Bệnh ho gà là một bệnh nhiễm trùng đường hô hấp rất dễ lây lan. Biểu hiện ban đầu là một cơn ho dữ dội và sau đó là một hơi thở gấp nghe như "tiếng kêu". Trước khi vắc-xin được áp dụng, ho gà được xem là một căn bệnh thời thơ ấu, là mối đe dọa đáng sợ ở phụ nữ mang thai và ở trẻ sơ sinh.
1. Bệnh ho gà là gì?
Bệnh ho gà là một bệnh hô hấp rất dễ lây lan, gây ra bởi vi khuẩn gây bệnh ho gà là Bordetella pertussis. Những vi khuẩn ho gà có đặc điểm là bám vào lông mao nằm trên đường hô hấp trên, giải phóng độc tố, làm tổn thương lông mao và khiến đường thở bị sưng nề.
Bệnh ho gà được biết đến với những cơn ho dữ dội, không kiểm soát được, thường khiến bệnh nhân vô cùng khó thở. Sau khi ho khan một tràng dài, người bị ho gà thường cần phải hít thở sâu, điều này khiến phát ra âm thanh nghe như tiếng rít. Ho gà có thể ảnh hưởng đến mọi người ở mọi lứa tuổi nhưng có thể trở nên rất nghiêm trọng, thậm chí gây tử vong cho trẻ nhỏ dưới một tuổi.
Tuy nhiên, căn bệnh này ngày nay không còn là mối đe dọa đáng sợ khi đã có cách tốt nhất để bảo vệ khỏi bệnh ho gà là tiêm vắc-xin. Mặc dù vậy, một trong các yếu tố nguy cơ mắc phải bệnh ho gà là khi vắc-xin ho gà đã nhận được khi còn nhỏ đã hết tác dụng. Do đó, chính điều này sẽ khiến hầu hết thanh thiếu niên và người lớn dễ bị nhiễm trùng ho gà lặp lại và tiếp tục có những đợt bùng phát thường xuyên hơn. Đồng thời, các trẻ sơ sinh dưới 12 tháng tuổi chưa được tiêm chủng hoặc chưa được tiêm đầy đủ các loại vắc-xin được khuyến nghị cũng có nguy cơ cao mắc phải thể ho gà trẻ sơ sinh dẫn đến biến chứng nặng và tử vong.
2. Bệnh ho gà lây qua đường nào?
Ho gà là một bệnh rất dễ lây lan nhưng chỉ có ở người. Theo đó, bệnh lý này lây truyền từ người sang người. Những người mắc bệnh ho gà thường truyền bệnh cho người khác bằng các giọt bắn khi ho hoặc hắt hơi. Hơn nữa, khi tiếp xúc gần nhau trong thời gian dài, cùng chia sẻ không gian thở cũng là con đường truyền nhiễm. Trong thực tế, có nhiều em bé mắc bệnh ho gà bị lây nhiễm bởi các anh chị lớn trong gia đình, cha mẹ hoặc người chăm sóc hay từ những người xung quanh mà thậm chí có thể không biết mình mắc bệnh.
Sau khi có sự tấn công của vi khuẩn vào đường thở, những người bị nhiễm bệnh sẽ dễ gây lây lan nhất cho đến khoảng 2 tuần sau khi có triệu chứng ho bắt đầu. Như vậy, quá trình lây nhiễm đã xảy ra khi hoàn toàn chưa có biểu hiện gì.
Nếu được điều trị, thuốc kháng sinh có thể rút ngắn thời gian truyền nhiễm mầm bệnh từ người bệnh sang người lạnh. Trong khi đó, vắc-xin ho gà mới là công cụ hữu hiệu nhất để ngăn ngừa sự lây nhiễm căn bệnh này. Tuy nhiên, không có vắc-xin nào hiệu quả 100% và tính hiệu quả kéo dài suốt cuộc đời.
