Nguyên nhân gây sốc nhiễm khuẩn

Bài viết được tư vấn chuyên môn bởi Bác sĩ chuyên khoa I Huỳnh Kim Long - Bác sĩ hồi sức cấp cứu - Khoa Hồi sức Cấp cứu - Bệnh viện Đa khoa Quốc tế Vinmec Đà Nẵng. Bác sĩ Huỳnh Kim Long có nhiều kinh nghiệm trong điều trị Hồi sức – Cấp cứu và Đột quỵ não cấp ở người lớn.

Sốc nhiễm khuẩn (hay còn gọi tên khác là sốc nhiễm trùng) là biến chứng nặng của nhiễm trùng huyết. Bệnh nhân sốc nhiễm khuẩn cần được điều trị kịp thời nếu không sẽ dẫn đến tổn thương tế bào, tổn thương đa cơ quan thậm chí có thể dẫn đến tử vong.

1. Sốc nhiễm khuẩn là gì?

Nhiễm trùng huyết (sepsis) là một bệnh nhiễm khuẩn cấp tính, do vi khuẩn xâm nhập trực tiếp vào máu hoặc từ các ổ nhiễm khuẩn ở mô và cơ quan như hô hấp, tiêu hoá, xương khớp...Theo SEPSIS-3 thì nhiễm trùng huyết được định nghĩa là tình trạng đáp ứng của cơ thể đối với nhiễm trùng bị mất kiểm soát, gây nên rối loạn chức năng của các tạng nguy hiểm đến tính mạng.

Sốc nhiễm khuẩn là sepsis có tụt huyết áp, bất thường của tế bào và chuyển hóa đe dọa nguy cơ bị tử vong, mặc dù hồi sức dịch đầy đủ, vẫn đòi hỏi thuốc co mạch để duy trì một huyết áp trung bình (MAP) ≥65 mmHg và lactate> 2 mmol/L (> 18mg/dL)


Sốc nhiễm khuẩn là nhiễm trùng huyết nặng
Sốc nhiễm khuẩn là nhiễm trùng huyết nặng

2. Nguyên nhân sốc nhiễm khuẩn

Sốc nhiễm khuẩn là một giai đoạn trong một quá trình bắt đầu từ đáp ứng viêm hệ thống do nhiễm khuẩn, nhiễm khuẩn nặng, sốc nhiễm khuẩn và suy đa tạng. Ngoài ra nguyên nhân dẫn đến sốc nhiễm khuẩn còn do nhiễm virus hoặc nấm.

Một số các loại vi khuẩn thường gây ra nhiễm khuẩn huyết như:

  • Vi khuẩn Gram (-): Vi khuẩn Gram (-) đường ruột họ Enterobacteriaceae như Salmonella, Escherichia coli, Klebsiella và các vi khuẩn Enterobacter; Pseudomonas aeruginosa; Burkholderia pseudomallei.
  • Vi khuẩn Gram (+): Streptococcus pneumoniae, Staphylococcus aureus, Streptococcus suis
  • Các vi khuẩn kỵ khí: Clostridium perfringens, Bacteroides fragilis.

Các yếu tố nguy cơ bao gồm:

  • Người già, trẻ sơ sinh, đẻ non
  • Người sử dụng thuốc ức chế miễn dịch, thuốc chống thải ghép hoặc đang điều trị hoá chất và tia x
  • Người bệnh cắt lách, nghiện rượu, có bệnh máu ác tính, giảm bạch cầu hạ
  • Người bệnh có đặt các thiết bị hoặc dụng cụ xâm nhập như đinh nội tuỷ, catheter, đặt ống nội khí quản...

Nghiện rượu cũng làm tăng nguy cơ mắc nhiễm khuẩn huyết
Nghiện rượu cũng làm tăng nguy cơ mắc nhiễm khuẩn huyết

3. Chẩn đoán xác định sốc nhiễm khuẩn

Người bệnh sẽ được chẩn đoán là sốc nhiễm khuẩn khi có các tiêu chuẩn sau:

  • Nhiễm khuẩn nặng dẫn đến rối loạn chức năng các cơ quan.
  • Tụt huyết áp : cụ thể HA tâm thu < 90mmHg, HA trung bình < 70 mmHg, HA tâm thu giảm > 40mmHg hoặc huyết áp giảm dưới 2 lần độ lệch chuẩn so với giá trị bình thường của lứa tuổi đó) và không hồi phục khi bù đủ dịch hoặc cần phải dùng thuốc vận mạch.

4. Xử trí sốc nhiễm khuẩn

Bao gồm các bước cơ bản sau:

4.1.Kiểm soát, duy trì đường thở và hô hấp

4.2. Khôi phục tuần hoàn

4.3. Sử dụng kháng sinh và kiểm soát ổ nhiễm khuẩn


Sử dụng kháng sinh để xử trí sốc nhiễm khuẩn
Sử dụng kháng sinh để xử trí sốc nhiễm khuẩn

4.4. Sử dụng Hydrocortison

Chỉ sử dụng khi sốc kém đáp ứng với vận mạch hoặc chưa cắt được vận mạch sau 48h, không dùng một cách hệ thống.

4.5. Kiểm soát đường máu

4.6. Điều trị Bicarbonate

Nếu mục tiêu là cải thiện huyết động hoặc giảm yêu cầu vận mạch ở bệnh nhân giảm tưới máu mô gây toan chuyển hoá máu lactic có ph>=7.15 thì không sử dụng liệu pháp sodium bicarbonate.

4.7. Điều trị dự phòng các biến chứng

4.8. Giải quyết nguồn nhiễm khuẩn bằng chọc, hút, dẫn lưu hoặc phẫu thuật nếu có chỉ định ( phải làm trước lọc máu liên tục)

4.9. Lọc máu liên tục

Lọc máu được thực hiện khi huyết áp tâm thu > 90 mmHg và ổ nhiễm khuẩn đã được giải quyết bằng chọc, hút, dẫn lưu hoặc phẫu thuật ngoại khoa và càng sớm càng tốt ngay sau khi có chẩn đoán sốc nhiễm khuẩn.

Để đặt lịch khám tại viện, Quý khách vui lòng bấm số HOTLINE hoặc đặt lịch trực tiếp TẠI ĐÂY. Tải và đặt lịch khám tự động trên ứng dụng MyVinmec để quản lý, theo dõi lịch và đặt hẹn mọi lúc mọi nơi ngay trên ứng dụng.

Bài viết tham khảo nguồn: Hội Tim mạch Học Việt Nam

Chia sẻ
Câu chuyện khách hàng Thông tin sức khỏe Sống khỏe