Những dấu hiệu cảnh báo trẻ bị mất nước và cách điều trị an toàn

Bài viết được tham vấn chuyên môn cùng Thạc sĩ, Bác sĩ Vũ Quốc Ánh - Bác sĩ Nhi khoa - Khoa Nhi - Sơ sinh - Bệnh viện Đa khoa Quốc tế Vinmec Đà Nẵng.

Dù là người lớn hay trẻ nhỏ, khi lượng nước trong cơ thể bị hao hụt có thể dẫn đến hậu quả nghiêm trọng. Vì vậy trẻ bị mất nước cần được phát hiện sớm để có phương pháp điều trị thích hợp, tránh những biến chứng nặng nề xảy ra.

1. Trẻ bị mất nước nguy hiểm như thế nào?

Theo sinh lý bình thường ở người, nước đóng vai trò vô cùng quan trọng. Lượng nước chiếm tỉ lệ rất cao, khoảng hơn 2/3 trọng lượng cơ thể và đảm nhận nhiều nhiệm vụ cấp thiết: duy trì nhiệt độ cơ thể, là chất bôi trơn của nhiều cơ quan, hỗ trợ hệ tiêu hóa, bảo vệ làn da khỏe mạnh và loại bỏ độc tố, chất thải ra khỏi cơ thể.

Khi cơ thể trẻ bị mất nước, các cơ quan sẽ không còn hoạt động một cách bình thường, điều này dẫn đến mất cân bằng điện giải, kéo theo một loạt các rối loạn nghiêm trọng khác. Nếu các dấu hiệu trẻ bị mất nước không được phát hiện và xử trí kịp thời có thể dẫn đến hậu quả như tổn thương não vĩnh viễn, thậm chí có thể tử vong.


Trẻ bị mất nước có thể dẫn tới tử vong
Trẻ bị mất nước có thể dẫn tới tử vong

2. Nguyên nhân làm trẻ bị mất nước

  • Tiêu chảy: là tình trạng bé đi tiêu phân lỏng, nước trên 3 lần trong một ngày. Đây là nguyên nhân làm trẻ bị mất nước thường gặp nhất.
  • Nôn mửa: Bên cạnh tiêu chảy thì một rối loạn hệ tiêu hóa khác là nôn mửa cũng có thể làm trẻ bị mất nước nghiêm trọng. Nôn mửa và đặc biệt nếu kèm theo tiêu chảy sẽ nhanh chóng làm cơ thể trẻ bị mất nước trầm trọng nếu không điều trị kịp thời.
  • Sốt cao: Thân nhiệt tăng do nhiều nguyên nhân khác nhau cũng có thể làm mất đi lượng chất lỏng trong cơ thể trẻ.
  • Hoạt động nhiều: Khi trẻ hoạt động nhiều, đặc biệt khi thời tiết nắng nóng quá mức cũng khiến cơ thể bị mất nước thông qua những giọt mồ hôi.

3. Dấu hiệu trẻ bị mất nước

Khi trẻ bị mất nước, phản ứng đầu tiên của cơ thể là tìm cách bù trừ bằng cách uống thật nhiều nước, do đó dấu hiệu trẻ bị mất nước dễ gặp nhất chính là khát nước.

Ngoài ra, bên cạnh nhu cầu bù nước thì cơ thể tự điều hòa bằng cách hạn chế mất nước qua nước tiểu, do đó nước tiểu của bé trở nên đậm đặc hơn và có màu vàng đậm hơn bình thường. Bên cạnh đó, những dấu hiệu trẻ bị mất nước khác theo từng lứa tuổi bao gồm:


Trẻ bị mất nước có nước tiểu màu vàng đậm hơn bình thường
Trẻ bị mất nước có nước tiểu màu vàng đậm hơn bình thường

3.1 Dấu hiệu trẻ bị mất nước ở độ tuổi sơ sinh

  • Trẻ sơ sinh thường mượn tiếng khóc để biểu hiện những khó chịu của cơ thể. Khi cơ thể trẻ bị thiếu nước, trẻ khóc nhưng không rơi nước mắt hoặc chỉ rơi ra một vài giọt;
  • Thóp là nơi tiếp giáp của các mảng xương sọ, ở độ tuổi sơ sinh các thóp chưa đóng kín hoàn toàn nên khi trẻ bị mất nước, các thóp này sẽ chìm sâu;
  • Khô môi miệng;
  • Trẻ đi tiểu ít hơn bình thường, tã không ướt trong khoảng 3 tiếng;
  • Trẻ sơ sinh buồn ngủ nhiều hơn bình thường;
  • Nhịp thở nhanh bất thường.;
  • Tay chân lạnh và nhợt nhạt.

