Trẻ bị thiếu máu có thể do nguyên nhân nào đó trong cơ thể hoặc là hậu quả từ một số cách chăm sóc chưa đúng cách của các bậc phụ huynh. Đây là một tình trạng cần được phát hiện sớm và điều trị kịp thời. Vậy làm sao để biết trẻ thiếu máu có biểu hiện gì?
1. Nguyên nhân trẻ thiếu máu
Trẻ thiếu máu có thể do một số bệnh lý, bao gồm:
- Do bệnh lý ở các cơ quan tạo máu như: Giảm sản, bất sản tủy, thâm nhiễm tủy (bạch cầu cấp tính hay suy tủy bẩm sinh hoặc mắc phải), các bệnh di căn vào tủy, xơ gan, cường lách, đa u tủy xương,...
- Do trẻ mắc phải các bệnh lý về máu: Hình dạng của hồng cầu bị thay đổi bất thường (hình dạng của hồng cầu giúp nó linh hoạt đi qua được các mạch máu nhỏ trong cơ thể. Nếu như hồng cầu bị thay đổi về hình dạng sẽ gây cản trở trong việc di chuyển của mạch máu, dẫn đến việc trẻ thiếu máu) như bệnh hồng cầu hình cầu, hồng cầu hình liềm, thalassemia, thiếu men G6PD,... một số bệnh lý khác về máu như tan máu tự miễn, bệnh của màng hồng cầu, nhiễm độc chì,...
- Trẻ bị rối loạn về chức năng đông máu: Giảm tiểu cầu, Hemophilia.
- Do các chấn thương khiến mất máu nhiều, chảy máu cam, do giun sán, chảy máu trong dạ dày, nhiễm độc chì (do hội chứng pica).
- Hồng cầu bị phá hủy nhiều hơn khiến trẻ bị thiếu máu do một số nguyên nhân như dùng các thuốc Quinin, Quinidin, Methyldopa, Penicillin, Ticlopidin, Clopidogrel,...
- Bất đồng nhóm máu mẹ con gây vỡ hồng cầu, vàng da do tăng bilirubin gián tiếp, cường lách.
Trẻ bị thiếu máu dinh dưỡng - thiếu sắt:
- Trẻ kén ăn hay việc khẩu phần ăn của trẻ không cung cấp đủ các chất như: Sắt, acid folic, vitamin B12... khiến trẻ thiếu máu do chúng là các nguyên liệu tạo ra máu
- Trẻ bị rối loạn tiêu hóa lâu ngày, dị dạng ở dạ dày ruột, thiểu toan dạ dày, loét dạ dày tá tràng, polyp ở ruột,..... dẫn đến thiếu máu, thiếu sắt.
- Việc cho trẻ uống sữa ngoài sớm cũng có nguy cơ khiến trẻ bị thiếu máu, do sữa bò có ít chất sắt và cũng có thể gây cản trở khả năng tự nhiên để trẻ hấp thụ sắt từ các nguồn thức ăn khác.
- Ở trẻ sơ sinh việc cung cấp thiếu vitamin K dễ khiến trẻ bị xuất huyết trong như bị xuất huyết não, xuất huyết tiêu hoá,.. dẫn đến thiếu máu.
2. Những dấu hiệu trẻ thiếu máu là gì?
Để nhận biết trẻ thiếu máu không, phụ huynh có thể quan sát, theo dõi những dấu hiệu chẳng hạn như:
- Da xanh: Dễ nhận thấy nhất là lòng bàn tay, bàn chân trẻ nhợt nhạt, kết mạc mắt nhạt màu.
- Chậm biết đi, biết ngồi ở trẻ nhỏ.
- Chậm tăng trưởng cân nặng, chiều cao.
- Kém tập trung trong học tập, làm việc, lừ đừ, ít linh hoạt, vận động kém.
- Trẻ kén ăn, sụt cân, tóc khô dễ gãy, lưỡi mất gai, móng biến dạng...
- Khi trẻ thiếu máu do xuất huyết dạ dày thường có thêm các triệu chứng đi cầu phân đen kéo dài, đau thượng vị, ợ hơi, ợ chua.
- Một số trẻ cảm thấy ăn không ngon miệng, khó nuốt thức ăn và xuất hiện loét miệng.
- Trẻ thiếu máu do bệnh lý về máu thêm triệu chứng như chứng gan, lách to, hạch nổi, mặt biến dạng...
3. Các ảnh hưởng lên cơ thể khi trẻ bị thiếu máu
- Ảnh hưởng đến thể trạng: Máu có chức năng vận chuyển oxy và dinh dưỡng đến các bộ phận trên cơ thể, khi trẻ thiếu máu sẽ làm cản trở quá trình này dẫn đến việc cơ quan hoạt động bị giảm sút, từ đó dẫn tới cơ thể trẻ bị mệt mỏi, đuối sức và thiếu năng lượng, trẻ còn có thể bị suy giảm sức đề kháng, dễ dàng mắc phải những căn bệnh nhiễm trùng như viêm họng, viêm phổi hoặc tiêu chảy.
- Ảnh hưởng đến hệ thần kinh: Khi trẻ thiếu máu lượng oxy cung cấp đến não sẽ không đủ, việc này ảnh hưởng đến hệ thần kinh của trẻ với biểu hiện như:= đau đầu thường xuyên, ù tai, mau quên và dễ ngủ gật, chóng mặt, trẻ rất khó tập trung, nhận thức của trẻ bị suy giảm.
