Những điều bạn cần biết về việc từ bỏ biện pháp tránh thai

Bài viết được tư vấn chuyên môn bởi Bác sĩ chuyên khoa II Lại Thị Nguyệt Hằng - Khoa sản phụ khoa - Bệnh viện Đa khoa Quốc tế Vinmec Hạ Long.

Bạn đã quyết định trở thành cha mẹ. Hãy tạo cho mình cơ hội tốt nhất cho một thai kỳ khỏe mạnh và một em bé khỏe mạnh. Do đó, có một số vấn đề quan trọng bạn cần làm trước khi bắt đầu mang thai, trong đó, quan trọng nhất là những vấn đề cần biết liên quan đến việc từ bỏ biện pháp tránh thai. Trong bài viết này, chúng tôi sẽ cung cấp cho bạn những thông tin hữu ích để làm rõ những điều này.

1. Những việc cần làm trước khi mang thai?

1.1. Lên lịch thăm khám định kỳ

Bác sĩ của bạn sẽ xem xét tiền sử y tế cá nhân và gia đình, sức khỏe hiện tại của bạn và bất kỳ loại thuốc hoặc chất bổ sung nào bạn đang dùng. Một số loại thuốc và chất bổ sung không an toàn trong khi mang thai và một số có thể cần phải tạm dừng trước khi bạn thụ thai.

Bác sĩ của bạn có thể sẽ thảo luận về chế độ ăn uống, cân nặng, tập thể dục và bất kỳ thói quen không lành mạnh nào mà bạn có thể có (chẳng hạn như hút thuốc, uống rượu và dùng ma túy); kiểm tra khả năng miễn dịch của bạn đối với các bệnh như thủy đậurubella. Ngoài ra, bạn có thể được giới thiệu đến bác sĩ chuyên khoa nếu bạn mắc một số bệnh lý, chẳng hạn như hen suyễn, tiểu đường hoặc huyết áp cao cần được kiểm soát trước khi mang thai.

Bạn cũng có thể phải khám phụ khoa và làm xét nghiệm tế bào cổ tử cung, đồng thời xét nghiệm các bệnh lây truyền qua đường tình dục nếu bạn có nguy cơ.


Phụ nữ cần được khám bệnh trước khi có ý định mang thai
Phụ nữ cần được khám bệnh trước khi có ý định mang thai

1.2. Sàng lọc di truyền

Bác sĩ của bạn sẽ cung cấp cho bạn thông tin về các bệnh di truyền trước khi bạn bắt đầu cố gắng thụ thai để xem liệu bạn hoặc chồng của bạn có phải là người mang mầm bệnh di truyền nghiêm trọng như xơ nang, bệnh hồng cầu hình liềm và những bệnh khác hay không. Nếu cả bạn và chồng của bạn đều là người mang mầm bệnh, con bạn sẽ có 1/4 khả năng mắc bệnh.

1.3. Bổ sung Axit Folic và Vitamin A

Bổ sung axit folic là rất quan trọng. Bằng cách bổ sung 400 microgam (mcg) axit folic mỗi ngày trong ít nhất một tháng trước khi bạn thụ thai.

1.4. Từ bỏ rượu chè, thuốc lá và ma túy

Nếu bạn hút thuốc hoặc dùng ma túy, ngay bây giờ là lúc bạn nên dừng lại. Nhiều nghiên cứu đã chỉ ra rằng hút thuốc hoặc dùng thuốc có thể dẫn đến sảy thai, sinh non và trẻ sinh ra nhẹ cân.


Mẹ bầu lạm dụng rượu bia có thể tăng nguy cơ sinh non
Mẹ bầu lạm dụng rượu bia có thể tăng nguy cơ sinh non

1.5. Sử dụng các loại thực phẩm lành mạnh

Bạn nên bắt đầu lựa chọn thực phẩm bổ dưỡng ngay bây giờ để cơ thể bạn được dự trữ các chất dinh dưỡng cần thiết cho một thai kỳ khỏe mạnh.

1.6. Kiểm tra lượng cafein của bạn

March of Dimes khuyên phụ nữ mang thai nên hạn chế tiêu thụ caffeine ở mức 200 miligam mỗi ngày, khoảng một lượng trong một tách cà phê, tùy thuộc vào cách pha.

