Nhận biết sớm hạ đường huyết ở trẻ em

Bài viết được tư vấn chuyên môn bởi Bác sĩ chuyên khoa I, Bác sĩ nội trú Đặng Thị Ngoan - Bác sĩ Nhi - Sơ sinh, Khoa Nhi - Sơ sinh - Bệnh viện Đa khoa Quốc tế Vinmec Hạ Long

Không chỉ ở người lớn mà ngay cả trẻ sơ sinh, trẻ nhỏ đều có thể gặp phải nguy cơ hạ đường huyết. Hạ đường huyết ở trẻ em rất dễ gây ra những biến chứng nguy hiểm nếu không được phát hiện sớm. Một trong những biến chứng hạ đường huyết trẻ em kéo dài có thể gây tổn thương não. Trong bài viết dưới đây, các bậc cha mẹ hãy cùng chúng tôi tìm hiểu một số dấu hiệu hạ đường huyết trẻ em để có hướng điều trị kịp thời.

1. Tìm hiểu nguyên nhân gây hạ đường huyết ở trẻ

Nguyên nhân gây hạ đường huyết ở trẻ em phần lớn là do chế độ ăn uống không đầy đủ, không đúng bữa. Trẻ em thường mải chơi quên cả ăn, chính vì thế mà khi bị đói sẽ khiến lượng đường huyết trong máu giảm và thân nhiệt của trẻ dễ hạ thấp. Bởi vậy, nếu các mẹ không kịp thời cho trẻ ăn và bổ sung dinh dưỡng sẽ khiến lượng đường huyết của trẻ nhanh chóng bị suy giảm. Ngoài ra, còn có một số nguyên nhân khiến trẻ bị hạ đường huyết mà cha mẹ phải đặc biệt lưu ý như sau:

  • Trẻ sơ sinh nhẹ cân, hạ thân nhiệt
  • Trẻ bị suy dinh dưỡng
  • Bệnh lý bẩm sinh chuyển hóa
  • Hội chứng Beckwith -Weidemann
  • U tụy tạng insuline
  • Suy thượng thận cấp
  • Mắc bệnh nặng như: sốt rét nặng, nhiễm khuẩn huyết,
  • Tiền căn tiểu đường đang điều trị
  • Chấn thương, tiếp xúc độc chất

Trẻ bị suy dinh dưỡng thuộc nhóm nguy cơ cao có thể gặp tình trạng hạ đường huyết
Trẻ bị suy dinh dưỡng thuộc nhóm nguy cơ cao có thể gặp tình trạng hạ đường huyết

2. Dấu hiệu nhận biết triệu chứng hạ đường huyết ở trẻ

Nếu thấy các bé có triệu chứng dưới đây, cha mẹ cần phải lưu ý bởi rất có thể đây là dấu hiệu của hạ đường huyết:

  • Trẻ có vẻ mặt hốt hoảng, vã mồ hôi, da xanh tái, run rẩy
  • Trẻ khó chịu cáu gắt, đói cồn cào, mệt mỏi, đánh trống ngực
  • Trẻ nhỏ hơn ngủ gà ngủ gật, khóc thì lè nhè.

Trường hợp nếu đường huyết trầm trọng hơn có thể đi kèm các triệu chứng xảy ra như sau:

  • Trẻ bị kích thích, co giật
  • Trẻ nói lắp bắp, nói ngọng, đi không vững, rối loạn thị giác, mất ý thức...

Thực tế thì có nhiều căn bệnh cũng kèm theo các triệu chứng tương tự, chính vì thế mà cha mẹ cần kiểm tra đường huyết của trẻ thì mới biết rõ được nguyên nhân chính xác.

3. Chẩn đoán và điều trị hạ đường huyết ở trẻ như thế nào?

Đối với trường hợp hạ đường huyết ở mức độ nhẹ (nguyên nhân là do trẻ nhịn ăn, đói)

Với các trẻ đẻ non khoảng 35-36 tuần hoặc trẻ đã đủ tháng thì mẹ cần phải cho bú sớm ngay sau khi sinh. Trường hợp nếu trẻ không tự bú được sẽ được bác sĩ chăm sóc bằng cách truyền dung dịch đường. Còn đối với trẻ lớn, nếu cha mẹ phát hiện dấu hiệu trẻ bị hạ đường huyết thì cần cho trẻ ăn ngay các thức ăn như cháo sữa, bột,... Trong những ngày tiếp theo có thể cho trẻ ăn thành nhiều bữa và nên chia khoảng thời gian trong ngày để cho trẻ ăn.

