Bài viết được tư vấn chuyên môn bởi Thạc sĩ, Bác sĩ Nguyễn Viết Thụ - Bác sĩ Chẩn đoán hình ảnh và Y học hạt nhân - Khoa Chẩn đoán hình ảnh và Y học hạt nhân - Bệnh viện Đa khoa Quốc tế Vinmec Times City. Ths.Bs Nguyễn Viết Thụ đã có hơn 20 năm kinh nghiệm làm việc trong lĩnh vực chẩn đoán hình ảnh, nguyên là Thư ký Chẩn đoán hình ảnh Hà Nội, chỉ đạo tuyến dưới về chuyên ngành Chẩn đoán hình ảnh.
Bệnh ung thư vùng đầu cổ nếu được phát hiện và có những biện pháp hỗ trợ điều trị sớm thì khả năng chữa khỏi bệnh là rất cao cũng như có thể giảm thiểu những biến chứng xấu của bệnh gây ra. Vì vậy, chẩn đoán sớm ung thư vùng đầu và cổ là rất quan trọng trong việc điều trị bệnh.
1. Ung thư vùng đầu cổ là gì?
Ung thư vùng đầu cổ là một nhóm ung thư thường bắt đầu ở các tế bào vảy niêm mạc miệng, thanh quản, họng (hầu), tuyến nước bọt, khoang mũi và các xoang cạnh mũi.
Ung thư vùng đầu cổ dễ xảy ra ở người lớn trên 50 tuổi và ở nam giới cao gấp đôi. Các yếu tố rủi ro bao gồm:
- Tuổi tác
- Giới tính
- Sử dụng rượu bia và thuốc lá
- Tiếp xúc với bức xạ hoặc amiăng
- Vệ sinh răng miệng kém
- Dân tộc, đặc biệt là người gốc Á (ung thư vòm họng)
- Nhiễm vi rút HPV.
2. Triệu chứng ung thư vùng đầu cổ
Các triệu chứng điển hình thường bao gồm: Đau họng dai dẳng, khó nuốt, đau miệng không lành và giọng nói khàn. Các triệu chứng khác phụ thuộc vào vị trí của ung thư, nhưng thông thường có thể bao gồm:
- Chảy máu không rõ nguyên nhân trong miệng
- Các mảng đỏ hoặc trắng trong miệng
- Sưng quai hàm
- Khó mở miệng
- Đau tai, đau đầu thường xuyên
- Đau khi nuốt
- Khó thở và / hoặc nói khó
- Nhiễm trùng xoang mãn tính
- Đau răng, đau nướu, răng lung lay
- Chảy máu mũi không rõ nguyên nhân
- Tê hoặc liệt mặt
- Mất thính lực
- Khối không đau ở cổ.
3. Ung thư vùng đầu cổ được chẩn đoán và đánh giá như thế nào?
Bác sĩ sẽ hỏi bạn về tiền sử bệnh, các yếu tố nguy cơ và triệu chứng và tiến hành khám sức khỏe. Để xác định chẩn đoán ung thư và xác định xem nó có di căn hay không, bạn có thể trải qua nội soi mũi họng, chụp X-quang răng toàn cảnh Panorama, CT Cone Beam, chụp CT xoang, CT vùng đầu, chụp CT ngực, chụp MRI vùng đầu/ cổ hoặc chụp PET/ CT. Nếu phát hiện thấy bất thường và các nghi ngờ tổn thương không lành tính, bác sĩ có thể yêu cầu sinh thiết tổn thương.
3.1 Nội soi mũi họng
Kỹ thuật nội soi này sử dụng một dụng cụ quang học linh hoạt, chiếu sáng gọi là ống nội soi để kiểm tra khoang mũi, khoang họng. Với sự hỗ trợ của thuốc tê tại chỗ, ống nội soi được đưa vào khoang miệng hoặc mũi để chụp ảnh và đánh giá các tổn thương bất thường.
3.2 Chụp X-quang răng toàn cảnh Panorama
Chụp toàn bộ răng trong một hình ảnh, bao gồm răng, xương hàm trên và hàm dưới, các cấu trúc mô mềm xung quanh, nó có thể giúp phát hiện các tổn thương trong vùng chụp.
3.3 CT Cone Beam
Loại chụp CT này sử dụng công nghệ đặc biệt để tạo ra hình ảnh ba chiều (3D) của cấu trúc răng, mô mềm, các ống thần kinh và xương hàm trong vùng quét. CT Cone Beam thường được sử dụng • Cấy ghép răng Implant
- Nhổ răng khôn, răng ngầm và các trường hợp nội nha phức tạp.
- Phát hiện và chẩn đoán các bênh lý của vùng hàm mặt như: các khối u, rối loạn khớp thái dương hàm và bệnh xoang hàm.
3.4 Chụp CT xoang
Kỹ thuật này cung cấp hình ảnh về các hốc xoang cạnh mũi của bệnh nhân. Hình ảnh các lát cắt được tạo ra trong quá trình chụp CT có thể được tái tạo hình ảnh theo các hướng và hình ảnh ba chiều (3D). Nó chủ yếu được sử dụng để phát hiện ung thư xoang và khoang mũi và lập kế hoạch điều trị.
