Thuốc kháng sinh không giúp ích cho nhiều bệnh viêm đường hô hấp dưới do vi rút gây ra. Trong khi viêm phế quản cấp tính thường không cần điều trị bằng kháng sinh. Nhóm kháng sinh điều trị viêm đường hô hấp dưới chủ yếu được dùng cho những bệnh nhân có đợt cấp của viêm phế quản mãn tính hay viêm phổi. Theo đó, chỉ định của thuốc điều trị viêm đường hô hấp dưới do vi khuẩn được lựa chọn bằng cách xem xét tuổi của bệnh nhân, mức độ nghiêm trọng của bệnh và sự hiện diện của bệnh tiềm ẩn.
1. Liệu pháp kháng sinh cho bệnh viêm phổi do vi khuẩn
Mục tiêu của việc sử dụng nhóm kháng sinh điều trị viêm đường hô hấp dưới đối với viêm phổi do vi khuẩn là loại bỏ nhiễm trùng, giảm tỷ lệ tái nhiễm và phòng tránh biến chứng, cải thiện dự hậu.
Điều trị viêm phổi phụ thuộc phần lớn vào việc sử dụng theo kinh nghiệm các phác đồ kháng sinh nhằm chống lại các mầm bệnh tiềm ẩn được xác định bởi bối cảnh nơi nhiễm trùng diễn ra và khả năng tiếp xúc với các sinh vật đa kháng thuốc và các mầm bệnh độc lực hơn (ví dụ, viêm phổi cộng đồng hay viêm phổi mắc phải tại cơ sở y tế, viêm phổi mắc phải tại bệnh viện, viêm phổi liên quan đến máy thở). Theo đó, lựa chọn thuốc điều trị viêm đường hô hấp dưới theo kinh nghiệm ban đầu cho bệnh nhân nhập viện nên rộng rãi và bao gồm các sinh vật có khả năng gây bệnh dựa trên dữ liệu phòng thí nghiệm cũng như đáp ứng lâm sàng.
Khả năng nhiễm Legionella luôn phải được xem xét khi đánh giá viêm phổi cộng đồng, vì điều trị chậm trễ làm tăng đáng kể tỷ lệ tử vong. Sinh vật gây bệnh phổ biến nhất là S pneumoniae, bất kể vật chủ hoặc môi trường sống. Liệu pháp kháng sinh theo kinh nghiệm phải được lựa chọn có lưu ý đến vi sinh vật này.
Tỷ lệ lưu hành và mô hình kháng thuốc của các sinh vật đa kháng thuốc khác nhau giữa các cơ sở và thậm chí giữa các đơn vị hồi sức trong cùng một cơ sở. Do đó, nhóm kháng sinh điều trị viêm đường hô hấp dưới ban đầu thích hợp cho viêm phổi mắc phải tại bệnh viện hay viêm phổi liên quan đến máy thở có thể thay đổi rõ rệt tùy theo địa điểm bệnh viện. Thực hành kê đơn thuốc kháng sinh không nhất thiết phải dựa trên các hướng dẫn quốc gia mà phải dựa trên các mẫu vi sinh vật các sinh vật đa kháng thuốc tại từng cơ sở y tế.
Theo đó, các nhóm kháng sinh điều trị viêm đường hô hấp dưới đối với bệnh nhân nội trú như sau:
2. Liệu pháp kháng sinh theo kinh nghiệm cho bệnh nhân ngoại trú
Thuốc điều trị viêm đường hô hấp dưới cho bệnh nhân ngoại trú nên được lựa chọn dựa trên sự hiện diện của các yếu tố nguy cơ của bệnh nhân, bao gồm tiếp xúc gần đây với kháng sinh, bệnh đi kèm và xu hướng kháng kháng sinh tại chỗ.
Ở những bệnh nhân khỏe mạnh trước đó không tiếp xúc với kháng sinh trong vòng 90 ngày, hãy sử dụng macrolide hoặc doxycycline.
Ở những bệnh nhân mắc bệnh đi kèm như bệnh mãn tính về tim, phổi, gan hoặc thận, đái tháo đường, nghiện rượu, bệnh ác tính, suy giảm miễn dịch (do thuốc hoặc do bệnh gây ra) hoặc sử dụng thuốc kháng sinh trong vòng 90 ngày qua, hãy sử dụng fluoroquinolon đường hô hấp hoặc beta-lactam cộng với macrolide.
