Bài viết bởi Bác sĩ CKII Khúc Thị Nhẹn - Bác sĩ Nội thần kinh - Khoa Khám bệnh - Bệnh viện Đa khoa Quốc tế Vinmec Times City
Nhức đầu Migraine hay còn được gọi nhức nửa đầu hoặc bán đầu thống là một thể nhức đầu đặc biệt, biểu hiện bởi những cơn đau nửa đầu. Migraine chiếm khoảng 10 – 12% dân số, gặp nhiều ở nữ giới, thường khởi đầu ở tuổi từ 10 – 40 (chiếm 90 %), một số xuất hiện ở trẻ em, hiếm khi ở lứa tuổi trên 40, bệnh có tính chất gia đình (70%).
Bệnh nhức đầu Migraine hay tái phát gây ảnh hưởng tới công việc cũng như chất lượng cuộc sống hàng ngày.
1. Triệu chứng bệnh nhức đầu Migraine
Khi mắc phải bệnh nhức đầu Migraine, tần số cơn đau sẽ thưa hoặc mau, cường độ đau nhiều hay ít tùy theo từng bệnh nhân. Nhức đầu Migraine được chia làm hai loại:
- Migraine không có dấu hiệu báo trước: Có ít nhất 5 cơn thỏa mãn tiêu chuẩn sau: Nhức đầu kéo dài từ 4-72 giờ, thường đau một bên đầu, cảm giác mạch đập trong đầu. Đau vừa hoặc nặng, đau tăng lên khi gắng sức. Trong cơn đau có thể có các triệu chứng buồn nôn và / hoặc nôn, sợ ánh sáng, sợ tiếng động, không có các biểu hiện khác kèm theo.
- Migraine có dấu hiệu báo trước (tiền triệu - aura): Có ít nhất 2 cơn đau giống cơn Migraine không có dấu hiệu báo trước. Dấu hiệu báo trước gồm ít nhất 1 trong số các biểu hiện sau nhưng hồi phục hoàn toàn như lóe sáng hoặc tia chớp, nhìn đôi, chóng mặt, buồn nôn, nói khó, thất điều (đi loạng choạng). Có ít nhất 1 triệu chứng tiền triệu lan từ từ trong vòng 5 phút và/hoặc >= 2 triệu chứng xảy ra liên tiếp nhau nhưng không quá 60 phút và tiếp theo là triệu chứng đau đầu.
Cơn nhức đầu migraine không suy giảm kéo dài trong vòng 72 giờ được gọi là trạng thái nhức đầu migraine, đây là tình huống hiếm gặp nhưng gây cho người bệnh sợ hãi và lo lắng.
2. Nguyên nhân gây bệnh nhức đầu migraine
Nhức đầu migraine là một bệnh phức tạp, liên quan đến yếu tố di truyền, nguyên nhân nội tiết, yếu tố tâm lý và môi trường:
- Yếu tố di truyền: Trong gia đình có nhiều người mắc chứng đau nửa đầu, thường liên quan nhiều tới chứng đau nửa đầu có aura (dấu hiệu báo trước cơn đau) so với chứng đau nửa đầu không có aura. Nhiều nghiên cứu đã chỉ ra rằng di truyền chứng đau nửa đầu có thể liên quan đến một số gen (giải thích cho việc bỏ qua thế hệ ở một số gia đình).
- Nguyên nhân nội tiết: Đau nửa đầu không phải là một bệnh có nguồn gốc nội tiết tố. Phụ nữ bị chứng đau nửa đầu không bị bất thường nội tiết tố. Tuy nhiên, sự xuất hiện các cơn đau bị ảnh hưởng bởi sự thay đổi về mức độ hormone, do đó bệnh gặp ở nữ nhiều hơn nam. Ở nữ, đại đa số cơn đau xuất hiện xung quanh thời kỳ kinh nguyệt, trước khi mãn kinh cường độ cơn đau có dữ dội hơn, ngược lại tần số cơn giảm trong thời gian có thai hoặc khi mãn kinh.
- Yếu tố tâm lý: Lo âu và trầm cảm thường liên quan đến chứng đau nửa đầu, người bệnh đau nửa đầu có phản ứng tăng lên đối với căng thẳng do đó stress tâm lý là yếu tố gây kích hoạt cơn đau, mặt khác nếu đau đầu nhiều dẫn đến người bệnh lo lắng tăng lên (vòng xoắn bệnh lý).
- Yếu tố môi trường: Kích thích giác quan: Nhiệt độ và ánh sáng mạnh, tiếng ồn lớn, thay đổi thời tiết, mùi mạnh ...Một số loại thực phẩm:Sô cô la, đồ uống có cồn, cà phê ...Lối sống: Làm việc quá sức, thay đổi nhịp sinh học, nhịn ăn, thừa hoặc thiếu ngủ ...
3. Phương pháp điều trị như thế nào?
Điều trị Migraine bao gồm điều trị cắt cơn đau (điều trị cơn) và điều trị dự phòng cơn (điều trị nền). Mặc dù hiện nay có rất nhiều loại thuốc chữa bệnh hiệu quả nhưng số bệnh nhân đến khám và được điều trị đúng còn ít. Các bệnh nhân nhức đầu Migraine thường được chẩn đoán nhầm với hội chứng tiền đình hoặc thiếu máu não ...dẫn đến điều trị kém hiệu quả, thậm chí có thể dẫn đến tăng tần suất và cường độ cơn đau.
