Bài được viết bởi Thạc sĩ, Bác sĩ Mai Viễn Phương - Bác sĩ nội soi tiêu hóa - Khoa Khám bệnh & Nội khoa - Bệnh viện Đa khoa Quốc tế Vinmec Central Park.
Chụp cắt lớp phát xạ positron (hay chụp PET) là kỹ thuật chẩn đoán hình ảnh giúp đánh giá chức năng các mô và cơ quan. Chụp PET rất hữu ích trong việc phát hiện hoặc đánh giá một số tình trạng như: Bệnh ung thư, bệnh tim và rối loạn não. Các vấn đề về phổi cũng có thể được bác sĩ phát hiện ra sau khi chụp PET phổi.
1. Chụp PET phổi là gì?
Chụp cắt lớp phát xạ Positron (PET) là một kỹ thuật hình ảnh y tế tinh vi. Nó sử dụng một chất đánh dấu phóng xạ để xác định chính xác sự khác biệt trong các mô ở cấp độ phân tử. Chụp PET toàn thân có thể phát hiện sự khác biệt trong các chức năng của cơ thể; chẳng hạn như lưu lượng máu, sử dụng oxy và hấp thụ các phân tử đường (glucose). Điều này cho phép bác sĩ xem các cơ quan đang hoạt động như thế nào.
Đối với các vấn đề về phổi, bác sĩ có thể quan sát cụ thể hơn khu vực phổi trong khi giải thích các hình ảnh quét PET.
Chụp PET phổi thường được kết hợp với chụp CT phổi để phát hiện các tình trạng như ung thư phổi. Máy tính kết hợp thông tin từ hai lần quét để cung cấp hình ảnh ba chiều, làm nổi bật bất kỳ khu vực nào có hoạt động trao đổi chất đặc biệt nhanh. Quá trình này được gọi là hợp nhất hình ảnh. Việc quét cho phép bác sĩ của bạn phân biệt giữa các khối lành tính (không phải ung thư) và ác tính (ung thư).
2. Chụp PET phổi được thực hiện như thế nào?
Đối với chụp PET phổi, bạn được tiêm vào tĩnh mạch một lượng nhỏ glucose có chứa chất đánh dấu phóng xạ khoảng một giờ trước khi chụp. Thông thường, một đồng vị của nguyên tố flo được sử dụng. Kim có thể gây nhói tạm thời.
Khi đã vào máu, chất đánh dấu tích tụ trong các cơ quan và mô của bạn và bắt đầu tỏa ra năng lượng dưới dạng tia gamma. Máy quét PET phát hiện các tia này và tạo ra hình ảnh chi tiết từ chúng. Hình ảnh có thể giúp bác sĩ của bạn kiểm tra cấu trúc và hoạt động của cơ quan hoặc khu vực cụ thể đang được quét.
Trong khi kiểm tra, bạn cần nằm trên một chiếc bàn hẹp. Chiếc bàn này sẽ trượt vào bên trong một máy quét hình đường hầm. Bạn có thể nói chuyện với các kỹ thuật viên trong khi quá trình quét diễn ra nhưng điều quan trọng là phải nằm yên trong khi máy quét. Chuyển động quá nhiều có thể dẫn đến hình ảnh bị mờ. Quá trình quét mất khoảng 20 đến 30 phút.
3. Làm thế nào để chuẩn bị cho việc chụp PET phổi?
Bác sĩ sẽ yêu cầu bạn không ăn hoặc uống bất cứ thứ gì ngoài nước trong vài giờ trước khi chụp. Tuân thủ hướng dẫn này là rất quan trọng. Chụp PET thường phụ thuộc vào việc theo dõi những khác biệt nhỏ trong cách tế bào chuyển hóa đường. Ăn một bữa ăn nhẹ hoặc uống đồ uống có đường có thể ảnh hưởng đến kết quả quét.
Khi đến nơi, bạn có thể được yêu cầu thay áo choàng bệnh viện hoặc bạn có thể được phép mặc quần áo của mình. Bạn sẽ cần loại bỏ mọi đồ vật bằng kim loại ra khỏi cơ thể, kể cả đồ trang sức.