1.7. Điều chỉnh cân nặng hợp lý

Điều chỉnh cân nặng phù hợp ngay bây giờ cũng có thể giúp bạn mang thai thuận lợi. Phụ nữ có chỉ số BMI cao có nhiều khả năng bị biến chứng khi mang thai hoặc sinh nở, trong khi phụ nữ bắt đầu với chỉ số BMI thấp và không tăng đủ cân có nhiều khả năng sinh con nhẹ cân hơn.


Điều chỉnh cân nặng hợp lý trước khi có kế hoạch mang thai
Điều chỉnh cân nặng hợp lý trước khi có kế hoạch mang thai

1.8. Chú ý về loại cá bạn đang ăn

Nếu bạn là người thích ăn cá, hãy bắt đầu theo dõi lượng ăn của bạn. Mặc dù cá là một nguồn tuyệt vời cung cấp axit béo omega-3 (rất quan trọng đối với sự phát triển não và mắt của bé), protein, vitamin D và các chất dinh dưỡng khác, nhưng nó cũng chứa thủy ngân, có thể gây hại. FDA và Cơ quan Bảo vệ Môi trường (EPA) khuyến cáo phụ nữ mang thai nên ăn cá trích, cá hồi và cá mòi.

1.9. Tạo thói quen tập thể dục

Hãy bắt đầu và thực hiện kế hoạch tập thể dục ngay bây giờ, và bạn sẽ được đền đáp bằng một cơ thể khỏe mạnh phù hợp với thai kỳ.

1.10. Chăm sóc sức khỏe răng miệng

Khi chuẩn bị mang thai, bạn đừng quên sức khỏe răng miệng của mình. Sự thay đổi nội tiết tố khi mang thai có thể khiến bạn dễ mắc các bệnh về nướu hơn. Nồng độ progesterone và estrogen cao hơn có thể khiến nướu răng phản ứng khác nhau với vi khuẩn trong mảng bám, dẫn đến nướu sưng, đỏ, mềm và chảy máu khi bạn dùng chỉ nha khoa hoặc chải răng.


Chăm sóc sức khỏe răng miệng là một điều cần thiết
Chăm sóc sức khỏe răng miệng là một điều cần thiết

1.11. Chuẩn bị sẵn sàng về tài chính

Khi có dự định mang thai bạn hãy chắc chắn đã có sự chuẩn bị sẵn sàng về mặt kinh tế. Bạn sẽ phải tiêu tốn khá nhiều tiền cho việc thăm khám kiểm tra, sàng lọc di truyền, các dụng cụ thiết yếu khi sinh, bỉm, sữa .....Bạn may mắn nếu bạn có bảo hiểm y tế, nó sẽ giúp giảm bớt phần nào chi phí cho việc thăm khám, kiểm tra sức khỏe trong quá trình mang thai. Nếu chưa có hãy cố gắng mua cho mình bảo hiểm y tế, nó giống như vật phòng thân dành cho bạn.

1.12. Cân nhắc về sức khỏe tinh thần.

Alice Domar, giám đốc Trung tâm Domar về Sức khỏe Tâm trí/Cơ thể tại Boston IVF, cho biết phụ nữ bị trầm cảm có nguy cơ gặp vấn đề với khả năng sinh sản cao gấp đôi so với phụ nữ không bị trầm cảm. Domar gợi ý rằng tất cả phụ nữ, đặc biệt là những người có tiền sử cá nhân hoặc gia đình bị trầm cảm, nên kiểm tra sức khỏe tâm thần trước khi mang thai.

1.13. Tránh nhiễm trùng

Điều quan trọng là phải tránh xa các bệnh nhiễm trùng khi bạn đang cố gắng mang thai, đặc biệt là những bệnh có thể gây hại cho thai nhi của bạn. Cuối cùng, hãy chắc chắn rằng bạn đã tiêm phòng cúm để tránh bị cúm khi mang thai. Bị cúm khi mang thai có thể dẫn đến các biến chứng nghiêm trọng, chẳng hạn như viêm phổi và sinh non.


