Nhịn ăn, kiêng khem quá mức: Sai lầm của bệnh nhân tiểu đường

Đái tháo đường là bệnh rối loạn chuyển hóa mạn tính, với sự tăng đường máu quá mức do thiếu hụt Insulin gây ra. Chế độ dinh dưỡng giữ vai trò đặc biệt quan trọng trong điều trị và duy trì đường huyết ổn định. Song không phải nhịn ăn, kiêng khem là tốt với bệnh nhân tiểu đường.

1. Vai trò của chế độ dinh dưỡng trong bệnh tiểu đường

Đái tháo đường là 1 trong ba bệnh song hành với tuổi già, cùng với bệnh tim mạch và ung thư. Bệnh đái tháo đường gây nên một loạt rối loạn về chuyển hoá trong cơ thể, trước hết là rối loạn chuyển hoá glucid làm tăng glucose máu, dẫn tới xuất hiện glucose trong nước tiểu.

Rối loạn chuyển hoá glucid kéo theo các rối loạn chuyển hoá lipid, protid, các chất điện giải, gây ra nhiều biến chứng nguy hiểm cho người bệnh, đặc biệt có thể dẫn tới hôn mê và tử vong nếu không điều trị kịp thời.

Tỷ lệ đái tháo đường đang ngày càng gia tăng trên thế giới và Việt Nam. Theo số liệu năm 2002 của Bệnh viện Nội tiết, tỷ lệ đái tháo đường ở 4 thành phố lớn nước ta (Thành phố HCM, Hà Nội, Hải Phòng, Đà Nẵng) là 4,1%.

Điều trị tiểu đường là quá trình lâu dài, khổ cực, trong đó chế độ ăn uống, dinh dưỡng hợp lý đóng vai trò quan trọng.

Cụ thể, ăn uống hợp lý giúp bệnh nhân tiểu đường:

Duy trì sức khỏe, tránh bị thiểu dưỡng do ăn uống kiêng khem

Thực tế nhiều bệnh nhân khi bị tiểu đường rất sợ ăn, nên kiêng khem nhiều, không dám ăn nhiều loại thực phẩm, vừa làm cho cơ thể thiếu dinh dưỡng vừa ảnh hưởng nghiêm trọng đến sức khoẻ mà hiệu quả điều trị không cao. Dưới đây là những sai lầm khi nhịn ăn, kiêng khem quá mức của người bệnh tiểu đường:

Tránh tăng đường huyết quá mức

Người bệnh không biết chọn thực phẩm, ăn cơm ít nhưng lại ăn nhiều miến, khoai củ... thì mức đường huyết vẫn không thể giảm. Tất cả là do người bệnh thiếu kiến thức về lượng dinh dưỡng trong từng loại thực phẩm, ảnh hưởng không nhỏ đến kết quả điều trị bệnh.

Hạn chế sử dụng thuốc

Nếu bệnh nhân có chế độ dinh dưỡng đúng sẽ giúp điều chỉnh glucose máu không tăng thêm, cũng hạn chế phải dùng thêm thuốc hoặc có thể không phải dùng thuốc.

Hạn chế các biến chứng

Chế độ ăn hạn chế glucose góp phần hạn chế xảy ra các biến chứng nguy hiểm bởi lượng glucose máu quá cao rất dễ gây các biến chứng cấp tính.


Chế độ dinh dưỡng giúp kiểm soát đường huyết
Chế độ dinh dưỡng giúp kiểm soát đường huyết

Vai trò của chế độ dinh dưỡng trong tiểu đường lâm sàng dù không đủ để khống chế lượng đường huyết mà vẫn phải tích cực dùng thuốc và chế độ vận động hợp lý kèm theo. Song nếu không có chế độ dinh dưỡng hợp lý thì riêng thuốc vẫn không đủ để điều trị.

Do đó có thể nói, chế độ ăn là 1 trong 3 yếu tố quyết định hiệu quả điều trị tiểu đường, cùng với sử dụng thuốc điều trị và hoạt động thể lực hợp lý.

2. Nguyên tắc dinh dưỡng hợp lý cho bệnh nhân tiểu đường

2.1 Nguyên tắc dinh dưỡng

Chế độ dinh dưỡng, ăn uống cho bệnh nhân tiểu đường cần đảm bảo nguyên tắc:

  • Đủ chất đạm, chất béo, chất bột, vitamin và các chất khoáng
  • Đủ nước.
  • Không làm tăng đường máu nhiều sau ăn và hạ đường máu sau xa bữa ăn.
  • Đủ duy trì hoạt động thể lực bình thường hàng ngày.
  • Duy trì cân nặng lý tưởng.
  • Không làm tăng rối loạn lipid máu, huyết áp, tổn thương thận...
  • Phù hợp với thói quen ăn uống của bệnh nhân.

2.2 Năng lượng hàng ngày

Theo đó, tùy theo bệnh nhân béo hay gầy, tình trạng bệnh lý về đường máu và lipid máu, tính chất lao động và thói quen ăn uống mà thực hiện:

Hạn chế năng lượng với người béo phì.

  • Nam giới: 26 kcal/kg/ngày.
  • Nữ giới: 24 kcal/kg/ngày.

