Những điều cần biết về ung thư bàng quang

Bài viết được viết bởi Bác sĩ Khoa Ngoại tiết niệu, Bệnh viện Đa khoa Quốc tế Vinmec Central Park

Ung thư bàng quang là loại ung thư xảy ra ở bàng quang- cơ quan rỗng nằm tại vùng bụng dưới có chức năng chứa nước tiểu do thận thải ra. Theo đó, bệnh ung thư bàng quang nếu được thăm khám và điều trị ở giai đoạn sớm sẽ đem lại tiên lượng sống cao cho người bệnh.

1. Ung thư bàng quang là gì?

Bàng quang là một cơ quan hình quả bóng ở vùng xương chậu, chứa nước tiểu. Theo đó, ung thư bàng quang là một loại ung thư có nguồn gốc từ bàng quang, chúng thường xuất phát từ các tế bào lót bên trong của bàng quang. Bệnh có thể xảy ra ở mọi lứa tuổi nhưng thường gặp nhất ở người lớn tuổi.

Hầu hết, ung thư bàng quang được chẩn đoán ở giai đoạn sớm. Khi đó, người bệnh có cơ hội điều trị khỏi bệnh là rất cao. Tuy nhiên, ngay cả ung thư giai đoạn sớm vẫn có khả năng tái phát. Vì lý do này, sau khi điều trị, những người bị ung thư bàng quang thường được theo dõi trong nhiều năm để phát hiện ung thư tái phát.

2. Triệu chứng ung thư bàng quang

Các dấu hiệu và triệu chứng ung thư bàng quang bao gồm:

  • Xuất hiện máu trong nước tiểu (tiểu máu): nước tiểu có màu màu đỏ nhạt hoặc màu cola. Nước tiểu có thể bình thường, nhưng có máu khi kiểm tra bằng kính hiển vi.
  • Đi tiểu thường xuyên.
  • Đi tiểu đau.
  • Đau lưng.
  • Đau vùng xương chậu.

Khi bạn thấy xuất hiện các dấu hiệu trên hoặc xuất hiện máu trong nước tiểu thì nên đến các trung tâm y tế để thăm khám và điều trị.


Đau lưng là biểu hiện phổ biến của bệnh
Đau lưng là biểu hiện phổ biến của bệnh

3. Nguyên nhân gây ung thư bàng quang

Không phải lúc nào cũng có thể biết rõ ràng nguyên nhân gây ra ung thư bàng quang. Tuy nhiên, ung thư bàng quang có liên quan đến hút thuốc, nhiễm ký sinh trùng, nhiễm bức xạ và phơi nhiễm với hóa chất.

Ung thư bàng quang xuất hiện khi các tế bào trong bàng quang bắt đầu phát triển một cách bất thường. Thay vì phát triển và phân chia một cách trật tự, các tế bào phát triển đột biến gây phát triển ngoài tầm kiểm soát và không chết. Những tế bào bất thường tạo thành một khối u.

Các yếu tố có thể làm tăng nguy cơ ung thư bàng quang bao gồm:

  • Hút thuốc: Hút thuốc lá có thể làm tăng nguy cơ ung thư bàng quang do tích lũy các chất hóa học gây hại trong nước tiểu. Khi hút thuốc, cơ thể xử lý các hóa chất trong khói thuốc và đào thải một số chất qua nước tiểu. Những hóa chất độc hại có thể làm hỏng lớp niêm mạc bàng quang, làm tăng nguy cơ ung thư.
  • Tuổi tác: Nguy cơ bệnh ung thư bàng quang tăng theo độ tuổi. Ung thư bàng quang có thể xảy ra ở mọi lứa tuổi, nhưng nó hiếm khi được tìm thấy ở những người trẻ hơn 40 tuổi.
  • Da trắng: Người da trắng có nguy cơ ung thư bàng quang hơn những người thuộc các chủng tộc khác.
  • Nam giới: Nam giới có tần suất ung thư bàng quang cao hơn so với phụ nữ.
  • Tiếp xúc với hóa chất: Thận đóng một vai trò quan trọng trong quá trình lọc các hóa chất độc hại từ máu và bài tiết vào bàng quang. Bởi vì lý do này, có một số hóa chất được cho là có thể làm tăng nguy cơ ung thư bàng quang. Những hóa chất này bao gồm asen, hóa chất sử dụng trong sản xuất thuốc nhuộm, cao su, da, dệt may và các sản phẩm sơn.
  • Hoá chất điều trị ung thư trước đó: cyclophosphamide là loại thuốc chống ung thư có thể làm tăng nguy cơ ung thư bàng quang. Những người bệnh ung thư được xạ trị vùng chậu có nguy cơ cao mắc bệnh ung thư bàng quang.
  • Một số thuốc điều trị đái tháo đường: Những người dùng thuốc tiểu đường pioglitazone (Actos) trong hơn một năm có tăng nguy cơ ung thư bàng quang. Những thuốc trị tiểu đường kết hợp chứa pioglitazone như pioglitazone và metformin (Actoplus Met), pioglitazone và glimepiride (Duetact).
  • Viêm bàng quang mạn tính: nhiễm trùng mạn tính chẳng hạn như sử dụng lâu dài ống thông tiểu, có thể làm tăng nguy cơ ung thư bàng quang tế bào vảy. Ở một số vùng của thế giới, ung thư biểu mô tế bào vảy có liên quan đến viêm bàng quang mạn tính do nhiễm ký sinh trùng gọi là bệnh sán máng.
  • Yếu tố gia đình: Nếu có người thân trong gia đình mắc bệnh, nguy cơ ung thư bàng quang tăng. Tiền sử gia đình ung thư đại trực tràng nonpolyposis di truyền, còn gọi là hội chứng.
  • Bệnh Lynch: Có thể làm tăng nguy cơ ung thư trong hệ thống tiết niệu, cũng như trong đại tràng, tử cung, buồng trứng và các cơ quan khác.

Hút thuốc là một trong những nguyên nhân gây ung thư bàng quang
Hút thuốc là một trong những nguyên nhân gây ung thư bàng quang

4. Các loại ung thư bàng quang

Các loại tế bào khác nhau của bàng quang đều có thể trở thành ung thư. Nguồn gốc tế bào bàng quang nơi ung thư xuất phát xác định loại ung thư bàng quang. Loại ung thư bàng quang sẽ quyết định phương pháp điều trị.

Các loại ung thư bàng quang bao gồm:

  • Ung thư tế bào chuyển tiếp: Ung thư tế bào chuyển tiếp xảy ra tại các tế bào lót bên trong của bàng quang. Tế bào chuyển tiếp mở rộng khi bàng quang đầy và co lại khi bàng quang trống. Những tế bào này cũng thấy bên trong niệu quản và niệu đạo và nơi này cũng có thể hình thành các khối u. Ung thư tế bào chuyển tiếp là loại phổ biến nhất của ung thư bàng quang.
  • Ung thư biểu mô tế bào vảy: Tế bào vảy xuất hiện trong bàng quang do kích thích đáp ứng với nhiễm trùng. Theo thời gian những tế bào này có thể trở thành ung thư. Ung thư tế bào vảy hiếm gặp. Tuy nhiên, bệnh phổ biến hơn ở một vài nơi trên thế giới, nơi có tần suất cao nhiễm ký sinh trùng trong bàng quang như sán máng.
  • Ung thư tuyến: Khởi phát từ các tế bào tuyến tiết ra chất nhầy trong bàng quang. Ung thư tuyến của bàng quang là bệnh hiếm gặp.

Một số bệnh ung thư bàng quang có thể gồm nhiều hơn một loại tế bào.