- Ảnh hưởng đến hệ tim mạch: Trẻ bị thiếu máu nhưng cơ thể vẫn phải cung cấp đủ máu đến các cơ quan, điều này đồng nghĩa với tim phải co bóp nhiều hơn để đưa máu đi, giảm thiểu lượng máu để nuôi dưỡng tim. Nếu tình trạng này kéo dài có thể gây suy tim, rối loạn nhịp tim,...
- Ảnh hưởng đến hệ hô hấp của trẻ: Khi thiếu máu cơ thể trẻ bị thiếu oxy, việc này ảnh hưởng đến hệ hô hấp của trẻ với các triệu chứng khó thở, thở nhanh hoặc thở gắng sức,...
- Trẻ bị mắc hội chứng pica: Đây có thể là nguyên nhân hoặc tác hại của việc thiếu máu thiếu sắt, biểu hiện của hội chứng này là trẻ sẽ ăn những thứ phi thực phẩm, điều này khiến trẻ dễ bị ngộ độc chì, gây thương tích cho hệ tiêu hoá, tắc ruột,....
4. Điều trị - phòng ngừa trẻ bị thiếu máu
4.1. Điều trị trẻ bị thiếu máu
Đây là một số ý kiến có thể tham khảo khi điều trị trẻ thiếu máu:
- Bổ sung sắt: Đối trẻ nhẹ cân, sinh non, đa thai, trẻ thiếu nuôi dưỡng bằng sữa mẹ cần có chế độ cung cấp dinh dưỡng giàu sắt.
- Với trẻ sinh non, nhẹ cân dùng liều bổ sung 2mg/kg thể trọng mỗi ngày, liều tối đa 15mg mỗi ngày. Nên bắt đầu cho trẻ uống muộn nhất từ tháng thứ 2, sử dụng liên tục ít nhất cho đến khi trẻ 1 tuổi.
- Liều điều trị dùng 3mg/kg thể trọng mỗi ngày chia thành 3 đến 4 lần. Nên uống thuốc sắt trước khi ăn 1 giờ, hoặc sau khi ăn 2 giờ để hấp thu được tốt.
- Điều trị khi trẻ thiếu vitamin B9: Với trẻ dưới 1 tuổi uống, 500microgam/kg mỗi ngày, với trẻ trên 1 tuổi uống 5mg mỗi ngày trong 4 tháng. Lưu ý xem xét phối hợp bổ sung sắt khi điều trị trẻ thiếu máu do thiếu vitamin B9.
Đối với phụ nữ trong độ tuổi sinh sản nên bổ sung vitamin B9 hằng ngày để phòng các bệnh lý dị tật ống thần kinh và giảm nguy cơ thiếu máu ở trẻ.
- Điều trị thiếu máu do thiếu vitamin B12 trong hợp nặng sử dụng dạng tiêm bắp vitamin B12 cho trẻ, sau đó chuyển sang dạng uống tùy thuộc vào tình trạng lâm sàng. Bổ sung các thực phẩm giàu B12 như phomai, cá, trứng,...
- Truyền máu cho trẻ.
4.2. Phòng ngừa thiếu máu ở trẻ
Một số phương pháp giúp ngăn ngừa tình trạng thiếu máu ở trẻ:
- Gặp chuyên gia để được tư vấn khẩu phần ăn cung cấp đủ dinh dưỡng, các vitamin để tăng hấp thu sắt (như vitamin C), tạo hồng cầu (vitamin B9, B12), các thực phẩm giàu sắt.
- Lưu ý có một số thực phẩm ức chế hấp thu chất sắt bởi vì có phytate, phosphate, canxi (có trong ngũ cốc, sữa) và polyphenol (có trong trà và một số loại rau).
- Tiêm vitamin K1 dự phòng sau sinh.
- Sàng lọc sau sinh các bệnh lý như: Vàng da do bất đồng nhóm máu mẹ con, thiếu men G6PD.
- Cho trẻ bú sữa mẹ hoàn toàn trong năm đầu, vì trong sữa mẹ có nhiều sắt
- Bổ sung sắt ở trẻ sơ sinh đẻ non,trẻ sinh đôi, sinh ba,trẻ nhẹ cân.
- Bổ sung vào khẩu phần ăn các thực phẩm giàu sắt, acid folic, vitamin B12... cho bé.
- Tẩy giun định kỳ cho trẻ.
- Đưa trẻ đi khám để được chẩn đoán và điều trị các bệnh nền, bệnh lý về máu khi nhận thấy các dấu hiệu thiếu máu ở trẻ.
Việc trang bị kiến thức thiết yếu về chăm sóc trẻ là vô cùng cần thiết để đảm bảo trẻ lớn lên khỏe mạnh và phát triển đầy đủ. Ngoài các trang thông tin sức khỏe chính thống, bạn cũng có thể tìm đến các nơi cung cấp chăm sóc sức khỏe để được tư vấn phù hợp với hoàn cảnh riêng cho con.
Để đặt lịch khám tại viện, Quý khách vui lòng bấm số HOTLINE hoặc đặt lịch trực tiếp TẠI ĐÂY. Tải và đặt lịch khám tự động trên ứng dụng MyVinmec để quản lý, theo dõi lịch và đặt hẹn mọi lúc mọi nơi ngay trên ứng dụng.