Việc tự nặn mụn thường không được khuyến khích vì nó có thể gây nổi mụn nhiều hơn hoặc để lại vết thâm, sẹo mụn,... Nếu muốn nặn mụn không để lại sẹo, vết thâm, bạn nên nhờ tới sự trợ giúp của bác sĩ da liễu hoặc chuyên gia thẩm mỹ.
1. Nặn mụn có thể gây ra nhiều hệ lụy
Theo các chuyên gia, mụn giống như một cái túi nhỏ, có chứa dầu thừa, mảnh da chết và vi khuẩn mụn. Cái mà chúng ta gọi là mụn mủ thực sự là nốt mụn giúp kiểm soát vi khuẩn. Khi bạn chọc vào lớp da bên ngoài của mụn, mủ bên trong sẽ chảy ra. Nếu vi khuẩn trong đó lây lan, xâm nhập vào bên trong các lỗ chân lông khác thì nó có thể dẫn đến nổi mụn nhiều hơn.
Có một rủi ro khác, đó là khi bạn tác động vào nốt mụn như chọc, nặn mụn,... bạn có thể đẩy vi khuẩn và nhân mụn vào sâu hơn bên trong da. Ngoài ra, bạn cũng có thể đưa các vi khuẩn mới vào nốt mụn. Điều đó có thể khiến mụn bị đỏ hơn, viêm, sưng tấy và nhiễm trùng, thậm chí có thể để lại sẹo vĩnh viễn. Vì vậy, tốt nhất là bạn hãy để cho nốt mụn sống hết vòng đời của nó. Thông thường, mụn sẽ tự lành sau 3 - 7 ngày. Nếu nặn mụn không đúng cách, nó có thể tồn tại trong nhiều tuần, nặn mụn bị thâm hoặc dẫn đến sẹo mụn.
XEM THÊM: Có nên đắp mặt nạ sau khi nặn mụn?
2. Bác sĩ, chuyên gia thẩm mỹ có thể giúp loại bỏ mụn
Bác sĩ và chuyên gia thẩm mỹ được đào tạo bài bản để có quy trình nặn mụn một cách an toàn. Họ sẽ đeo găng tay, sử dụng kim vô trùng nặn mụn, sau đó loại bỏ sạch mụn bằng cây nặn mụn. Vì vậy, nếu muốn nặn mụn, bạn không nên tự nặn mụn ở nhà mà nên tìm đến bác sĩ da liễu hoặc chuyên viên thẩm mỹ có uy tín.
Quy trình nặn mụn an toàn:
- Không nặn mụn sớm quá. Bạn nên chờ tới khi nhân mụn cứng và gần nổi lên trên bề mặt da, sẵn sàng để lấy ra ngoài;
- Rửa tay thật sạch bằng nước ấm, xà phòng và bàn chải kẽ móng tay;
- Khử trùng kim bằng lửa, đợi tới khi kim nguội thì lau lại bằng cồn. Sau đó, bạn dùng cồn lau lên vết mụn và đổ một ít lên ngón tay;
- Lau khô các ngón tay, dùng khăn giấy sạch quấn quanh các ngón tay;
- Xác định vị trí nốt mụn. Sau đó, dùng đầu nhọn của kim chọc vào tâm trắng của nốt mụn;
- Dùng ngón tay hoặc tăm bông để nặn mụn nhẹ nhàng, đồng thời nên nhấn xung quanh nốt mụn. Nếu mủ hoặc nhân mụn chưa trồi ra thì có nghĩa là mụn chưa đủ độ “chín” để nặn. Lúc này, bạn nên dừng lại;
- Bôi thêm cồn (có thể gây châm chích) hoặc một lượng nhỏ thuốc mỡ bacitracin lên nốt mụn đã bị xẹp xuống.
XEM THÊM: Vì sao không nên nặn mụn trứng cá?
3. Che phủ nốt mụn bằng cách trang điểm
Thay vì nặn mụn, bạn có thể che nốt mụn bằng cách trang điểm. Bạn cần chú ý dùng các sản phẩm trang điểm không làm tắc nghẽn lỗ chân lông và không cần bôi một lớp trang điểm quá dày để che nốt mụn. Khi che nốt mụn bằng cách trang điểm, bạn chỉ cần dùng kem che khuyết điểm phù hợp với màu da hoặc dùng kem nền dạng khô, không phải dạng kem. Khi che nốt mụn, bạn nên dùng một chiếc cọ trang điểm dạng dẹt với đầu lông ngắn để lấy đủ lượng kem che nốt mụn.
Nếu bạn đang không biết có nên nặn mụn hay không, hãy trao đổi với bác sĩ da liễu về các biện pháp giúp kiểm soát mụn hiệu quả. Khi có mụn xảy ra thì bạn nên nhờ sự tư vấn và can thiệp từ các bác sĩ da liễu để phòng ngừa biến chứng và để lại sẹo gây mắt thẩm mỹ.
Để đặt lịch khám tại viện, Quý khách vui lòng bấm số HOTLINE hoặc đặt lịch trực tiếp TẠI ĐÂY. Tải và đặt lịch khám tự động trên ứng dụng MyVinmec để quản lý, theo dõi lịch và đặt hẹn mọi lúc mọi nơi ngay trên ứng dụng.
Nguồn tham khảo: webmd.com