Bệnh viêm gan B là bệnh mãn tính nguy hiểm, khiến hơn 600.000 người tử vong mỗi năm trên toàn cầu. Theo Tổ chức Y tế Thế giới, hiện nay có hơn 300 triệu người mắc bệnh này trên thế giới, với khoảng 3 đến 4 triệu ca mới mỗi năm. Tìm hiểu chi tiết hơn về bệnh lý này thông qua bài viết dưới đây.
Bài viết này được viết dưới sự hướng dẫn chuyên môn của các bác sĩ thuộc khoa Tiêu hoá - Gan Mật - Bệnh viện Đa khoa Quốc tế Vinmec.
1. Các đối tượng có nguy cơ mắc bệnh viêm gan B
Mặc dù, bệnh viêm gan B là một bệnh dễ lây nhiễm nhưng một số đối tượng sau có nguy cơ cao mắc bệnh:
- Trong gia đình có thành viên mắc bệnh viêm gan B.
- Tiêm chích ma túy dùng chung kim tiêm, ống tiêm hặc dụng cụ dùng cho ma túy.
- Sinh sống hoặc du lịch đến khu vực có tỷ lệ mắc bệnh viêm gan B cao.
- Quan hệ với những người mắc bệnh.
- Quan hệ đồng giới.
- Trẻ sơ sinh bị lây nhiễm bệnh từ mẹ.
- Chạy thận nhân tạo.
- Người có bệnh tiểu đường, nhiễm viêm gan C hoặc HIV.
- Nhân viên y tế hoặc nhân viên phòng thí nghiệm.
- Người có xăm hình hoặc xỏ lỗ trên cơ thể.
- Những người được truyền máu chưa sàng lọc kỹ.
2. Nguyên nhân và con đường lây nhiễm bệnh viêm gan B
Viêm gan B được gây ra bởi virus HBV (Hepatitis B Virus). Sau khi nhiễm virus, thời gian ủ bệnh từ 3 đến 6 tháng tùy thuộc vào thể trạng của mỗi người. Sau thời gian này, virus bắt đầu hoạt động và gây ra viêm gan B cấp tính. Nếu sau 6 tháng mà cơ thể không thể tự miễn dịch chống lại virus, bệnh sẽ chuyển sang giai đoạn mãn tính và người bệnh sẽ mang virus HBV suốt đời. Dưới đây là một số con đường lây truyền chính của viêm gan B:
2.1. Truyền từ mẹ sang con
Khi thai phụ bị nhiễm virus viêm gan B, nguy cơ lây nhiễm virus cho thai nhi là rất cao và nguy cơ tăng dần từ khi mang thai đến khi sinh. Trong 3 tháng đầu của thai kỳ, tỷ lệ lây nhiễm khoảng 10% và tăng lên đến 60-70% trong 3 tháng cuối. Nếu không có các biện pháp bảo vệ kịp thời ngay sau sinh, nguy cơ truyền bệnh cho thai nhi có thể đạt tới 90%. Khoảng 50% trong số những trẻ này có thể phát triển thành bệnh viêm gan B mãn tính và có nguy cơ mắc bệnh xơ gan khi trưởng thành.
2.2. Truyền qua đường tình dục
Virus HBV-DNA trong tinh dịch của nam giới và dịch tiết âm đạo của nữ giới có thể lây nhiễm cho đối tác qua các vết xước nhỏ trong quá trình quan hệ tình dục. Do đó, việc quan hệ tình dục an toàn là rất quan trọng, cần sử dụng biện pháp bảo vệ và tránh sử dụng các dụng cụ tình dục không được vệ sinh sạch sẽ.
2.3. Truyền qua đường máu
Các sự cố y tế như truyền máu nhiễm virus viêm gan B, sử dụng dụng cụ y tế không được vệ sinh hay tiệt trùng đúng cách chứa virus gây bệnh. Ngoài ra, dùng chung bơm kim tiêm hay các vật dụng cá nhân như dao cạo râu, bàn chải đánh răng cũng làm tăng nguy cơ lây nhiễm. Các dịch vụ thẩm mỹ như làm nail, xăm hình sử dụng dụng cụ không đảm bảo vệ sinh cũng có thể là nguồn lây nhiễm virus viêm gan B.
