Nhỏ thuốc đúng cách để đau mắt đỏ 1 bên không lây sang mắt còn lại

Bài viết được tư vấn chuyên môn bởi Bác sĩ mắt - Khoa Khám bệnh & Nội khoa - Bệnh viện Đa khoa Quốc tế Vinmec Hải Phòng

Theo Cục Y tế dự phòng - Bộ Y tế, bệnh đau mắt đỏ là tình trạng nhiễm trùng mắt, bệnh thường khởi phát đột ngột, lúc đầu chỉ đau mắt đỏ 1 bên, sau lan sang mắt bên kia.

1. Bệnh đau mắt đỏ thường xảy ra vào mùa nào?

Bệnh đau mắt đỏ rất dễ mắc phải, dễ lây lan trong cộng đồng và gây thành dịch bệnh. Bệnh chưa có vắc xin phòng ngừa và thuốc điều trị đặc hiệu. Những người bị đau mắt đỏ rồi vẫn có thể bị nhiễm bệnh trở lại chỉ sau vài tháng khỏi bệnh.

Nguyên nhân chủ yếu gây bệnh đau mắt đỏ là Adenovirus hoặc do vi khuẩn như: liên cầu, tụ cầu, phế cầu gây ra. Bệnh phổ biến nhất vào mùa hè đến cuối mùa thu, khi thời tiết từ nắng nóng chuyển sang mưa nhiều, độ ẩm không khí cao hoặc mỗi khi giao mùa... Đây là những thời điểm mà cơ thể con người khá nhạy cảm, mệt mỏi, hệ thống miễn dịch yếu nên dễ bị nhiễm bệnh.

Bên cạnh đó, môi trường nhiều khói bụi hiện nay, điều kiện vệ sinh kém, sử dụng nguồn nước bị ô nhiễm, dùng chung đồ dùng sinh hoạt như khăn mặt, gối... cũng là điều kiện thuận lợi cho bệnh đau mắt đỏ phát triển và bùng phát thành dịch.

2. Triệu chứng đau mắt đỏ thường xảy ra trước ở 1 bên mắt


Người bệnh thường đau mắt đỏ 1 bên trước
Người bệnh thường đau mắt đỏ 1 bên trước

Bệnh đau mắt đỏ có biểu hiện mắt đỏ và có dử mắt . Người bệnh thường đau mắt đỏ 1 bên, sau đó có thể lan sang mắt thứ hai. Người bệnh cảm thấy khó chịu ở mắt, bị cộm như có cát trong mắt, buổi sáng ngủ dậy thấy hai mắt khó mở ra do nhiều dử dính chặt, vào mi mắt ,dử có thể có màu xanh hoặc có màu vàng tùy tác nhân gây bệnh.

Mi mắt sưng, phù nề, mọng, mắt đỏ (do cương tụ mạch máu), đau nhức mắt, cộm, chảy nước mắt nhiều... Một số trường hợp đau mắt đỏ có giả mạc (lớp màng dai trắng khi lật mi lên mới thấy) lâu khỏi hơn các trường hợp bệnh khác. Khi bị đau mắt đỏ 2 bên lúc đầu, người bệnh có thể kèm theo triệu chứng: mệt mỏi, sốt nhẹ, đau họng, ho, nổi hạch ở tai.

Thông thường, người bệnh đau mắt đỏ vẫn nhìn thấy bình thường, thị lực không bị suy giảm. Tuy nhiên nếu để bệnh nặng, mắt có thể bị phù đỏ, có màng trong mắt, xuất huyết dưới kết mạc... hậu quả sẽ nghiêm trọng hơn.

3. Nhỏ thuốc mắt đúng cách để đau mắt đỏ 1 bên không lây sang mắt còn lại


Cần nhỏ thuốc mắt đúng cách để không nhiễm bệnh cho mắt còn lại
Cần nhỏ thuốc mắt đúng cách để không nhiễm bệnh cho mắt còn lại

Khi bị đau mắt đỏ, thông thường sẽ bị 1 bên mắt trước, người bệnh cần cẩn thận để tránh nhiễm bệnh cho mắt còn lại.

