Nhiễm adenovirus: Khi nào nên đi khám?

Bài viết của Tiến sĩ, Bác sĩ Trần Thị Phương Thúy - Trưởng đơn nguyên truyền nhiễm - Khoa Nội tổng hợp - Bệnh viện Đa khoa Quốc tế Vinmec Times City

Adenovirus là nguyên nhân chính gây ra các bệnh lý đường hô hấp ở trẻ sơ sinh và trẻ nhỏ, đặc biệt với biến chứng viêm phổi có thể gây tỷ lệ tử vong từ 5 - 10%. Vậy khi nhiễm adenovirus nên đưa bệnh nhân đi khám khi nào?

1.Nhiễm adenovirus là gì?

Nhiễm adenovirus là một nhóm các bệnh nhiễm trùng gây viêm đường hô hấp. Ngoài ra, virus này còn làm ảnh hưởng đến nhiều cơ quan và gây ra các biểu hiện khác nhau, trong đó có các triệu chứng giống cúm.

Nhiễm adenovirus đa phần thường không gây hậu quả nghiêm trọng nhưng chúng có thể gây bệnh nặng ở trẻ nhỏ và những người suy giảm miễn dịch (bệnh nhân ghép tạng, ghép tế bào gốc, ung thư, nhiễm HIV).

2.Nhiễm adenovirus thường có những triệu chứng nào?

Tùy thuộc vào cơ quan nào bị nhiễm mà cơ thể có các triệu chứng khác nhau, ví dụ như:

  • Sốt
  • Đau họng
  • Chảy nước mũi
  • Ho
  • Đau tai
  • Đỏ mắt
  • Tiêu chảy
  • Khàn tiếng

3.Nhiễm adenovirus thì khi nào nên đi khám?

Nếu bạn không có các bệnh lý gây suy giảm miễn dịch (ghép tạng, ghép tế bào gốc, ung thư, nhiễm HIV,...) có thể không cần đi khám, nhiễm adenovirus thường sẽ tự hết. Ở người bình thường, nếu các triệu chứng không cải thiện hoặc nặng hơn sau vài ngày thì cần gặp bác sĩ để được hỗ trợ chăm sóc y tế.

Ở trẻ nhỏ, các triệu chứng do nhiễm adenovirus có thể chồng lấp với các nguyên nhân gây nhiễm trùng nguy hiểm khác, vì vậy cha mẹ cần đi khám nếu trẻ có các đặc điểm sau:

  • Trẻ nhỏ dưới 3 tháng tuổi, đo nhiệt độ ở hậu môn ≥38o C, nên đi khám dù trẻ trông có vẻ bình thường
  • Trẻ từ 3 – 36 tháng tuổi, đo nhiệt độ ở hậu môn ≥ 38o C kéo dài hơn 3 ngày. Nếu trẻ li bì, chậm chạp, không uống được nước,... cần phải đưa trẻ đi khám ngay lập tức.
  • Trẻ từ 3 – 36 tháng, đo nhiệt độ ở hậu môn ≥ 38.9o C

Trẻ ở bất kì độ tuổi nào cũng cần được đi khám nếu có một trong những biểu hiện sau:

  • Sốt ≥ 39.5o C (bất kể đo ở miệng, tai, trán, nách hoặc hậu môn)
  • Co giật do sốt
  • Trẻ hết sốt sau đó tái sốt
  • Sốt ở trẻ có các bệnh lý đi kèm: tim mạch, ung thư, lupus ban đỏ, thiếu máu hồng cầu hình liềm,...
  • Sốt kèm phát ban

4.Điều trị nhiễm adenovirus như thế nào?

Nhiễm adenovirus thường không cần điều trị, vì đa số tự khỏi. Ở một số trẻ nhỏ hoặc bệnh nhân có suy giảm miễn dịch thì bác sĩ có thể kê thuốc kháng virus.

5.Làm thế nào để ngăn ngừa lây nhiễm adenovirus?

Hiện nay, có một số cách giúp ngăn ngừa lây nhiễm adenovirus được khuyến cáo như sau:

  • Luôn rửa tay với nước, xà phòng sau khi tiếp xúc với người nhiễm adenovirus
  • Vệ sinh các bề mặt tiếp xúc bằng nước và chất tẩy rửa
  • Không dùng chung khăn, ga giường, các vật dụng cá nhân
  • Che miệng khi hắt xì hoặc ho.

Tóm lại, bệnh do adenovirus rất dễ lây lan bằng cách trực tiếp và gián tiếp, nên dễ dàng bùng phát thành dịch. Chính vì vậy khi phát hiện bản thân hay những người xung quanh mình nhiễm Adenovirus cần có các biện pháp phòng ngừa hợp lý, tránh bệnh bùng phát thành dịch.

Hi vọng những thông tin trong bài viết trên đã cung cấp cho độc giả hiểu hơn về loại virus gây bệnh này. Nếu cha mẹ thấy trẻ có những dấu hiệu của bệnh, cần chú ý theo dõi và đưa trẻ đến ngay các trung tâm y tế để thăm khám và điều trị, tránh để những biến chứng nguy hiểm có thể xảy ra.

Để đặt lịch khám tại viện, Quý khách vui lòng bấm số HOTLINE hoặc đặt lịch trực tiếp TẠI ĐÂY. Tải và đặt lịch khám tự động trên ứng dụng MyVinmec để quản lý, theo dõi lịch và đặt hẹn mọi lúc mọi nơi ngay trên ứng dụng.

Tài liệu tham khảo: https://www.uptodate.com/contents/adenovirus-infections-the-basics?search=adenovirus&topicRef=8348&source=see_link#H7367943

Chia sẻ
Câu chuyện khách hàng Thông tin sức khỏe Sống khỏe