Nhiễm vi khuẩn HP trong dạ dày có cần điều trị không?

Vi khuẩn HP trong dạ dày là một trong những yếu tố làm tăng nguy cơ mắc nhiều loại bệnh tiêu hoá khác nhau, trong đó có cả ung thư dạ dày. Nhiều bệnh nhân cảm thấy lo lắng về những biến chứng do vi khuẩn HP gây ra, dẫn đến tình trạng lạm dụng xét nghiệm và điều trị vi khuẩn HP tận gốc. Tuy nhiên điều này có thực sự đúng hay không sẽ được giải đáp qua bài viết dưới đây.  

Bài viết này được viết dưới sự hướng dẫn chuyên môn của các bác sĩ thuộc khoa Tiêu hoá - Gan Mật - Bệnh viện Đa khoa Quốc tế Vinmec.

1. Vi khuẩn HP trong dạ dày có đặc điểm gì?

Vi khuẩn HP (Helicobacter Pylori) có hình que và nhiều tiêm mao xoắn, phát triển bên trong lớp niêm mạc dạ dày. Vi khuẩn này tồn tại bằng cách tiết ra enzyme urease, giúp trung hòa acid dạ dày.

Khi có mặt trong dạ dày, vi khuẩn HP có thể gây ra các triệu chứng đau dạ dày như: đau và nóng rát vùng thượng vị, khó tiêu, đầy hơi, ợ chua và rối loạn đại tiện… Vi khuẩn HP có khả năng lây truyền và tái nhiễm cao, chủ yếu qua đường miệng-miệng và lây truyền qua phân.

2. Những bệnh do vi khuẩn HP trong dạ dày gây ra

Khi xâm nhập cơ thể, vi khuẩn HP trong dạ dày có thể gây các bệnh như:

  • Viêm niêm mạc dạ dày cấp tính: Phần lớn bệnh nhân không có triệu chứng rõ rệt, chỉ một số ít có biểu hiện chán ăn, đầy bụng và buồn nôn. Nội soi sẽ cho thấy một phần hoặc toàn bộ niêm mạc dạ dày bị viêm.
  • Viêm niêm mạc dạ dày mạn tính: Đây là kết quả của viêm niêm mạc dạ dày cấp tính kéo dài. Bệnh nhân có thể bị viêm teo ở vùng hang vị dạ dày, dẫn đến tăng hoặc bình thường hóa bài tiết axit dạ dày, gây loét hành tá tràng. Ngoài ra, viêm teo hang vị có thể lan tới thân vị hoặc thậm chí toàn bộ niêm mạc dạ dày, gây loét và ung thư dạ dày.
  • Chứng khó tiêu chức năng: Bệnh nhân nhiễm HP có triệu chứng như đau hoặc nóng rát vùng thượng vị, ăn nhanh no, đầy bụng,... Các triệu chứng này thường giảm sau khi ăn khoảng 30 phút đến 2 giờ.
  • Loét dạ dày - tá tràng: Thường gặp ở người trên 40 tuổi với kích thước vết loét trên 0.5 cm, chủ yếu ở bờ cong nhỏ, đặc biệt tại vị trí nối giữa thân vị và hang vị. Loét dạ dày ở độ tuổi 20 - 50 thường xảy ra ở phần đầu tá tràng. Người bệnh có thể gặp các biến chứng như chảy máu nhiều lần hoặc thủng dạ dày - tá tràng.
  • Ung thư dạ dày: Vi khuẩn HP trong dạ dày gây viêm niêm mạc mạn tính, làm giảm hoặc mất các tuyến bình thường của dạ dày, dẫn đến viêm teo và dị sản ruột. Một số trường hợp nhiễm HP có thể tiến triển thành ung thư dạ dày.
  • U lympho B niêm mạc dạ dày: Là bệnh phát sinh từ biểu mô niêm mạc dạ dày, thường liên quan đến sự hiện diện của vi khuẩn HP.

3. Cách phát hiện vi khuẩn HP trong dạ dày

Vi khuẩn HP trong dạ dày có thể được phát hiện bằng các xét nghiệm sau:

  • Qua nội soi dạ dày: Sinh thiết cấy tìm vi khuẩn HP, làm test nhanh urease, làm xét nghiệm giải phẫu bệnh tìm vi khuẩn HP.
  • Không cần nội soi dạ dày: Test hơi thở C13, C14, xét nghiệm kháng nguyên vi khuẩn HP trong phân, xét nghiệm kháng thể IgG trong huyết thanh.