3.2 Dấu hiệu mất nước ở trẻ nhỏ

  • Trẻ có vẻ mệt mỏi, không khỏe như bình thường;
  • Đôi khi trẻ nhỏ bị mất nước sẽ thờ ơ hoặc dễ cáu kỉnh;
  • Trẻ thở nhanh hơn: nhịp thở bình thường của trẻ 6 - 12 tháng tuổi là dưới 50 lần/phút, trẻ trên 12 tháng là dưới 40 lần/phút. Khi trẻ bị mất nước thì nhịp thở sẽ tăng hơn so với giới hạn bình thường;
  • Nhịp tim nhanh bất thường do cơ thể phản ứng bù trừ khi trẻ bị mất nước.

Mất nước khiến trẻ dễ cáu kỉnh
Mất nước khiến trẻ dễ cáu kỉnh

4. Điều trị trẻ bị mất nước

4.1 Bù nước bằng đường uống

Ở một số trường hợp nhẹ, điều trị trẻ bị mất nước chủ yếu là bù nước mất qua đường tiêu hóa. Dung dịch bù nước được ưu tiên là oresol, vừa bù nước vừa bù điện giải, giúp điều chỉnh các rối loạn trong cơ thể trẻ.

Liều lượng oresol phụ thuộc vào trọng lượng của trẻ và thời gian bù tùy thuộc vào loại oresol. Trong điều kiện tốt, chỉ định bù nước nên được thông qua bởi bác sĩ chuyên khoa nhi. Sau khi bù nước thì cần đánh giá lại các dấu hiệu để xem tình trạng mất nước của trẻ có khá hơn hay không.

4.2 Truyền nước

Các trường hợp nặng, khi trẻ không thể uống được hoặc việc bù qua đường uống không đủ nhu cầu của trẻ thì nên truyền dịch qua đường tĩnh mạch. Phương pháp điều trị trẻ bị mất nước này cần được thực hiện tại cơ sở y tế dưới sự giám sát của bác sĩ.

4.3 Các phương pháp điều trị trẻ bị mất nước khác

  • Các loại thuốc như kháng sinh, kháng virus không giúp bù nước nhưng sẽ giải quyết những nguyên nhân làm trẻ bị mất nước như tiêu chảy và nôn mửa.
  • Chế độ ăn thức ăn lỏng: Cho trẻ uống nước ép trái cây, sinh tố có chứa nhiều nước (dưa hấu, chuối...). Nước dừa cũng là một lựa chọn hợp lý cho trẻ. Ngoài ra nên cho trẻ ăn thức ăn mềm, loãng.
  • Uống nhiều nước: Cho bé uống từng ngụm nước nhỏ, nhiều lần, đặc biệt trong thời tiết nóng ẩm. Đừng cho trẻ uống nước trái cây và đồ uống thể thao bán sẵn trên thị trường, vì chúng có chứa nhiều đường có thể làm tăng mức độ mất nước. Nếu trẻ bị tiêu chảy, có thể cắt giảm sữa vì nó dễ gây rối loạn tiêu hóa.

Cho trẻ uống nhiều nước để cân bằng cơ thể
Cho trẻ uống nhiều nước để cân bằng cơ thể

5. Phòng ngừa trẻ bị mất nước

  • Đảm bảo trẻ uống đủ nước theo nhu cầu hằng ngày sao cho phù hợp với thói quen hoạt động và thời tiết. Trẻ ở ngoài trời nhiều, đổ nhiều mồ hôi cần uống nước nhiều hơn và thường xuyên hơn.
  • Giữ vệ sinh ăn uống, ăn chín uống sôi để tránh nhiễm trùng tiêu hóa gây tiêu chảy, nôn mửa và làm trẻ bị mất nước.
  • Vệ sinh cho trẻ thật sạch và dạy trẻ rửa tay trước và sau bữa ăn, sau khi ở bên ngoài về nhà.
  • Nên mặc quần áo mỏng, màu sắc tươi sáng, thoáng mát cho trẻ khi thời tiết nóng ẩm, loại quần áo này giúp trẻ dễ tản nhiệt hơn, không bị quá nóng dẫn đến đổ mồ hôi, mất nước của cơ thể.

Khi trẻ có những dấu hiệu mất nước, cha mẹ nên đưa bé đến các cơ sở y tế uy tín ngay để được các bác sĩ xử lý kịp thời, tránh gây ra nhiều biến chứng nguy hiểm.

Để đặt lịch khám tại viện, Quý khách vui lòng bấm số HOTLINE hoặc đặt lịch trực tiếp TẠI ĐÂY. Tải và đặt lịch khám tự động trên ứng dụng MyVinmec để quản lý, theo dõi lịch và đặt hẹn mọi lúc mọi nơi ngay trên ứng dụng.

Chia sẻ
Câu chuyện khách hàng Thông tin sức khỏe Sống khỏe