Những điều cần biết về Vắc-xin HPV - Tác nhân gây ung thư cổ tử cung

Bài viết được viết bởi Bác sĩ Khoa Xét nghiệm - Bệnh viện Đa khoa Quốc tế Vinmec Đà Nẵng.

HPV là một loại vi rút gây u nhú ở người. Vi rút HPV có thể đã âm thầm tồn tại trong cơ thể người bệnh từ hàng chục năm, tuy nhiên, không phải ai nhiễm HPV cũng sẽ bị ung thư cổ tử cung.

1. Mối liên hệ giữa virus HPV và ung thư cổ tử cung

Ung thư cổ tử cung là một trong những bệnh ung thư phổ biến, thường gặp ở phụ nữ trong độ tuổi 40 – 60. Có hơn 95% các trường hợp ung thư cổ tử cung phát hiện do vi rút HPV gây ra. Mỗi năm, ở Việt Nam có khoảng 5.000 phụ nữ mắc ung thư cổ tử cung. Mỗi ngày trung bình có 9 phụ nữ chết vì ung thư cổ tử cung.

HPV là tên viết tắt của Human Papilloma vi rút. HPV có thể lây lan từ người này sang người khác khi tiếp xúc, lây truyền qua quan hệ tình dục, bao gồm âm đạo, hậu môn và quan hệ tình dục bằng miệng. Người nhiễm HPV có thể lây truyền vi rút cho người khác mà không hề biết, vì họ hoàn toàn không có triệu chứng.

Bên cạnh ung thư cổ tử cung, HPV còn là nguyên nhân chính dẫn đến một số bệnh nguy hiểm khác như: Ung thư âm hộ, âm đạo, sùi mào gà sinh dục... Bốn chủng virus HPV phổ biến nhất 6,11,16 và 18 chịu trách nhiệm phần lớn nguyên nhân gây ra các bệnh lý nêu trên.


HPV là một trong những nguyên nhân chính gây ung thư cổ tử cung
HPV là một trong những nguyên nhân chính gây ung thư cổ tử cung

2. Vắc-xin ngừa vi rút HPV

Vắc-xin ngừa vi rút HPV giúp bảo vệ người phụ nữ trước nhiều bệnh nguy hiểm liên quan đến sức khỏe sinh sản như: Ung thư cổ tử cung, ung thư âm hộ, âm đạo, sùi mào gà sinh dục... đây là các bệnh ung thư có thể phòng ngừa tích cực và chủ động.

Hiện tại ở Việt Nam đang sử dụng hai loại vắc-xin là vắc-xin Gardasil và vắc-xin Cervarix.

2.1 Vắc-xin Gardasil

Vắc xin Gardasil có tác dụng phòng ngừa vi rút HPV tuýp 6, 11, 16 và 18, vì thế chúng giúp phụ nữ ngăn ngừa nguy cơ mắc một số bệnh như: Ung thư cổ tử cung, ung thư âm hộ và một số bệnh liên quan.


Phụ nữ nên tiêm Vắc-xin Gardasil nhằm phòng ngừa ung thư cổ tử cung
Phụ nữ nên tiêm Vắc-xin Gardasil nhằm phòng ngừa ung thư cổ tử cung

2.2 Vắc-xin Cervarix

Có tác dụng phòng ngừa vi rút HPV týp 16 và 18. Do vậy loại vắc-xin này thường được dùng để ngăn ngừa nguy cơ mắc bệnh ung thư cổ tử cung.

Hai loại vắc-xin này đã được Bộ Y tế cấp phép lưu hành từ năm 2008. Tiêm ngừa cho các đối tượng là nữ giới ở độ tuổi từ 9 – 26 và có chưa quan hệ tình dục có thể chủ động bảo vệ chính mình khỏi sự tấn công của các chủng virus HPV.

3. Vắc-xin ngừa vi rút HPV đối với phụ nữ đã có gia đình hay đã quan hệ tình dục

Vắc-xin phòng ngừa nhiễm HPV có cơ chế tạo miễn dịch chủ động, do vậy vẫn được khuyến khích tiêm ngừa khi người phụ nữ đã quan hệ tình dục. Các đối tượng là phụ nữ đã có gia đình, đã quan hệ tình dục mà đã quá độ tuổi từ 9 – 26 vẫn có thể chích ngừa HPV.


Phụ nữ đã quan hệ tình dục vẫn có thể tiêm vắc-xin HPV
Phụ nữ đã quan hệ tình dục vẫn có thể tiêm vắc-xin HPV

4. Có cần xét nghiệm trước khi tiêm ngừa ung thư cổ tử cung?

  • Nếu chưa quan hệ tình dục, các chị em có thể chích ngừa HPV mà không cần làm thêm xét nghiệm.
  • Nếu đã quan hệ tình dục, nên đi khám phụ khoa để các bác sĩ làm xét nghiệm tầm soát ung thư cổ tử cung bằng kỹ thuật Real-Time PCR HPV DNA. Tất cả các chị em phụ nữ đã quan hệ tình dục nên được khám sức khỏe sàng lọc trước khi tiêm chủng là rất cần thiết.
  • Các vắc-xin ngừa HPV hiện tại không có bất cứ tác dụng bảo vệ nào lên tình trạng nhiễm HPV ở người phụ nữ mà tình trạng này đã xuất hiện trước khi tiêm.

Để đặt lịch khám tại viện, Quý khách vui lòng bấm số HOTLINE hoặc đặt lịch trực tiếp TẠI ĐÂY. Tải và đặt lịch khám tự động trên ứng dụng MyVinmec để quản lý, theo dõi lịch và đặt hẹn mọi lúc mọi nơi ngay trên ứng dụng.

Chia sẻ
Câu chuyện khách hàng Thông tin sức khỏe Sống khỏe