  • Rửa sạch tay bằng xà phòng và kiểm tra hạn dùng của thuốc trước khi thực hiện nhỏ mắt.
  • Chỉ nên nhỏ thuốc nước vào mắt bị bệnh, nghiêng đầu về phía bên mắt bị bệnh khi nhỏ và lưu ý nhỏ thuốc vào góc trong của mắt. . Không dùng kính áp tròng cho mắt bị bệnh .
  • Nên để mắt cách đầu lọ thuốc nhỏ khoảng 1 - 2 cm, tránh để đầu của lọ thuốc nhỏ mắt chạm giác mạc , vào mi mắt gây tổn thương giác mạc ,nhiễm khuẩn lọ thuốc nhỏ.
  • Sau khi nhỏ xong, dùng ngón tay giữa kéo mi dưới xuống cho thuốc đều mắt, lưu ý sau khi đã nhỏ xong mới kéo mi dưới xuống, không vừa nhỏ vừa kéo.
  • Nhắm mắt trong 10 giây, sau đó mở mắt ra và bắt đầu chớp mắt.
  • Mỗi lần chỉ nên nhỏ 1 giọt duy nhất, giọt thứ 2 thường bị tràn ra ngoài mắt, làm tăng nguy cơ nhiễm khuẩn mắt, gây lãng phí và làm giảm hiệu quả điều trị.
  • Tiếp đó lau các giọt thuốc thừa (nếu có) chảy ra cạnh gốc sống mũi và hai mi. Nên nghiêng một bên để tránh thuốc chảy về mắt bên kia, nhỏ mắt rồi dùng gạc y tế lau ngay ghèn, dử và nước mắt chảy ra.
  • Lau rửa dử mắt ít nhất 2 lần một ngày bằng khăn giấy ẩm hoặc bông ẩm, lau xong vứt bỏ khăn, không sử dụng lại.
  • Không tra vào mắt lành thuốc nhỏ của mắt đang bị nhiễm đau mắt đỏ.
  • Người bệnh cần nghỉ ngơi, cách ly và dùng thuốc theo đơn của thầy thuốc.
  • Không được tự ý mua thuốc nhỏ mắt, không dùng thuốc nhỏ mắt của người khác.
  • Trước và sau khi vệ sinh mắt, nhỏ thuốc đau mắt đỏ cần rửa tay thật sạch bằng xà phòng hoặc dung dịch sát khuẩn.
  • Sau khi mở lọ thuốc, ghi lên lọ ngày mở nắp vì thuốc nhỏ mắt nên được sử dụng trong vòng 1 tháng sau khi mở. Nếu thuốc ở dạng hỗn dịch cần lắc đều lọ thuốc trước khi nhỏ vào mắt.

4. Nhỏ mắt bao nhiêu lần 1 ngày?

Với thuốc nhỏ mắt bình thường như Natri Clorid, bệnh nhân có thể nhỏ 3 – 5 lần mỗi ngày. Với những loại thuốc nhỏ mắt chuyên trị, bệnh nhân hãy nhỏ theo toa của bác sĩ.

Tuy nhiên khi phải nhỏ 3 - 4 loại thuốc khác nhau thì không nên nhỏ cùng lúc, vì sẽ làm pha loãng thuốc và làm thuốc sau rửa trôi thuốc trước. Vì thế, mỗi thuốc nên nhỏ cách nhau nửa giờ là đủ. Nếu sử dụng song song 2 loại thuốc nước và thuốc mỡ, nên sử dụng thuốc nước trước, sau đó khoảng nửa giờ sau mới sử dụng thuốc mỡ để tránh thuốc mỡ ngăn cản sự hấp thu của thuốc nước.

Để đặt lịch khám tại viện, Quý khách vui lòng bấm số HOTLINE hoặc đặt lịch trực tiếp TẠI ĐÂY. Tải và đặt lịch khám tự động trên ứng dụng MyVinmec để quản lý, theo dõi lịch và đặt hẹn mọi lúc mọi nơi ngay trên ứng dụng.

Chia sẻ
Câu chuyện khách hàng Thông tin sức khỏe Sống khỏe