Trẻ rối loạn phát triển thường gặp phải các tình trạng rối loạn liên quan đến chức năng chú ý, trí nhớ, nhận thức, ngôn ngữ, giải quyết vấn đề hoặc tương tác xã hội. Những rối loạn này có thể thay đổi từ nhẹ đến nặng hay dễ kiểm soát bằng các can thiệp hành vi và giáo dục hoặc có thể cần được hỗ trợ nhiều hơn.
1. Trẻ rối loạn phát triển là gì?
Trẻ rối loạn phát triển là nhóm đối tượng cần nhận được sự giúp đỡ không chỉ từ bố mẹ mà còn từ mọi người xung quanh. Trước khi tiếp cận các biện pháp hỗ trợ và điều trị trẻ rối loạn phát triển, điều đầu tiên cần làm là xác định được vấn đề của chúng.
Rối loạn phát triển là một nhóm các tình trạng do rối loạn thể chất, khả năng học tập, ngôn ngữ hoặc hành vi. Những tình trạng này bắt đầu trong thời kỳ phát triển của trẻ, hậu quả có thể ảnh hưởng đến các hoạt động sinh hoạt hàng ngày và thậm chí kéo dài trong suốt cuộc đời của một đứa trẻ sau đó.
Các kỹ năng như bước đi, mỉm cười và vẫy tay chào tạm biệt đều được gọi là các cột mốc phát triển. Theo thời gian, mọi trẻ em dần đạt đến các mốc quan trọng trong cách chúng chơi, học, nói, cư xử và di chuyển.
Mỗi đứa trẻ sẽ phát triển theo tốc độ của riêng chúng, vì vậy không thể nói chính xác thời điểm khi nào một đứa trẻ sẽ học được một kỹ năng nhất định. Tuy nhiên, các cột mốc phát triển ở trẻ vẫn được ghi nhận để đưa ra một cách nhìn chung về những thay đổi sẽ xảy ra trong quá trình phát triển.
Cha mẹ chính là người hiểu rõ con mình nhất. Nếu con bạn không đạt được các mốc quan trọng so với các trẻ cùng độ tuổi hoặc nếu bạn nghi ngờ chúng đang có vấn đề liên quan đến cách mà trẻ chơi, học, nói, hành động và di chuyển, hãy nói chuyện với bác sĩ và chia sẻ những lo lắng của bạn.
2. Theo dõi và đánh giá sự phát triển của trẻ như thế nào?
Để nhận diện trẻ rối loạn phát triển một cách kịp thời, trẻ cần được theo dõi kỹ lượng. Quá trình tăng trưởng và phát triển của trẻ nên được theo dõi thông qua sự hợp tác giữa cha mẹ và các chuyên gia chăm sóc sức khỏe. Tại mỗi lần khám sức khỏe cho trẻ, bác sĩ sẽ xem xét các vấn đề hoặc chậm phát triển và nói chuyện với phụ huynh về bất kỳ mối quan tâm nào mà phụ huynh đang có.
Bất kỳ vấn đề bất thường nào nhận thấy trong quá trình theo dõi sự phát triển của trẻ cần được theo dõi bằng các phương tiện sàng lọc phát triển. Sàng lọc phát triển là một bài kiểm tra ngắn để biết một đứa trẻ có đang học các kỹ năng cơ bản cần thiết hay có bị chậm phát triển hay không.
Nếu một đứa trẻ chậm phát triển, chúng cần phải được giúp đỡ càng sớm càng tốt. Việc xác định và can thiệp sớm có thể có tác động đáng kể đến khả năng học các kỹ năng mới của trẻ cũng như giảm nhu cầu can thiệp tốn kém sau này.
3. Tại sao trẻ bị rối loạn phát triển?
Rối loạn phát triển có thể bắt đầu bất cứ lúc nào trong thời kỳ phát triển và thường kéo dài trong suốt cuộc đời. Hầu hết các rối loạn phát triển bắt đầu trước khi trẻ được sinh ra, nhưng một số trẻ bị rối loạn phát triển có thể xuất hiện sau khi được sinh ra do nguyên nhân chấn thương, nhiễm trùng hoặc các yếu tố khác.
Hầu hết các rối loạn phát triển được cho là kết quả của sự kết hợp phức tạp giữa nhiều yếu tố. Những yếu tố này bao gồm di truyền; sức khỏe và hành vi của cha mẹ (chẳng hạn như hút thuốc và uống rượu) trong thời kỳ mang thai; các biến chứng trong khi sinh; nhiễm trùng mà người mẹ mắc phải trong khi mang thai hoặc đứa trẻ có thể mắc phải rất sớm trong đời; tiếp xúc với các chất độc hại trong môi trường ở mức độ cao, chẳng hạn như chì.
