Nhức đầu khi hoạt động nặng là bệnh gì?

Hỏi

Chào bác sĩ,

Cháu bị nhức đầu khi hoạt động nặng. Ví dụ như khi leo cầu thang, cảm giác não cứ đập thình thịch vậy. Cơn đau này kéo dài khoảng hơn 1 tuần nay rồi. Nó ảnh hưởng nhiều đến việc ôn thi của cháu. Vậy bác sĩ cho cháu hỏi nhức đầu khi hoạt động nặng là bệnh gì? Cháu cảm ơn bác sĩ.

Nguyễn Văn Hưng (2003)

Trả lời

Được giải đáp bởi Thạc sĩ, Bác sĩ Huỳnh An Thiên - Bác sĩ Nội thần kinh - Khoa Khám bệnh & Nội khoa, Bệnh viện Đa khoa Quốc tế Vinmec Đà Nẵng.

Chào bạn,

Với câu hỏi “Nhức đầu khi hoạt động nặng là bệnh gì?”, bác sĩ xin giải đáp như sau:

Ban có triệu chứng đau đầu đã 1 tuần và cơn đau theo bạn mô tả khá giống với đau đầu vận mạch tuy nhiên cần thăm khám kỹ hơn để chẩn đoán bệnh, bạn cần đi khám bác sĩ nội thần kinh để được khám và chẩn đoán để có biện pháp điều trị.

Đau đầu vận mạch hay còn gọi đau nửa đầu Migraine là những cơn đau thường xảy ra ở 1 bên đầu, có tính chất như mạch đập, thường kèm theo buồn nôn, nôn và tăng nhạy cảm với ánh sáng hoặc tiếng động.

Người bệnh thường có các triệu chứng sau:

  • Đau dữ dội từ vùng thái dương và vùng trước trán.
  • Buồn nôn, nôn mửa, hoặc chóng mặt.
  • Đau giật thon thót theo nhịp đập của mạch.
  • Nhạy cảm hơn với ánh sáng, sợ ánh sáng.
  • Nhạy cảm với tiếng ồn, sợ tiếng ồn.
  • Đau đầu tăng lên khi vận động đi lại

Khi có bất cứ triệu chứng nào của bệnh đau đầu Migraine, bạn cần đến cơ sở y tế uy tín để kiểm tra và điều trị phù hợp. Các thuốc điều trị bao gồm thuốc cắt cơn đau và thuốc dự phòng tái phát.

  • Điều trị giảm đau đầu bằng các loại thuốc giảm đau như paracetamol, thuốc kháng viêm giảm đau không steroid ( NSAIDs ), thuốc nhóm triptan,... Bạn không nên tự ý dùng các loại thuốc này nếu không có chỉ định của bác sĩ vì có thể sẽ gây ra tình trạng nhờn thuốc hoặc những tác dụng phụ không như mong muốn.
  • Bổ sung ăn nhiều rau xanh, các loại vi chất như kẽm, sắt, magie, vitamin K, B6,... vào trong bữa ăn hàng ngày.
  • Không nên ăn các đồ ăn, đồ uống có chất kích thích, hạn chế tiếp xúc với khói thuốc lá và tuyệt đối không hút thuốc lá.
  • Để phòng tránh bệnh đau đầu vận mạch, bác sĩ chuyên khoa Bệnh viện Vinmec cũng đưa ra những lời khuyên để người bệnh có biện pháp dự phòng và hạn chế tần suất cơn đau do bệnh gây ra.
  • Người bị đau đầu vận mạch nên sinh hoạt và làm việc trong môi trường thoải mái về tâm lý, tránh lo âu, buồn phiền hoặc hạn chế kích thích gây căng thẳng về thần kinh.
  • Trong công việc, hạn chế làm những công việc buộc phải suy nghĩ hay động não quá mức, tránh lao động quá sức về thể lực.
  • Cải thiện cuộc sống, sống lành mạnh bằng cách tập thể dục đều đặn hàng ngày như đi bộ, đạp xe, bơi lội, yoga, dưỡng sinh,...
  • Tránh một số loại thức ăn có chứa chất tyramine có trong trứng, sữa,...hay bia rượu, vì chúng gây ra giải phóng serotonin, dẫn đến những cơn đau đầu.
  • Đối với phụ nữ, cần phòng tránh bệnh đau đầu Migraine trong giai đoạn có thay đổi về nội tiết như thời kỳ đầu của tuổi dậy thì, trong kỳ kinh nguyệt hàng tháng hoặc thời kỳ tiền mãn kinh.

Nếu bạn còn thắc mắc về nhức đầu khi hoạt động nặng là bệnh gì, bạn có thể đến bệnh viện thuộc Hệ thống Y tế Vinmec để kiểm tra và tư vấn thêm. Cảm ơn bạn đã tin tưởng và gửi câu hỏi đến Vinmec. Chúc bạn có thật nhiều sức khỏe.

Trân trọng!

Để đặt lịch khám tại viện, Quý khách vui lòng bấm số HOTLINE hoặc đặt lịch trực tiếp TẠI ĐÂY. Tải và đặt lịch khám tự động trên ứng dụng MyVinmec để quản lý, theo dõi lịch và đặt hẹn mọi lúc mọi nơi ngay trên ứng dụng.

Chia sẻ
Câu chuyện khách hàng Thông tin sức khỏe Sống khỏe