Năng lượng đảm bảo với người lao động bình thường.

  • Nằm điều trị tại giường: 25 kcal/kg/ngày.
  • Lao động nhẹ và vừa: 30 - 35 kcal/kg/ngày.
  • Lao động nặng: 35 - 40 kcal/kg/ngày.

2.3 Tỷ lệ thành phần năng lượng

Trong đó, tỷ lệ thành phần năng lượng trong các loại thức ăn như sau:

  • Glucid: 50 - 60% tổng năng lượng.
  • Protein : 15 - 20% tổng năng lượng.
  • Lipid: 20 - 30% với người trọng lượng và lipid máu bình thường và dưới 30 % với người béo phì.
  • Acid béo no: 10%.
  • Acid béo không no đơn: 10%.
  • Acid béo không no đa: 10%.
  • Cholesterol: < 300 mg/ngày.
  • Chất xơ: 20 - 35 g/ngày.

2.4 Phân chia bữa ăn

Bệnh nhân tiểu đường cần chia ăn thành nhiều bữa để chống tăng đường huyết quá mức sau khi ăn và hạ đường huyết khi đói, nhất là bệnh nhân dùng thuốc hạ đường huyết.


Bệnh nhân tiểu đường nên ăn nhiều bữa 1 ngày
Bệnh nhân tiểu đường nên ăn nhiều bữa 1 ngày

Nên ăn 5 - 6 bữa/ngày với:

  • Bữa sáng: 20% tổng năng lượng 1 ngày.
  • Bữa Phụ sáng: 10% tổng năng lượng 1 ngày.
  • Bữa trưa: 25% tổng năng lượng 1 ngày.
  • Bữa Phụ chiều: 10% tổng năng lượng 1 ngày.
  • Bữa tối: 25% tổng năng lượng 1 ngày.
  • Bữa Phụ tối: 10% tổng năng lượng 1 ngày.

3. Người bệnh tiểu đường lựa chọn thực phẩm nào?

Các loại thức ăn dù có lượng glucid bằng nhau nhưng sẽ làm tăng mức đường huyết khác nhau sau khi ăn. Khả năng làm tăng đường huyết cho người sử dụng sau khi ăn được gọi là chỉ số đường huyết của loại thức ăn đó. Đây là chỉ tiêu để chọn thực phẩm cho bệnh nhân tiểu đường.

Để tính chỉ số đường huyết của 1 loại thực phẩm, người ta lấy máu lúc đói, sau 15, 30, 60, 120 phút sau ăn thực phẩm đó để so sánh với glucose, rồi tính sự thay đổi của đường huyết của thực phẩm so với glucose.

Công thức tính cụ thể như sau:

GITP = IAUCTP x 100/ IAUCG (wolever 1991)

Trong đó:

  • GI: chỉ số đường huyết.
  • IAUCTP trung bình cộng UAUC (diện tích tăng lên dưới đường cong của thực phẩm).
  • IAUCG¬ trung bình cộng IAUC (diện tích tăng lên của glucose).
  • TP: thực phẩm.
  • G: glucose.

Người mắc bệnh tiểu đường nên chọn các thực phẩm có chỉ số đường huyết thấp:

  • Giảm thực phẩm cung cấp glucid: gạo, ngô, mì, khoai; không ăn miến.
  • Thực phẩm cung cấp protein: thịt nạc, cá, đậu đỗ, sữa không đường, lạc, vừng.
  • Thực phẩm cung cấp lipid: nên dùng dầu, không ăn thực phẩm nhiều cholesterol như các loại phủ tạng (320 - 5000mg%).
  • Thực phẩm cung cấp vitamin và khoáng: rau, củ, quả tươi, hạn chế ăn quả quá ngọt như: mít, na, chuối (glucid từ 11,4 - 22,4%).
  • Bớt rượu.

Với những thực phẩm đồ uống, bánh kẹo... sử dụng chất tạo ngọt, nghĩa là những chất tạo vị ngọt cao nhưng không hoặc ít cung cấp năng lượng rất tốt thay thế cho thực phẩm ngọt khác với người tiểu đường.

Một số chất tạo vị ngọt được dùng thông dụng hiện nay như: Saccharin, Cyclamat, Aspartam...


Thực đơn tham khảo cho bệnh nhân đái tháo đường nằm viện 50 kg
Thực đơn tham khảo cho bệnh nhân đái tháo đường nằm viện 50 kg

Như vậy, chế độ dinh dưỡng hợp lý cho bệnh nhân đái tháo đường không phải là kiêng khem quá mức mà đảm bảo lượng dinh dưỡng phù hợp, đồng thời giữ mức đường huyết ổn định sau khi ăn.

Để đặt lịch khám tại viện, Quý khách vui lòng bấm số HOTLINE hoặc đặt lịch trực tiếp TẠI ĐÂY. Tải và đặt lịch khám tự động trên ứng dụng MyVinmec để quản lý, theo dõi lịch và đặt hẹn mọi lúc mọi nơi ngay trên ứng dụng.

Chia sẻ
Câu chuyện khách hàng Thông tin sức khỏe Sống khỏe