Bài viết bởi Thạc sĩ, Bác sĩ Mai Viễn Phương - Khoa Khám bệnh & Nội khoa - Bệnh viện Đa khoa Quốc tế Vinmec Central Park
Ngứa ran ở tay và chân có thể do nhiều yếu tố gây nên. Để có thể tìm ra phương pháp điều trị phù hợp nhất thì phải chẩn đoán được nguyên nhân. Dưới đây là một số nguyên nhân gây ngứa ran ở tay và chân.
1. Ngứa ran ở tay và chân
Ngứa ran ở tay, chân có thể do giữ một tư thế quá lâu như việc ngồi khoanh chân,... Ngoài cảm giác ngứa ran, bạn cũng có thể cảm thấy tê, đau hoặc yếu ở xung quanh bàn tay và bàn chân.
2. Nguyên nhân gây ngứa ở tay và chân
Ngứa ran ở tay, chân có thể do nhiều nguyên nhân gây ra, dưới đây là các nguyên nhân có thể dẫn đến cảm giác ngứa ở tay hoặc chân.
Thiếu vitamin
Sự thiếu hụt vitamin có thể do không có đủ một loại vitamin cụ thể trong chế độ ăn uống của bạn hoặc do tình trạng vitamin không được hấp thụ đúng cách.
Thiếu hụt các vitamin hay không hấp thụ vitamin đúng cách có thể dẫn đến cảm giác ngứa ran ở tay và chân. Dưới đây là một số loại vitamin quan trọng đối với sức khỏe thần kinh:
- Vitamin B12
- Vitamin B6
- Vitamin B1
- Vitamin E
Dây thần kinh bị chèn ép
Dây thần kinh bị chèn ép có thể xảy ra ở nhiều vùng trên cơ thể và có thể ảnh hưởng đến bàn tay hoặc bàn chân, gây ngứa ran, tê hoặc đau.
Hội chứng ống cổ tay
Hội chứng ống cổ tay là sự chèn ép của dây thần kinh giữa khi nó đi vào tay. Dây thần kinh giữa nằm trên lòng bàn tay, cung cấp cảm giác (khả năng cảm nhận) cho ngón cái, ngón trỏ, ngón tay dài và một phần của ngón đeo nhẫn.
Suy thận
Suy thận xảy ra khi thận của bạn không còn hoạt động bình thường. Khi thận của bạn không hoạt động bình thường, chất lỏng và chất thải có thể tích tụ trong cơ thể, dẫn đến tổn thương thần kinh, qua đó có thể dẫn đến cảm giác ngứa ran ở tay và chân.
Mang thai
Cơ thể khi mang thai thường xảy ra tình trạng sưng tấy, gây áp lực lên một số dây thần kinh. Từ đó dẫn đến tình trạng ngứa ran ở tay và chân. Tuy nhiên, tình trạng này thường biến mất sau khi sinh.
Sử dụng thuốc
Sử dụng thuốc có tác dụng phụ, gây tổn thương dây thần kinh, khiến bạn có cảm giác ngứa ran ở bàn tay hoặc bàn chân, thường gặp ở các loại thuốc dùng để điều trị ung thư và HIV.
Viêm khớp dạng thấp
Viêm khớp dạng thấp hay còn gọi là viêm đa khớp dạng thấp, là một bệnh lý mạn tính do rối loạn tự miễn trong cơ thể gây nên, xảy ra khi hệ thống miễn dịch tấn công nhầm vào các mô trong chính cơ thể. Viêm khớp dạng thấp thường xảy ra ở cổ tay và bàn tay, nhưng cũng có thể ảnh hưởng đến các bộ phận khác của cơ thể, bao gồm cả mắt cá chân và bàn chân.
Bệnh đa xơ cứng
Bệnh đa xơ cứng (MS) là một bệnh tự miễn. Cảm thấy tê hoặc ngứa ran ở tay, chân và mặt là triệu chứng phổ biến của MS.
Lupus ban đỏ
Lupus ban đỏ là một bệnh tự miễn, nó có thể ảnh hưởng đến bất kỳ bộ phận nào của cơ thể, bao gồm cả hệ thần kinh. Ngứa ran ở bàn tay hoặc bàn chân có thể do các dây thần kinh gần đó bị nén do viêm hoặc sưng tấy do bệnh lupus gây ra.
Bệnh Celiac
Bệnh Celiac là một bệnh tự miễn dịch ảnh hưởng đến ruột non. Một số người bị bệnh celiac có thể có các triệu chứng của bệnh thần kinh, bao gồm ngứa ran ở bàn tay và bàn chân.
