Nhận biết bệnh ho gà ở trẻ mới biết đi

Ho gà là một bệnh rất dễ lây lan do vi khuẩn Bordetella pertussis gây ra và được truyền qua tiếp xúc cá nhân gần gũi, hắt hơi và ho. Mặc dù trẻ em được chủng ngừa bệnh ho gà thường xuyên, nhưng vẫn có những đợt bùng phát bệnh ho gà theo thời gian.

1. Bệnh ho gà ở trẻ em

Vi khuẩn ho gà thường lây nhiễm cho trẻ 1-2 tuần trước khi các triệu chứng xuất hiện. Các triệu chứng ban đầu giống như các triệu chứng của cảm lạnh. Trong khoảng một tuần, trẻ có thể bị sổ mũi, hắt hơi và thỉnh thoảng sốt nhẹ. Cơn ho phát triển dần dần, bắt đầu vào ban đêm nhưng trở nên tồi tệ hơn vào ban ngày. Trẻ có thể bị ho từng cơn khiến trẻ khó thở. Trẻ cũng có thể phát ra âm thanh ‘khục khục’ khi kết thúc các cơn ho khi thở sâu.

2. Triệu chứng của bệnh ho gà ở trẻ mới biết đi

2.1. Các triệu chứng ban đầu của bệnh ho gà

Bệnh ho gà thường bắt đầu với các triệu chứng lạnh hoặc phừng phường kéo dài 1 hoặc 2 tuần nhưng có nhiều trường hợp bệnh có thể kéo dài đến 3 tuần. Các triệu chứng này có thể bao gồm:

  • Hắt xì
  • Sổ mũi
  • Ho nhẹ hoặc thi thoảng
  • Sốt nhẹ

2.2. Các triệu chứng giai đoạn sau của bệnh ho gà

Sau một hoặc hai tuần, một đứa trẻ mắc ho gà thường phát triển và xuất hiện một số triệu chứng dễ nhận biết hơn của bệnh như:

  • Những cơn ho kéo dài 20 hoặc 30 giây không ngừng, sau đó là những tiếng “khục khục” khi trẻ cố gắng thở trước khi cơn ho tiếp theo bắt đầu. Tình trạng này thường nặng hơn vào ban đêm
  • Ho hoặc nôn ra chất nhầy
  • Kiệt sức sau những cơ ho
  • Môi và móng tay chuyển sang màu xanh do thiếu oxy trong các đợt ho.

Cần lưu ý rằng các triệu chứng ho gà có thể khác nhau và nghiêm trọng hơn ở trẻ sơ sinh. Bên cạnh đó, ho gà là bệnh nguy hiểm nên các bậc cha mẹ cần hết sức chú ý và cảnh giác mỗi khi trẻ có bất kỳ triệu chứng nào được liệt kê ở trên để có thể phát hiện kịp thời tránh để lại những biến chứng nghiêm trọng.

3. Quá trình tiến triển của bệnh ho gà ở trẻ mới biết đi


Ho gà có thể kéo dài đến 10 tuần thậm chí lâu hơn, mặc dù các cơn ho thường sẽ bắt đầu có dấu hiệu thuyên giảm trong vòng sáu tuần kể từ khi mắc bệnh.Quá trình tiến triển của bệnh có thể chia thành ba giai đoạn, bao gồm:

  • Giai đoạn 1: Các triệu chứng cảm lạnh xuất hiện và kéo dài từ một đến hai tuần
  • Giai đoạn 2: Các cơn ho tiếp tục kéo dài thêm 1 đến 6 tuần
  • Giai đoạn 3: Giai đoạn phục hồi dần dần với những cơn ho đến một cách thưa thớt hơn. Giai đoạn này thường kéo dài trong khoảng từ 2 đến 3 tuần.

Trẻ xuất hiện tình trạng ho kéo dài
Trẻ xuất hiện tình trạng ho kéo dài

Lưu ý rằng bệnh ho gà thường ít nghiêm trọng hơn và có xu hướng khỏi nhanh hơn ở những trẻ đã được tiêm phòng vacxin bạch hầu, ho gà, uốn ván.

Bệnh ho gà rất dễ lây lan. Trẻ có thể nhiễm bệnh do tiếp xúc trực tiếp với những người bị nhiễm vi khuẩn hoặc chỉ đơn giản là hít thở bầu không khí bị nhiễm vi khuẩn. Vi khuẩn ho gà thường xâm nhập thông qua đường mũi, hầu, họng của bé. Những người mắc ho gà dễ lây lan nhất trong giai đoạn đầu của bệnh cho đến khoảng hai tuần sau khi bắt đầu xuất hiện các cơn ho.