3. Triệu chứng của bệnh ho gà như thế nào?
Một khi người lành bị nhiễm bệnh ho gà thì phải mất khoảng bảy đến 10 ngày để ủ bệnh ho gà và các dấu hiệu, triệu chứng đầu tiên xuất hiện, mặc dù đôi khi có thể mất nhiều thời gian hơn. Trong khi đó, đây chính là khoảng thời gian lây truyền ra cộng đồng dữ dội nhất mà không thể cảnh báo để được bảo vệ và xây dựng các biện pháp phòng tránh. Hơn nữa, các triệu chứng ban đầu thường nhẹ và giống với cảm lạnh thông thường, nên cũng dễ bị bỏ sót:
- Sổ mũi
- Nghẹt mũi
- Mắt đỏ
- Chảy nước mắt
- Sốt
- Ho khan
Sau một hoặc hai tuần, các dấu hiệu như trên sẽ trở nên xấu đi. Chất nhầy dày đặc tích tụ bên trong đường thở sẽ kích thích liên tục, gây ra ho không kiểm soát được. Các cơn ho nặng và kéo dài có thể kích thích nôn ói, tăng áp vùng mặt cổ, mệt mỏi, ăn uống kém, thở mệt, thở nhanh, thở gấp và kết thúc với âm thanh tần số cao vút trong khi lấy hơi thở tiếp theo.
Tuy nhiên, một số ít biểu hiện với các triệu chứng không điển hình. Lúc này, ho dai dẳng có thể là dấu hiệu duy nhất gợi ý cho thanh thiếu niên hoặc người trưởng thành có thể bị ho gà.
Trái lại, khi xảy ra ho gà trẻ sơ sinh, trẻ có thể không ho chút nào, do không đủ lực để ho. Thay vào đó, trẻ sẽ rất bứt rứt để thở hay thậm chí có thể tạm thời ngừng thở. Như vậy, biến chứng của ho gà trẻ sơ sinh thường nghiêm trọng hơn như dẫn đến viêm phổi nặng, trẻ thở chậm hoặc ngừng thở. Thậm chí, biến chứng của ho gà có thể đe dọa tính mạng đối với trẻ nhỏ dưới 6 tháng tuổi hay gây ra co giật, tổn thương não.
4. Làm cách nào để phòng ngừa bệnh ho gà?
Cách tốt nhất để phòng ngừa ho gà là bằng vắc-xin ho gà. Trong thực tế, các bác sĩ thường đưa ra sự kết hợp của vắc-xin ho gà với các vắc-xin chống lại hai bệnh nghiêm trọng khác như bạch hầu và uốn ván nhằm giảm thiểu số lượng mũi tiêm.
Đối tượng cần khuyến cáo nên tiêm phòng ho gà là cho tất cả trẻ sơ sinh và trẻ nhỏ, người già và thiếu niên và phụ nữ mang thai. Người lớn chưa bao giờ tiêm cũng nên chủng ngừa bệnh ho gà.
Đối với trẻ sơ sinh và trẻ nhỏ, các đối tượng này thường cần 3 mũi vắc-xin để tăng cường bảo vệ chống lại bộ ba bệnh bạch hầu, uốn ván và ho gà. Sau đó, trẻ nhỏ cần 2 mũi tiêm nhắc lại để duy trì sự bảo vệ đó trong suốt thời thơ ấu. Như vậy, các mũi tiêm được khuyến nghị thực hiện theo lịch tiêm phòng ho gà ở các độ tuổi sau:
- 2 tháng
- 4 tháng
- 6 tháng
- 15 đến 18 tháng
- 4 đến 6 năm
Tóm lại, ho gà là một bệnh lý truyền nhiễm rất dễ lây lan và thực hiện qua con đường tiếp xúc trên hệ hô hấp. Nếu không được điều trị đúng cách, ho gà sẽ ra những gây đe dọa trên đường thở, nguy kịch tính mạng ở trẻ nhỏ. Vì vắc-xin đã chứng minh được tính hiệu quả trong việc dự phòng bệnh lý này, cha mẹ cần chú ý tiêm phòng đầy đủ cho trẻ nhỏ, đảm bảo sự phát triển tốt nhất cho con.
Nếu nhận thấy các vấn đề bất thường của trẻ bố mẹ nên đưa bé đến thăm khám và tư vấn với các bác sĩ chuyên khoa.
Để đặt lịch khám tại viện, Quý khách vui lòng bấm số HOTLINE hoặc đặt lịch trực tiếp TẠI ĐÂY. Tải và đặt lịch khám tự động trên ứng dụng MyVinmec để quản lý, theo dõi lịch và đặt hẹn mọi lúc mọi nơi ngay trên ứng dụng.