó chứng tỏ rằng lá gan đang gặp sự cố. Vì vậy, người bệnh nên thực hiện khám định kỳ để phát hiện sớm tình trạng bệnh, từ đó tránh được các biến chứng nguy hiểm xảy ra trong tương lai. Cùng tìm hiểu chi tiết trong bài viết này nhé.  

Bài viết được tư vấn chuyên môn bởi Bác sĩ chuyên khoa I Đồng Xuân Hà - Bác sĩ Nội soi tiêu hoá - Khoa khám bệnh và Nội khoa - Bệnh viện Đa khoa Quốc tế Vinmec Hạ Long và ThS.BS Vũ Tấn Phúc - Khoa Khám bệnh & nội khoa, Bệnh viện Đa khoa Quốc tế Vinmec Phú Quốc.

1. Chỉ số GGT trong xét nghiệm máu là gì?  

Chỉ số GGT được một trong những chỉ số quan trọng, giúp bác sĩ chẩn đoán mức độ tình trạng của gan. Kết hợp với ATS và ALT, GGT là một loại men gan thiết yếu giúp bác sĩ xác định tình trạng ứ mật trong gan. Mức độ enzym GGT sẽ gia tăng khi gan bị ảnh hưởng bởi các bệnh lý như ứ mật, viêm gan mạn, viêm gan do bia rượu, viêm gan nhiễm độc, viêm gan do virus hoặc ung thư gan.

Trắc nghiệm: Làm thế nào để bảo vệ lá gan khỏe mạnh?

Làm test trắc nghiệm kiểm tra hiểu biết về gan có thể giúp bạn nhận thức rõ vai trò quan trọng của gan, từ đó có các biện pháp bảo vệ gan để phòng ngừa bệnh tật.

2. Chỉ số GGT bao nhiêu là nguy hiểm?

Mức bình thường của chỉ số GGT là dưới 60 UI/L. Ở nữ giới, chỉ số này dao động từ 11 đến 50 UI/L. Ở nam giới, chỉ số GGT thường nằm trong khoảng 7 đến 32 UI/L. Vậy chỉ số GGT bao nhiêu là nguy hiểm?  

Có ba cấp độ cho thấy tình trạng gia tăng của chỉ số GGT.

  • Mức độ nhẹ: tăng cao trong 1-2 lần.
  • Mức độ trung bình: tăng cao trong 2-5 lần
  • Mức độ nặng: tăng cao trên 5 lần.

Tuy nhiên, vì chỉ số GGT có thể gia tăng trong nhiều loại bệnh gan khác nhau (như ung thư ganviêm gan virus...) cũng như các tình trạng không liên quan đến gan (ví dụ như hội chứng mạch vành cấp) nên xét nghiệm GGT không thể phân biệt được các nguyên nhân gây tổn thương gan. Vì vậy, việc sử dụng phương pháp này một cách thường xuyên sẽ không được khuyến khích.

Khi người bệnh uống rượu, mức GGT đôi khi sẽ tăng cao. Những người nghiện rượu nặng mãn tính thường có mức GGT cao hơn so với những người chỉ tiêu thụ ít hơn 2 đến 3 ly mỗi ngày. Ngoài ra, xét nghiệm GGT cũng được dùng để đánh giá một người có đang lạm dụng rượu cấp tính hay mãn tính không.

3. Nguyên nhân nào khiến chỉ số GGT tăng cao?

Để tránh nguy cơ tổn thương gan, việc nhận biết các yếu tố làm tăng chỉ số GGT là rất cần thiết. Điều này đặc biệt quan trọng đối với những người có men gan cao. Các yếu tố gây tăng GGT trong máu bao gồm:

  • Vàng da tắc mật.
  • Viêm gan cấp hoặc sốc gan.
  • Ung thư gan hoặc u gan.
  • Xơ gan, chết mô gan.
  • Sử dụng thuốc gây độc cho gan: Phenytoin, Phenobarbital.
  • Dùng bia rượu nồng độ cao trong thời gian dài.
  • Chế độ nghỉ ngơi không hợp lý, ảnh hưởng đến chức năng gan.
  • Chế độ dinh dưỡng không hợp lý, khiến gan yếu đi.
  • Bệnh đái tháo đường, bệnh phổi.
  • Bệnh lý tuyến tụy.
  • Thiếu lưu lượng máu đến gan.
  • Nhiều trường hợp cho thấy các loại men gan AST (SGOT), ALT (SGPT), GGT tăng ở những người mắc các bệnh như sốt rét, bệnh về đường mật, ứ sắt, viêm gan tự miễn, bệnh lý tự miễn ở ruột non và một số bệnh lý khác. 
Các nguyên nhân gây tăng GGT máu.
Các nguyên nhân gây tăng GGT máu.

Người bệnh cần lưu ý không được sử dụng Phenytoin, Phenobarbital… trong vòng 24 giờ trước khi xét nghiệm GGT vì các loại thuốc này làm tăng nồng độ GGT trong máu, dẫn đến kết quả xét nghiệm không chính xác.  