Một điều cần lưu ý là vaccin ho gà không có hiệu quả 100%, do đó trẻ hoàn toàn có thể mắc bệnh ho gà dù đã được tiêm phòng trước đó. Tuy nhiên, nhưng bé đã được tiêm phòng ho gà sẽ ít có khả năng mắc bệnh hơn so với những bé chưa được tiêm, bên cạnh đó, các triệu chứng bệnh cũng sẽ nhẹ nhàng hơn và bệnh cũng sẽ khỏi sớm hơn. Hầu hết trẻ em đều được tiêm phòng một số loại vaccine chống lại bệnh ho gà như một phần của mũi tiêm DTaP, cùng với vaccine chống lại bệnh bạch hầuuốn ván. Các mũi tiêm phòng bắt đầu được tiến hành khi trẻ được 2 tháng tuổi và tiếp tục cho đến khi trẻ được 4 đến 6 tuổi. Sau đó, khi trẻ đã đạt 11-12 tuổi, bé sẽ được tiêm nhắc lại một mũi tiêm vaccine phòng chống bệnh ho gà.

Nguy cơ mắc ho gà của trẻ sẽ giảm dần theo từng mũi tiêm, vì vậy nguy cơ mắc bệnh của trẻ sẽ ở mức thấp nhất sau khi tiêm mũi thứ 5, tức là giai đoạn trẻ từ 4-6 tuổi. Các trường hợp mắc ho gà đã giảm đáng kể sau sự ra đời của vaccin ho gà vào những năm 1940, tuy nhiên con số này đang có dấu hiệu tăng nhẹ trong một vài thập kỷ trở lại đây. Trong năm 2018, có hơn 15.000 trường hợp mắc bệnh ho gà được báo cáo ở Hoa Kỳ. Hầu hết các trường hợp nhiễm trùng này là ở trẻ em dưới 1 tuổi.

4. Chẩn đoán và điều trị bệnh ho gà

Để biết bé liệu có bị ho gà hay không, các bác sĩ có thể:

  • Lắng nghe tiếng ho của trẻ
  • Lấy dịch mũi, họng để xác định sự tồn tại của vi khuẩn ho gà

Trong trường hợp nghi ngờ trẻ mắc ho gà, các bác sĩ sẽ cho trẻ uống thuốc kháng sinh để chống lại tình trạng nhiễm trùng ngay lập tức. Họ sẽ không đợi khi có kết quả xét nghiệm bởi những kết quả này thường sẽ tiêu tốn khá nhiều thời gian trong khi điều quan trọng nhất là phải điều trị bệnh ho gà càng sớm càng tốt.

Thuốc kháng sinh đặc biệt hiệu quả trong việc làm giảm các triệu chứng của bệnh nếu được sử dụng sớm. Nếu tiêm muộn hơn, kháng sinh có thể không rút ngắn thời gian mắc bệnh nhưng vẫn có khả năng loại bỏ vi khuẩn từ dịch tiết của bé, tránh để chúng có khả năng lây nhiễm cho những người khác. Ngoài ra, các bậc cha mẹ không thể làm gì khác hơn là đợi cơn ho dịu đi. Tất nhiên, nếu cơn ho vẫn tiếp tục nặng hơn ngay cả khi sử dụng kháng sinh, cha mẹ của trẻ cần thông báo cho bác sĩ ngay lập tức.

Một số trẻ sơ sinh mắc ho gà phải điều trị ở bệnh viện vì chậm hoặc ngừng thở, thậm chí viêm phổi kèm theo. Trẻ nhập viện có thể cần được thở oxy và truyền dịch qua đường tĩnh mạch để tránh tình trạng mất nước.


Trẻ cần được sử dụng thuốc theo đúng phác đồ điều trị của bác sĩ
Trẻ cần được sử dụng thuốc theo đúng phác đồ điều trị của bác sĩ

5. Điều trị ho gà tại nhà cho trẻ mới biết đi

Nếu trẻ được chẩn đoán mắc bệnh ho gà, cha mẹ trẻ có thể làm một số điều sau đây để giúp bé điều trị bệnh ho gà cũng như giữ được tinh thần thoải mái:

  • Tuân thủ việc điều trị bằng kháng sinh theo sự chỉ dẫn của các bác sĩ
  • Sử dụng máy tạo độ ẩm dạng phun sương mát để giữ ẩm không khí trong phòng của trẻ nhằm giúp trẻ dễ thở hơn.
  • Giữ cho không gian trong nhà không có các chất kích thích như khói và bụi.
  • Đảm bảo trẻ luôn được cung cấp đủ nước. Cần báo ngay cho các bác sĩ nếu trẻ có bất kỳ một dấu hiệu mất nước nào
  • Nếu trẻ đang ăn thức ăn đặc, hãy sắp xếp thành các bữa ăn nhỏ cách nhau vào giờ một lần để giúp trẻ tránh nôn, trớ.