Nếu bệnh nhân đã tiếp xúc với thuốc kháng sinh trong vòng 90 ngày trước đó để điều trị toàn thân đối với bất kỳ loại nhiễm khuẩn nào, thì nên chọn một tác nhân thay thế từ một nhóm khác để điều trị bệnh hiện tại.
3. Liệu pháp kháng sinh theo kinh nghiệm cho bệnh nhân nội trú
Điều trị nội trú với các thuốc điều trị viêm đường hô hấp dưới nói chung, viêm phổi nói riêng, nên được thực hiện trong vòng bốn giờ sau khi nhập viện.
Đối với bệnh nhân không phải nhập vào đơn vị chăm sóc đặc biệt, hãy chọn một trong các thuốc điều trị viêm đường hô hấp dưới bằng đường tiêm tĩnh mạch hoặc tiêm bắp, bao gồm: Beta-lactam kèm với macrolide, Beta-lactam với doxycycline hoặc đơn trị liệu quinolon kháng phế cầu.
Nếu bệnh nhân dưới 65 tuổi và không có yếu tố nguy cơ sinh vật kháng thuốc, hãy dùng đơn trị liệu macrolide.
Đối với bệnh nhân có chỉ định vào đơn vị chăm sóc đặc biệt, hãy chọn một trong các thuốc: Beta-lactam cộng với macrolide hoặc Beta-lactam cộng với quinolon kháng phế cầu.
Nếu bệnh nhân bị dị ứng beta-lactam đã được ghi nhận, hãy dùng quinolon kháng phế cầu cùng với aztreonam.
Đối với những bệnh nhân có nhiều nguy cơ nhiễm Pseudomonas, bao gồm cả bệnh nhân vào và không vào đơn vị chăm sóc đặc biệt, hãy chọn một trong các thuốc: Kháng beta-lactam cộng với quinolone hoặc kháng beta-lactam cộng với aminoglycoside cộng với macrolide hay quinolon kháng phế cầu.
4. Điều trị bệnh nhân viêm phổi hít theo kinh nghiệm
Những bệnh nhân bị bệnh nha chu nặng, đờm đặc, hoặc tiền sử nghiện rượu với nghi ngờ viêm đường hô hấp dưới do hít phải có thể có nhiều nguy cơ bị nhiễm trùng kỵ khí hơn. Một trong những phác đồ kháng sinh sau đây được đề xuất cho những bệnh nhân viêm phổi hít:
- Piperacillin-tazobactam;
- Imipenem;
- Clindamycin hoặc metronidazole cộng với fluoroquinolone đường hô hấp cộng với ceftriaxone.
5. Liệu pháp kháng sinh theo kinh nghiệm Tụ cầu vàng kháng methicilline
Đối với các bệnh nhân nghi ngờ nhiễm trùng với S aureus kháng methicillin (MRSA), vancomycin hoặc linezolid, có thể được thêm vào phác đồ kháng sinh cho đến khi xác định được danh tính của sinh vật và tính nhạy cảm với kháng sinh, tại thời điểm đó, thuốc có thể được điều chỉnh cho phù hợp.
Các nhóm kháng sinh điều trị viêm đường hô hấp dưới khác có thể được xem xét sử dụng để chống lại MRSA bao gồm clindamycin, trimethoprim-sulfamethoxazole, gentamicin, ciprofloxacin và rifampin.
Tóm lại, cân nhắc quan trọng trong điều trị bệnh nhân viêm đường hô hấp dưới là quyết định xem có cần dùng kháng sinh hay không và lựa chọn nhóm kháng sinh điều trị viêm đường hô hấp dưới nào. Theo đó, việc lựa chọn thuốc sẽ phụ thuộc vào vị trí nhiễm trùng, mức độ bệnh, viêm đường hô hấp dưới ở trẻ em hay người lớn cũng như sự hiện diện của bất kỳ bệnh cơ bản nào khác, tiền sử phản ứng với thuốc và khả năng tuân thủ của người bệnh để đạt được hiệu quả kiểm soát nhiễm trùng tối ưu.
Để đặt lịch khám tại viện, Quý khách vui lòng bấm số HOTLINE hoặc đặt lịch trực tiếp TẠI ĐÂY. Tải và đặt lịch khám tự động trên ứng dụng MyVinmec để quản lý, theo dõi lịch và đặt hẹn mọi lúc mọi nơi ngay trên ứng dụng.