Nguyên nhân gây ra chóng mặt và buồn nôn

Bài viết của Thạc sĩ, Bác sĩ Mai Viễn Phương - Bác sĩ nội soi tiêu hóa - Khoa Khám bệnh & Nội khoa - Bệnh viện Đa khoa Quốc tế Vinmec Central Park.

Có nhiều nguyên nhân chóng mặt và buồn nôn, ví dụ như do cung lượng tim bị ảnh hưởng, hậu quả của chứng đau nửa đầu hoặc do lo lắng quá mức... Chóng mặt và nôn mửa thường sẽ biến mất mà không cần điều trị, nhưng bạn nên tìm sự chăm sóc y tế nếu nôn hoặc đi ngoài ra máu, bất tỉnh hoặc các triệu chứng không thuyên giảm trong vòng 2-3 ngày.

1. Tổng quan

Chóng mặt là một tình trạng xảy ra khi bạn cảm thấy choáng váng, yếu ớt hoặc thể chất không ổn định. Một số người có thể cảm thấy như thể căn phòng đang quay xung quanh họ.

Nôn mửa xảy ra khi các chất trong dạ dày đi lên từ dạ dày đến thực quản và ra khỏi miệng. Nôn mửa có thể dữ dội và đau đớn. Nôn mửa mãn tính có thể làm hỏng răng và lớp niêm mạc mỏng manh của thực quản và miệng, vì chất nôn có tính axit cao.

2. Nguyên nhân chóng mặt và nôn mửa?

Các nguyên nhân gây chóng mặt và buồn nôn bao gồm:

  • Cung lượng tim bị ảnh hưởng: Khi tim không hoạt động bình thường, huyết áp của bạn có thể giảm xuống. Điều này có thể dẫn đến chóng mặt và nôn mửa.
  • Sự lo lắng: Cảm giác lo lắng dữ dội có thể dẫn đến các triệu chứng thể chất, chẳng hạn như chóng mặt và nôn mửa.
  • Viêm tai trong: Tai trong có nhiệm vụ giúp duy trì sự cân bằng trong cơ thể. Viêm tai trong có thể là nguyên nhân gây ra chóng mặt buồn nôn.
  • Thuốc: Các loại thuốc an thần, hóa trị liệu, thuốc chống co giật đều có thể là nguyên nhân chóng mặt và nôn mửa.
  • Đau nửa đầu do nguyên nhân tiền đình: Chứng đau nửa đầu do tiền đình sẽ gây nên các triệu chứng chóng mặt. Trong hầu hết các trường hợp, các triệu chứng kéo dài vài phút đến vài giờ.

Các nguyên nhân phổ biến khác gây chóng mặt và buồn nôn bao gồm:

  • Mất nước, say tàu xe, say độ cao
  • Bệnh meniere, loét dạ dày và tá tràng
  • Lượng đường trong máu thấp
  • Ăn phải chất độc hoặc hít thở hóa chất độc hại
  • SARS (hội chứng hô hấp cấp tính nghiêm trọng)
  • Chứng phình động mạch chủ bụng
  • Beriberi, tụ máu ngoài màng cứng
  • Ngộ độc sau cạo râu, ngộ độc carbon monoxide
  • Động vật biển cắn hoặc đốt
  • U thần kinh âm thanh
  • Khủng hoảng addisonian (khủng hoảng thượng thận cấp tính)
  • Ngộ độc rượu isopropyl, co giật, nhiễm toan ceton do rượu
  • Chóng mặt tư thế lành tính
  • Hội chứng sốc độc, bệnh thần kinh tự trị
  • Lạc nội mạc tử cung, nôn nghén
  • Chứng sợ đám đông
  • Cảm cúm
  • Quá liều caffeine
  • Viêm dạ dày ruột do virus

Mất nước là mọt trong những nguyên nhân chóng mặt buồn nôn phổ biến
Mất nước là mọt trong những nguyên nhân chóng mặt buồn nôn phổ biến

3. Chóng mặt và nôn mửa ở trẻ em

Ở trẻ em, chóng mặt và nôn mửa có thể là dấu hiệu của:

  • Huyết áp thấp: Đặc biệt rõ ràng khi đứng dậy quá nhanh sau khi ngồi
  • Lượng đường trong máu thấp: Có thể xảy ra nếu trẻ bị tiểu đường, vận động nhiều hoặc không ăn trong vài giờ
  • Ngộ độc thực phẩm: Có thể gây nôn mửa, tiêu chảy và dẫn đến mất nước nếu trẻ không uống đủ chất lỏng
  • Mất nước: Có thể do không tiêu thụ đủ chất lỏng trong ngày

Trong những trường hợp nghiêm trọng hơn, các triệu chứng này có thể do:

