Bài viết được tư vấn chuyên môn bởi Thạc sĩ, Bác sĩ Lưu Thị Bích Ngọc - Bác sĩ Chẩn đoán hình ảnh - Khoa Chẩn đoán hình ảnh và Y học hạt nhân - Bệnh viện Đa khoa Quốc tế Vinmec Times City. Bác sĩ có 06 năm kinh nghiệm làm trong lĩnh vực chẩn đoán hình ảnh.
Không giống như siêu âm thai, siêu âm tim hay siêu âm buồng trứng, “siêu âm tuyến giáp” có thể vẫn còn là cụm từ xa lạ với khá nhiều người. Thực tế, đây là kỹ thuật siêu âm thường quy và rất hữu ích để các bác sĩ thăm khám, xác định các bất thường về tuyến giáp để sớm có hướng thăm khám và điều trị kịp thời.
1. Siêu âm tuyến giáp là gì?
Tuyến giáp là một tuyến nội tuyến lớn nhất cơ thể, có hình giống như cánh bướm, nằm ở phía trước cổ ngay trên xương cổ, với một thùy ở hai bên cổ và nối với nhau bằng dải hẹp gọi là eo. Đây là tuyến nội tuyến nắm giữ nhiều vai trò quan trọng, có chức năng tiết ra các hormon giáp trạng gồm Thyroxine (hay gọi là T4 vì có 4 phân tử iod trong thành phần), hormon tri-iodo-thyronine (hay gọi là T3).
Siêu âm tuyến giáp là phương pháp chẩn đoán thông qua hình ảnh tuyến giáp bằng cách sử dụng sóng âm nhằm tìm ra những bất thường hoặc những bệnh lý ở tuyến giáp.
Khi siêu âm tuyến giáp, bệnh nhân được hướng dẫn nằm ngửa hoặc nghiêng đầu sang hai bên. Tiếp đó, bác sĩ sẽ dùng gel chuyên biệt để bôi lên vùng cổ cần siêu âm. Loại gel này sử dụng trong quá trình siêu âm tuyến giáp với chức năng giúp cho đầu dò tiếp xúc một cách an toàn với cơ thể đồng thời loại bỏ các túi khí liti chặn sóng âm. Thông qua lớp gel, đầu dò được bác sĩ đặt trực tiếp trên vùng da ở cổ bệnh nhân và di chuyển qua lại nhằm thu được những hình ảnh vùng tuyến giáp.
2. Siêu âm tuyến giáp có tác dụng gì?
Bác sĩ có thể phát hiện các bệnh lý ở tuyến giáp thông qua siêu âm tuyến giáp khi khám sức khỏe định kỳ.
Những bệnh lý này không dễ phát hiện nếu chỉ thông qua khám lâm sàng thông thường. Nhờ sự “nhạy” của mình, siêu âm tuyến giáp giúp bác sĩ nhanh chóng phát hiện ra được các nhân giáp cũng như những dấu hiệu bất thường. Ngoài ra siêu âm tuyến giáp còn có các tác dụng dưới đây:
- Tìm ra các tổn thương khác ở vùng cổ có liên quan đến tổn thương tại tuyến giáp của bệnh nhân.
- Phân loại và xác định các cấu trúc khối (đặc, kén, hỗn hợp) trong tuyến giáp.
- Nếu có xuất hiện khối u thì việc siêu âm tuyến giáp sẽ giúp xác định vị trí các khối u là nằm trong hay ngoài tuyến giáp.
- Đánh giá một số cấu trúc lân cận của tuyến giáp.
- Giúp theo dõi tiến độ tiến triển của bệnh lý tuyến giáp.
- Khi người bệnh mắc phải hội chứng cường giáp hoặc nhược giáp, siêu âm tuyến giáp sẽ cho phép bác sĩ tìm ra các nguyên nhân.
- Siêu âm tuyến giáp cũng cho phép phân tích sự xuất hiện của các nhân giáp để xác định xem chúng có phải lành tính hay không.
3. Khi nào cần phải sử dụng đến phương pháp siêu âm tuyến giáp?
Siêu âm tuyến giáp được chỉ định khi bác sĩ khám lâm sàng vùng cổ và nghi ngờ có khối u vùng cổ, khối trong trung thất, bướu giáp (bướu cổ), hoặc là nghi ngờ có bệnh lý tuyến giáp qua các xét nghiệm trong khi kết quả khám lâm sàng lại hoàn toàn bình thường.