Đối với trường hạ đường huyết nặng do bệnh lý

Trường hợp nếu trẻ bị hạ đường huyết mà nguyên nhân do bệnh lý, bên cạnh dựa vào triệu chứng lâm sàng, cần phải được định hướng glucose máu một cách chính xác và thực hiện các xét nghiệm cận lâm sàng:

  • Dextrostix
  • Đường huyết
  • Nồng độ insuline máu
  • Nồng độ cortison máu
  • Xét nghiệm để chẩn đoán phân biệt khi cần

Và nếu lượng đường huyết (Dextrostix) < 40 mg/dl (<2,2 mmlo/l) tức là trẻ bị hạ đường huyết. Lúc này tốt nhất phải thực hiện theo nguyên tắc điều trị của bác sĩ chuyên khoa.


Trường hạ đường huyết nặng do bệnh lý cha mẹ cần gặp bác sĩ để được tư vấn
Trường hạ đường huyết nặng do bệnh lý cha mẹ cần gặp bác sĩ để được tư vấn

4. Cha mẹ nên đưa trẻ đến bệnh viện khi nào?

Hãy đưa con đi khám bác sĩ chuyên khoa nếu:

  • Trẻ có chỉ số đường huyết thấp mặc dù không bị bệnh đái tháo đường
  • Trẻ bị đái tháo đường và không thể làm giảm triệu chứng hạ đường huyết theo một số cách đơn giản như ăn kẹo, uống viên glucose, uống nước trái cây,...
  • Trẻ có các dấu hiệu hạ đường huyết nghiêm trọng hoặc bị bất tỉnh.

Những việc bố mẹ cần làm là gì?

  • Trang bị sẵn trong nhà máy đo đường huyết, nhiệt kế, máy đo huyết áp.
  • Thường xuyên trao đổi với bác sĩ điều trị để điều chỉnh liều lượng thuốc hoặc thay thế thuốc.
  • Trường hợp đường huyết của trẻ có thể giảm sau bữa ăn thì cha mẹ cần thay đổi chế độ ăn uống. Hãy chia các bữa ăn nhỏ trong ngày, tránh thực phẩm có đường.

Nếu cha mẹ nhận được được dấu hiệu hạ đường huyết ở trẻ em và có biện pháp xử lý kịp thời thì sẽ không quá nguy hiểm cho trẻ. Tốt nhất, nếu trẻ có các biểu hiện nghi ngờ bị hạ đường huyết, hãy đưa trẻ đến cơ sở y tế chuyên khoa trong thời gian sớm nhất.

Bệnh viện Đa khoa Quốc tế Vinmec là cơ sở y tế chất lượng cao tại Việt Nam với đội ngũ y bác sĩ có trình độ chuyên môn cao, được đào tạo bài bản, chuyên sâu trong nước và nước ngoài, giàu kinh nghiệm.

Hệ thống thiết bị y tế hiện đại, tối tân giúp phát hiện ra nhiều căn bệnh khó, nguy hiểm trong thời gian ngắn, hỗ trợ việc chẩn đoán, điều trị của bác sĩ hiệu quả nhất. Không gian bệnh viện được thiết kế rộng rãi, mang đến cho người bệnh sự thoải mái, thân thiện, yên tâm.

Để đặt lịch khám tại viện, Quý khách vui lòng bấm số HOTLINE hoặc đặt lịch trực tiếp TẠI ĐÂY. Tải và đặt lịch khám tự động trên ứng dụng MyVinmec để quản lý, theo dõi lịch và đặt hẹn mọi lúc mọi nơi ngay trên ứng dụng.

Chia sẻ
Câu chuyện khách hàng Thông tin sức khỏe Sống khỏe