  • Các vấn đề về hệ thống thần kinh trung ương, do các quá trình nội sọ hoặc sự hiện diện của quá nhiều chất lỏng trong não
  • Các vấn đề về tai trong, có thể gây mất thăng bằng, dẫn đến chóng mặt và nôn mửa
  • Bệnh tim, chẳng hạn như đau tim hoặc đột quỵ có thể là nguyên nhân chóng mặt và nôn mửa
  • Chảy máu bên trong, có thể do chấn thương cơ thể và dẫn đến chóng mặt, nôn mửa do mất máu
  • Ăn phải chất độc hoặc hít thở hóa chất độc hại
  • Rối loạn thần kinh, khớp, cơ hoặc cảm giác, có thể dẫn đến mất thăng bằng và định hướng, gây chóng mặt, nôn mửa
  • Một số loại thuốc sử dụng để điều trị rối loạn tâm thần

4. Chóng mặt và nôn mửa ở phụ nữ mang thai

  • Ốm nghén: Chóng mặt và nôn mửa có thể ảnh hưởng đến một số phụ nữ mang thai. Trong nhiều trường hợp, những triệu chứng này là kết quả của ốm nghén và không đáng lo ngại. Ốm nghén có thể xảy ra sớm nhất là ba tuần sau khi thụ thai. Đó là kết quả của việc tăng nồng độ hormone estrogen và progesterone trong cơ thể. Các hormone này khiến dạ dày trống rỗng chậm hơn.
  • Mạch máu giãn nở: Các mạch máu trong cơ thể cũng giãn ra và huyết áp giảm xuống khi mang thai, gây chóng mặt. Phụ nữ mang thai nên tránh đứng lâu và đứng dậy từ từ sau khi nằm hoặc ngồi để tránh chóng mặt. Nếu bạn cảm thấy chóng mặt khi đứng, hãy nằm nghiêng sang bên trái.
  • Mang thai ngoài tử cung: Trong một số trường hợp, chóng mặt và nôn mửa khi mang thai có thể là dấu hiệu của một vấn đề. Nếu bạn bị chóng mặt dữ dội kèm theo đau bụng hoặc chảy máu âm đạo, bạn có thể bị một tình trạng nghiêm trọng gọi là chửa ngoài tử cung. Trong trường hợp mang thai ngoài tử cung, trứng đã thụ tinh sẽ tự làm tổ ở bên ngoài tử cung. Nếu không được điều trị, tình trạng này có thể đe dọa đến tính mạng.

5. Khi nào cần tìm kiếm trợ giúp y tế?

  • Gọi cho bộ phận cấp cứu hoặc nhờ ai đó chở bạn đến bệnh viện nếu bạn nghĩ rằng mình đang bị đau tim hoặc đột quỵ.
  • Đi khám bác sĩ nếu bạn đang mang thai và những triệu chứng này ảnh hưởng đến khả năng ăn, uống hoặc ngủ của bạn.
  • Chóng mặt và nôn mửa thường sẽ biến mất mà không cần điều trị, nhưng bạn nên tìm sự chăm sóc y tế nếu bạn nôn và đi ngoài ra máu hoặc bất tỉnh.
  • Tìm kiếm sự chăm sóc y tế nếu các triệu chứng của bạn không thuyên giảm trong vòng 2-3 ngày.
  • Tìm kiếm sự chăm sóc y tế nếu các triệu chứng của bạn kèm theo sốt, thay đổi thị lực hoặc thính giác, yếu/tê/ngứa ran ở tay và chân.

Bạn nên tìm sự chăm sóc y tế nếu không rõ nguyên nhân chóng mặt và buồn nôn hoặc đi ngoài ra máu, bất tỉnh
Bạn nên tìm sự chăm sóc y tế nếu không rõ nguyên nhân chóng mặt và buồn nôn hoặc đi ngoài ra máu, bất tỉnh

6. Chẩn đoán nguyên nhân của chóng mặt và nôn mửa

Bác sĩ sẽ cố gắng xác định nguyên nhân gây chóng mặt và nôn mửa bằng cách hỏi các câu hỏi sau đây:

  • Bạn có đang dùng bất kỳ loại thuốc mới nào không?
  • Bạn đã từng trải qua những triệu chứng này chưa?
  • Các triệu chứng của bạn bắt đầu khi nào?
  • Điều gì làm cho các triệu chứng của bạn tồi tệ hơn hoặc tốt hơn?

Sau khi tìm hiểu tiền sử bệnh, bác sĩ sẽ tiến hành khám sức khỏe. Nếu bạn đang mang thai, bác sĩ sẽ tiến hành khám phụ khoa để kiểm tra hệ thống sinh sản của có vấn đề gì không.

Bác sĩ cũng có thể yêu cầu bạn làm một số xét nghiệm sau:

  • Xét nghiệm máu để kiểm tra số lượng tế bào máu và mức điện giải trong máu
  • Kiểm tra chức năng gan, để loại trừ tình trạng mất nước và nhiễm trùng
  • Phân tích nước tiểu, để kiểm tra mức độ của các hóa chất khác nhau trong nước tiểu của bạn để kiểm tra tình trạng mất nước
  • Chẩn đoán hình ảnh.

7. Điều trị chóng mặt và nôn mửa như thế nào?

Phương pháp điều trị sẽ phụ thuộc vào nguyên nhân gây ra. Đối với một số nguyên nhân ít nghiêm trọng hơn, bác sĩ có thể kê đơn thuốc chống nôn hoặc thuốc dùng để điều trị nôn mửa.