Cho bác sĩ biết nếu bạn đang dùng thuốc hoặc thực phẩm chức năng. Một số loại thuốc; chẳng hạn như thuốc điều trị bệnh đái tháo đường, có thể ảnh hưởng đến kết quả chụp PET.
Nếu bạn không thoải mái khi ở trong không gian kín, bác sĩ có thể cho bạn dùng thuốc để giúp bạn thư giãn. Thuốc này có thể sẽ gây buồn ngủ.
Chụp PET sử dụng một lượng nhỏ chất đánh dấu phóng xạ. Chất đánh dấu phóng xạ sẽ mất tác dụng trong vòng vài giờ hoặc vài ngày. Cuối cùng, nó sẽ đi ra khỏi cơ thể bạn qua nước tiểu và phân.
Mặc dù việc tiếp xúc với bức xạ từ quá trình chụp PET là rất hiếm nhưng bạn nên thông báo cho bác sĩ trước khi thực hiện bất kỳ quy trình nào sử dụng bức xạ nếu bạn đang mang thai hoặc cho con bú.
4. Chẩn đoán ung thư phổi
Sau khi khám sức khỏe, bác sĩ sẽ cho bạn biết cách chuẩn bị cho các xét nghiệm cụ thể, chẳng hạn như:
- Kiểm tra hình ảnh: Một khối bất thường có thể được nhìn thấy trên chụp X-quang, MRI, CT và PET. Những phương pháp này tạo ra nhiều chi tiết và tìm thấy các tổn thương nhỏ hơn.
- Xét nghiệm tế bào đờm: Nếu bạn tạo ra đờm khi ho, xét nghiệm bằng kính hiển vi có thể xác định xem có tế bào ung thư trong đó hay không.
Sinh thiết có thể xác định xem các tế bào khối u có phải là ung thư hay không. Có thể lấy mẫu mô bằng cách:
- Nội soi phế quản: Trong khi dùng thuốc an thần, một ống được truyền xuống cổ họng và vào phổi của bạn, cho phép bác sĩ kiểm tra kỹ hơn.
- Nội soi trung thất: Bác sĩ rạch một đường ở gốc cổ. Một dụng cụ chiếu sáng được đưa vào và các dụng cụ phẫu thuật được sử dụng để lấy mẫu từ các hạch bạch huyết. Nó thường được thực hiện khi bệnh nhân đã được gây mê toàn thân.
- Sinh thiết bằng kim: Sau khi sử dụng các xét nghiệm hình ảnh như một bản hướng dẫn, một cây kim được đưa qua thành ngực và vào mô phổi, nơi nghi ngờ có tế bào ung thư. Sinh thiết kim cũng có thể được sử dụng để kiểm tra các hạch bạch huyết.
Các mẫu mô được gửi đến bác sĩ bệnh học để phân tích. Nếu kết quả là dương tính với ung thư, bệnh nhân sẽ phải làm xét nghiệm thêm; chẳng hạn như chụp cắt lớp xương, có thể giúp xác định xem ung thư đã lan rộng hay chưa và giúp xác định giai đoạn.
Đối với xét nghiệm này, bạn sẽ được tiêm một chất phóng xạ. Các vùng xương bất thường sau đó sẽ được đánh dấu trên hình ảnh. Chụp MRI, CT và PET cũng được sử dụng để phân giai đoạn.
5. Chụp PET phổi và phân giai đoạn
Chụp PET phổi cũng được sử dụng để phân giai đoạn ung thư phổi. Các mô có tỷ lệ trao đổi chất cao hơn (sử dụng năng lượng cao hơn), chẳng hạn như khối u ung thư phổi, hấp thụ nhiều chất đánh dấu hơn các mô khác. Những khu vực này nổi bật trên bản quét PET. Bác sĩ của bạn có thể sử dụng hình ảnh ba chiều để phát hiện các khối u ung thư đang phát triển.
Các khối u ung thư đặc được chỉ định một giai đoạn từ 0 đến 4. Giai đoạn đề cập đến mức độ tiến triển của một bệnh ung thư cụ thể. Ví dụ, ung thư giai đoạn 4 tiến triển nặng hơn, di căn xa hơn và thường khó điều trị hơn ung thư giai đoạn 0 hoặc 1.