3. Triệu chứng nhận biết viêm gan B
Bệnh viêm gan B là một bệnh lý phổ biến trên toàn cầu, gây ra bởi virus viêm gan B (HBV). Bệnh có thể lây lan qua đường máu, quan hệ tình dục và từ mẹ sang con. Nếu mẹ bị nhiễm HBV và có HBeAg (+), khả năng truyền bệnh cho con lên đến hơn 80% và khoảng 90% trẻ nhiễm sẽ phát triển thành bệnh viêm gan B mạn tính. Viêm gan B có thể có diễn biến cấp tính. Hơn 90% trường hợp có thể khỏi hoàn toàn, trong khi gần 10% có thể chuyển sang giai đoạn mạn tính, dẫn đến các biến chứng như xơ gan hoặc ung thư gan.
HBV là một loại virus thuộc họ Hepadnaviridae và có cấu trúc DNA. Virus này được phân loại thành 10 kiểu gen khác nhau, được ký hiệu từ A đến J dựa trên trình tự của các nucleotide. HBV có ba loại kháng nguyên chính là HBsAg, HBeAg và HBcAg, tương ứng với mỗi kháng nguyên là ba loại kháng thể là anti-HBs, anti-HBc và anti-HBe. Sự hiện diện của các kháng nguyên cùng kháng thể này đóng vai trò quan trọng trong việc chẩn đoán bệnh, xác định thể bệnh và theo dõi diễn biến của bệnh.
Hiện nay, việc phát triển và sử dụng vắc xin dự phòng đã giảm đáng kể số ca nhiễm mới HBV. Viêm gan B thường không có nhiều biểu hiện rõ rệt trong giai đoạn đầu, với chỉ một vài triệu chứng nhẹ, khiến nhiều người bệnh chủ quan và không nhận biết được. Các triệu chứng của bệnh viêm gan B trở nên nhiều và rõ ràng hơn khi bệnh tiến triển qua một thời gian dài. Khoảng 30 đến 50% người mắc bệnh.
Bệnh viêm gan B có các triệu chứng biểu hiện ở cơ thể như sau:
- Mệt mỏi, uể oải và suy nhược cơ thể.
- Chán ăn, ăn không ngon, sợ thức ăn có nhiều dầu mỡ.
- Rối loạn tiêu hóa và đầy hơi.
- Vàng mắt, vàng da.
- Nước tiểu sậm màu, đi ngoài phân bạc màu
- Đau vùng gan, vị trí phía trên bên phải bụng.
- Sốt nhẹ vào buổi chiều, cảm giác ngứa ngáy trên da.
Bệnh thường có thể biểu hiện dưới dạng cấp tính hoặc mãn tính:
Giai đoạn cấp tính:
- Có tiền sử truyền máu hoặc sử dụng các sản phẩm máu, tiêm chích hoặc quan hệ tình dục không an toàn trong khoảng thời gian từ 4 tuần đến 6 tháng.
- Lâm sàng: Các triệu chứng có thể gặp bao gồm chán ăn, mệt mỏi, vàng da, tiểu sẫm màu, đau tức vùng gan, nôn, buồn nôn, phân nhạt màu...
Cận lâm sàng:
- AST, ALT(men gan) tăng cao (thường tăng trên 5 lần so với giá trị bình thường).
- Bilirubin tăng cao, chủ yếu là Bilirubin trực tiếp.
- HBsAg (+) hoặc (-) và anti-HBc IgM (+).
Giai đoạn mãn tính:
Triệu chứng lâm sàng thường không biểu hiện rõ, xét nghiệm thường thấy:
- HBsAg (+) > 6 tháng hoặc HBsAg (+) và Anti HBc IgG (+).
- ST, ALT(men gan) tăng từng đợt hoặc liên tục trên 6 tháng.
- Có bằng chứng về tổn thương mô gan tiến triển thành xơ gan, được xác định thông qua sinh thiết gan hoặc đo độ đàn hồi gan bằng phương pháp siêu âm Fibroscan.
