Những lưu ý khi xét nghiệm nồng độ AMH đánh giá khả năng dự trữ buồng trứng

Bài viết được tư vấn chuyên môn bởi Bác sĩ chuyên khoa I Nguyễn Thị Mận - Khoa Sản Phụ Khoa - Bệnh viện Đa khoa Quốc tế Vinmec Đà Nẵng.

Xét nghiệm AMH đánh giá dự trữ buồng trứng đóng vai trò quan trọng trong việc xác định khả năng sinh sản của người phụ nữ, đặc biệt ở bệnh nhân bị suy buồng trứng sớm. Khi thực hiện xét nghiệm AMH, bệnh nhân cần lưu ý một số điểm để đảm bảo kết quả thu được chính xác.

1. Xét nghiệm AMH là gì ?

AMH là từ viết tắt của Anti-mullerian Hormone. Đây là một hormone được tiết trực tiếp bởi các tế bào hạt của nang noãn buồng trứng và có liên quan trực tiếp với số lượng nang noãn nguyên thủy trong buồng trứng. Lượng AMH cho biết số nang noãn non hiện có trong buồng trứng, hay còn gọi là dự trữ buồng trứng. Dự trữ buồng trứng là một trong những dấu hiệu đánh giá khả năng sinh sản.

Nồng độ AMH không thay đổi đáng kể trong suốt chu kỳ kinh và giảm dần theo tuổi. Ở phụ nữ khỏe mạnh và dưới 38 tuổi, nồng độ AMH bình thường nằm trong khoảng từ 2,0 – 6,8ng/ml (14,28 – 48,55 pmol/L). Nồng độ AMH thấp phản ánh dự trữ buồng trứng giảm, nồng độ AMH cao hơn giá trị trên cũng quan sát thấy ở những phụ nữ buồng trứng đa nang.

2. Những lưu ý khi xét nghiệm nồng độ AMH

Xét nghiệm AMH là một xét nghiệm khá mới, chỉ mới được triển khai ở Việt Nam trong thời gian gần đây. Xét nghiệm này đóng vai trò rất quan trọng chẩn đoán và điều trị hiếm muộn, đặc biệt là trước khi thực hiện kích thích buồng trứng và thụ tinh trong ống nghiệm. Khi thực hiện xét nghiệm, bệnh nhân nắm được một số vấn đề sau:

  • Nên xét nghiệm AMH vào thời điểm nào? Nồng độ AMH sẽ hằng định, không thay đổi theo chu kỳ kinh nên có thể thực hiện vào bất kỳ ngày nào của chu kỳ kinh. Đây là ưu điểm của xét nghiệm AMH so với xét nghiệm FSH trước đây. Do vậy, giúp việc xét nghiệm đánh giá khả năng sinh sản của buồng trứng trở nên thuận tiện hơn nhiều cho bệnh nhân. Trước đây, các xét nghiệm đánh giá chức năng buồng trứng (FSH, LH, E2) phải thực hiện vào đầu chu kỳ kinh (ngày 2-4);

Xét nghiệm AMH vào bất cứ ngày nào của chu kỳ kinh
Xét nghiệm AMH vào bất cứ ngày nào của chu kỳ kinh
  • Khi có chỉ định bệnh nhân sẽ được lấy máu tĩnh mạch và có thể làm xét nghiệm vào bất kỳ ngày nào của chu kỳ kinh. Xét nghiệm được thực hiện theo phương pháp miễn dịch điện hóa phát quang đảm bảo độ chính xác cao;
  • Các yếu tố có thể ảnh hưởng tới kết quả xét nghiệm AMH là tuổi, chủng tộc, tình trạng hút thuốc, uống rượu, tình trạng béo phì, buồng trứng đa nang, sử dụng thuốc tránh thai, hóa trị, xạ trị, phẫu thuật một hoặc cả hai buồng trứng,... Do đó, trước khi thực hiện xét nghiệm AMH, bệnh nhân cần báo với bác sĩ các tình trạng trên để bác sĩ có hướng xử trí phù hợp.

Xét nghiệm AMH được xem là xét nghiệm chính xác nhất trong đánh giá chức năng sinh sản của buồng trứng. Mức độ AMH trong máu của một người phụ nữ là một chỉ số về dự trữ buồng trứng và hữu ích trong việc đánh giá tình trạng sinh sản, đặc biệt là ở bệnh nhân bị suy buồng trứng sớm. Chỉ cần thực hiện xét nghiệm AMH, bác sĩ có thể ước đoán khả năng sinh sản của bệnh nhân.

Để đặt lịch khám tại viện, Quý khách vui lòng bấm số HOTLINE hoặc đặt lịch trực tiếp TẠI ĐÂY. Tải và đặt lịch khám tự động trên ứng dụng MyVinmec để quản lý, theo dõi lịch và đặt hẹn mọi lúc mọi nơi ngay trên ứng dụng.

Chia sẻ
Câu chuyện khách hàng Thông tin sức khỏe Sống khỏe