Bài viết được viết bởi Thạc sĩ, Bác sĩ Nguyễn Thị Mỹ - Khoa Khám bệnh & Nội khoa - Bệnh viện Đa khoa Quốc tế Vinmec Đà Nẵng.
Tại Việt Nam, mỗi năm có khoảng 4000 phụ nữ phát hiện mình mắc ung thư cổ tử cung và khoảng 2400 phụ nữ tử vong hàng năm vì căn bệnh này. Đây là căn bệnh hiện vẫn chưa tìm được giải pháp chữa trị dứt điểm mà chỉ có thể phòng ngừa bằng phương pháp sử dụng vắc-xin. Cùng tìm hiểu về vắc-xin HPV phòng ngừa ung thư cổ tử cung với Thạc sĩ. Bác sĩ Nguyễn Thị Mỹ, bác sĩ tại khoa khám bệnh & Nội khoa bệnh viện ĐKQT Vinmec Đà Nẵng.
1. Tìm hiểu về vắc-xin HPV?
HPV (Human Papilloma Virus) - nguyên nhân chủ yếu gây ung thư cổ tử cung, là loại virus gây u ở người, lây nhiễm qua đường tiếp xúc, quan hệ tình dục, từ mẹ sang con và có thể tồn tại trong cơ thể người thời gian rất lâu trước khi phát triển thành bệnh. Hiện có hơn 100 tuýp HPV, trong đó, các tuýp 16, 18 có nguy cơ sinh ung thư cao nhất. Bệnh này hiện nay chưa có thuốc điều trị đặc hiệu nên để giảm tỷ lệ mắc bệnh chỉ có một cách duy nhất đó là tiêm ngừa vắc-xin.
Vắc-xin HPV được đánh giá là an toàn và có thể đem lại hiệu quả cao trong việc bảo vệ phụ nữ tránh khỏi những căn bệnh liên quan đến virus HPV typ 16 và 18, hai typ chủ yếu gây ung thư cổ tử cung. Đặc điểm của các bệnh ung thư nếu để lâu thì càng khó chữa trị nên bác sĩ khuyến cáo trẻ em gái từ 9 tuổi nên tiêm ngừa để đảm bảo được bảo vệ trước khi có khả năng nhiễm loại virus này. Độ tuổi an toàn để vắc-xin còn có hiệu quả cao nhất là dưới 26 tuổi và chị em phụ nữ chưa lập gia đình hoặc chưa quan hệ tình dục.
2. Cần làm gì sau khi tiêm vắc-xin HPV?
Sau khi đã tiêm phòng đầy đủ các mũi vắc-xin để phòng tránh nguy cơ mắc bệnh, chị em nên sử dụng các biện pháp bảo vệ như:
- Giữ gìn vệ sinh vùng kín , tránh tình trạng ẩm ướt tạo điều kiện cho nấm mốc, viêm nhiễm. Thay băng vệ sinh sạch sẽ vào chu kỳ kinh nguyệt và vệ sinh sạch sẽ, hạn chế hoạt động quan hệ tình dục tránh vi khuẩn có điều kiện xâm nhập.
- Ngoài ra, đời sống tinh thần là một yếu tố quan trọng chị em phụ nữ cần chú ý. Giữ cho trạng thái vui vẻ, giảm thiểu tình trạng căng thẳng, tránh hút thuốc lá và lạm dụng các chất kích thích như rượu bia, xây dựng chế độ ăn uống hợp lý giàu chất dinh dưỡng cho cơ thể, luyện tập thể dục thể thao giúp cơ thể khỏe mạnh.
- Khi chị em đã có gia đình từ 21 tuổi trở lên hoặc đã có hoạt động tình dục thì cần thăm khám định kỳ hằng năm, xét nghiệm tế bào học và HPV nhằm phát hiện kịp thời các bệnh lý về phụ khoa cũng như ung thư cổ tử cung.
3. Vắc-xin HPV có tác dụng phụ gì không?
Theo các chuyên gia cho biết, một loại vắc-xin nào dù có tốt và hiệu quả tới đâu cũng có khả năng gây ra nhiều tác dụng phụ ngoài ý muốn. Bởi vì tiêm vắc-xin có bản chất có mang virus bị bất hoạt đưa vào cơ thể nên sẽ có một số phản ứng nhằm chống lại chất “lạ" này. Mỗi người sẽ có phản ứng khác nhau và hầu hết là nhẹ như sốt, sưng đau tại chỗ tiêm hoặc nổi mẩn đỏ.
Tuy nhiên một số trường hợp có phản ứng mạnh như sốt, co giật, sốc phản vệ hoặc thậm chí tử vong. Trên thực tế cùng tiêm một lô vắc-xin hoặc thậm chí cùng một lọ vắc-xin nhưng có rất ít người có phản ứng nghiêm trọng. Điều này được lý giải bởi cơ địa của người phản ứng chứ không phải do chất lượng vắc-xin kém.
Điều lưu ý là vắc-xin HPV không phòng ngừa được tất cả các chủng ngừa, trong khi typ 16 và 18 là hai typ có nguy cơ gây mắc ung thư cao nhất. Điều này cho thấy mặc dù đã được tiêm phòng đầy đủ nhưng phụ nữ cũng cần đi tầm soát để phát hiện nguy cơ mắc ung thư cổ tử cung từ các typ khác.
4. Các loại vắc-xin HPV thường được sử dụng
Hiện nay, tại Việt Nam có 2 loại vắc-xin HPV được sử dụng rộng rãi là:
- Cervarix: Vắc-xin có chứa 2 tuýp gây bệnh ung thư cổ tử cung.
- Gardasil: Vắc-xin có chứa 2 tuýp gây ung thư và 2 tuýp gây bệnh khác như sùi mào gà, mụn cóc sinh dục.
Tại Bệnh viện Đa khoa Quốc tế Vinmec đang có hai loại vắc-xin phòng HPV là Gardasil 0,5ml (cung cấp bởi MSD - Mỹ) và Cervarix (cung cấp bởi GSK - Bỉ).
Cả hai loại đều tiêm 03 mũi trong 6 tháng. Trong khi chưa tiêm đủ các mũi, bác sĩ khuyến cáo không nên có quan hệ tình dục để tránh lây nhiễm HPV trong khi cơ thể chưa tạo được miễn dịch hoàn chỉnh. Phụ nữ nên có thai sau khi tiêm mũi thứ ba ít nhất 1 tháng để tránh ảnh hưởng của vắc-xin đến thai nhi.
Nhằm hỗ trợ công tác chẩn đoán và điều trị, Bệnh viện đa khoa quốc tế Vinmec đã đưa vào áp dụng xét nghiệm phát hiện sớm ung thư cổ tử cung ThinPrep Pap Test, đây là phương pháp được Cơ quan Quản lý thuốc và Thực phẩm Hoa Kỳ (FDA) ban hành đưa và có hiệu lực từ tháng 05/1996. Phương pháp này có ưu điểm là giúp kiểm soát bằng màng lọc, làm tăng độ nhạy trong việc phát hiện các tế bào ung thư biểu mô tuyến, một loại ung thư khó phát hiện.
Để đặt lịch khám tại viện, Quý khách vui lòng bấm số HOTLINE hoặc đặt lịch trực tiếp TẠI ĐÂY. Tải và đặt lịch khám tự động trên ứng dụng MyVinmec để quản lý, theo dõi lịch và đặt hẹn mọi lúc mọi nơi ngay trên ứng dụng.