Tổ chức Tiêu hóa Thế giới khuyến nghị trong thực tiễn khám và điều trị HP nên dùng 2 phương pháp là làm test nhanh urease, test hơi thở C13, C14 và xét nghiệm kháng nguyên vi khuẩn HP trong phân (hay thực hiện ở trẻ em). Các phương pháp khác chủ yếu thực hiện với mục đích nghiên cứu dịch tễ hoặc nghiên cứu chuyên sâu.

4. Có cần điều trị nhiễm vi khuẩn HP trong dạ dày không?

4.1. Nhiễm vi khuẩn HP có mức độ nguy hiểm như thế nào?

Thực tế cho thấy hầu hết những người trên 50 tuổi đều nhiễm vi khuẩn HP và tình trạng này cũng khá phổ biến ở người trẻ. Tuy nhiên, chỉ một số chủng HP có khả năng gây ung thư dạ dày. Vì vậy, các nhà nghiên cứu cho rằng, cần xem xét vi khuẩn này dưới hai khía cạnh lợi và hại, quyết định điều trị dựa trên những khía cạnh này.

Theo nhiều nghiên cứu, có tới 80% số người bị nhiễm HP không hề bị đau dạ dày. Vi khuẩn này chỉ có hại khi gây bệnh dạ dày, còn với những người không mắc bệnh lại có một số lợi ích.

Cụ thể, khi điều trị HP, nồng độ hormone renin tăng, kích thích sự thèm ăn và có thể dẫn đến tăng cân không mong muốn (do người bệnh cảm thấy ăn ngon miệng hơn). Ngoài ra, nhiều nghiên cứu cũng chỉ ra rằng những người nhiễm HP ít mắc bệnh tiểu đường và hen phế quản hơn so với nhóm không nhiễm HP.

4.2. Trường hợp nào nên điều trị vi khuẩn HP?

Để trả lời cho câu hỏi khi nào nên điều trị vi khuẩn HP trong dạ dày thì cần xem xét tới các yếu tố thực tế lâm sàng. Hiện nay, giới y khoa thống nhất rằng chỉ nên điều trị vi khuẩn HP trong các trường hợp:

  • Loét dạ dày - tá tràng do vi khuẩn HP làm mỏng lớp niêm mạc dạ dày, khiến ổ loét phát triển mạnh hơn.
  • Chứng khó tiêu chức năng.
  • Xuất huyết giảm tiểu cầu không rõ nguyên nhân.
  • Có khối u trong dạ dày: polyp tăng sản, adenoma, đã cắt hớt niêm mạc.
  • Ung thư dạ dày sớm đã được cắt hớt hoặc cắt tách niêm mạc qua nội soi.
  • Ung thư dạ dày giai đoạn muộn đã qua phẫu thuật.
  • Tiền sử gia đình (cha mẹ, anh chị em ruột) bị ung thư dạ dày.
  • Viêm teo niêm mạc dạ dày.
  • Trào ngược dạ dày - thực quản kéo dài.
  • Thiếu vitamin B12 hoặc sắt không rõ nguyên nhân.
  • Làm việc trong môi trường có nguy cơ mắc ung thư dạ dày như khai thác than, chì…

4.3. Lưu ý khi điều trị nhiễm vi khuẩn HP trong dạ dày

Ở một số nước như Nhật Bản, quan điểm điều trị là cứ có HP là điều trị diệt trừ, bởi Nhật Bản có tỷ lệ ung thư dạ dày rất cao, tỷ lệ nhiễm vi khuẩn HP là khoảng 51% dân số.

Ngược lại, ở một số vùng như Alaska của Mỹ, Greenland của Đan Mạch, một số khu vực ở Canada và Nga,... nơi có tỷ lệ nhiễm HP chiếm trên 60% dân số và độ tuổi mắc bệnh giống Việt Nam (bắt đầu nhiễm HP ở trẻ 4 - 5 tuổi, tỷ lệ này tăng nhanh tới tuổi 15) thì không chủ trương điều trị tận diệt HP.  

