Bài viết được tư vấn chuyên môn bởi Bác sĩ nội Tổng Quát - Khoa Khám bệnh & Nội khoa - Bệnh viện Đa khoa Quốc tế Vinmec Nha Trang.
Viêm kẽ thận mạn thường được phát hiện ở giai đoạn muộn khi chức năng thận suy giảm và các triệu chứng bệnh biểu hiện rõ ràng. Vì thế để tránh tối đa biến chứng, người mắc bệnh cần đi thăm khám để biết được nguyên nhân và triệu chứng viêm kẽ thận mạn, từ đó sớm có hướng điều trị kịp thời.
1. Viêm kẽ thận mạn là gì?
Thận là cơ quan chịu trách nhiệm thải độc, cân bằng lượng dịch trong cơ thể, đơn vị của thận được gọi là nephron; các nephron có nhiệm vụ đưa nước tiểu vào ống niệu quản đến bàng quang.
Về thuật ngữ, viêm kẽ thận mạn được phân biệt ra hai loại là viêm kẽ thận mạn do vi khuẩn được gọi là viêm thận - bể thận mạn và viêm kẽ thận mạn không do vi khuẩn được gọi là viêm kẽ thận mạn.
Viêm kẽ thận mạn tính xảy ra ở mô kẽ thận và ống thận không do vi khuẩn. Biểu hiện lâm sàng là suy giảm chức năng ống thận, dẫn tới suy thận mạn. Bệnh có thể ổn định, không tiến triển, hoặc tiến triển thầm lặng, hoặc có những đợt hoạt động nặng lên, gây xơ hóa mô kẽ thận, teo ống thận và hoại tử nhú thận, làm mất dần chức năng thận và suy thận mạn.
2. Nguyên nhân gây viêm kẽ thận mạn
- Thuốc: Thuốc giảm đau, thuốc chống viêm không phải steroid, muối lithi, thuốc nhuận tràng.
- Chất độc với thận: Nhiễm độc các kim loại nặng (beryl, bismuth, cadimi, chì).
- Rối loạn chuyển hóa: Tăng canxi máu, tăng acid uric máu, giảm kali máu kéo dài, oxalat niệu cao.
- Tuổi tác: Người cao tuổi có nguy cơ cao mắc bệnh viêm kẽ thận mạn. Nguyên nhân được cho là xơ hóa kẽ thận có thể do có tiền sử viêm thận bể thận cấp, tắc nghẽn đường tiết niệu hoặc do nhiễm độc hoặc u xơ tiền liệt tuyến, do thiếu máu thận.
- Nhiễm khuẩn ngược dòng: Xảy ra trong viêm bể thận mạn tính, lao thận, viêm thận do nấm.
- Bệnh ác tính: Bệnh bạch cầu tủy cấp, bệnh bạch cầu tủy mạn, bệnh bạch cầu lympho.
- Bệnh thận có tắc nghẽn: dị tật mắc phải hoặc bẩm sinh ở đường niệu tạo điều kiện thuận lợi cho nhiễm khuẩn ngược dòng, sỏi thận, trào ngược bàng quang- niệu quản, u xơ tuyến tiền liệt, dị tật niệu quản- bàng quang và niệu quản phì đại.
- Phản ứng miễn dịch: Đa u tủy xương, thải thận ghép, lupus ban đỏ, hội chứng Sjogren, sarcoidose, AIDS.
- Tác nhân vật lý: Gặp trong bệnh viêm thận sau chiếu xạ.
3. Triệu chứng viêm kẽ thận mạn
Ở giai đoạn đầu, bệnh viêm kẽ thận mạn gần như không xuất hiện triệu chứng. Đến giai đoạn muộn hơn, khi bệnh đã trở nặng, chức năng thận suy giảm thì các triệu chứng mới bộc lộ. Trong đó, triệu chứng phổ biến của viêm kẽ thận mạn gồm có phát ban và sốt. Ngoài ra, các triệu chứng toàn thân đi kèm như buồn nôn, suy nhược cơ thể, miệng cảm thấy như ngậm kim loại bên trong, cao huyết áp, tiểu khó, tiểu đau, nước tiểu có máu.
4. Xét nghiệm chẩn đoán viêm kẽ thận mạn
- Xét nghiệm nước tiểu: Protein niệu (dưới 2,5g/ngày) và xuất hiện bạch cầu niệu
- Sinh hóa máu: Có các chỉ số sinh hóa máu rối loạn tương tự như với bệnh suy thận mạn tính.
Ở một số người, có thể natri giảm so mất nhiều natri qua nước tiểu; nhiễm acid chuyển hóa (thận không đào thải được ion H+ hay tái hấp thu bicarbonat) kèm theo hạ kali huyết, calci niệu cao, nhuyễn xương.
5. Điều trị viêm kẽ thận mạn
Tùy theo nguyên nhân gây viêm kẽ thận mạn mà lựa chọn phương pháp điều trị thích hợp. Nếu người bệnh bị nhiễm khuẩn thì được điều trị bằng thuốc kháng sinh. Nếu có bệnh gút, sỏi niệu, u tủy thì điều trị dứt điểm những bệnh lý đó. Nếu do dùng một số loại thuốc lâu ngày gây ra tác dụng phụ thì cần ngưng sử dụng thuốc.
Bệnh nhân mắc viêm kẽ thận mạn cần tuân thủ điều trị của bác sĩ. Uống thuốc đúng giờ, thăm khám đúng hẹn để theo dõi bệnh, tuyệt đối không tự ý bỏ dùng thuốc hoặc mua thuốc về sử dụng mà không có chỉ định của bác sĩ. Nếu có bất cứ dấu hiệu bất thường nào hoặc nghi ngờ bệnh nặng hơn thì cần đi khám ngay.
Để được tư vấn và đăng ký đặt lịch khám, Quý khách hàng có thể liên hệ thống bệnh viện, phòng khám Vinmec trên toàn quốc TẠI ĐÂY.