3.1 Điều trị cắt cơn
Với đa số bệnh nhân đau đầu Migraine, thuốc kháng viêm giảm đau không thuộc nhóm Corticoid (AINS) là loại thuốc có tác dụng giảm đau mạnh, được sử dụng để cắt cơn đau. Ngoài Aspirin (500 – 2000mg/ngày), những thuốc có tác dụng giảm đau mạnh thường được sử dụng là: Ibuprofen (1000mg – 2000mg/ngày), Naproxen (Apranax: 550 – 1100mg/ngày). Nên uống ngay khi bắt đầu xuất hiện cơn đau. Chống chỉ định trong trường hợp loét dạ dày – tá tràng, dị ứng thuốc.
Khi cơn đau không còn tác dụng với thuốc AINS, cần điều trị thử bằng Ergotamin tartrat (viên 1mg), uống 2mg ngay khi cơn đau xuất hiện và có thể nhắc lai sau 30 phút nếu cơn đau vẫn còn, không vượt quá 4mg/ngày và 10mg/tuần. Tác dụng phụ: Nôn, buồn nôn, co động mạch, máy cơ. Chống chỉ định trong trường hợp suy vành, hội chứng Raynaud, tăng huyết áp nặng, suy gan, có thai, trẻ em dưới 10 tuổi, phối hợp với thuốc Macrolid hoặc thuốc chống trầm cảm 3 vòng.
Trong trường hợp bệnh nhân có nôn, phải dùng thuốc bằng đường tiêm truyền và cần điều trị triệu chứng nôn.
3.2 Điều trị dự phòng
Bệnh nhân đau nửa đầu cần được điều trị dự phòng cơn trong những trường hợp sau:
- Có ít nhất ba cơn đau trong một tháng;
- Trong trường hợp không sử dụng được các thuốc cắt cơn hoặc không hiệu quả;
- Phải sử dụng thuốc điều trị cắt cơn quá hai lần trong một tuần;
- Cơn đau bất thường phối hợp với liệt nửa người hoặc những dấu hiệu báo hiệu kéo dài (aura).
Để điều trị dự phòng, nên dùng một loại thuốc, dùng với liều tăng dần cho tới khi tác dụng. Đợt điều trị kéo dài 3 - 6 tháng. Những thuốc có thể dùng trong điều trị dự phòng là:
- Propranolol viên nén 40mg, liều lượng từ 40 - 160mg/ngày chia làm 2 - 3 lần. Tác dụng phụ: hạ huyết áp, mệt mỏi, rối loạn tiêu hoá, ác mộng, ít ngủ. Chống chỉ định: Rối loạn dẫn truyền, nhịp tim chậm < 50 lần/phút, suy tim, hội chứng Raynaud, hen phế quản, phối hợp với thuốc chống trầm cảm ba vòng.
- Amitriptyline viên nén 25mg, liều từ 25 - 75mg/ngày chia 2 lần. Tác dụng phụ: Hạ huyết áp tư thế, ngủ gà, lú lẫn, khô miệng, run, táo bón, bí tiểu, tăng cân. Chống chỉ định: Glôcôm góc đóng, u tuyến tiền liệt, loạn nhịp tim, rối loạn dẫn truyền, động kinh, có thai.
- Flunarizin 5mg x 1-2 viên chia 2 lần. Tác dụng phụ: Buồn ngủ, tăng cân và/hoặc ăn ngon miệng, nếu dùng kéo dài có thể gây lo lắng, trầm cảm, hội chứng Parkinson.
- Topiramate viên nén 25mg, liều từ 25 mg – 100 mg/ ngày chia 2 lần uống sau ăn. Tác dụng phụ: mệt mỏi, choáng váng, hoa mắt, ăn không ngon miệng, đắng miệng, tiêu chảy và sụt cân, dị ứng.
Ngoài ra còn nhiều thuốc khác có hiệu quả trong điều trị dự phòng nhưng ít được sử dụng vì tác dụng phụ của thuốc.
4. Một số lời khuyên đối với bệnh nhân nhức đầu Migraine
Mỗi bệnh nhân cần có sổ theo dõi cơn đau cũng như những tác dụng không mong muốn của thuốc để báo lại bác sĩ. Ngoài việc dùng thuốc, người bệnh nên tập thể dục đều đặn phù hợp sức khoẻ (đi bộ, yoga...), thư giãn, điều chỉnh công việc, ăn ngủ đúng giờ. Dưới đây là một số yếu tố khởi phát cơn cần tránh:
- Thức ăn uống: Rượu; cà phê; chocolate.
- Các yếu tố thái độ, tập tính: Thiếu ngủ hoặc ngủ quá nhiều; bỏ bữa; stress tâm lý; hoạt động thể lực mạnh.
- Yếu tố môi trường: Tiếng ồn cường độ mạnh; nước hoa hoặc khói thuốc lá; độ cao; phơi nắng, chói mắt.
Bệnh viện Đa khoa Quốc tế Vinmec với hệ thống cơ sở vật chất, trang thiết bị y tế hiện đại cùng đội ngũ chuyên gia, bác sĩ nhiều năm kinh nghiệm trong khám điều trị bệnh, người bệnh hoàn toàn có thể yên tâm thăm khám và điều trị nhức đầu Migraine tại Bệnh viện.
Xem thêm: Hướng dẫn chẩn đoán bệnh nhức đầu
Để đặt lịch khám tại viện, Quý khách vui lòng bấm số HOTLINE hoặc đặt lịch trực tiếp TẠI ĐÂY. Tải và đặt lịch khám tự động trên ứng dụng MyVinmec để quản lý, theo dõi lịch và đặt hẹn mọi lúc mọi nơi ngay trên ứng dụng.
Tài liệu tham khảo: Headache Classification Committee of the International Headache Society (2013). The International Classification of the Headache Disorders, 3 rd edition; Cephalalgie 33 (9) 629-808.