Không cho trẻ uống những loại thuốc giảm ho trừ khi bác sĩ yêu cầu. Thuốc giảm ho thường không được sử dụng cho trẻ dưới 6 tuổi. Ho là một phản xạ tự nhiên của cơ thể giúp làm sạch chất nhầy do viêm phổi. Nếu kìm hãm phản ứng đó, trẻ có thể sẽ tự cản trở khả năng chữa lành vết thương ở phổi.

6. Phòng ngừa ho gà cho trẻ mới biết đi

Tiêm phòng là cách để bảo vệ trẻ trước bệnh ho gà. Dưới đây là các khuyến nghị về vaccin ho gà cho trẻ theo từng lứa tuổi:

  • Đối với trẻ em: tiêm vắc-xin DTaP đúng lịch.
  • Đối với thanh thiếu niên và người lớn: Tiêm vaccine DTaP tăng cường. Vaccine DTaP có thể ngăn chặn những người nhận được nó mắc bệnh ho gà và truyền bệnh cho trẻ sơ sinh.
  • Đối với phụ nữ có thai: Tiêm vacxin DTaP trong mỗi lần mang thai, khi thai từ 27 đến 36 tuần tuổi

Các biện pháp khác để ngăn ngừa bệnh ho gà cho trẻ mới biết đi bao gồm:

  • Thuốc kháng sinh: Nếu bé được chẩn đoán mắc ho gà, tất cả những người tiếp xúc gần với trẻ cũng cần được điều trị bằng kháng sinh
  • Rửa tay đúng cách: Chà rửa tay bằng xà phòng hoặc dung dịch rửa tay và nước sạch trong ít nhất 20 giây.
  • Che miệng và mũi bằng khăn giấy khi ho hoặc hắt hơi. Nếu không có khăn giấy, hãy sử dụng ống tay áo trên hoặc khuỷu tay, không dùng bàn tay.
  • Những người đã từng mắc bệnh ho gà vẫn có thể mắc lại bệnh này. Vì trẻ vẫn có khả năng bị bệnh cao và vì mũi tiêm DTaP cũng có tác dụng bảo vệ trẻ khỏi bệnh bạch hầu cũng như uốn ván nên hãy đảm bảo trẻ được tiêm đủ các mũi vacxin cần thiết.

Ho gà là một bệnh nhiễm trùng do vi khuẩn và rất dễ lây lan. Các biến chứng nguy hiểm của ho gà là viêm phổi và viêm đường hô hấp. Vi khuẩn ho gà cũng thường lây nhiễm vào khí quản và gây ra những cơn ho dữ dội, dai dẳng. Cái tên của bệnh, “ho gà” xuất phát từ những âm thanh kỳ lại giống tiếng chim kêu mà trẻ thường tạo ra khi cố gắng hít thở sâu giữa các lần ho. Để phòng, chống bệnh ho gà, các bậc cha mẹ cần đảm bảo tiêm đủ các mũi vacxin cho trẻ, bên cạnh đó cần giữ vệ sinh nơi ở cũng như vệ sinh cá nhân cho trẻ đúng cách.


Cha mẹ nên đưa trẻ đến trung tâm tiêm chủng để được tiêm vắc-xin DTaP đúng lịch
Cha mẹ nên đưa trẻ đến trung tâm tiêm chủng để được tiêm vắc-xin DTaP đúng lịch

Để đặt lịch khám tại viện, Quý khách vui lòng bấm số HOTLINE hoặc đặt lịch trực tiếp TẠI ĐÂY. Tải và đặt lịch khám tự động trên ứng dụng MyVinmec để quản lý, theo dõi lịch và đặt hẹn mọi lúc mọi nơi ngay trên ứng dụng.

Nguồn tham khảo: babycenter.com; urmc.rochester.edu

Chia sẻ
Câu chuyện khách hàng Thông tin sức khỏe Sống khỏe