Những điều cần biết về phương pháp gây mê đường tĩnh mạch

Bài viết được tư vấn chuyên môn bởi Bác sĩ chuyên khoa I Hồ Quốc Tuấn - Bác Sĩ Gây mê hồi sức - Khoa Ngoại tổng hợp - Bệnh viện Đa khoa Quốc tế Vinmec Nha Trang. Bác sĩ Quốc Tuấn đã có nhiều năm kinh nghiệm trong lĩnh vực Gây mê - hồi sức.

Gây mê đường tĩnh mạch là phương pháp gây mê được áp dụng trong các cuộc phẫu thuật ngắn, ít xâm nhập. Kỹ thuật này có thể áp dụng đối với những bệnh nhân ngoại trú hoặc nhu cầu giảm đau không nhiều.

1. Gây mê tĩnh mạch là gì?

Gây mê tĩnh mạch là phương pháp gây mê toàn thân bằng cách tiêm thuốc ngủ, thuốc an thần, thuốc mê qua đường tĩnh mạch khiến người bệnh rơi vào tình trạng mê có hồi phục trong trạng thái lâm sàng. Bệnh nhân bị mất tri giác, giảm đau và được bảo vệ thần kinh. Gây mê tĩnh mạch gồm gây mê tĩnh mạch đơn thuần và gây mê tĩnh mạch phối hợp:

  • Gây mê tĩnh mạch đơn thuần: sử dụng một loại dung dịch thuốc mê
  • Gây mê tĩnh mạch phối hợp: sử dụng dung dịch thuốc mê kèm theo thuốc giảm đau hoặc dung dịch thuốc mê khác

Trong quá trình gây mê tĩnh mạch, bệnh nhân có thể tự thở hoặc được đặt nội khí quản để đường thở của người bệnh được đảm bảo an toàn.


Gây mê được thực hiện trước khi tiến hành phẫu thuật
Gây mê được thực hiện trước khi tiến hành phẫu thuật

2. Các phương pháp gây mê đường tĩnh mạch chính

Các phương thức gây mê tĩnh mạch chính được sử dụng hiện nay, bao gồm:

  • Phương thức gây mê tĩnh mạch đơn thuần với thuốc Thiopental
  • Phương thức gây mê tĩnh mạch NLA (neurolepanalgesia) và NNLA (Narco-NLA): với phương thức này người bệnh được giảm đau tốt và vẫn còn ý thức nên thường được sử dụng rộng rãi trong lâm sàng.
  • Phương thức gây mê tĩnh mạch ANS (Anesthesia no stres, anesthesia analgesia ): phương thức này thường được áp dụng trên các ca phẫu thuật nặng, kéo dài, hệ thần kinh thực vật cần được bảo vệ tốt...tuy nhiên phương thức này cần phải được hô hấp hỗ trợ nhiều giờ sau mổ.
  • Phương thức gây mê tĩnh mạch AAP (Anesthesia analgesia potentialise): kỹ thuật này thường được áp dụng trong các ca phẫu thuật vừa
  • Phương thức gây mê phân ly: kỹ thuật này có thể được dùng cả đường bắp thịt và khi huyết áp thấp, tuy nhiên phương thức này ít được lựa chọn do nhược điểm huyết động không ổn định, cơ và ảo giác được kích thích...
  • Phương pháp gây mê đường tĩnh mạch đơn thuần bằng propofol: để duy trì mê đầy đủ, khi sử dụng đơn thuần propofol phải sử dụng nồng độ cao, khiến người bệnh phải mất một thời gian dài để hồi tỉnh và kèm theo đó là một số các tác dụng phụ như cảm giác đau...
  • Phương pháp gây mê đường tĩnh mạch TIVA (Total intravenous anesthesia): đây là phương thức tổng hợp tất cả các phương thức trên với những sự nghiên cứu kỹ lưỡng hơn. Đây là phương thức được sử dụng phổ biến trong lâm sàng hiện nay.
  • Phương pháp gây mê hoàn toàn đường tĩnh mạch bằng propofol có kiểm soát nồng độ đích: đây là phương pháp gây mê được các nước tiên tiến áp dụng và trở thành thường quy. Kỹ thuật gây mê tĩnh mạch bằng propofol có kiểm soát nồng độ đích đem lại nhiều lợi ích trong việc kiểm soát khởi mê và duy trì mê so với các kỹ thuật gây mê tĩnh mạch thông thường khác. Bệnh nhân được chỉ định phẫu thuật có chỉ định gây mê toàn thân đặt nội khí quản và kiểm soát hô hấp sẽ áp dụng phương pháp này.

Thuốc gây mê đường tĩnh mạch Thiopental
Thuốc gây mê đường tĩnh mạch Thiopental

3. Chỉ định gây mê đường tĩnh mạch

Kỹ thuật gây mê đường tĩnh mạch được chỉ định trong các trường hợp sau đây:

  • Phẫu thuật trong thời gian ngắn
  • Nhu cầu về giảm đau không nhiều
  • Không đòi hỏi giãn cơ trong phẫu thuật
  • Thực hiện phẫu thuật ngoài ổ bụng, ngực
  • Phẫu thuật cho bệnh nhân ngoại trú
  • Thực hiện nội soi tai mũi họng, nội soi đường tiêu hóa
  • Bệnh nhân có tình trạng hô hấp, tuần hoàn ổn định

Nội soi đường tiêu hóa có thể được chỉ định gây mê
Nội soi đường tiêu hóa có thể được chỉ định gây mê

