Một người có thể được sinh ra với một gen khiến họ có nhiều khả năng bị bệnh lupus ban đỏ. Sau đó, người này có thể tiếp xúc với một yếu tố nào đó trong môi trường và gây ra bệnh. Cho đến thời điểm hiện tại, y học vẫn chưa biết chính xác nguyên nhân gây ra bệnh lupus ban đỏ. Vậy thực chất, bệnh lupus ban đỏ là gì?
Nội dung video được tư vấn chuyên môn bởi Tiến sĩ, Bác sĩ Nguyễn Văn Đĩnh - Trưởng đơn nguyên Dị ứng - Miễn dịch lâm sàng - Bệnh viện Vinmec Times City
Hiểu một cách đơn giản, hệ thống miễn dịch của cơ thể bảo vệ con người khỏi vi khuẩn, vi rút và những kẻ xâm nhập khác có thể gây bệnh cho cơ thể. Nhưng ở những bệnh nhân bị bệnh lupus ban đỏ, hệ thống miễn dịch của họ tấn công nhầm và làm tổn thương các mô của chính cơ thể họ. Do đó nó còn được gọi là bệnh tự miễn.
Bệnh ban đỏ lupus thường gặp ở phụ nữ chủ yếu trong độ tuổi sinh đẻ do đó vấn đề thai sản cần đặc biệt lưu tâm, bệnh Lupus và quá trình thai sản có sự tác động qua lại lẫn nhau. Theo nhiều nghiên cứu, quá trình thai sản là một trong những yếu tố gây khởi phát đợt cấp của bệnh lupus ban đỏ do sự thay đổi nội tiết tố trong cơ thể. Các cơ quan bị ảnh hưởng nhiều nhất trong đợt cấp là da, thận, máu và khớp, trong đó thận tổn thương nặng nhất với biểu hiện viêm cầu thận, hội chứng thận hư, suy thận, là một trong những yếu tố tiên lượng xấu, có thể dẫn đến tử vong mẹ trong thai kỳ. Bệnh lupus ban đỏ cũng gây ra những ảnh hưởng nặng nề đến quá trình thai sản của bệnh nhân, dẫn tới nhiều nguy cơ cho cả mẹ và thai nhi, như tỷ lệ sảy thai và thai lưu, đẻ non, thai chậm phát triển ở bệnh nhân Lupus mang thai cao hơn rất nhiều so với tỷ lệ trong cộng đồng.
Nếu bệnh nhân đã được chẩn đoán mắc bệnh lupus ban đỏ hệ thống mà có ý định mang thai thì cần phải thông báo cho bác sĩ điều trị vì không phải lúc nào bệnh nhân mắc bệnh lupus ban đỏ cũng có thể mang thai vì có thể khiến bệnh nặng lên. Do vậy, khi có kế hoạch mang thai, bệnh nhân cần chuẩn bị trước, khi bệnh ổn định, kiểm soát bệnh lý tốt, cơ hội thành công thai nghén sẽ cao hơn.
Đối với bệnh nhân mắc bệnh lupus ban đỏ, một số kháng thể tự miễn gây nguy cơ đối với thai nghén. Một số bệnh nhân lưu hành kháng thể SSA, SSB (gây khô mắt, khô môi, khô da, khô tuyến ngoại tiết ở bệnh nhân mắc bệnh lupus ban đỏ), kháng thể này với nồng độ cao trong máu mẹ qua nhau thai sẽ gây block tim bẩm sinh, làm tim em bé không đều, rời rạc và có thể gây bệnh lupus sơ sinh.
Tóm lại, đối với phụ nữ mang thai mắc bệnh lupus ban đỏ cần có kế hoạch cụ thể từ trước khi mang thai, trong quá trình mang thai và sinh con, được theo dõi bởi các bác sĩ chuyên khoa để ngăn ngừa biến chứng nguy hiểm làm ảnh hưởng đến cả mẹ và thai nhi.
Để đặt lịch khám tại viện, Quý khách vui lòng bấm số HOTLINE hoặc đặt lịch trực tiếp TẠI ĐÂY. Tải và đặt lịch khám tự động trên ứng dụng MyVinmec để quản lý, theo dõi lịch và đặt hẹn mọi lúc mọi nơi ngay trên ứng dụng.