4. Phương pháp chẩn đoán
Để kiểm tra xem có nhiễm virus viêm gan B không, cần thực hiện các xét nghiệm cần thiết để thu thập đủ dữ liệu chẩn đoán, bao gồm:
- HBsAg có dương tính hay không.
- Hàm lượng HBsAb.
Nếu có HBsAg dương tính, thì cần làm tiếp các bước như sau:
- Kiểm tra: HBeAg, HBeAb, HBcAb.
- Kiểm tra chức năng gan: Kiểm tra mức độ tổn thương gan.
- Xét nghiệm HBV-DNA: Đánh giá mức độ nhân lên của virus trong cơ thể. Chỉ số càng cao cho thấy virus nhân lên mạnh mẽ hơn, tăng khả năng truyền nhiễm.
- Siêu âm: Quan sát các thay đổi ở gan, túi mật và tụy, hỗ trợ quan trọng trong điều trị. Đặc biệt, siêu âm Fibroscan được sử dụng để sớm phát hiện xơ gan.
- Sinh thiết gan: Thủ thuật này cho phép phân tích các tế bào gan lấy mẫu để xác định mức độ tổn thương của gan.
- HBsAg âm tính, HBsAb < 100 IU/ml: Nên tiêm phòng vắc xin chống vi rút bệnh viêm gan B.
5. Tác hại và biến chứng của viêm gan B
Sau thời gian ủ bệnh, virus viêm gan B bắt đầu hoạt động bằng cách bám vào bề mặt của tế bào gan. Sử dụng cơ chế của tế bào gan để sao chép mã di truyền của mình, virus phát triển và sinh sôi nhiều tế bào mới từ tế bào gan ban đầu. Quá trình này gây rối loạn hoạt động của tế bào gan và làm tăng nguy cơ biến chứng.
Tác hại cụ thể của viêm gan B, bao gồm:
- Suy giảm chức năng gan: Do hoạt động của tế bào gan bị phá hủy từ bên trong, dần dần tế bào gan bị tổn thương nghiêm trọng, dẫn đến suy giảm các chức năng của gan như lọc máu, thải độc, chuyển hóa các chất và tổng hợp các chất cần thiết cho cơ thể.
- Gây ra gan nhiễm mỡ: Sự phân giải Triglyceride trong gan bị suy giảm, khiến chất béo không được chuyển hóa mà tích tụ lại, dẫn đến tình trạng gan nhiễm mỡ.
- Biến chứng xơ gan: Nếu bệnh viêm gan B không được điều trị kịp thời hoặc điều trị không hiệu quả, bệnh có thể tiến triển thành xơ gan trong khoảng 20 năm hoặc thậm chí sớm hơn.
- Biến chứng ung thư gan: Virus viêm gan B làm tăng nguy cơ phát triển các tế bào gan ác tính, từ giai đoạn viêm gan đến xơ gan. Biến chứng ung thư gan thường xảy ra trong vòng 10 năm sau khi bệnh nhân bị xơ gan.
6. Điều trị bệnh viêm gan B
Hiện nay, chưa có thuốc có thể tiêu diệt hoàn toàn virus HBV. Các phương pháp điều trị hiện tại nhằm kiểm soát và ức chế hoạt động của virus, đưa virus về trạng thái không hoạt động để ngăn ngừa bệnh tái phát và các biến chứng liên quan, từ đó giúp phục hồi chức năng gan. Các phương pháp điều trị bệnh viêm gan B bao gồm:
6.1. Dùng thuốc
Sử dụng các loại thuốc như Lamivudine, Tenofovir, và Entecavir, cùng với thuốc chích Interferon để ức chế hoạt động của virus cũng như ngăn chặn sự tái sinh nội bào của virus. Mặc dù chi phí điều trị bằng Interferon có thể khá cao nhưng nếu chỉ sử dụng các loại thuốc khác, người bệnh thường cần phải uống thuốc suốt đời.
6.2. Các phương pháp mới
Các kỹ thuật như trị liệu định hướng, truyền ngược Ozone và phân ly virus đều được áp dụng hiệu quả trong điều trị bệnh viêm gan B. Những phương pháp này có ưu điểm là giảm thiểu tác dụng phụ, rút ngắn thời gian điều trị và có chi phí thấp hơn.