Bên cạnh đó, bệnh tuyến giáp biểu hiện ở một số triệu chứng dưới đây:
- Rối loạn tri giác và kém tập trung: chức năng của thần kinh có thể bị ảnh hưởng bởi cường giáp (tăng nồng độ của hormon tuyến giáp) và nhược giáp (giảm nồng độ của hormon tuyến giáp).
- Mức cholesterol cao: sự gia tăng nồng độ cholesterol trong máu có thể xảy ra ở những người bị nhược giáp.
- Những sự thay đổi trong kỳ kinh nguyệt: nữ bệnh nhân quan sát thấy mình bị rong kinh, cường kinh hoặc kỳ kinh nguyệt gián đoạn lâu.
- Bệnh nhân nhận thấy bản thân bị run rẩy tay, căng thẳng cùng với trạng thái kích thích: tình trạng tăng chức năng tuyến giáp có thể là nguyên nhân gây ra những triệu chứng này.
- Phù, giữ nước trong cơ thể: đây là dấu hiệu của nhược tuyến giáp.
- Tăng cân, tăng nhịp tim
- Đau nhức: các vấn đề tuyến giáp có thể gây ra tình trạng đau cơ.
- Không thể chịu nóng hoặc chịu lạnh kém: những người có tuyến giáp hoạt động quá mức (cường giáp) hoặc kém hoạt động (nhược giáp) sẽ dẫn đến những biểu hiện trên.
Những bệnh nhân có biểu hiện bệnh trên có thể được bác sĩ chỉ định siêu âm tuyến giáp để tìm ra nguyên nhân bệnh và xác định giai đoạn các bệnh lý tuyến giáp.
4. Quy trình siêu âm tuyến giáp diễn ra như thế nào?
Toàn bộ quá trình siêu âm tuyến giáp thường được thực hiện trong thời gian khoảng 20-30 phút. Cụ thể:
- Người bệnh nằm trên một bàn kiểm tra khi siêu âm tuyến giáp và làm theo hướng dẫn của bác sĩ để hình ảnh siêu âm được rõ nét.
- Sau đó, bác sĩ sẽ bôi gel trong lên thiết bị đầu dò và vùng cổ cần siêu âm. Gel sẽ giúp giúp cho đầu dò tiếp xúc một cách an toàn với cơ thể đồng thời loại bỏ các túi khí liti chặn sóng âm.
- Đầu dò sẽ được bác sĩ được đặt trên vùng cổ của bệnh nhân và di chuyển qua lại trong khu vực cần kiểm tra để thu được hình ảnh siêu âm. Hình ảnh này chính là cơ sở để bác sĩ quan sát toàn diện vùng tuyến giáp và đưa ra chẩn đoán bệnh chính xác nhất.
5. Siêu âm tuyến giáp có gây hại hay không?
Câu trả lời cho câu hỏi này là không. Siêu âm tuyến giáp hoàn toàn không gây hại cho cơ thể. Bên cạnh đó cũng không có bất kì chống chỉ định nào đối với siêu âm tuyến giáp. Đây là một kĩ thuật hoàn toàn an toàn và không hề gây đau đớn. Sau khi siêu âm, ngay lập tức người bệnh hoàn toàn có thể hoạt động trở lại như bình thường.
6. Trước khi siêu âm tuyến giáp có cần nhịn ăn?
Trước khi siêu âm tuyến giáp người bệnh không cần phải nhịn ăn hay kiêng ăn hoặc đặc biệt chuẩn bị gì. Bên cạnh đó, nếu có thể thì bệnh nhân hãy mặc áo có cổ rộng để dễ dàng để lộ vùng cổ giúp quá trình siêu âm diễn ra thuận tiện hơn.
Tóm lại, siêu âm tuyến giáp là một phương pháp nhanh gọn, sử dụng kĩ thuật siêu âm không xâm lấn nên không hề gây đau đớn hay có hại cho cơ thể bệnh nhân. Quan trọng là phương pháp này giúp cho các bác sĩ có thể nhanh chóng phát hiện ra các bệnh tuyến giáp một cách kịp thời để từ đó có phương án chữa trị hiệu quả cho bệnh nhân.
Để đặt lịch khám tại viện, Quý khách vui lòng bấm số HOTLINE hoặc đặt lịch trực tiếp TẠI ĐÂY. Tải và đặt lịch khám tự động trên ứng dụng MyVinmec để quản lý, theo dõi lịch và đặt hẹn mọi lúc mọi nơi ngay trên ứng dụng.