Bệnh giời leo
Bệnh zona là một chứng phát ban gây đau đớn do vi rút varicella-zoster kích hoạt lại, vi rút này nằm im lìm trong thần kinh của những người đã bị thủy đậu.
Thông thường, bệnh zona chỉ ảnh hưởng đến một phần nhỏ của một bên cơ thể, bao gồm bàn tay, cánh tay, chân và bàn chân. Bạn có thể cảm thấy ngứa ran hoặc tê ở vùng bị ảnh hưởng.
HIV hoặc AIDS
HIV là một loại virus tấn công các tế bào của hệ thống miễn dịch, làm tăng nguy cơ mắc các bệnh nhiễm trùng cũng như một số bệnh ung thư. Khi không được điều trị, nhiễm trùng có thể tiến triển đến giai đoạn cuối của nhiễm HIV, AIDS, trong đó hệ thống miễn dịch bị tổn thương nghiêm trọng.
HIV có thể ảnh hưởng đến hệ thần kinh và trong một số trường hợp, điều này có thể bao gồm các dây thần kinh của bàn tay và bàn chân, nơi có thể cảm thấy ngứa ran, tê và đau.
Bệnh phong
Bệnh phong là một bệnh nhiễm trùng do vi khuẩn có thể ảnh hưởng đến da, thần kinh và đường hô hấp. Khi hệ thần kinh bị ảnh hưởng, bạn có thể cảm thấy ngứa ran hoặc tê ở phần cơ thể bị ảnh hưởng, bao gồm cả bàn tay và bàn chân.
Suy giáp
Suy giáp là khi tuyến giáp của bạn không sản xuất đủ hormone tuyến giáp. Mặc dù không phổ biến, nhưng bệnh suy giáp nặng mà không được điều trị đôi khi có thể gây tổn thương các dây thần kinh, dẫn đến cảm giác ngứa ran hoặc tê.
U nang hoạt dịch
U nang hoạt dịch là một khối u chứa đầy chất lỏng mà thường xuyên nhất xảy ra ở các khớp, đặc biệt là cổ tay. Chúng có thể gây áp lực lên các dây thần kinh lân cận, dẫn đến cảm giác ngứa ran ở bàn tay hoặc ngón tay, mặc dù bản thân u nang không đau.
3. Chẩn đoán hiện tượng ngứa ran ở tay và chân
Bác sĩ sẽ tiến hành các phương thức chẩn đoán để tìm ra nguyên nhân gây ngứa ran ở tay và chân của bạn.
- Khám lâm sàng
- Xem xét bệnh sử của bạn, bác sĩ có thể hỏi về các triệu chứng, tình trạng hiện tại và các loại thuốc bạn đang sử dụng
- Xét nghiệm máu giúp đánh giá nồng độ vitamin hoặc hormone trong máu, chức năng cơ quan và mức độ tế bào máu của bạn.
- Các xét nghiệm hình ảnh, chẳng hạn như X-quang, MRI hoặc siêu âm.
Kiểm tra chức năng thần kinh của bạn bằng các phương pháp như kiểm tra vận tốc dẫn truyền thần kinh hoặc đo điện cơ.
4. Điều trị hiện tượng ngứa ran ở tay và chân
Tùy vào từng nguyên nhân mà sẽ có các phương pháp điều trị phù hợp cho bạn. Dưới đây là một số phương pháp điều trị:
- Xây dựng chế độ ăn uống đầy đủ
- Phẫu thuật để điều chỉnh sự chèn ép dây thần kinh hoặc cắt bỏ u nang
- Thuốc giảm đau không kê đơn (OTC) để giúp giảm đau có thể xảy ra với ngứa ran
- Thay đổi lối sống như đảm bảo chăm sóc đôi chân, ăn uống lành mạnh, tập thể dục và hạn chế uống rượu.
Để đặt lịch khám tại viện, Quý khách vui lòng bấm số HOTLINE hoặc đặt lịch trực tiếp TẠI ĐÂY. Tải và đặt lịch khám tự động trên ứng dụng MyVinmec để quản lý, theo dõi lịch và đặt hẹn mọi lúc mọi nơi ngay trên ứng dụng.
Tài liệu tham khảo:
- Cervical spondylosis. (2018).
my.clevelandclinic.org/health/diseases/17685-cervical-spondylosis - Chopra K, et al. (2012). Alcoholic neuropathy: Possible mechanisms and future treatment possibilities. DOI:
10.1111%2Fj.1365-2125.2011.04111.x