3.5 CT vùng đầu
Cũng giống như CT xoang, CT vùng đầu có thể giúp phát hiện các bất thường của xoang cạnh mũi, khoang mũi và các lát cắt cao giúp phát hiện các tổn thương của nhu mô não.
3.6 CT ngực
Ung thư vùng đầu/ cổ có nguy cơ cao là di căn phổi. Bác sĩ có thể yêu cầu chụp X quang ngực hoặc CT scan ngực thường quy để khảo sát.
Nếu các xét nghiệm này không phát hiện tổn thương, có thể không cần thực hiện thêm bước nào. Tuy nhiên, bác sĩ muốn theo dõi vùng này nên có thể chỉ định lại trong những lần khám sau. Nếu các xét nghiệm này nghi ngờ ác tính, bác sĩ có thể đề nghị sinh thiết tổn thương.
Sinh thiết có thể được thực hiện một cách an toàn dưới hướng dẫn của siêu âm, chụp cắt lớp vi tính (CT) hoặc chụp cộng hưởng từ (MRI).
3.7 Chụp MRI vùng đầu/ cổ
Trong quá trình chụp MRI vùng đầu/ cổ, sử dụng các chuỗi xung và các hướng cắt thích hợp để tạo ra các hình ảnh chi tiết về bên trong vùng đầu/ cổ, một số trường hợp bác sĩ yêu cầu kết hợp với tiêm thuốc đối quang từ. Hiện nay, chụp MRI vùng đầu cổ là xét nghiệm hình ảnh có độ nhạy cao nhất trong thực hành lâm sàng thường quy.
3.8 Chụp PET/ CT
Là một kỹ thuật chẩn đoán trong y học hạt nhân, kết hợp chụp cắt lớp phát xạ positron (PET) và chụp CT để tạo ra hình ảnh chính xác vị trí giải phẫu và hoạt động trao đổi chất bất thường của tổn thương. Nó có thể phát hiện ung thư vùng đầu và cổ, xác định xem nó đã di căn hay chưa, đánh giá hiệu quả, lập kế hoạch điều trị và đánh giá khả năng u tái phát.
4. Điều trị ung thư vùng đầu và cổ
Điều trị ung thư vùng đầu và cổ phụ thuộc vào kích thước, loại tổn thương, vị trí, tốc độ phát triển u và sức khỏe chung của bạn. Phương pháp điều trị bao gồm xạ trị, phẫu thuật, hóa trị hoặc kết hợp cả ba.
U vùng đầu/ cổ có thể được điều trị bằng xạ trị. Việc phẫu thuật có thể được thực hiện tùy thuộc vào hiệu quả của xạ trị.
Các nghiên cứu gần đây chỉ ra rằng hóa trị được đưa ra cùng lúc với xạ trị sẽ hiệu quả hơn. Do đó, điều trị xạ trị đôi khi bao gồm hóa trị liệu nếu ung thư ở giai đoạn nặng (giai đoạn III hoặc giai đoạn IV). Hóa trị có thể được thực hiện theo nhiều cách khác nhau, bao gồm liều hàng ngày thấp, liều lượng vừa phải hàng tuần hoặc liều lượng tương đối cao hơn sau mỗi ba đến bốn tuần.
Thông thường, các quy trình xạ trị để điều trị ung thư vùng đầu/ cổ bao gồm:
- Liệu pháp chùm tia bên ngoài (External Beam Therapy - EBT): Một phương pháp đưa một chùm tia X năng lượng cao hoặc chùm tia proton đến vị trí của khối u. Chùm bức xạ được tạo ra bên ngoài bệnh nhân (thường bằng máy gia tốc tuyến tính cho chùm tia Proton) và được nhắm vào vị trí khối u. Các chùm bức xạ này có thể tiêu diệt các tế bào ung thư và các kế hoạch điều trị theo phương pháp phù hợp cho phép các mô bình thường xung quanh không bị nhiễm tia.
- Xạ trị điều biến cường độ (Intensity Modulated Radiation Therapy - IMRT): Một phương thức xạ trị chính xác cao tiên tiến sử dụng máy gia tốc tia X được điều khiển bằng máy tính để cung cấp liều bức xạ chính xác đến khối u ác tính hoặc các khu vực cụ thể trong khối u. Liều bức xạ được thiết kế để phù hợp với hình dạng ba chiều (3D) của khối u bằng cách điều chỉnh - hoặc kiểm soát - cường độ của chùm bức xạ để tập trung liều bức xạ cao hơn vào khối u trong khi giảm thiểu sự tiếp xúc bức xạ với các tế bào khỏe mạnh.
Để đặt lịch khám tại viện, Quý khách vui lòng bấm số HOTLINE hoặc đặt lịch trực tiếp TẠI ĐÂY. Tải và đặt lịch khám tự động trên ứng dụng MyVinmec để quản lý, theo dõi lịch và đặt hẹn mọi lúc mọi nơi ngay trên ứng dụng.
Nguồn tham khảo: radiologyinfo.org