Đồng thời, người bệnh cũng không nên sử dụng rượu, bia, thuốc lá hay bất kỳ chất kích thích nào dù chỉ một lượng nhỏ vì điều này sẽ gây ảnh hưởng nghiêm trọng đến kết quả xét nghiệm.

4. Cách kiểm soát chỉ số GGT

Khi biết gan có chỉ số GGT cao, người bệnh đừng nên quá lo lắng. Với sự phát triển của y học hiện đại, đây là một tình trạng có thể chữa trị. Vì vậy, bệnh nhân cần đến khám để được bác sĩ chẩn đoán nguyên nhân và làm theo chỉ dẫn để cải thiện tình hình.  

Người bệnh nên xét nghiệm chỉ số GGT định kỳ để phát hiện sớm các bệnh nguy hiểm.
Người bệnh nên xét nghiệm chỉ số GGT định kỳ để phát hiện sớm các bệnh nguy hiểm.

Dưới đây là một số lời khuyên cụ thể người bệnh nên thực hiện:

  • Trước hết, người bệnh nên thực hiện xét nghiệm viêm gan, đặc biệt chú ý đến viêm gan B và C. Đối với viêm gan B, ngoài xét nghiệm HBsAg có kết quả dương tính, người bệnh cũng cần tiến hành thêm các xét nghiệm như HBeAg, HBsAb, và antiHBeAg… Nếu có khả năng, người bệnh hãy thực hiện thêm xét nghiệm định lượng ADN của virus.
  • Nếu nguyên nhân khiến men gan tăng là do viêm tắc đường dẫn mật thì bệnh nhân cần có sự hỗ trợ để cải thiện triệt để nguyên nhân này.
  • Đối với viêm gan do rượu, việc kiêng rượu, bia và tất cả các loại đồ uống có cồn là rất cần thiết.
  • Nếu bia rượu làm tăng men gan, người bệnh nên giảm lượng bia rượu tiêu thụ.
  • Để được bác sĩ theo dõi và đánh giá tình trạng tiến triển của bệnh, người bệnh nên thực hiện kiểm tra sức khỏe định kỳ. Người bệnh có thể đăng ký các Gói khám sàng lọc Gan Mật tại những bệnh viện có bác sĩ chuyên khoa như Bệnh viện Đa khoa Quốc tế Vinmec, nhằm phát hiện và điều trị bệnh kịp thời.
  • Chế độ ăn uống có ảnh hưởng trực tiếp tới các bộ phận trong cơ thể, đặc biệt là gan (nơi thường xuyên phải xử lý độc tố). Một chế độ ăn uống hợp lý sẽ mang lại lợi ích cả cho bên trong lẫn bên ngoài cơ thể. Ngược lại, nếu chế độ ăn uống chứa nhiều rượu bia và không đúng giờ giấc… chức năng gan sẽ bị suy giảm.
  • Gan có khả năng giải độc cho cơ thể đối với các chất độc mạnh, như hóa chất và chất độc hại từ thực phẩm. Nhưng nếu các chất độc này tích tụ lâu ngày, gan liệu có thể chịu đựng được không? Câu trả lời là không. Gan sẽ dần mệt mỏi và chỉ số GGT cũng sẽ tăng lên một cách âm thầm.
  • Việc tự ý sử dụng thuốc Nam hay thuốc Đông y theo lời đồn để hỗ trợ cải thiện là điều không nên. Các loại thuốc không có kiểm chứng khoa học hoặc bằng chứng rõ ràng sẽ dẫn đến hậu quả nghiêm trọng, làm bệnh gan trở nên nặng hơn hoặc không thể chữa trị.
  • Nghỉ ngơi hợp lý, tránh làm những công việc căng thẳng. 
Hạn chế bia rượu giúp bạn có một lá gan khỏe mạnh.
Hạn chế bia rượu giúp bạn có một lá gan khỏe mạnh.

Hy vọng qua bài viết này người bệnh sẽ hiểu rõ hơn về chỉ số GGT, khi nào chỉ số này tăng cao và cách kiểm soát. Người bệnh nên chú ý và thực hiện các xét nghiệm cần thiết thường xuyên để bảo vệ sức khỏe của bản thân. Khi chỉ số GGT tăng, người bệnh hãy ngay lập tức hỏi bác sĩ về tình trạng của bản thân và thực hiện các biện pháp cần thiết để ngăn ngừa gan suy yếu, dẫn đến các hậu quả nghiêm trọng hơn. 

Để đặt lịch khám tại viện, Quý khách vui lòng bấm số HOTLINE hoặc đặt lịch trực tiếp TẠI ĐÂY. Tải và đặt lịch khám tự động trên ứng dụng MyVinmec để quản lý, theo dõi lịch và đặt hẹn mọi lúc mọi nơi ngay trên ứng dụng. 

Chia sẻ
Câu chuyện khách hàng Thông tin sức khỏe Sống khỏe