5. Biến chứng ung thư bàng quang

Ung thư bàng quang thường hay tái phát. Bởi vì điều này nên sau khi điều trị ban đầu thành công, người bệnh phải được theo dõi trong nhiều năm sau đó. Bác sĩ sẽ cho người bệnh làm một số xét nghiệm mỗi khi tái khám. Bạn nên hỏi bác sĩ để biết rõ kế hoạch điều trị tiếp theo cho bạn. Nói chung, bác sĩ sẽ chỉ định soi bàng quang, để kiểm tra bên trong niệu đạo và bàng quang từ 3 đến 6 tháng đối với những năm đầu tiên và 6 tháng hoặc 1 năm cho thời gian tiếp theo.

Những người bị bệnh ung thư bàng quang với nguy cơ tái phát cao có thể trải qua xét nghiệm thường xuyên hơn.

6. Chẩn đoán ung thư bàng quang

Các xét nghiệm và thủ thuật được sử dụng để chẩn đoán ung thư bàng quang có thể bao gồm:

  • Soi bàng quang: khi soi bàng quang, bác sĩ đưa một ống kính (cystoscope) vào đường tiểu (niệu đạo). Ống kính này có một hệ thống chiếu sáng cho phép bác sĩ để xem và kiểm tra bên trong niệu đạo và bàng quang. Bác sĩ sẽ bơm chất bôi trơn và một ít thuốc tê khi nội soi bàng quang để giúp cho người bệnh cảm thấy thoải mái.
  • Sinh thiết: khi soi bàng quang, bác sĩ của bạn có thể dùng một dụng cụ đặc biệt đưa vào bàng quang để thu thập một mẫu tế bào (sinh thiết) để thử nghiệm. Thủ thuật này đôi khi được gọi là cắt sinh thiết khối u bàng quang qua nội soi (TURBT). TURBT cũng có thể được sử dụng để cắt trọn khối u trong điều trị ung thư bàng quang. TURBT thường được thực hiện với gây tê tuỷ sống hoặc gây mê toàn thân.
  • Tế bào học nước tiểu: Một mẫu nước tiểu của người bệnh được phân tích dưới kính hiển vi để tìm tế bào ung thư.
  • Chẩn đoán hình ảnh: xét nghiệm hình ảnh học cho phép bác sĩ kiểm tra các cấu trúc của đường tiết niệu. Đôi khi người ta sử dụng một loại thuốc cản quang tiêm vào tĩnh mạch để làm nổi bật hình ảnh đường tiết niệu. X quang hệ niệu tĩnh mạch là một loại hình ảnh X-quang có sử dụng một loại thuốc cản quang để khảo sát tốt hơn thận, niệu quản và bàng quang. X - quang, cắt lớp vi tính (CT scan) là một loại X quang cho phép bác sĩ của bạn xem tốt hơn đường tiết niệu và các mô xung quanh.

Sau khi đã xác nhận ung thư bàng quang, bác sĩ có thể yêu cầu xét nghiệm thêm để đánh giá mức độ (giai đoạn) của bệnh ung thư. Những xét nghiệm này bao gồm:

Các giai đoạn của ung thư bàng quang:

  • Giai đoạn I: Ung thư xảy ra ở lớp lót bên trong của bàng quang nhưng đã không xâm lấn đến lớp cơ bàng quang.
  • Giai đoạn II. Ung thư đã xâm lấn vào cơ bàng quang nhưng vẫn còn giới hạn trong bàng quang.
  • Giai đoạn III. Các tế bào ung thư đã lan tràn qua thành bàng quang đến mô xung quanh.
  • Giai đoạn IV. Đến giai đoạn này, các tế bào ung thư có thể lan đến các hạch bạch huyết và các cơ quan khác, chẳng hạn như xương, gan, phổi.