4. Chống chỉ định gây mê đường tĩnh mạch

Chống chỉ định gây mê đường tĩnh mạch trong các trường hợp dưới đây:

  • Thời gian phẫu thuật dài
  • Thực hiện phẫu thuật ổ bụng, ngực, sọ não
  • Đòi hỏi phải giãn cơ trong quá trình phẫu thuật
  • Tình trạng hô hấp, tuần hoàn của người bệnh không ổn định
  • Bệnh nhân bị suy gan, suy thận
  • Các cuộc phẫu thuật lớn
  • Phương tiện hồi sức không có
  • Bác sĩ thực hiện thiếu kinh nghiệm
  • Người bệnh có tiền sử dị ứng với thuốc để gây mê tĩnh mạch đang sử dụng
  • Không có đường truyền tĩnh mạch chắc chắn

Bệnh nhân suy thận không nên gây mê đường tĩnh mạch
Bệnh nhân suy thận không nên gây mê đường tĩnh mạch

5. Ưu và nhược điểm của phương pháp gây mê đường tĩnh mạch

Bất kì phương pháp phẫu thuật nào cũng có những ưu điểm và nhược điểm khác nhau, vì thế bác sĩ điều trị sẽ cân nhắc và đưa ra sự lựa chọn tốt nhất cho bệnh nhân dựa vào tiền sử bệnh và một số yếu tố khác.

5.1 Ưu điểm của phương pháp gây mê đường tĩnh mạch

Gây mê đường tĩnh mạch có những ưu điểm nổi trội như:

  • Phương pháp này không cần phải sử dụng những dụng cụ đặc biệt như các kỹ thuật gây mê khác
  • Phương pháp này không gây ô nhiễm môi trường, người hoạt động trong phòng mổ tránh hít phải hơi mê độc hại
  • Phương pháp này không gây cháy nổ trong phòng mổ

5.2 Nhược điểm của phương pháp gây mê đường tĩnh mạch:

Bên cạnh những ưu điểm, kỹ thuật gây mê đường tĩnh mạch còn tồn tại một số điểm bất lợi như sau:

  • Không áp dụng đối với những bệnh nhân bị suy hô hấp, tuần hoàn, người bệnh cần phải được hỗ trợ hô hấp và nâng đỡ tuần hoàn nếu muốn thực hiện phương pháp này
  • Người bệnh nhạy cảm với thành phần của thuốc hoặc do thuốc quá liều
  • Bệnh nhân bị dị ứng với thuốc gây mê với một số biểu hiện kèm theo như mề đay, nổi mẩn đỏ, sốt, sốc...
  • Chỉ áp dụng trong các cuộc phẫu thuật ngắn, đơn giản....

Bệnh nhân nổi mề đay khi tiếp xúc với thuốc mê
Bệnh nhân nổi mề đay khi tiếp xúc với thuốc mê

6. Biến chứng khi thực hiện gây mê đường tĩnh mạch

Gây mê đường tĩnh mạch có thể gây ra một số biến chứng ở người bệnh, chẳng hạn như:

  • Đau chỗ tiêm do tiêm thuốc ra ngoài mạch máu
  • Do tiêm thuốc vào động mạch: Bệnh nhân cảm thấy đau đột ngột kèm theo đó là cảm giác bỏng do động mạch co thắt khiến máu nuôi ở các bộ phận khác ở xa bị thiếu
  • Người bệnh bị ho, sặc, thanh khí quản co thắt
  • Bệnh nhân bị suy hô hấp do tiêm quá liều, tiêm nhanh, thanh quản co thắt
  • Thuốc mê gây giãn mạch, ức chế cơ tim khiến người bệnh bị trụy tim
  • Sau khi tỉnh mê, người bệnh cảm thấy chóng mặt, không xác định được phương hướng
  • Dị ứng với thành phần của thuốc, khiến người bệnh nổi mẩn đỏ

Là kỹ thuật gây mê khá phổ biến trong phẫu thuật nhưng để đạt kết quả tốt nhất thì người bệnh phải được điều trị bởi các bác sĩ có chuyên môn, giàu kinh nghiệm với hệ thống trang thiết bị y tế đầy đủ, đáp ứng các yêu cầu vật dụng trong ca phẫu thuật.

Hiện nay, Bệnh viện Đa khoa Quốc tế Vinmec có đội ngũ Giáo sư, Tiến sĩ, bác sĩ, ... đầu ngành trong khoa ngoại đã thực hiện thành công nhiều ca phẫu thuật, gây mê hồi sức. Bên cạnh đó với trang thiết bị hiện đại, cơ sở vật chất đầy đủ sẽ đem lại hiệu quả cao nhất cho việc điều trị.

Đặc biệt, để bệnh nhân trên cả nước có thể dễ dàng thăm khám, hiện nay, Bệnh viện Đa khoa Quốc tế Vinmec còn triển khai các gói thăm khám sức khỏe tổng quát, giúp bệnh nhân có thể phát hiện sớm được nhiều căn bệnh và có phương pháp điều trị tốt nhất.

Để đặt lịch khám tại viện, Quý khách vui lòng bấm số HOTLINE hoặc đặt lịch trực tiếp TẠI ĐÂY. Tải và đặt lịch khám tự động trên ứng dụng MyVinmec để quản lý, theo dõi lịch và đặt hẹn mọi lúc mọi nơi ngay trên ứng dụng.

Chia sẻ
Câu chuyện khách hàng Thông tin sức khỏe Sống khỏe