6.2.1. Phương pháp truyền máu mang Ozone
Lấy 100 ml máu từ người bệnh, sau đó trộn với 100 ml ozone theo tỷ lệ 1:1 để ozone có thể thích nghi với dung dịch máu trong cơ thể. Hỗn hợp này được tiêm trở lại vào cơ thể người bệnh. Quy trình này không gây tác dụng phụ, không ảnh hưởng đến công việc, học tập và toàn bộ quá trình chỉ mất khoảng 15-20 phút.
6.2.2. Phương pháp lọc virus ra khỏi máu
Sử dụng thiết bị y học hiện đại để phân tích chính xác virus tiềm ẩn trong gan, từ đó thay đổi kết cấu của virus một cách trực tiếp, nhanh chóng và hiệu quả. Sau đó, thiết bị giúp cách ly virus và phá hoại tường lũy gen của virus để ngăn chặn sự tái sinh, nhân bản của virus.
Bên cạnh đó, còn có một số bài thuốc đông y được áp dụng để điều trị các bệnh mạn tính.
7. Các phòng ngừa bệnh viêm gan B
7.1. Phòng chủ động
Tiêm vắc xin viêm gan B cho trẻ em ngay trong vòng 24 giờ sau sinh và tiếp tục tiêm các mũi tiếp theo ở 2, 3, 4 tháng tuổi theo chương trình tiêm chủng mở rộng.
Tiêm vắc xin viêm gan B cho những người chưa nhiễm HBV. Trước khi tiêm phòng, cần thực hiện xét nghiệm HBsAg và anti-HBs để đảm bảo hiệu quả. Vắc xin phải được tiêm theo lịch 3 mũi, với mũi thứ hai tiêm sau mũi đầu một tháng và mũi thứ ba sau 6 tháng.
Tiêm vắc xin viêm gan B cũng được khuyến cáo cho nhân viên y tế.
7.2. Phòng lây truyền từ mẹ sang con
Nếu mẹ mang thai có HBsAg (+): Sau sinh, tiêm vắc xin viêm gan B cho trẻ ngay theo chương trình tiêm chủng mở rộng và kết hợp tiêm kháng thể kháng HBV. Tiêm hai loại này cùng thời điểm nhưng ở hai vị trí khác nhau trên cơ thể trẻ. Sau đó, tiếp tục tiêm các liều vắc xin viêm gan B theo đúng lịch trình của chương trình tiêm chủng mở rộng.
Nếu mẹ mang thai có HBV-DNA > 106 copies/ml (200.000 IU/mL): Sử dụng thuốc kháng virus như lamivudine hoặc tenofovir trong 3 tháng cuối của thai kỳ. Sau sinh 3 tháng, xét nghiệm lại HBV DNA để quyết định có nên ngừng thuốc hay tiếp tục điều trị, tùy theo mẹ có đủ tiêu chuẩn điều trị hay không. Cần theo dõi sát sức khỏe của người mẹ để phát hiện sớm các dấu hiệu của bệnh viêm gan B bùng phát.
7.3. Phòng không đặc hiệu
- Sàng lọc máu và chế phẩm máu.
- Không dùng chung kim tiêm và các dụng cụ xuyên qua da khác.
- Dùng các biện pháp an toàn khi quan hệ.
- Tránh tiếp xúc với máu hoặc các dịch tiết của người nhiễm virus HBV.
- Áp dụng các biện pháp phòng ngừa chuẩn để tránh các bệnh lây qua đường máu.
Bệnh viêm gan B là bệnh lý có khả năng lây nhiễm cao và nguy hiểm. Vì thế, mọi người cần tìm hiểu kỹ về bệnh và phòng ngừa phù hợp. Nếu có các triệu chứng bệnh kể trên, bệnh nhân nên đến bác sĩ để kiểm tra và điều trị thích hợp.
Để đặt lịch khám tại viện, Quý khách vui lòng bấm số HOTLINE hoặc đặt lịch trực tiếp TẠI ĐÂY. Tải và đặt lịch khám tự động trên ứng dụng MyVinmec để quản lý, theo dõi lịch và đặt hẹn mọi lúc mọi nơi ngay trên ứng dụng.