Việc điều trị cho bệnh ung thư bàng quang phụ thuộc vào một số yếu tố, bao gồm cả các loại và giai đoạn của ung thư, sức khỏe tổng thể và sở thích điều trị của người bệnh. Thảo luận về các lựa chọn của bạn với bác sĩ của bạn để xác định những phương pháp điều trị tốt nhất cho bạn.


MRI cho phép chẩn đoán chính xác hình ảnh của ung thư bàng quang
MRI cho phép chẩn đoán chính xác hình ảnh của ung thư bàng quang

7. Điều trị ung thư bàng quang

Phương pháp điều trị ung thư bàng quang giai đoạn sớm

Nếu ung thư còn rất nhỏ và chưa xâm lấn cơ của bàng quang, bác sĩ có thể khuyên bạn nên phẫu thuật cắt bỏ khối u: cắt bỏ khối u của bàng quang nội soi qua niệu đạo (TURBT) thường được sử dụng để loại bỏ ung thư bàng quang còn giới hạn ở lớp bên trong của bàng quang.

Khi TURBT, bác sĩ dùng một vòng dây kim loại nhỏ đưa vào bên trong ống kính (cystoscope) và vào bàng quang. Thiết bị này được sử dụng để cắt và đốt cháy các tế bào ung thư bằng dòng điện. Trong một số trường hợp, laser năng lượng cao có thể được sử dụng thay cho dòng điện. TURBT có thể gây đi tiểu đau hoặc có ít máu trong một vài ngày sau thủ thuật.

  • Phẫu thuật để cắt bỏ khối u và một phần nhỏ của bàng quang: Phẫu thuật này còn được gọi là cắt bán phần bàng quang. Các bác sĩ phẫu thuật chỉ loại bỏ một phần của bàng quang có chứa tế bào ung thư. Phẫu thuật này hiếm khi được sử dụng và chỉ có thể là một lựa chọn nếu ung thư đơn độc được giới hạn trong một vùng của bàng quang có thể dễ dàng loại bỏ mà không làm tổn hại đến chức năng bàng quang.
  • Liệu pháp sinh học (miễn dịch): Liệu pháp sinh học, đôi khi được gọi là miễn dịch, hoạt động bằng cách kích hoạt hệ miễn dịch của cơ thể để chống lại các tế bào ung thư. Sinh học trị liệu ung thư bàng quang thường được đưa thuốc qua niệu đạo và trực tiếp bàng quang (liệu pháp hoá trị trong bàng quang).
  • Bacille Calmette-Guerin (BCG): Là thuốc sinh học được sử dụng để điều trị ung thư bàng quang, một loại vi khuẩn được dùng như trong vắc-xin Lao. Thuốc trị liệu sinh học là một phiên bản tổng hợp của interferon, một loại protein hệ miễn dịch giúp chống nhiễm trùng. Các phiên bản tổng hợp, được gọi là interferon alfa-2b (Intron A), đôi khi được sử dụng kết hợp với BCG. Thuốc trị liệu sinh học thường gây ra các triệu chứng giống như cúm và có thể gây kích thích bàng quang.
  • Phẫu thuật ung thư bàng quang xâm lấn: Nếu ung thư đã xâm lấn các lớp sâu hơn của thành bàng quang, bạn có thể xem xét: Phẫu thuật cắt bỏ toàn bộ bàng quang là phẫu thuật loại bỏ toàn bộ bàng quang, cũng như các hạch bạch huyết xung quanh. Ở nam giới, cắt bàng quang thường bao gồm cắt bỏ tuyến tiền liệt và túi tinh. Ở phụ nữ, cắt bàng quang gồm cắt bỏ tử cung, buồng trứng và một phần của âm đạo. Ngày nay, cắt bàng quang toàn bộ có hỗ trợ robot, có nghĩa là các bác sĩ phẫu thuật ngồi gần đó và sử dụng các điều khiển để di chuyển chính xác các dụng cụ phẫu thuật. Cắt bàng quang tiềm ẩn nguy cơ nhiễm trùng và chảy máu. Với nam giới, loại bỏ tuyến tiền liệt và túi tinh tinh có thể gây ra rối loạn chức năng cương dương. Tuy nhiên, bác sĩ phẫu thuật của bạn cố gắng bảo tồn các dây thần kinh cần thiết cho sự cương cứng. Ở phụ nữ, loại bỏ buồng trứng gây vô sinhmãn kinh sớm.
  • Phẫu thuật chuyển lưu nước tiểu: Ngay sau khi cắt bàng quang, bác sĩ phẫu thuật chuyển lưu nước tiểu qua một cách mới. Có nhiều chọn lựa, loại nào là tốt nhất cho bạn phụ thuộc vào tình trạng bệnh và sở thích của bạn. Bác sĩ phẫu thuật có thể sử dụng một đoạn ruột tạo ra một túi chứa nước tiểu. Nước tiểu từ thận đổ vào túi chứa này và thoát ra ngoài cơ thể qua một lỗ mở ra da được phủ bởi một cái túi mang trên bụng của bạn. Một phẫu thuật khác, bác sĩ có thể sử dụng một đoạn ruột để tạo ra một túi chứa nhỏ chứa nước tiểu ở bên trong cơ thể. Bạn sử dụng một ống thông một vài lần mỗi ngày để thoát nước tiểu từ túi chứa qua một lỗ ở bụng. Một lựa chọn khác, bác sĩ có thể tạo ra một túi chứa bằng ruột giống như bàng quang (neobladder). Bàng quang mới này nằm bên trong cơ thể và được nối vào niệu đạo của bạn, cho phép bạn đi tiểu bình thường. Bạn có thể cần phải sử dụng một ống thông để thoát lưu hoàn toàn nước tiểu trong 6 tháng đầu.