Thuốc Meclizine (Antivert) được kê đơn để điều trị chóng mặt. Loại thuốc này được sử dụng để điều trị say tàu xe, buồn nôn và chóng mặt. Nếu bạn dễ bị say tàu xe và dự định đi du lịch, bác sĩ có thể kê cho bạn miếng dán scopolamine (Transderm Scop). Phương pháp này chỉ phù hợp cho người lớn.

Nếu bạn đang dùng một loại thuốc mới, đừng ngừng sử dụng thuốc trừ khi bác sĩ chỉ định, ngay cả khi bạn nghi ngờ nó có thể liên quan đến chóng mặt và buồn nôn.

Nếu bạn bị mất nước, bác sĩ sẽ kê đơn truyền dịch. Nếu tình trạng mất nước nghiêm trọng, họ có thể sử dụng phương pháp nhỏ giọt tĩnh mạch (IV).

8. Chăm sóc tại nhà

Bạn nên nghỉ ngơi, uống đủ nước và ăn những thực phẩm không gây kích thích hoặc khó chịu cho dạ dày khi bị chóng mặt, buồn nôn. Nên ăn các loại thực phẩm sau:

  • Nước dùng
  • Bánh quy giòn
  • Bánh mì nướng khô
  • Cháo bột yến mạch
  • Bánh pudding
  • Ngũ cốc tinh chế

Tránh các tác nhân sau đây có thể làm trầm trọng thêm triệu chứng chóng mặt, buồn nôn:

  • Thức ăn và mùi nấu ăn
  • Nước hoa
  • Khói
  • Phòng ngột ngạt
  • Nhiệt độ cao
  • Đèn nhấp nháy

Nằm nghỉ ngơi khi bạn bắt đầu cảm thấy chóng mặt và buồn nôn. Sau khi các triệu chứng thuyên giảm, hãy đứng dậy từ từ để tránh làm cho các triệu chứng tồi tệ hơn.

9. Ngăn ngừa chóng mặt và nôn mửa

  • Bạn có thể ngăn ngừa chóng mặt và nôn mửa do lượng đường trong máu thấp bằng cách ăn các bữa đều đặn, tránh dùng quá nhiều insulin.
  • Nếu bạn bị say tàu xe, hãy tránh đi thuyền và luôn ngồi ở ghế trước của xe. Bạn cũng có thể sử dụng vòng đeo tay chống say tàu xe hoặc uống thuốc chống say tàu xe.
  • Tránh bất kỳ thực phẩm nào gây khó chịu cho dạ dày hoặc thực phẩm mà bạn bị dị ứng. Khi ăn nên ăn chậm và nghỉ ngơi sau khi ăn. Ăn nhiều bữa nhỏ trong ngày thay vì ba bữa lớn để giảm áp lực cho hệ tiêu hóa. Đảm bảo rằng bạn luôn đủ nước; uống ít nhất sáu đến tám cốc nước 8 ounce mỗi ngày.
  • Khi bạn cảm thấy buồn nôn, hãy tiêu thụ một lượng nhỏ chất lỏng trong, ngọt như đồ uống thể thao hoặc bia gừng. Tránh ăn thức ăn rắn khi bạn buồn nôn. Nằm xuống và nghỉ ngơi cho đến khi bạn cảm thấy tốt hơn.

Tóm lại, có nhiều nguyên nhân chóng mặt và buồn nôn, ví dụ như do cung lượng tim bị ảnh hưởng, hậu quả của chứng đau nửa đầu hoặc do lo lắng quá mức... Chóng mặt và nôn mửa thường sẽ biến mất mà không cần điều trị, nhưng bạn nên tìm sự chăm sóc y tế nếu nôn hoặc đi ngoài ra máu, bất tỉnh hoặc các triệu chứng không thuyên giảm trong vòng 2-3 ngày.

Để đặt lịch khám tại viện, Quý khách vui lòng bấm số HOTLINE hoặc đặt lịch trực tiếp TẠI ĐÂY. Tải và đặt lịch khám tự động trên ứng dụng MyVinmec để quản lý, theo dõi lịch và đặt hẹn mọi lúc mọi nơi ngay trên ứng dụng.

Tài liệu tham khảo:

  • Dizziness, vertigo, disequilibrium. (n.d.). vestibular.org/about-vestibular-disorders/causes-dizziness
  • Mayo Clinic Staff. (2015). Dizziness. mayoclinic.org/diseases-conditions/dizziness/basics/definition/con-20023004
  • Mayo Clinic Staff. (2017). First trimester pregnancy: What to expect. mayoclinic.org/healthy-lifestyle/pregnancy-week-by-week/in-depth/pregnancy/art-20047208
  • Mayo Clinic Staff. (2017). Nausea and vomiting. mayoclinic.org/symptoms/nausea/basics/definition/sym-20050736
  • Nausea & vomiting. (2013). my.clevelandclinic.org/symptoms/nausea/hic_nausea_and_vomiting.aspx
Chia sẻ
Câu chuyện khách hàng Thông tin sức khỏe Sống khỏe