Các chuyên gia tại đây khuyến cáo không diệt vi khuẩn HP cho tất cả mọi người, kể cả những người có những triệu chứng như khó tiêu, đau vùng thượng vị, ăn nhanh no, đầy bụng sau ăn,...

Trong chỉ định điều trị tiêu diệt vi khuẩn HP trong dạ dày ở nước ta cũng có nhiều vấn đề cần cân nhắc, thận trọng. Cụ thể:

  • Tỷ lệ nhiễm vi khuẩn HP ở Việt Nam chiếm trên 70% dân số, tỷ lệ tái phát rất cao. Trung bình 11 tháng sau khi tiêu diệt, HP tái xuất hiện trong dạ dày với tỷ lệ khoảng 23,5%;
  • Tỷ lệ HP kháng kháng sinh ở Việt Nam rất cao: Amoxicillin 24,9%, Metronidazole 69,4% (có nghiên cứu là 95,5%), Clarithromycin 34,1% (có nghiên cứu là 85,5%), Levofloxacin 27,9%, Tetracycline 17,9%, đồng thời kháng nhiều loại kháng sinh là 47,4%.

Như vậy, việc điều trị HP càng trở nên khó khăn, cần được cân nhắc kỹ và đúng chỉ định, không nên lạm dụng. Theo khuyến cáo của Hàn Quốc, không được chỉ định xét nghiệm và điều trị HP ngay từ đầu mà chỉ xét nghiệm, tiêu diệt HP khi các phương pháp khác không có kết quả.

5. Các phương pháp điều trị vi khuẩn HP ở dạ dày

Mục đích của điều trị vi khuẩn HP dạ dày là chữa lành những tổn thương của niêm mạc dạ dày và ngăn chặn sự tái phát của các vết loét, giảm nguy cơ phát triển thành ung thư. Bệnh nhân có thể điều trị bằng thuốc hoặc các phương pháp tại nhà như:

  • Sử dụng thuốc: Điều trị nhiễm trùng do vi khuẩn HP thường được kết hợp ít nhất hai loại kháng sinh cùng lúc. Một số loại thuốc thường được sử dụng như thuốc ức chế bơm proton (PPI), bismuth subsalicylat, thuốc kháng sinh (amoxicillin, clarithromycin…)
  • Điều trị tại nhà: Bệnh nhân nên thực hiện lối sống lành mạnh như ngủ sớm, nghỉ ngơi đầy đủ, kiêng rượu bia, các chất kích thích, bổ sung rau củ và các thực phẩm như sữa chua, kim chi để tăng cường lợi khuẩn trong dạ dày. Ngoài ra, bệnh nhân nên hạn chế ăn những đồ cay nóng, nhiều dầu mỡ để bảo vệ sức khỏe dạ dày.

Việc điều trị vi khuẩn HP hoàn toàn có thể thành công nếu người bệnh tuân thủ phác đồ điều trị và duy trì một lối sống lành mạnh. 

Bổ sung nhiều rau củ vào bữa ăn là phương pháp phòng ngừa vi khuẩn HP trong dạ dày hiệu quả.
Bổ sung nhiều rau củ vào bữa ăn là phương pháp phòng ngừa vi khuẩn HP trong dạ dày hiệu quả.

Dựa trên thông tin trên, không phải mọi trường hợp nhiễm vi khuẩn HP trong dạ dày đều gây ra ung thư và loại vi khuẩn này cũng không phải lúc nào cũng gây hại cho cơ thể. Vì vậy, để xác định liệu có cần điều trị vi khuẩn HP hay không, người bệnh nên đến bệnh viện chuyên khoa để được bác sĩ thăm khám và chẩn đoán chính xác. 

Theo dõi website Bệnh viện Đa khoa Quốc tế Vinmec để nắm thêm nhiều thông tin sức khỏe, dinh dưỡng, làm đẹp để bảo vệ sức khỏe cho bản thân và những người thân yêu trong gia đình. 

Để đặt lịch khám tại viện, Quý khách vui lòng bấm số HOTLINE hoặc đặt lịch trực tiếp TẠI ĐÂY. Tải và đặt lịch khám tự động trên ứng dụng MyVinmec để quản lý, theo dõi lịch và đặt hẹn mọi lúc mọi nơi ngay trên ứng dụng. 

Chia sẻ
Câu chuyện khách hàng Thông tin sức khỏe Sống khỏe