Ung thư bàng quang có thể được điều trị bằng phương pháp hóa trị
Ung thư bàng quang có thể được điều trị bằng phương pháp hóa trị

  • Hóa trị: Hóa trị sử dụng thuốc để tiêu diệt tế bào ung thư. Hóa trị ung thư bàng quang thường sử dụng kết hợp hai hoặc nhiều loại thuốc hóa trị. Thuốc có thể được đưa vào cơ thể qua đường tĩnh mạch ở cánh tay của bạn (tiêm tĩnh mạch), hoặc có thể được đưa trực tiếp vào bàng quang của bạn bằng cách bơm qua một ống thông tiểu. Hóa trị có thể được dùng để tiêu diệt tế bào ung thư có thể còn sót lại sau khi phẫu thuật. Thuốc cũng có thể được sử dụng trước khi phẫu thuật. Trong trường hợp này, hóa trị có thể làm teo khối u cho phép các bác sĩ thực hiện một phẫu thuật ít xâm lấn. Hóa trị đôi khi kết hợp với xạ trị trong trường hợp không còn khả năng phẫu thuật.
  • Xạ trị: Xạ trị sử dụng chùm tia năng lượng cao để tiêu diệt các tế bào ung thư. Tia xạ từ một máy xạ trị được điều chỉnh tập trung chính xác vào một vùng cơ thể có chứa ung thư. Xạ trị có thể được sử dụng sau khi phẫu thuật để diệt các tế bào ung thư còn lại. Trong một số trường hợp, xạ trị đôi khi kết hợp với hóa trị liệu khi không còn khả năng phẫu thuật, mặc dù điều này thường được coi là một lựa chọn cuối cùng.

Để đặt lịch khám tại viện, Quý khách vui lòng bấm số HOTLINE hoặc đặt lịch trực tiếp TẠI ĐÂY. Tải và đặt lịch khám tự động trên ứng dụng MyVinmec để quản lý, theo dõi lịch và đặt hẹn mọi lúc mọi nơi ngay trên ứng dụng.

Chia sẻ
Câu chuyện khách hàng Thông tin sức khỏe Sống khỏe