Trước khi mang thai bạn cần tiêm phòng bệnh cúm
Trước khi mang thai bạn cần tiêm phòng bệnh cúm

1.14. Giảm thiểu rủi ro từ môi trường

Bạn có thể không thể loại bỏ hoàn toàn tất cả các mối nguy hiểm về môi trường, nhưng bạn có thể cố gắng hết sức để ngăn chặn càng nhiều càng tốt chúng ra khỏi cuộc sống của bạn. Ví dụ, một số công việc có thể nguy hiểm cho bạn và thai nhi của bạn. Nếu thường xuyên tiếp xúc với hóa chất hoặc bức xạ, bạn cần thực hiện một số thay đổi trước khi thụ thai.

1.15. Suy nghĩ kỹ cho quyết định của mình

Có một đứa con là một cam kết cả đời. Trước khi cố gắng thụ thai, hãy cân nhắc xem bạn đã sẵn sàng đảm nhận trách nhiệm này chưa. Một số câu hỏi đặt ra là:

  • Bạn có thể cân bằng giữa công việc và gia đình chưa?
  • Bạn có sẵn sàng để làm cha mẹ cho một đứa trẻ có nhu cầu đặc biệt nếu bạn có?
  • Nếu bạn có bạn đời, cả hai bạn có sẵn sàng trở thành cha mẹ như nhau không?

Quyết định trở thành cha mẹ là một quyết định quan trọng
Quyết định trở thành cha mẹ là một quyết định quan trọng

1.16. Tìm hiểu dấu hiệu khi bạn rụng trứng

Một số phụ nữ chỉ đơn giản là ngừng sử dụng biện pháp tránh thai khi họ sẵn sàng mang thai và để số phận quyết định khi nào họ sẽ thụ thai. Những người khác thực hiện một cách tiếp cận có tính toán hơn bằng cách lập biểu đồ kinh nguyệt của họ và theo dõi các triệu chứng để cố gắng xác định ngày dễ thụ thai (ngày rụng trứng) của họ mỗi tháng.

1.17. Ngưng sử dụng các biện pháp tránh thai

Đối với nhiều phụ nữ, khả năng sinh sản sẽ trở lại ngay sau khi họ ngừng sử dụng các biện pháp này, nhưng một số có thể mất một tháng hoặc lâu hơn để bắt đầu rụng trứng trở lại. Bạn sẽ biết quá trình rụng trứng trở lại bình thường khi bạn có kinh đều đặn.

2. Những điều bạn cần biết về việc từ bỏ biện pháp tránh thai

2.1. Các phương pháp rào cản

Các phương pháp rào cản, chẳng hạn như: bao cao su nam, bao cao su nữ, màng ngăn và nắp cổ tử cung, không ảnh hưởng đến khả năng sinh sản của bạn - vì vậy nếu bạn đang sử dụng một trong những phương pháp này và bạn muốn bắt đầu cố gắng mang thai, chỉ cần ngừng sử dụng nó. Và đừng lo lắng: Thuốc diệt tinh trùng được sử dụng với các phương pháp rào cản không thể gây hại cho thai kỳ. Ngay cả khi bạn vô tình thụ thai trong khi sử dụng chất diệt tinh trùng, nó sẽ không làm tổn thương con bạn.


Sử dụng bao cao su không ảnh hưởng đến khả năng mang thai
Sử dụng bao cao su không ảnh hưởng đến khả năng mang thai

2.2. Kiểm soát sinh đẻ tự nhiên

Kiểm soát sinh đẻ tự nhiên được hiểu là quan hệ vào những “ngày an toàn” cách xa thời điểm rụng trứng. Khi bạn muốn có thai thì việc đơn giản nhất là không tiếp tục việc đó nữa. Nếu bạn có chu kỳ kinh nguyệt đều đặn, thông tin bạn thu thập được từ việc lập biểu đồ chu kỳ kinh nguyệt có thể giúp bạn ước tính thời điểm có khả năng thụ thai cao nhất. Và nếu bạn đã quen với những thay đổi của chất nhầy cổ tử cung trong thời kỳ dễ thụ thai, bạn sẽ có một công cụ hữu ích để xác định khi nào bạn sắp rụng trứng và có quan hệ tình dục hiệu quả.

2.3. Thuốc tránh thai, miếng dán và vòm âm đạo

Việc bạn có thể làm để làm mất tác dụng của Thuốc tránh thai, miếng dán là ngưng sử dụng chúng. Bạn thậm chí không cần phải đợi đến khi kết thúc chu kỳ hàng tháng để dừng lại. Trong một số trường hợp, rất có thể bạn sẽ có kinh trong vòng vài ngày sau khi ngừng sử dụng các biện pháp trên.

