Bài viết bởi Bác sĩ chuyên khoa I Trần Ngọc Thuý Hằng - Bác sĩ Hồi sức - Cấp cứu - Khoa Hồi sức cấp cứu - Bệnh viện Đa khoa Quốc tế Vinmec Central Park.
Nhịp nhanh trên thất là gì? Đây là tình trạng tim đột ngột đập nhanh bất thường. Tình trạng này thường không nguy hiểm nhưng bệnh nhân cần phải vào viện để được điều trị nếu có các triệu chứng kéo dài.
1. Nguyên nhân của nhịp nhanh trên thất (NNTT)
Nhịp nhanh trên thất thường xảy ra khi có bất thường trong hoạt động dẫn truyền điện ở tim, làm cho nhịp tim đột ngột tăng nhanh, sau đó nó có thể tự chậm xuống một cách bất ngờ.
Nhịp tim bình thường là từ 60 đến 100 lần/phút. Nhưng khi có cơn nhịp nhanh trên thất, nhịp tim sẽ đột ngột tăng trên 100 lần/phút. Tình trạng này có thể xảy ra bất cứ lúc nào, kể cả khi bạn đang nghỉ ngơi hoặc làm việc.
2. Triệu chứng của nhịp nhanh trên thất
Khi có cơn nhịp nhanh trên thất, người bệnh thường sẽ đột ngột cảm thấy hồi hộp, tim đập dồn dập. Cơn nhịp nhanh trên thất thường có những đặc điểm sau:
- Kéo dài trong một vài phút rồi tự hết, nhưng đôi khi có thể kéo dài vài giờ.
- Cơn có thể xảy ra nhiều lần trong ngày hoặc chỉ vài lần trong một năm.
- Có thể bị khởi phát sau khi người bệnh làm việc nặng, uống cà phê, rượu hoặc sử dụng các chất kích thích. Tuy nhiên những yếu tố này vẫn chưa được chứng minh rõ là nguy cơ gây khởi phát cơn nhịp nhanh trên thất.
- Tình trạng này có thể xảy ra ở bất kỳ tuổi nào, tuy nhiên cơn đầu tiên thường xuất hiện ở trẻ em hoặc người trẻ độ tuổi từ 25 đến 40.
Thông thường người bệnh sẽ không kèm thêm triệu chứng gì khác. Tuy nhiên, ở một số trường hợp người bệnh có thể có kèm các biểu hiện sau:
Ở trẻ sơ sinh và trẻ nhỏ, các dấu hiệu, triệu chứng có thể khó xác định hơn. Trẻ có thể có các dấu hiệu như đổ mồ hôi bất thường, ăn kém, da tái nhợt và trẻ sơ sinh có nhịp tim trên 200 lần/phút.
3. Những điều bạn nên làm khi có nhịp nhanh trên thất
Nếu cơn nhịp nhanh trên thất chỉ kéo dài vài phút rồi tự hết và không làm bạn khó chịu nhiều thì không nhất thiết phải điều trị. Bạn có thể thay đổi lối sống để làm giảm nguy cơ xảy ra cơn nhịp nhanh trên thất, bao gồm:
- Hạn chế hoặc ngừng sử dụng cà phê và rượu
- Bỏ hút thuốc lá
- Nghỉ ngơi đầy đủ
Nếu vẫn lo lắng bạn có thể khám bác sĩ để được tư vấn hướng dẫn thêm một số phương pháp hoặc kê đơn thuốc giúp làm giảm nguy cơ xảy ra nhịp nhanh trên thất.
4. Điều trị nhịp nhanh trên thất tại bệnh viện
Bác sĩ sau khi thăm khám có thể sẽ tiến hành đo điện tim cho bạn. Nếu xác định có cơn nhịp nhanh trên thất, bác sĩ xử trí bằng biện pháp sau:
- Thực hiện một số kỹ thuật để kiểm soát cơn nhịp nhanh trên thất
- Dùng thuốc tiêm tĩnh mạch để kiểm soát cơn nhịp nhanh trên thất.
- Sử dụng máy sốc điện để chuyển nhịp cho tim.
- Cắt đốt qua catheter bằng cách luồn một ống dẫn lưu nhỏ vào trong mạch máu và đưa vào tim. Sau khi xác định vị trí gây ra dẫn truyền bất thường, bác sĩ sẽ tiến hành cắt đốt loại bỏ bó dẫn truyền bất thường này. Đây là biện pháp điều trị triệt để ở phần lớn các trường hợp bị nhịp nhanh trên thất.
Tóm lại, nhịp nhanh trên thất rất hiếm khi gây đe dọa sinh mạng. Tuy nhiên, bạn vẫn nên nhập viện trong trường hợp nhịp nhanh trên thất kéo dài hoặc kèm theo các triệu chứng đau ngực, khó thở, choáng váng.
Để đặt lịch khám tại viện, Quý khách vui lòng bấm số HOTLINE hoặc đặt lịch trực tiếp TẠI ĐÂY. Tải và đặt lịch khám tự động trên ứng dụng MyVinmec để quản lý, theo dõi lịch và đặt hẹn mọi lúc mọi nơi ngay trên ứng dụng.