Đối với một số rối loạn phát triển, chẳng hạn như hội chứng nghiện rượu ở thai nhi, nguyên nhân đã được xác định rõ là do uống rượu khi mang thai. Nhưng đối với hầu hết các dạng rối loạn phát triển còn lại, bao gồm trường hợp trẻ bị rối loạn phát triển ngôn ngữ, nguyên nhân cụ thể vẫn chưa được hiểu rõ.
Một số yếu tố nguy cơ của trẻ rối loạn phát triển bao gồm:
- Ít nhất 25% trường hợp mất thính giác ở trẻ sơ sinh là do mẹ bị nhiễm trùng trong thời kỳ mang thai, chẳng hạn như nhiễm trùng cytomegalovirus (CMV); sang chấn lúc sinh và chấn thương đầu.
- Một số nguyên nhân phổ biến nhất được biết đến của rối loạn trí tuệ bao gồm hội chứng nghiện rượu ở thai nhi; rối loạn di truyền và bất thường nhiễm sắc thể, chẳng hạn như hội chứng Down và hội chứng nhiễm sắc thể X dễ vỡ; một số bệnh nhiễm trùng khi mang thai.
- Tiền sử gia đình có người mắc chứng tự kỷ làm tăng nguy cơ mắc chứng rối loạn phổ tự kỷ ở trẻ.
- Trẻ sơ sinh nhẹ cân, sinh non, đa thai và nhiễm trùng trong thời kỳ mang thai có liên quan đến việc tăng nguy cơ mắc nhiều rối loạn phát triển.
- Bệnh vàng da ở trẻ sơ sinh không được điều trị có thể gây ra một loại tổn thương não được gọi là kernicterus. Trẻ em mắc chứng kernicterus có nhiều khả năng bị bại não, mắc phải các vấn đề về thính giác và thị lực, các vấn đề về răng miệng. Phát hiện và điều trị sớm bệnh vàng da ở trẻ sơ sinh là một biện pháp có thể ngăn ngừa chứng kernicterus.
Rối loạn phát triển có thể xảy ra ở tất cả các nhóm chủng tộc, dân tộc và kinh tế xã hội. Các ước tính gần đây ở Hoa Kỳ cho thấy khoảng 1 trong 6 (tương đương 17%) trẻ em từ 3 đến 17 tuổi bị một hoặc nhiều rối loạn phát triển được liệt kê bên dưới:
- Rối loạn tăng động giảm chú ý
- Hội chứng tự kỷ
- Bại não
- Mất thính lực
- Rối loạn học tập
- Trẻ bị rối loạn phát triển ngôn ngữ
Trong hơn một thập kỷ, Mạng lưới Giám sát Tự kỷ và rối loạn Phát triển (ADDM) của CDC Hoa Kỳ đã theo dõi số đặc điểm của trẻ em mắc chứng rối loạn phổ tự kỷ, bại não và thiểu năng trí tuệ trong một số cộng đồng đa dạng trên khắp Hoa Kỳ.
4. Bố mẹ nên làm gì khi có trẻ rối loạn phát triển?
Không chỉ riêng những đứa trẻ rối loạn phát triển, mà bố mẹ và người chăm sóc trẻ đều cần các chương trình chăm sóc sức khỏe tương tự như các vấn đề sức khỏe khác. Mục đích của phương pháp này là để họ có thể sống khỏe mạnh, năng động và là một phần của cộng đồng. Hiểu đúng về tình trạng trẻ rối loạn phát triển giúp bố mẹ có cái nhìn tích cực và khách quan hơn. Trẻ rối loạn phát triển không phải là một khiếm khuyết không thể khắc phục hay cải thiện.
Trẻ rối loạn phát triển không có nghĩa là chúng không khỏe mạnh hoặc không thể khỏe mạnh. Khỏe mạnh có ý nghĩa như nhau đối với tất cả mọi người, sống khỏe mạnh giúp chúng ta có thể có một cuộc sống năng động và đầy đủ. Một số tình trạng sức khỏe khác ở trẻ, chẳng hạn như hen phế quản, các triệu chứng tiêu hóa, chàm, dị ứng da,và đau nửa đầu được phát hiện là phổ biến hơn ở trẻ em bị rối loạn phát triển. Vì vậy, điều đặc biệt quan trọng đối với trẻ rối loạn phát triển là phải được đi khám bác sĩ thường xuyên. Bố mẹ cần giúp đỡ những đứa trẻ này bằng cách lưu ý để sức khỏe về mặt thể chất, tinh thần và các cột mốc quan trọng khác trong quá trình phát triển của chúng.