Đối với nhiều phụ nữ, khả năng sinh sản sẽ trở lại ngay sau khi họ ngừng sử dụng các phương pháp này, nhưng một số có thể mất một tháng hoặc lâu hơn để bắt đầu rụng trứng trở lại. Bạn sẽ biết quá trình rụng trứng trở lại bình thường nếu bạn có kinh đều đặn.

Thuốc viên mini chỉ chứa progestin chứa một liều lượng rất thấp progesterone tổng hợp, được đào thải nhanh chóng khỏi cơ thể của bạn. Tác dụng tránh thai không kéo dài quá 24 giờ sau viên thuốc cuối cùng của bạn.

Que cấy progestin (Implanon) là một thanh nhựa dẻo có kích thước bằng que diêm được đặt dưới da của cánh tay. Tác dụng tránh thai của nó kết thúc khi nó bị loại bỏ.

Một vòng tránh thai khi được tháo khỏi cơ thể bạn, bạn hoàn toàn có khả năng có thai ngay lập tức. Thông thường, nó sẽ không ảnh hưởng đến khả năng sinh sản của bạn trừ trường hợp nó gây viêm nhiễm.


Tháo vòng tránh thai có thể giúp bạn mang thai trở lại
Tháo vòng tránh thai có thể giúp bạn mang thai trở lại

2.4. Triệt sản.

Các kỹ thuật triệt sản bằng phẫu thuật như thắt ống dẫn trứng và thắt ống dẫn tinh được coi là phương pháp ngừa thai vĩnh viễn và dành cho những người chắc chắn rằng họ sẽ không muốn mang thai hoặc làm cha trong tương lai. Nhưng một người đôi khi thay đổi suy nghĩ của họ về việc lại muốn có con lần nữa.

Dưới đây là những điều bạn cần biết nếu bạn hoặc chồng của bạn đang hy vọng hy vọng có con lại sau khi triệt sản. Trong cả hai trường hợp, việc thông lại ống dẫn trứng hoặc ống dẫn tinh đều tốn kém và phức tạp, không đảm bảo thành công và không có khả năng được bảo hiểm.

Cơ hội mang thai của bạn sau khi thắt ống dẫn trứng dao động từ 31 đến 88%, tùy thuộc vào cách nó được thực hiện và bạn sẽ có nguy cơ mang thai ngoài tử cung cao hơn nếu thụ thai. Nếu việc triệt sản làm hỏng nhiều ống dẫn trứng, thì việc thông lại ống dẫn trứng có thể không thực hiện được.

Việc thông lại ống dẫn trứng được coi là cuộc phẫu thuật lớn và cần phải nằm viện. Một giải pháp thay thế cho những phụ nữ đã thắt ống dẫn trứng là sử dụng công nghệ hỗ trợ sinh sản, chẳng hạn như thụ tinh trong ống nghiệm, để cố gắng mang thai, tuy nhiên chi phí khá cao và tỷ lệ thành công không phải là 100%.

Triệt sản nam, hoặc thắt ống dẫn tinh, cũng khó có thể thay đổi lại. Từ 30 đến 75% nam giới thắt lại ống dẫn tinh tiếp tục có khả năng có con thành công. Nhiều yếu tố có liên quan, nhưng càng để lâu kể từ khi phẫu thuật, khả năng thông lại ống dẫn tinh thành công càng ít.

Nếu nỗ lực thay đổi lại không thành công, bạn có thể lấy tinh trùng ra và thử thụ tinh trong ống nghiệm., tuy nhiên cũng như trên chi phí khá cao và tỷ lệ thành công không phải là 100%.

Để đặt lịch khám tại viện, Quý khách vui lòng bấm số HOTLINE hoặc đặt lịch trực tiếp TẠI ĐÂY. Tải và đặt lịch khám tự động trên ứng dụng MyVinmec để quản lý, theo dõi lịch và đặt hẹn mọi lúc mọi nơi ngay trên ứng dụng.

Nguồn tham khảo: babycenter.com

Chia sẻ
Câu chuyện khách hàng Thông tin sức khỏe Sống khỏe