Bài viết được tham vấn chuyên môn cùng Thạc sĩ, Bác sĩ Nguyễn Minh Sơn - Bác sĩ Tim mạch can thiệp - Khoa Khám bệnh & Nội khoa - Bệnh viện Đa khoa Quốc tế Vinmec Nha Trang.
Candida là loại nấm men thuộc một phần của họ nấm, thường sống trong và trên cơ thể con người, như ở da, miệng, đường ruột và vùng sinh dục. Tuy Candida không gây ra bất kỳ vấn đề nào, nhưng khi phát triển quá mức, chúng có thể gây nhiễm trùng như nhiễm nấm candida. Nhiễm nấm Candida ở trẻ em sẽ gây các tổn thương tại chỗ, ảnh hưởng đến sự phát triển của trẻ, nếu không điều trị có thể diễn tiến mạn tính.
1. Nhiễm nấm Candida ở trẻ em là gì?
Nhiễm nấm Candida ở trẻ em điển hình nhất là tại miệng, còn được gọi là nấm miệng hay tưa miệng, thường gặp ở trẻ sơ sinh và trẻ mới biết đi. Tưa miệng cũng có thể ảnh hưởng đến móng tay, mắt và các nếp gấp da ở cổ, nách,cũng như vùng quấn tã, bao gồm cả âm đạo và nếp gấp của bẹn.
Những trẻ sơ sinh và trẻ nhỏ có một số yếu tố nguy cơ mắc phải tình trạng nhiễm nấm candida cao hơn các trẻ khác là khi:
- Trong lúc chuyển dạ chào đời: Trẻ em nhiễm nấm Candida từ mẹ có thể xảy ra ngay khi trẻ vẫn còn trong tử cung nhưng thường gặp nhất là khi đi qua âm đạo lúc sinh.
- Dùng thuốc: Đôi khi trẻ bị nhiễm nấm Candida sau khi dùng thuốc kháng sinh. Mặc dù thuốc kháng sinh chống lại vi trùng gây bệnh cho trẻ nhưng cũng có thể gây ảnh hưởng đến các chủng vi khuẩn “tốt” giúp kiểm soát sự ổn định quần thể vi sinh vật cộng sinh. Không súc miệng lại với nước sau khi sử dụng ống hít cũng có thể dẫn đến nhiễm nấm candida.
- Mắc các tình trạng sức khỏe: Ở một số trẻ có tình trạng sức khỏe hạn chế, nấm có thể xâm nhập vào máu. Những nguy cơ nhiễm nấm Candida trong máu cao nhất bao gồm trẻ sinh non hoặc rất nhẹ cân, trẻ đặt ống thông tĩnh mạch lâu dài và trẻ bị suy giảm hệ miễn dịch do ung thư, dùng thuốc. Đối với những trẻ này, nystatin và fluconazole dạng uống thường được dùng để ngăn ngừa bệnh nấm Candida.
Nếu nhiễm nấm Candida đã diễn tiến trở thành mãn tính hoặc xảy ra trong miệng của trẻ lớn hơn, đó có thể là dấu hiệu của suy yếu hệ thống miễn dịch, chẳng hạn như nhiễm vi rút suy giảm miễn dịch ở người (HIV). Việc bị nhiễm nấm Candida ở da, miệng (tưa miệng) hoặc cả nấm candida âm đạo đối với trẻ em trên 2-3 tuổi, cũng có thể là dấu hiệu của bệnh đái tháo đường.
2. Nguyên nhân nào gây nhiễm nấm Candida ở trẻ em?
Nấm men thường sống trong cơ thể và không gây hại, được tìm thấy trên da, trong hệ tiêu hóa (bao gồm cả miệng cũng như cổ họng) và ở vùng sinh dục. Tuy nhiên, chúng có thể gây nhiễm trùng trong một số điều kiện nhất định. Điều này có thể xảy ra khi da bị tổn thương, trời ấm và ẩm ướt hoặc khi trẻ có hệ miễn dịch kém. Ở một số trẻ bị bệnh nặng, nấm có thể lây nhiễm sang các mô sâu hơn hoặc vào máu và gây ra bệnh nghiêm trọng.
Thuốc có kháng sinh hoặc corticosteroid cũng có thể khiến nấm men phát triển quá mức khi những loại thuốc đó tiêu diệt các vi khuẩn bình thường có vai trò kiềm hãm nấm men phát triển.
3. Các dấu hiệu và triệu chứng ở trẻ em nhiễm nấm candida
- Trẻ sơ sinh
Ở trẻ sơ sinh, triệu chứng xuất hiện bao gồm các mảng trắng hoặc vàng gây đau đớn trên lưỡi, môi, lợi, vòm miệng và má trong. Nấm cũng có thể mọc lan vào thực quản khiến trẻ cảm thấy đau đớn khi nuốt.
Bên cạnh đó, các chủng nấm Candida trên da có thể khiến tình trạng hăm tã do nhiễm nấm trở nên tồi tệ hơn, gây mẩn đỏ và nhạy cảm ở vùng bị ảnh hưởng, cùng với viền đỏ vệ tinh.
- Thanh thiếu niên
Các bé gái vị thành niên bị nhiễm nấm âm đạo có thể có các triệu chứng như ngứa, đau, mẩn đỏ và tiết dịch âm đạo nặng mùi.
- Trẻ đang dùng thuốc truyền tĩnh mạch
Các triệu chứng rất đa dạng ở trẻ em nhiễm nấm candida trong khi điều trị bằng hóa trị liệu hoặc các loại thuốc điều trị dài hạn được cung cấp qua ống thông tĩnh mạch.
