Bài viết được viết bởi bác sĩ Huyết học - Truyền máu - Khoa Xét nghiệm - Bệnh viện Đa khoa Quốc tế Vinmec Hạ Long.
Nhóm máu hệ ABO là một trong hai hệ nhóm máu quan trọng nhất trong hoạt động truyền máu. Hệ nhóm máu ABO gồm 4 nhóm máu là A, B, O và AB với tỷ lệ phân bố trong cộng đồng khác nhau ở từng chủng tộc. Ở Việt Nam, tỷ lệ này là: nhóm O khoảng 45%, nhóm B khoảng 30%, nhóm A khoảng 20% và nhóm AB khoảng 5%.
1. Nhóm máu ABO là gì?
Năm 1900, khi nghiên cứu quan hệ giữa hồng cầu và huyết thanh của người, một bác sĩ người Áo tên Karl Landsteiner (1868 - 1943) nhận thấy huyết thanh của một số người làm ngưng kết hồng cầu của các cá thể khác, nhưng hồng cầu của một số người khác lại không bị ngưng kết. Sau hàng ngàn thí nghiệm, năm 1901 ông đã kết luận:
- Huyết thanh của nhóm người (ký hiệu A) gây ngưng kết hồng cầu của một nhóm người khác (ký hiệu là B), nhưng không gây ngưng kết hồng cầu của người cùng nhóm A;
- Hồng cầu của người nhóm A lại bị ngưng kết bởi huyết thanh người nhóm B.
- Huyết thanh của nhóm người thứ 3 (ký hiệu là C) lại gây ngưng kết hồng cầu của cả người nhóm A và B, hồng cầu của nhóm C lại không bị ngưng kết bởi huyết thanh của người nhóm A và B.
Từ đó ông đã xây dựng được 3 nhóm người có đặc điểm ngưng kết riêng và gọi là nhóm A, B, C (nhóm C sau này gọi là O). Đó là:
- Người có hồng cầu A thì trong huyết thanh không có ngưng kết tố A (nhóm A);
- Người có hồng cầu B thì không có ngưng kết tố B (nhóm B);
- Người có cả ngưng kết tố A và B trong huyết thanh thì hồng cầu không có kháng nguyên A và B (nhóm O).
Một năm sau (1902), A.Decastrello và A. Sturli đã chứng minh nhóm thứ 4, hồng cầu của người này không có ngưng kết tố A và B, nhưng lại có cả kháng nguyên A và kháng nguyên B (nhóm AB). Như vậy Landsteiner và học trò đã xây dựng được 4 nhóm máu A, B, AB và O, gọi tắt là hệ nhóm máu ABO.
Từ đây ông đã đưa ra quy tắc truyền máu của hệ nhóm máu ABO. Năm 1913, Ottenberg đã chứng minh rằng, thử nghiệm trước truyền máu (Preliminary blood testing) đã bảo vệ được các phản ứng do truyền máu và cũng từ đây công tác truyền máu đã phát triển mạnh. Có thể coi phát minh của Landsteiner và các cộng sự của ông như ngọn đèn sáng chiếu vào phòng tối. Bởi vì ông đã mở ra các điều bí ẩn Truyền máu người cho người gây tử vong và tạo dựng các hướng nghiên cứu mới: Miễn dịch Huyết học, Miễn dịch ghép, Di truyền, nguồn gốc loài người và Y học Pháp lý.
Giá trị lớn hơn là cứu hàng triệu triệu người thiếu máu nhờ quy tắc truyền máu của Landsteiner. Với phát minh vĩ đại này, năm 1930 Landsteiner đã được tặng Giải thưởng Nobel Y học .
1.1 Nhóm máu A
Nhóm máu A được đặc trưng bởi sự hiện diện của kháng nguyên A trên tế bào hồng cầu, và kháng thể B (chống lại kháng nguyên B) trong huyết thanh. Vì vậy, người có nhóm máu A có thể:
- Hiến tặng máu cho người có nhóm máu A, người có nhóm máu AB.
- Nhận máu từ người có nhóm máu O và A.
1.2 Nhóm máu B
Nhóm máu B được đặc trưng bởi sự hiện diện của kháng nguyên B trên tế bào hồng cầu và kháng thể A (chống lại kháng nguyên A) trong huyết thanh. Vì vậy, người có nhóm máu B có thể:
- Hiến tặng máu cho người có nhóm máu B, người có nhóm máu AB.
- Nhận máu từ những người có nhóm máu B hoặc O.
1.3 Nhóm máu AB
Khác với nhóm máu O, nhóm máu AB không phổ biến, được đặc trưng bởi có cả hai kháng nguyên A và B trên tế bào hồng cầu, và không có kháng thể trong huyết tương. Vì vậy, người có nhóm máu AB có thể:
- Hiến tặng máu cho những người có nhóm máu AB.
- Nhận máu từ tất cả những người có nhóm máu A, B, AB, O.
1.4 Nhóm máu O
Nhóm máu O là nhóm máu phổ biến nhất, không có kháng nguyên A và cũng không có kháng nguyên B trên tế bào hồng cầu, nhưng lại có cả hai kháng thể A và B trong huyết thanh. Vì vậy, người có nhóm máu O có thể:
- Hiến tặng máu cho tất cả các nhóm máu còn lại là A, B, AB, O.
- Nhận máu từ những người có nhóm máu O.
