Giãn đài bể thận ở thai nhi là dấu hiệu bất thường hay gặp nhất khi siêu âm chẩn đoán trước sinh. Đa số trường hợp giãn bể thận ở thai nhi không nguy hiểm, chỉ cần thăm khám thường xuyên để theo dõi trong suốt 40 tuần thai kỳ.
1. Giãn bể thận ở thai nhi là gì?
Giãn bể thận thai nhi hay còn gọi là thận ứ nước một hoặc hai bên, xảy ra khoảng 1% số thai nhi (thai nhi nam nhiều hơn nữ). Siêu âm đường kính trước và đường kính sau bể thận thai nhi và tùy vào tuổi thai để chẩn đoán giãn bể thận.
- Giữa 15-20 tuần: ≥ 4mm.
- Giữa 20-30 tuần: ≥ 5mm.
- Trên 30 tuần : ≥ 7mm.
Với thai trên 20 tuần, đường kính trước sau bể thận ≥ 10mm được gọi là thận ứ nước, khi đó cần khảo sát có giãn các đài thận hay không.
2. Nguyên nhân gây giãn bể thận theo tuổi thai
Giãn bể thận có thể xảy ra tại bất cứ thời điểm nào của thai kỳ. Có nhiều nguyên nhân gây giãn bể thận ở thai nhi, nhưng đa số là không có nguyên nhân cụ thể. Một số nguyên nhân thường gặp như:
- Giãn thận sinh lý: đây là tình trạng thoáng qua tại thời điểm siêu âm. Đa số các trường hợp giãn thận sinh lý phát hiện từ thời kỳ bào thai. Tình trạng giãn sẽ không tăng thêm hoặc dần cải thiện qua thời gian, có thể đến một vài năm sau khi trẻ sinh ra;
- Giãn thận do tắc nghẽn niệu quản;
- Tắc nghẽn niệu đạo;
- Thận – niệu quản đôi;
- Thận đa nang;
- Trào ngược bàng quang – niệu quản.
Trắc nghiệm: Chỉ số tiểu đường thai kỳ nguy hiểm như thế nào đối với thai nhi?
Không chỉ ảnh hưởng xấu đến sức khỏe người mẹ, tiểu đường thai kỳ còn gây nguy hại đến sự phát triển của thai nhi. Cùng làm bài trắc nghiệm sau đây để hiểu rõ hơn về sự ảnh hưởng của tiểu đường thai kỳ đối với thai nhi như thế nào nhé!Nội dung trắc nghiệm được tham vấn chuyên môn cùng Bác sĩ chuyên khoa I, Lê Hồng Liên , chuyên khoa Sản phụ khoa , Khoa Sản phụ khoa - Bệnh viện Đa khoa Quốc tế Vinmec Central Park
3. Giãn bể thận ở thai nhi có nguy hiểm không?
Giãn bể thận ở thai nhi không phải là tình trạng quá nguy hiểm. Đa số trường hợp được chẩn đoán giãn bể thận, thai phụ có thể theo dõi mỗi 2 – 4 tuần trong suốt thai kỳ để đánh giá thêm. Có khá nhiều trường hợp sau vài tuần trở lại bình thường.
Có một số trường hợp vẫn giữ nguyên mức độ và ít trường hợp diễn tiến nặng dần. Khoảng 10-60 % giãn bể thận sẽ thoái lui trong tử cung, nghĩa là vẫn có tình huống thai nhi sẽ trở về bình thường sau sinh. Nếu giãn bể thận quá nặng nề (gây thận ứ nước độ 3) có nguy cơ ảnh hưởng đến chức năng thận bên giãn. Thận còn lại vẫn hoạt động bình thường thì không ảnh hưởng đáng kể đến sức khỏe chung của bé.
4. Cách khắc phục giãn bể thận ở thai nhi
Đa số các trường hợp giãn thận nhẹ, siêu âm thai không có bất thường đều là giãn thận sinh lý và chỉ cần theo dõi sát theo lịch khám thai của bác sĩ và không cần can thiệp gì đối với bào thai. Trong trường hợp này sau sinh cần thông báo tình trạng giãn thận của bé với bác sĩ chuyên khoa, nếu cần có thể làm thêm các xét nghiệm khác: hình ảnh học hệ tiết niệu, thử máu đánh giá chức năng thận sau sinh....
Tuy nhiên, một số ít trường hợp giãn đài bể thận thai nhi là một bất thường tiết niệu nằm trong bệnh cảnh chung của bất thường về gen và nhiễm sắc thể, trong đó có hội chứng Down. Để đánh giá nguy cơ cần thông tin về tiền sử gia đình, tiền sử sản khoa, các lần siêu âm trước, kết quả siêu âm hiện tại...
Để bảo vệ sức khỏe của sản phụ và thai nhi tốt nhất trong suốt thai kỳ, bạn nên sử dụng các dịch vụ thai sản trọn gọn tại cơ sở y tế uy tín để có thể phát hiện, xử lý những bất thường có thể xảy ra trong suốt thai kỳ.