Trong những trường hợp này, nấm dễ dàng xâm nhập vào hệ thống máu. Khi đã vào máu, nấm men có thể đi khắp cơ thể, gây nhiễm trùng tim, phổi, gan, thận, mắt, não và da. Các dấu hiệu ban đầu của nhiễm trùng đường máu do nấm Candida là sốt và tắc nghẽn ống thông tĩnh mạch.
4. Nhiễm nấm Candida ở trẻ em được chẩn đoán như thế nào?
Bác sĩ nhi khoa sẽ chẩn đoán tình trạng nhiễm nấm Candida ở trẻ em, nhất là các đối tượng nguy cơ cao bằng cách quan sát sang thương trên bề mặt cơ thể do nấm gây ra. Các mảnh tổn thương do nấm Candida đôi khi cần phải tìm kiếm trong miệng, âm đạo hoặc trong các sang thương da khác để tìm dấu hiệu nhiễm nấm.
Siêu âm hoặc chụp cắt lớp vi tính sẽ cần chỉ định khi nghi ngờ các tổn thương nấm candida đã phát triển ở não, thận, tim, gan hoặc lá lách sau khi bị nhiễm trùng máu. Việc nuôi cấy máu hoặc vết thương ở miệng đôi khi được lấy để nuôi cấy nấm trong phòng thí nghiệm và xác định loại cũng như độ nhạy của nấm men.
5. Điều trị nhiễm nấm Candida ở trẻ em
Thuốc chống nấm được sử dụng để điều trị bệnh nấm candida ở trẻ em hay các đối tượng nhiễm nấm nói chung. Thuốc nystatin kháng sinh thường được kê đơn cho trẻ em bị nhiễm trùng như nấm miệng hoặc phát ban tã liên quan đến Candida. Ngoài ra, các loại thuốc cụ thể cho bệnh nấm Candida khác nhau, tùy thuộc vào bộ phận của cơ thể nơi nhiễm trùng tập trung.
Nếu nấm candida đã lây lan qua đường máu, bác sĩ nhi khoa sẽ cần chỉ định thuốc kháng nấm đường tĩnh mạch. Một số loại thuốc này gây ra các tác dụng phụ khó chịu nhưng hầu hết trẻ em dung nạp tốt.
Sau khi bắt đầu điều trị, hầu hết các trường hợp nhiễm nấm Candida ở trẻ em sẽ thuyên giảm trong vòng khoảng 2 tuần. Tuy nhiên, không hiếm trường hợp trẻ em nhiễm nấm candida tái phát. Một ví dụ cụ thể là trẻ sơ sinh bị tưa miệng lặp đi lặp lại lâu ngày đôi khi liên quan đến việc dùng núm vú giả hoặc bình sữa chưa được đun sôi đúng cách để loại bỏ nấm.
Tuy nhiên, nhiễm nấm candida đôi khi sẽ khó điều trị hơn nhiều nếu trẻ có đặt ống thông tĩnh mạch hoặc hệ thống miễn dịch suy yếu. Các xét nghiệm cũng thường được thực hiện để đánh giá khả năng kiểm soát nhiễm trùng hay để xem liệu nhiễm trùng có lây lan sang các bộ phận khác của cơ thể hay không. Liệu pháp kháng nấm có thể mất vài tuần đến vài tháng đối với những trường hợp trẻ em nhiễm nấm candida mức độ nặng.
6. Làm cách nào giúp ngăn ngừa nhiễm nấm Candida ở trẻ em?
Dưới đây là một số cách giúp giảm nguy cơ trẻ em nhiễm nấm candida:
- Thay tã thường xuyên: Giữ cho vùng quấn tã của trẻ sạch sẽ và khô ráo nhất có thể.
- Chỉ sử dụng kháng sinh khi cần thiết: Vì các bệnh nhiễm trùng do nấm (tưa miệng hoặc viêm âm đạo) thường tuân theo các đợt dùng thuốc kháng sinh, nên điều quan trọng là chỉ sử dụng thuốc theo chỉ định của bác sĩ.
- Tuân thủ các hướng dẫn về sử dụng thuốc hen suyễn: Nếu trẻ bị hen suyễn, hãy đảm bảo rằng bé súc miệng bằng nước sau khi sử dụng steroid dạng hít để điều trị.
- Kiểm soát tốt bệnh đái tháo đường: Giá trị đường huyết ổn định trong máu sẽ giúp giảm nguy cơ nhiễm nấm Candida.
Tóm lại, nhiễm nấm candida là một bệnh nhiễm trùng do nấm men ban đầu thường không gây hại và được tìm thấy trên da, vùng âm đạo và hệ tiêu hóa. Tuy nhiên, khi phát triển quá mức sẽ gây bệnh với những biểu hiện phát ban, ngứa và các triệu chứng khác. Điều trị nhiễm nấm Candida ở trẻ em là một quá trình lâu dài và cần phối hợp với các chăm sóc khác như vệ sinh, dinh dưỡng, nâng cao tổng trạng để giúp nhanh chóng kiểm soát nấm trước khi chúng xâm lấn các hệ cơ quan cũng như phòng ngừa tái phát.
Để đặt lịch khám tại viện, Quý khách vui lòng bấm số HOTLINE hoặc đặt lịch trực tiếp TẠI ĐÂY. Tải và đặt lịch khám tự động trên ứng dụng MyVinmec để quản lý, theo dõi lịch và đặt hẹn mọi lúc mọi nơi ngay trên ứng dụng.