Hệ nhóm máu ABO gồm 4 nhóm máu là A, B, O và AB với tỷ lệ phân bố trong cộng đồng khác nhau ở từng chủng tộc. Ở Việt Nam, tỷ lệ này là: nhóm O khoảng 45%, nhóm B khoảng 30%, nhóm A khoảng 20% và nhóm AB khoảng 5%.
Năm 2019, Hội Truyền máu quốc tế công nhận có tới 39 hệ nhóm máu hồng cầu với 367 kháng nguyên nhóm máu khác nhau; trong đó, hai hệ nhóm máu ABO và Rh là quan trọng nhất trong hoạt động truyền máu.
2. Xét nghiệm nhóm máu ABO được sử dụng như thế nào?
- Xét nghiệm khi người bệnh cần được truyền máu (thiếu máu cấp/mạn tính, trước phẫu thuật...) nhằm lựa chọn đơn vị máu truyền phù hợp.
- Xét nghiệm cho người muốn đăng ký hiến máu, nội tạng, mô và tủy xương để xác định và đánh giá độ tương thích của người cho và người nhận.
- Xét nghiệm này còn phục vụ việc xác định huyết thống.
- Xét nghiệm cho phụ nữ có thai để kiểm soát các nguy cơ có thể xảy đến do bất đồng nhóm máu giữa mẹ và con.
- Để kiểm tra danh tính của một người bị tình nghi phạm tội...
3. Kết quả xét nghiệm có nghĩa là gì?
Cuối đời (vào khoảng 1940 -1950) Landsteiner và học trò phát hiện di truyền nhóm máu giữa bố, mẹ và con.
Nhóm máu được di truyền theo định luật Mendel. Mỗi nhóm máu thuộc hệ thống ABO đều được quy định bởi các gen đặc trưng mang tính trội (gen trội) hoặc tính lặn (gen lặn). Sự kết hợp giữa các gen lặn và gen trội sẽ quy định nhóm máu đặc trưng của mỗi người: có 2 gen trội quy định tính trạng nhóm máu, đó là gen A và gen B; có 1 gen lặn quy định tính trạng nhóm máu, đó là gen O:
- Người nhóm máu A có thể mang kiểu gen AA hoặc AO,
- Người nhóm máu B mang kiểu gen BB hoặc BO,
- Người nhóm máu AB mang kiểu gen AB,
- Người có nhóm máu O mang kiểu gen OO.
Do đó, sự kết hợp giữa người bố mang nhóm A, mẹ mang nhóm máu B có thể sinh ra con mang nhóm máu AB.
Dưới đây là sơ đồ về cơ chế di truyền của nhóm máu ABO:
Các kháng nguyên nhóm máu là các sản phẩm protein trên màng hồng cầu, mà quá trình tổng hợp những protein này được mã hóa bởi các gen nằm trên nhiễm sắc thể, các gen tập hợp thành hệ thống. Sự phối hợp giữa các gen của một hay nhiều hệ thống (kiểu gen) sẽ tạo ra những tính trạng (kiểu hình) đó là nhóm máu. Ví dụ người nhóm máu AB là do có cả gen A và gen B trong hệ nhóm máu ABO.
Một trong những lý do quý giá nhất để biết về nhóm máu của mỗi người là giúp đỡ người khác. Bởi trong cuộc sống không thiếu những tình huống bất ngờ không mong muốn xảy ra, và ngân hàng dự trữ máu khan hiếm nhóm máu mà bệnh nhân đang cần, thì những người có cùng nhóm máu với bệnh nhân có thể giúp đỡ để bệnh nhân được truyền máu kịp thời.
Để biết mình thuộc nhóm máu gì, bạn nên đến các cơ sở y tế uy tín để xét nghiệm. Bệnh viện Đa khoa Quốc tế Vinmec là cơ sở y tế chất lượng cao tại Việt Nam với đội ngũ y bác sĩ có trình độ chuyên môn cao, được đào tạo bài bản, chuyên sâu trong nước và nước ngoài, giàu kinh nghiệm.
Hệ thống thiết bị y tế hiện đại, tối tân, sở hữu nhiều máy móc tốt nhất trên thế giới giúp phát hiện ra nhiều căn bệnh khó, nguy hiểm trong thời gian ngắn, hỗ trợ việc chẩn đoán, điều trị của bác sĩ hiệu quả nhất. Không gian bệnh viện được thiết kế theo tiêu chuẩn khách sạn 5 sao, mang đến cho người bệnh sự thoải mái, thân thiện, yên tâm.
Để đặt lịch khám tại viện, Quý khách vui lòng bấm số HOTLINE hoặc đặt lịch trực tiếp TẠI ĐÂY. Tải và đặt lịch khám tự động trên ứng dụng MyVinmec để quản lý, theo dõi lịch và đặt hẹn mọi lúc mọi nơi ngay trên ứng dụng.
TÀI LIỆU THAM KHẢO
- Bộ môn Huyết học-Truyền máu, đại học Y Hà nội (2014). Bài giảng Huyết học-Truyền máu (Sau đại học). Nhà xuất bản Y học.
- Trang web của Viện Huyết học – Truyền máu Trung ương: nihbt.org.vn
- Trang web của Bệnh viện Truyền máu, Huyết học Thành phố Hồ Chí Minh: bthh.org.vn
- Nguồn tin:
- THE HISTORY OF BLOOD TRANSFUSION AND BLOOD TRANSFUSION MEDICINE (bloodbook.com/trans-history.html)
- The History of Blood Banking.