Giai đoạn cũng được sử dụng để dự đoán triển vọng. Ví dụ, một người được điều trị khi được chẩn đoán ở giai đoạn 0 hoặc 1 ung thư phổi có nhiều khả năng sống lâu hơn người bị ung thư giai đoạn 4. Bác sĩ cũng có thể sử dụng hình ảnh từ chụp PET phổi để xác định phương pháp điều trị tốt nhất.
6. Các triệu chứng của ung thư phổi là gì?
Các triệu chứng của ung thư phổi không tế bào nhỏ và ung thư phổi tế bào nhỏ về cơ bản là giống nhau.
Các triệu chứng ban đầu có thể bao gồm:
- Ho kéo dài hoặc nặng hơn.
- Ho có đờm hoặc máu.
- Đau ngực trầm trọng hơn khi bạn thở sâu, cười hoặc ho.
- Khàn tiếng.
- Khó thở.
- Thở khò khè.
- Suy nhược và mệt mỏi.
- Chán ăn và sụt cân.
Bạn cũng có thể bị nhiễm trùng đường hô hấp tái phát như viêm phổi hoặc viêm phế quản.
Khi ung thư lan rộng, các triệu chứng khác phụ thuộc vào vị trí các khối u mới hình thành. Ví dụ, nếu trong:
- Hạch bạch huyết: Thấy cục u, đặc biệt ở cổ hoặc xương đòn.
- Xương: Đau xương, đặc biệt là ở lưng, xương sườn hoặc hông.
- Não hoặc cột sống: Nhức đầu, chóng mặt, gặp các vấn đề về thăng bằng hoặc tê tay hoặc chân.
- Gan: Vàng da và mắt.
Các khối u ở đỉnh phổi có thể ảnh hưởng đến các dây thần kinh mặt, dẫn đến tình trạng sụp mí mắt, đồng tử nhỏ, hoặc thiếu mồ hôi ở một bên mặt. Các triệu chứng này kết hợp với nhau được gọi là hội chứng Horner. Nó cũng có thể gây ra đau vai.
Các khối u có thể đè lên tĩnh mạch lớn vận chuyển máu giữa đầu, cánh tay và tim. Điều này có thể gây sưng mặt, cổ, ngực trên và cánh tay.
Ung thư phổi đôi khi tạo ra một chất tương tự như hormone, gây ra một loạt các triệu chứng được gọi là hội chứng paraneoplastic, bao gồm:
- Yếu cơ.
- Buồn nôn.
- Nôn mửa.
- Giữ nước.
- Huyết áp cao.
- Đường huyết cao.
- Hoang mang.
- Co giật.
- Hôn mê.
Khi gặp phải những triệu chứng nghi ngờ mắc các bệnh về phổi, bạn nên đến những trung tâm, bệnh viện uy tín để được chẩn đoán và chữa trị kịp thời. Hiện nay, Bệnh viện Đa khoa Quốc tế Vinmec đã và đang trở thành một địa chỉ uy tín hàng đầu trong sàng lọc bệnh bằng các kỹ thuật hiện đại, tự hào là bệnh viện tư nhân đầu tiên tại Việt Nam triển khai kỹ thuật chẩn đoán hiện đại và chính xác với hệ thống PET/CT 128 dãy hiện đại nhất Đông Nam Á, cho hình ảnh chính xác và thời gian chụp ngắn, đội ngũ bác sỹ là những chuyên gia đầu ngành có chuyên môn cao, giàu kinh nghiệm tạo nên niềm tin cho khách hàng khi trải nghiệm dịch vụ thăm khám, điều trị bệnh tại Vinmec.
Để đặt lịch khám tại viện, Quý khách vui lòng bấm số HOTLINE hoặc đặt lịch trực tiếp TẠI ĐÂY. Tải và đặt lịch khám tự động trên ứng dụng MyVinmec để quản lý, theo dõi lịch và đặt hẹn mọi lúc mọi nơi ngay trên ứng dụng.