Nhiễm trùng tụ cầu có nguy hiểm?

Bài viết được tham vấn chuyên môn cùng Bác sĩ chuyên khoa I Võ Thị Thùy Trang - Bác sĩ Nội soi tiêu hóa - Khoa Khám bệnh & Nội khoa - Bệnh viện Đa khoa Quốc tế Vinmec Đà Nẵng.

Tụ cầu là vi khuẩn gram dương, hiếu khí thường gặp ở những bệnh nhân nhiễm khuẩn cộng đồng. Nhiễm trùng tụ cầu khuẩn có thể gây ra nhiễm trùng da, phổi hoặc viêm nội tâm mạc dẫn đến hình thành các ổ áp xe, thậm chí là nhiễm trùng huyết.

1. Đối tượng nào dễ mắc phải nhiễm trùng tụ cầu?

Tụ cầu gây bệnh ở khắp nơi, chúng xuất hiện ở lỗ mũi của khoảng 30% và trên da khoảng 20% người lớn khỏe mạnh, từ đó có thể gây nhiễm trùng ở người bệnh. Những người có nguy cơ cao mắc tụ cầu gồm:

  • Trẻ sơ sinh và bà mẹ nuôi con bằng sữa mẹ
  • Bệnh nhân bị cúm, bệnh phổi mãn tính (xơ nang, khí phế thũng), bệnh bạch cầu, khối u, rối loạn da mãn tính, đái tháo đường, bỏng
  • Bệnh nhân sở hữu các vật liệu nhân tạo, các mô cơ quan ngoại lai trong cơ thể
  • Bệnh nhân dùng hóc môn thượng thận, chiếu xạ, thuốc ức chế miễn dịch hoặc hóa trị liệu chống ung thư
  • Người tiêm chích ma túy
  • Bệnh nhân chạy thận hay có bệnh thận mãn tính
  • Bệnh nhân có vết thương hở, bỏng, vết mổ lớn

Nhiễm trùng tụ cầu có thể xảy ra ở mọi đối tượng
Nhiễm trùng tụ cầu có thể xảy ra ở mọi đối tượng

2. Tụ cầu có thể gây ra bệnh gì?

Tụ cầu có thể xâm nhập trực tiếp vào mô cơ thể hoặc sản xuất ngoại độc tố có tác động kích hoạt cytokine phóng thích từ tế bào T nhất định gây ra ảnh hưởng hệ thống nghiêm trọng như tổn thương da, sốc, suy tạng, tử vong. Những bệnh lý gây ra bởi tụ cầu gồm có:

  • Nhiễm khuẩn huyết tụ cầu: Là tình trạng nhiễm khuẩn liên quan đến ống thông nội mạch hoặc các mô ngoại lai thường do nhiễm trùng khu trú tiên phát. Đây là nguyên nhân quan trọng có thể dẫn đến tử vong ở bệnh nhân suy nhược
  • Nhiễm trùng da do tụ cầu: Là tình trạng bệnh lý phổ biến nhất do tụ cầu gây nên. Bề mặt da nhiễm trùng có thể có mụn mủ và chốc lở lan rộng, viêm mô tế bào, nặng nề hơn có thể hình thành áp xe và hoại tử da.
  • Nhiễm trùng sơ sinh do tụ cầu: Thường xuất hiện trong vòng 6 tuần sau sinh, gây tổn thương da có hoặc không bong vảy da ở trẻ và có thể dẫn tới viêm màng não
  • Viêm phổi do tụ cầu: Có thể bắt nguồn từ một nhiễm trùng tiểu ban đầu hoặc từ vị trí nhiễm trùng S. aureus khác trong cơ thể hoặc do tiêm chích ma túy. Bệnh thường đặc trưng bởi sự hình thành áp xe phổi tiến triển nhanh chóng thành túi khí hoặc mủ màng phổi CA-MRSA thường gây viêm phổi hoại tử nghiêm trọng
  • Viêm xương tủy xương do tụ cầu: Xảy ra phổ biến hơn ở trẻ em với các triệu chứng sốt, rét run, đau xương, các mô mềm sau đó trở nên đỏ và sưng. Hầu hết các nhiễm trùng đốt sống và đĩa đệm ở người lớn thường liên quan đến tụ cầu

3. Điều trị nhiễm trùng tụ cầu như thế nào?

Nguyên tắc điều trị nhiễm khuẩn do tụ cầu gồm có:

  • Điều trị cục bộ: Mở ổ áp xe, rạch vết thương để hở, tháo catheter
  • Kháng sinh điều trị được lựa chọn tùy thuộc vào mức độ nghiêm trọng của nhiễm trùng và tình trạng kháng sinh có mặt tại cơ sở y tế
  • Ngoài ra việc lựa chọn kháng sinh còn phụ thuộc vào vị trí nhiễm trùng, bệnh nặng và tình trạng đề kháng của chủng vi khuẩn
  • Nếu nhiễm trùng liên quan đến các thiết bị hoặc bộ phận giả thì cần loại bỏ nhanh chóng nguy cơ nhiễm khuẩn này.

Để đặt lịch khám tại viện, Quý khách vui lòng bấm số HOTLINE hoặc đặt lịch trực tiếp TẠI ĐÂY. Tải và đặt lịch khám tự động trên ứng dụng MyVinmec để quản lý, theo dõi lịch và đặt hẹn mọi lúc mọi nơi ngay trên ứng dụng.

Chia sẻ
Câu chuyện khách hàng Thông tin sức khỏe Sống khỏe